Một cuốn sách bị lãng quên

21:43 28/03/2022 - Sách báo chí
Một tập sách mỏng kẹt giữa bao cuốn dày cộp trong phòng sách gia đình gợi tôi nhớ bao kỷ niệm trong cuộc đời gắn bó với báo chí, truyền thông. Gọi là sách không hẳn chuẩn xác vì chưa đáp ứng đủ các tiêu chí về “Sách” do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc UNESCO quy định, trong đó có yêu cầu ấn phẩm phải dày ít nhất 48 trang, nhưng trang bìa được trình bày khá trang nhã: “CHẶNG ĐẦU - Bài viết về Quận 11 Thành phố Hồ Chí Minh”. Thay vì tên tác giả, bìa sách in dòng chữ “Bài của báo Nhân Dân”. Đọc đến cuối bài, trang 19, mới thấy xuất hiện hai từ Phan Quang.

Có lẽ do vậy mà trong danh mục các ấn phẩm của Phan Quang đã in và chưa  xuất bản, chưa một lần tên sách này xuất hiện, đến nỗi khi kể lại một mẩu kỷ niệm trong Hồi ký của mình Trên nẻo đường này xưa ta đã đi (Nxb. Văn học, 2019) tôi viết nhầm “Chặng đầu” thành “Chặng đường”.

Bài viết mở đầu:

“Những ai mới biết Sài Gòn của đường Tự do với những nhà hàng có gắn máy lạnh, của những đại lộ Lê Lợi, Hàm Nghi cuồn cuộn dòng xe và thác người, của những cao ốc hợm hĩnh và biệt thự trang nhã, sẽ ngỡ ngàng khi đặt chân tới những khu phố này. Đường hẽm gồ ghề và chật chội. Không có vỉa hè. Nhưng căn nhà cao thấp lộn xộn làm bằng gỗ ván xám xịt và những tấm tôn han gỉ. Bà hàng nước ngồi lên lề đường với nải chuối và dăm quả ổi. Tre nứa xếp ngổn ngang, Những đống tre tươi còn nguyên cây hoặc đã pha. Đàn ông, đàn bà và cả những em bé ngồi trước nhà hoặc ra cả đường cạm cụi đan cần xé. Có những em bé lên chín, lên mười lọt thỏm sau những chiếc giỏ lớn có thể đựng gọn một giỏ năm em. Những bác thợ đóng giày da đứng tuổi ở trần hoặc chỉ mặc manh áo lót, kính xệ xuống cuối sống mũi, lục lục gia công giày cho các doanh nghiệp (…).

“Đó là một khu phố lao động của quận 11, giống như nhiều xóm lao động khác ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định…”.

Chủ trương của ta trong Chiến dịch Mùa Xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam là Tống tiến công của Quân Giải phóng từ nhiều hướng, phối hợp nhịp nhàng với Nổi dậy của nhân dân tại chỗ. Trong lần gặp và làm việc đầu tiên với anh Sáu Dân, tức Võ Văn Kiệt, Bí thư Đảng ủy đặc biệt trong Ủy ban quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng thành phố hồi bấy giờ, tôi nêu vấn đề. Anh đáp: “Thành phố Sài Gòn có 11 quận, 60 phường, đâu đâu cũng có phong trào nhân dân nổi dậy, phối hợp với cuộc tổng tiến công của quân đội, ít hoặc nhiều. Nếu anh có ý định viết riêng về chủ đề nổi dậy của quần chúng những ngày vừa qua thì anh nên về Phú Tân Sơn, Ngã tư Bảy Hiền gặp cô Mười Trương.

Chị Mười Trương (trong bài viết gọi bí danh Sáu Thế) là Bí thư Quận ủy quận 11 hồi bấy giờ. Chị không muốn một mình tiếp phóng viên mà cho mời thêm mấy đồng chí lãnh đạo khác của Phú Tân Sơn cùng dự.

Bài “Nổi dậy ở Phú Tân Sơn” đăng báo Nhân Dân số ra ngày 12/5/1975 do đó có năm mục nhỏ với các tiêu đề: Đổi thay ở phố nghèo, Quyền làm chủ, Bộ đội và chính quyền, Chuyển từ dịch vụ sang sản xuất, Bài trừ du đảng.

Bài  báo kết thúc:

“Cũng như nhiều thành  phố khác dưới chế độ cũ và ở các nước tư bản chủ nghĩa, nạn lưu manh là một cái ung thư, cắt bỏ đi sẽ nảy sinh những tế bào hỏng khác. Chế độ mới có những tiền đề để loại trừ tận gốc tệ nạn xã hội đó, song đương nhiên không thể  làm xong trong một sớm một chiều.

Chặng đường đầu ở Quận 11 còn quá ngắn. Các đổi thay ở các phố phường tuy chưa đủ để đập vào mắt nhưng là những đợt sóng ngầm. Dưới bộ mặt chưa thay đổi nhiều, cuộc sống không còn nguyên vẹn như xưa. Chế độ mới bắt rễ chắc vào các phố nghèo. Và cái quận vốn được lập ra để án ngữ bước tiến của Quân Giải phóng đang phấn đấu để trở thành một cứ điểm tốt của chủ nghĩa xã hội”.

*

Chừng mươi, mười hai năm sau, tôi không nhớ chính xác, vào dịp trước Tết Nguyên đán âm lịch, Chính phủ triệu tập Hội nghị toàn quốc họp tại Thành phố Hồ Chí Minh, truyền đạt kế hoạch phát triển kinh tế - sản xuất vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp cuối năm. Hội nghị kết thúc vào giữa trưa. Anh Đậu Ngọc Xuân, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư lúc đó nói riêng với tôi: “Anh Sáu Khải (một thời gian sau là Thủ tướng Phan Văn Khải) có nhã ý mời một số anh em ta chiều nay ra làm việc với Quận 1, tôi dùng cơm với anh em ở đó. Anh Sáu nhờ tôi chuyển lời mời anh Phan Quang[1] cùng dự”.

Cuối buổi làm việc, lãnh đạo Quận 1 cùng mọi người dự bữa tối tại một nhà hàng phố Tự do nay đã đổi tên thành Đồng Khởi. Cùng số khách từ Hà Nội vào, có khá đông cán bộ Quận 1 và một số quận khác ở nội thành Thành phố Hồ Chí Minh. Gần cuối bữa tiệc, chợt thấy một anh người dong dỏng cao, còn khá trẻ, đến cụng ly: “Chào anh Phan Quang!”. Thấy tôi hơi lúng túng vì hình như mình chưa gặp anh bạn này lần nào, anh tươi cười: “Chắc anh Phan Quang không thể nào nhớ nổi. Có phải hồi mới giải phóng anh có về Ngã tư Bảy Hiền làm việc làm việc và viết bài về cuộc nổi dậy của nhân dân Quận Phú Tân Sơn tháng tư năm 1975 đang lên báo Đảng?”.

Tôi chưa hết ngỡ ngàng, anh nói tiếp: “Hồi ấy tôi làm việc ở Phòng Văn hóa quận. Cô Sáu[2] chỉ thị cho phòng chúng tôi cho in lại bài báo của anh, phát cho các phường và cán bộ quận là tư liệu tham khảo, bởi cán bộ quận, phường ngày một đông hơn, mà phần lớn là người từ các ngành, các nơi khác về, có mấy ai hiểu biết nhiều về những ngày vô cùng gian khó của quận này đâu”.

Tôi chưa hết ngạc nhiên, anh đã dí vào tay tôi mấy tập giấy: “Đây nè, cuốn sách của anh đây!”.

Đó là cuốn Chặng đầu, tên sách do Phòng Văn hóa quận 11 đặt, mà tôi đã nhớ nhầm là Chặng đường.

2022

Phan Quang

 


[1] Thời gian này Phan Quang là Tổng Giám đốc-Tổng biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam.

[2] “Cô Sáu Thế” là một trong nhiều bí danh của đồng chí Mười Trương, Bí thư Quận ủy quận Phú Tân Sơn năm 1975.

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top