Một chuyến đi thực tế giàu ý nghĩa
14:08 01/12/2023
- Báo chí địa phương
Mới đây, đoàn công tác của Hội Nhà báo TP. Hà Nội đã có chuyến đi thực tế tại huyện Đan Phượng. Tham gia đoàn công tác có lãnh đạo Hội Nhà báo TP, Ban Tuyên giáo Thành ủy cùng hơn 20 phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội.
Đoàn công tác của Hội Nhà báo TP. Hà Nội cùng các cơ quan báo chí của Trung ương và Hà Nội trong chuyến đi thực tế tại huyện Đan Phượng.
Cùng đi với đoàn có nhà báo Kiều Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP. Hà Nội; đồng chí Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Phòng Báo chí – Xuất bản, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Sỹ Lâm, Phó Chánh Văn phòng, Hội Nhà báo TP. Hà Nội…
Về quê hương người gái đảm
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Đức Hải, Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng cho biết, Đan Phượng là vùng đất giàu truyền thống văn hóa lịch sử, có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, nổi tiếng. Trên địa bàn huyện có 155 di tích, trong đó, nhiều di tích chứa đựng giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc như không gian văn hóa miếu Hàm Rồng, đền Văn Hiến, đình Vạn Xuân, miếu Diều… Trong đó, miếu Diều (miếu Châu Trần), xã Hồng Hà, vừa được UBND thành phố xếp hạng di tích lịch sử nghệ thuật cấp thành phố. Nơi đây có lễ hội diều sáo độc nhất vô nhị cả nước, được tổ chức vào 15 tháng Ba âm lịch hằng năm.
Đồng chí Trần Đức Hải, Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng phát biểu tại buổi làm việc với đoàn.
Ngoài ra, Đan Phượng còn có nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc như chèo Tàu (xã Tân Hội), ca trù (xã Thượng Mỗ) và đặc biệt là diều làng Bá Giang (xã Hồng Hà)… Đây là những tài nguyên quý báu để huyện thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/HU ngày 17-2-2022 của Huyện ủy Đan Phượng về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn huyện Đan Phượng, giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn năm 2045.
Diện mạo của đô thị hóa nông thôn, xanh, văn minh, văn hiến đang thành hình
Tại buổi làm việc, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng cũng thông tin khái quát về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn cũng như kết quả triển khai các chương trình công tác trọng tâm của Huyện ủy Đan Phượng.
Theo đó, định hướng của huyện Đan Phượng là phát triển theo hướng đô thị hóa nông thôn, xanh, văn minh, văn hiến, xoay quanh trục giá trị văn hóa, giữ được bản sắc văn hóa xứ Đoài của huyện, Đan Phượng có đặc thù nằm trong không gian văn hóa xứ Đoài, có hai con sông Hồng, sông Đáy, ở giữa có dòng sông Nhuệ cổ. Chính vì vậy, khi phát triển theo hướng đô thị, cần vận hành quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, đòi hỏi tư duy, tác phong, sinh hoạt, lối sống cũng phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Được biết, huyện Đan Phương được đánh giá là địa phương nổi bật nhất trong 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố về xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Chia sẻ về kết quả này, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng cho biết, từ năm 2015, Đan Phượng là huyện đầu tiên của Hà Nội được công nhận huyện nông thôn mới. Đến năm 2020, 15/15 xã của Đan Phượng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Diện mạo nông thôn mới khang trang tại xã Liên Hà (huyện Đan Phượng)_Ảnh: Khắc Hiển.
Hết năm 2022, Đan Phượng là địa phương dẫn đầu toàn TP. Hà Nội với 12/15 xã đã được UBND TP. Hà Nội công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đáng chú ý, hiện 3 xã còn lại là Liên Hồng, Hạ Mỗ, Thọ An cũng đã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu. UBND huyện đã có kết quả thẩm tra, chấm điểm. Theo đó xã Thọ An đạt 95,5 điểm; xã Hạ Mỗ đạt 97,05 điểm; xã Liên Hồng đạt 96,8 điểm. Huyện đã yêu cầu các xã hoàn thiện hồ sơ theo quy định trình huyện báo cáo thành phố xem xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Theo ông Trần Đức Hải, Đan Phượng có rất nhiều tài nguyên, nhưng huyện xác định con người là nguồn tài nguyên vô giá và quan trọng nhất. Chính vì vậy, khi xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, huyện luôn chú trọng tới đầu tư cho giáo dục. Hiện nay, huyện có 55 trường ở các cấp học thì cả 55 trường đều đã đạt chuẩn quốc gia, trong đó cấp độ 2 chiếm hơn 70%. Huyện Đan Phượng luôn quan tâm tới vấn đề công dân số, công dân toàn cầu, nên rất chú trọng vào đào tạo học ngoại ngữ trong các cấp học.
Trong xây dựng nông thôn mới của Đan Phượng có một “đặc sản”, đó là huyện tổ chức cuộc thi “Thôn, tổ dân phố sáng – xanh – sạch – đẹp”, được thực hiện trong nhiều năm trước khi có đại dịch Covid-19. Sau 20 tháng triển khai cuộc thi kể trên, khi sơ kết, không tính giá trị ngày công, chỉ thuần túy vật chất của người dân đóng góp, tham gia ước tính hơn 30 tỷ đồng. “Chủ trương đúng, chính sách đúng thì người dân sẽ chủ động tham gia để phát triển nông thôn mới”- Bí thư Huyện ủy Đan Phượng, chia sẻ.
Bí thư Huyện ủy Đan Phượng cũng thông tin thêm “Huyện Đan Phượng có hơn 35km đê, huyện tiến hành cải tạo cảnh quan, làm đẹp bộ mặt phố phường, bảo vệ môi trường. Nhưng việc cải tạo này không dùng ngân sách Nhà nước mà thực hiện theo hình thức xã hội hóa. Điều này tạo nên sản phẩm của nhân dân. Đối với huyện Đan Phượng, chúng tôi xác định phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó trọng tâm là du lịch văn hóa kết hợp trải nghiệm nông nghiệp. Đến với Đan Phượng, nhìn thấy cảnh quan sạch và đẹp, đó là yếu tố để thu hút người dân, du khách đến với địa phương”.
Nhiều tuyến đường trục chính được đầu tư hệ thống điện cao áp đô thị, có đèn chiếu sáng đồng bộ...
Cùng với việc thực hiện “Năm 2023: Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, cũng như thực hiện các chỉ thị của thành phố Hà Nội. Từ đầu năm 2023 đến nay, các cơ quan chức năng huyện Đan Phượng đã xử lý quyết liệt những vi phạm, tồn tại liên quan đến sử dụng đất nông nghiệp và hành lang đê điều trái pháp luật, với 90 trường hợp. Nói là thực hiện cưỡng chế nhưng thực chất huyện Đan Phượng hỗ trợ bà con di chuyển ra khỏi khu vực đất người dân vi phạm. Để làm được điều này, quan trọng nhất chúng tôi nhận được sự đồng thuận của nhân dân, kết hợp với tinh thần quyết tâm của cả hệ thống chính trị.
Chia sẻ về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, người đứng đầu Cấp ủy của Đan Phượng cho biết, huyện Đan Phượng đặt ra là khai thác tiềm năng, lợi thế, huy động, sử dụng tốt mọi nguồn lực, hoàn thành quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, đồng bộ, tạo bước đột phá cho phát triển. Phấn đấu xây dựng huyện Đan Phượng văn hiến, văn minh, giàu đẹp, xanh, an toàn, phát triển nhanh, bền vững và hoàn thành các tiêu chí lên quận đến năm 2025.
Những nhân tố góp nên kinh tế - xã hội của Đan Phượng chuyển mình mạnh mẽ
Chuyến đi thực tế, phóng viên các cơ quan báo chí có dịp đi qua các tuyến đường xanh, sạch của huyện Đan Phượng, các đoạn đường tuyến có hoa đã giúp Đan Phượng thêm sắc màu. Đặc biệt, qua chuyến đi thực tế, đoàn đã đi thực tế tìm hiểu công tác xây dựng Đảng, gương người tốt, việc tốt trên địa bàn xã Tân Hội; xây dựng nông thôn mới ở xã Song Phượng; mô hình sản xuất hoa lan công nghệ cao tại Hợp tác xã (HTX) lan Đan Hoài, sản xuất rau an toàn của HTX rau Cuối Quý tại xã Đan Phượng…
Trong đó, HTX Đan Hoài là một trong những mô hình trồng hoa Lan công nghệ cao đầu tiên của Hà Nội, được coi là một hình mẫu của mô hình nông nghiệp đô thị hiện đại. Qua gần 20 năm đầu tư sản xuất, hợp tác xã đã hợp tác với nhiều đơn vị khoa học hàng đầu về lĩnh vực nông nghiệp trong và ngoài nước để ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất hoa Lan Hồ Điệp.
Chị Bùi Hường Bích, Giám đốc HTX Đan Hoài giới thiệu với đoàn về các loài hoa Lan.
Theo chị Bùi Hường Bích, Giám đốc HTX Đan Hoài, hiện HTX đang sản xuất gần 100 loại Lan Hồ Điệp. Đồng thời, HTX cũng tham gia nhiều dự án với đơn vị nhà nước về nghiên cứu sản xuất, tiêu thụ hoa lan chất lượng cao, quy mô công nghiệp...
Tiếp đó, đoàn đã tới thăm mô hình sản xuất rau của HTX Rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý. Bằng kinh nghiệm hơn 16 năm tích lũy khi sang trồng rau hữu cơ tại Đài Loan (Trung Quốc) cùng với quyết tâm "dám nghĩ, dám làm", bà Đặng Thị Cuối, Giám đốc HTX Rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý đã trở thành một điểm sáng làm nông nghiệp trên quê hương Đan Phượng (Hà Nội).
Chị Đặng Thị Cuối, Giám đốc HTX Rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý trao đổi với các phóng viên (PV) về kinh nghiệm làm rau công nghệ cao.
Qua trò chuyện với PV Tạp chí Người Làm báo, Hội Nhà báo Việt Nam về gợi ý muốn đưa hạt giống rau, củ, quả ra tặng cán bộ chiến sỹ đang làm nhiệm vụ trên các điểm đảo của Quần đảo Trường Sa, Giám đốc HTX Rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý đã rất vui vẻ nhận lời và hứa sẽ gửi tặng số hạt giống trên trong dịp gần nhất.
Cũng trong chuyến đi thực tế do Hội Nhà báo TP. Hà Nội tổ chức, các phóng viên, biên tập viên đã có dịp được tham quan một số điểm di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng của huyện Đan Phượng như Miếu Hàm Rồng, Đền Văn Hiến...
Lãnh đạo huyện Đan Phượng, đoàn công tác Hội Nhà báo TP. Hà Nội và PV các cơ quan báo chí chụp ảnh lưu niệm trước tượng Thái úy Tô Hiến Thành.
Chuyến đi thực tế không chỉ giúp cho các phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí có thêm nguồn tư liệu phong phú, được cảm nhận rõ hơn các giá trị văn hóa, lịch sử cũng như tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch của huyện Đan Phượng, Hà Nội mà còn thêm gắn kết, cùng học hỏi và trao đổi nghiệp vụ nhằm nâng cao khả năng trong quá trình tác nghiệp.
Lan Chi
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Hội thảo: Nâng cao chất lượng thông tin thời sự trên báo chí địa phương (10:27 22/11/2024)
- Gặp mặt phóng viên các cơ quan báo chí thường trú tại Gia Lai (09:55 22/11/2024)
- Hợp tác phát triển du lịch Khánh Hoà, Phú Yên, Ninh Thuận (07:29 22/11/2024)
- Khai trương dự án chính quyền số thành phố Hải Phòng (03:57 22/11/2024)
- Nghệ An: Đại hội đại biểu Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ lần thứ III, nhiệm kỳ 2024 - 2029 (09:54 21/11/2024)