Mong đời sống hiện tại không còn những thảm họa hạt nhân

Lâu nay, bạn đọc vẫn biết đến Nguyễn Bích Lan với vai trò là một nhà văn, nhà dịch giả tài hoa sung sức, các tác phẩm được chị chuyển ngữ để đến với tay bạn đọc Việt Nam như Triệu phú khu ổ chuột, Phật ở tầng áp mái, Trái tim em thuộc về đất, Cọ hoang,...đều trở thành những cuốn sách mang ý nghĩa truyền cảm hứng tới đông đảo độc giả.
Nhà văn, nhà dịch giả Nguyễn Bích Lan:

Nhà văn, dịch giả Nguyễn Bích Lan tại buổi ra mắt sách “ Lời nguyện cầu từ Chernobyl”

Tiếp bước thành công đó, chị tiếp tục cho ra mắt cuốn “Lời nguyện cầu từ Chernobyl ” của nhà văn,nhà báo Svetlana Alexievich - chủ nhân Nobel văn chương năm 2015 tới bạn đọc Việt Nam vào 9/11/2016. Với sự nỗ lực, nhiệt huyết và hăng say, cẩn trọng trong từng câu chữ, Nguyễn Bích Lan lần nữa cho thấy chị là “ người nông dân chăm chỉ” trên cánh đồng chữ, vượt qua khó khăn bệnh tật để đem tới độc giả những ấn phẩm giá trị. Vào một buổi chiều đông giá lạnh, tôi đã có cơ hội hỏi thêm chị về cuốn sách đầy ám ảnh này...

PV: Là dịch giả của hơn 30 đầu sách các loại, cơ duyên nào đã đưa chị đến với “Lời nguyện cầu từ Chernobyl” ?

Nguyễn Bích Lan : Là người dịch văn học nên tôi thường theo dõi các giải thưởng văn học, sau khi bà Svetlana Alexievich được giải Nobel văn chương thì tôi để ý đến bà cũng như để ý đến các tác giả được giải Nobel. Khi thấy các tác phẩm của bà được chuyển ngữ sang tiếng Anh và có điều kiện để dịch, tôi liên hệ với đại diện của bà để dịch cuốn sách này. Nhưng cái cơ duyên đưa mình chuyển ngữ tác phẩm này là mình bị ám ảnh, xúc động ngay lập tức sau khi đọc đọc bản tiếng Anh.

PV: Lý do gì để chị mặn mà với một câu chuyện về thảm họa hạt nhân mà không phải là một câu chuyện nào khác ?

Nguyễn Bích Lan: Kể từ ngày 26/4/1986, cái tên Chernobyl đã trở thành nỗi ám ảnh lớn của nhân loại. Cũng giống như những barie cách ly khu vực nhiễm phóng  xạ được thiết lập ngay sau đó thì những nỗi bàng hoàng sợ hãi và những rào cản khác đã khiến sự thật về thảm họa hầu như đóng chặt trước thế giới bên ngoài. Nhưng điều bí ẩn cần phải được giải mã và quá khứ luôn luôn chứa đựng những bài học mà chúng ta cần tiếp thu để đi đến tương lai một cách an toàn và sáng suốt. Tôi tìm thấy điều đó khi đọc và dịch sách. Câu chuyện hạt nhân nó không phải quá xa lạ với Việt Nam nữa, nó gần lắm rồi, tôi muốn mọi người cần quan tâm đến nó hơn là mấy cô người mẫu ăn mặc hở hang nhảm nhí.

PV: Theo chị thì những cuộc phỏng vấn mà Svetlana Alexievich thực hiện với hơn 500 người Belarush liệu có đủ để làm nên một tác phẩm kinh điển về thảm họa Chernobyl hay không ?

Nguyễn Bích Lan: Tác giả là một nhà báo và là một người con của Belarush- đất nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thảm họa hạt nhân Chernobyl. Bà là một phần của Belarush, như một tế bào trong cơ thể bị tổn thương bà cảm nhận sâu sắc sự thay đổi vĩnh viễn cũng như những mất mát không thể bù đắp nổi trên quê hương mình kể từ ngày tai họa ập xuống. 500 nhân vật mà tác giả gặp gỡ và trò chuyện là những người đại diện cho hơn 300.000 quân nhân trực tiếp làm công việc khắc phục hậu quả của thảm họa.

Svetlana cho tôi thấy rằng bản thân cuộc sống có những chất liệu giàu tính văn chương, nhưng phát hiện ra chất liệu đó bằng sự tinh nhạy, chắt lọc chúng một cách khoa học hiệu quả, chia sẻ chúng với số đông một cách cuốn hút, hữu ích và nhân văn là điều chỉ có những tài năng lớn mới có thể làm được. Điều đó đã được khẳng định khi bà là chủ nhân giải Nobel văn học 2015.

PV: Tài năng của tác giả đã được khẳng định với Nobel văn học, vậy còn riêng với chị, điều gì trong cuốn sách này gây ấn tượng sâu sắc nhất ?

Nguyễn Bích Lan: Tôi đánh giá cao ý thức trách nhiệm và sự dấn thân của tác giả khi bà quyết tâm dựng lại bức tranh về thảm họa Chernobyl bằng ngôn từ. Để không chỉ chia sẻ với đồng bào mình những mất mát, những nỗi đau âm thầm mà còn gióng lên tiếng chuông cảnh báo đối với các công dân trên trái đất này, nơi mà bất kỳ phát minh kỳ diệu và vĩ đại nào của khoa học và công nghệ cũng có thể kéo theo những thảm họa vượt ngoài sức hiểu và khả năng kiểm soát của con người.

Tôi cũng cực kỳ ấn tượng với cách tác giả đặt sự trung thực và tính khách quan lên vị trí cao nhất khi xây dựng một tác phẩm phi hư cấu đầy chất liệu lịch sử nhưng không bỏ qua những gì là nền tảng tạo nên tâm hồn Nga, tính cách Nga và cao hơn nữa là tính nhân văn. Những gì được viết trong cuốn sách này trung thành một cách đáng trân trọng với lịch sử của một góc địa cầu đã bị coi là vùng đất chết, một thế giới bị cách ly ngay trong lòng thế giới này.

PV: Trong thời gian chuyển ngữ tác phẩm thì chị đã gặp phải những khó khăn gì ?

Nguyễn Bích Lan: Quá trình dịch sách thì tôi thấy khá thuận lợi.Tác giả có cảm tình với Việt Nam, có thể bà đã nhìn thấy những khả năng là Việt Nam của chúng ta sẽ có nguy cơ bị phơi nhiễm bởi điện hạt nhân. Nên bà tạo thuận lợi đáng kể cho quá trình giao dịch bản quyền.

Tuy nhiên, mọi người đều biết rằng Svetlana đánh giá cao cảm xúc lọt qua các dữ liệu, chúng ta biết về Chernobyl thì thường qua các dữ liệu lịch sử nhưng bà đặt vị trí cao hơn nữa là cái dòng cảm xúc nó lọt qua các dữ liệu khi nhân chứng kể lại, nếu bạn là một người dịch thì bạn sẽ biết là chuyển tải cảm xúc là một dòng sông ở bên dưới mặt chữ và muốn chuyển được những dòng cảm xúc đó thì phải cảm nhận được, phải đặt mình vào vị trí của người dân Belarush, lo nỗi lo của họ, đau nỗi đau của họ sau đó thì tìm những con chữ Tiếng Việt của mình để chuyển sang làm cho độc giả của mình cũng cảm nhận được cảm xúc tương ứng gần gần như thế. Chứ còn muốn nói toàn bộ cảm xúc tôi có thể chuyển được hết thì là quá tự tin và ảo tưởng trong cái nghề dịch.

PV: Để dịch thành công cuốn sách này thì không chỉ giỏi tiếng Anh, chị phải tìm hiểu những lĩnh vực nào trong quá trình dịch ?

Nguyễn Bích Lan: Nó là một quá trình học tập từ nhỏ. Tôi đọc sách từ lúc 5 tuổi và từ những cuốn sách kinh điển của thế giới tôi cũng tích lũy được rất nhiều kiến thức để phục vụ cho quá trình dịch. Nếu như nói về cần bao nhiêu bằng cấp để dịch thành công một tác phẩm, nhất là các tác phẩm văn học lớn thì có lẽ phải liệt kê chục cái bằng lớn nhỏ nhưng một người dịch thì tiếng Anh chỉ chiếm một phần trong tổng số mười phần, phải hiểu biết về văn hóa, sự nhạy cảm về ngôn ngữ  và đặc biệt là phải giỏi tiếng Việt.

PV: Chị muốn gửi gắm thông điệp gì đến với độc giả qua tác phẩm “Lời nguyện cầu từ Chernobyl” ?

Nguyễn Bích Lan: Thông điệp thì nếu bạn đọc cuốn sách này tác giả để cho các nhân chứng tự kể câu chuyện của mình và vai trò của bà chỉ có mấy dòng cuối của cuốn sách. Và tôi cũng thế, cái thông điệp mà tôi muốn gửi đến độc giả là tôi đã dịch cuốn sách này và thông điệp hoàn toàn chứa trong nội dung đó rồi, tôi muốn vai trò của mình đặt đằng sau.

PV: Hơi ngoài lề một chút, theo chị Việt Nam có nên tiếp tục xây nhà máy điện hạt nhân hay không sau khi nhiều thảm họa hạt nhân đã xảy ra ?

Nguyễn Bích Lan: Bạn có thể thấy là nước Đức, một nước hoàn toàn có thể làm chủ được công nghệ và có cả tài chính, có chuyên gia của chính họ chứ không phải như Việt Nam là sẽ phải đi học và thuê chuyên gia. Sau khi sự cố nhà máy điện hạt nhân do sóng thần ở Nhật bản thì họ đã quyết định dừng lại hết để chuyển sang công nghệ sạch.

Thực ra, nhìn xa rộng ra một chút, rộng đủ để cần thiết phải rộng là phải tiến đến sản xuất,sử dụng những năng lượng môi trường tự nhiên, hòa hợp với thiên nhiên chứ không phải hại thiên nhiên. Ví dụ như năng lượng gió, bây giờ chúng ta rất có tiềm năng. Tôi đã từng nghe một chuyên gia phân tích rằng năng lượng gió làm xây dựng thì chi phí của nó rẻ hơn rất nhiều so với chi phí điện hạt nhân mà nguy cơ của nó thì không có rò rỉ phóng xạ, năng lượng an toàn. 

PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của chị, chúc chị sức khỏe và có thêm nhiều tác phẩm hay đến tay độc giả !

Trương Mỹ Dung

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top