Mọi chính sách đều hướng đến người dân và doanh nghiệp
15:37 22/12/2022
- Kinh tế
Qua gần 2 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW 3/6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Kinh tế tư nhân đã có sự phát triển nhanh chóng và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế, nhất là góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thương mại đầu tư, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện an sinh xã hội. Đóng góp vào sự thành công đó, có vai trò to lớn của cộng đồng Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội.
Cộng đồng Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội:
Từ nghị quyết đến hành động
Việt Nam với những quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà hoàn thành mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng XIII. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai quyết liệt, tích cực các nhiệm vụ, giải pháp về phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo; chính sách tiền tệ, tài khóa được điều hành chủ động, linh hoạt và hiệu quả. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện tích cực, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Theo số liệu thống kê doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) hiện chiếm 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp tới 45% vào GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu lao động. DNNVV ngày càng hiệu quả trong việc huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển và đóng góp vào ngân sách nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia, tạo sự năng động và cạnh tranh cho nền kinh tế. Trong 10 tháng của năm 2022 có nhiều dấu hiệu tích cực với gần 178,5 nghìn doanh nghiệp trở lại hoạt động, cho thấy khả năng khôi phục 3 của các doanh nghiệp sau dịch bệnh ngày càng cải thiện rõ rệt là những tín hiệu tích cực về triển vọng phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa nhận Cờ thi đua khen thưởng của UBND TP. Hà Nội_ Ảnh: TL.
Mặc dù số lượng DNNVV đông đảo, song quy mô doanh nghiệp (DN) nhỏ và siêu nhỏ chiếm tỷ lệ rất lớn, số DN quy mô vừa chỉ chiếm 1,6% tổng số DNNVV. Chính bởi quy mô nhỏ, nên hoạt động của khu vực DN này đang gặp khá nhiều khó khăn, khả năng tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư vào máy móc, công nghệ hiện đại, phục vụ cho sản xuất, kinh doanh; thiếu kinh nghiệm quản trị điều hành DN; khả năng cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường ngay trên thị trường nội địa... Trong thời gian tới, rất cần có những giải pháp hữu hiệu để khu vực DN này, tuy rất năng động, nhưng cũng dễ tổn thương có sự phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh mới.
Hằng năm, Chính phủ đã ban hành kịp thời các nghị quyết để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn mà các DNNVV đặt ra... Việc triển khai thực hiện các nghị quyết này đã hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi kinh tế, đã làm đơn giản hóa và giảm bớt điều kiện kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch cho mọi thành phần kinh tế, trợ giúp phát triển DNNVV. Nhiều chính sách được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới đã hướng đến mục tiêu mở rộng các quyền và nghĩa vụ của các đối tượng kinh tế tư nhân liên quan đến đất đai, tạo môi trường thuận lợi để DN, nhà đầu tư mở rộng quy mô đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Trong những năm vừa qua, nhờ có việc ban hành hàng loạt cơ chế, chính sách và triển khai nhiều giải pháp tích cực, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có sự chuyển biến tích cực; khơi dậy tinh thần doanh nhân và sự đăng ký quay trở lại hoạt động mạnh mẽ của các DNNVV. Số lượng DN thành lập mới và số lượng DN tạm ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động tăng lên, hiện nay tổng số DN cả nước hơn 900 ngàn doanh nghiệp.
Cúp Thăng Long tại lễ tôn vinh "Doanh nhân, doanh nghiệp Thăng Long 2022"_Ảnh: TL.
Trong một vài năm gần đây, xu hướng phát triển các mô hình kinh doanh khởi nghiệp sáng tạo (startup) diễn ra sôi động, tập trung vào một số lĩnh vực như: xây dựng, chế biến, chế tạo, công nghiệp ô tô, vận tải hàng không, tài chính, ngân hàng. Hiện nay, có hơn 3.000 công ty khởi nghiệp sáng tạo đang hoạt động, trong đó có nhiều DNNVV thành công. Cùng với sự bùng nổ về số lượng, DNNVV đã góp phần quan trọng trong chuyển dịch về cơ cấu ngành nghề thông qua tạo việc làm, thu hút lao động từ lĩnh vực nông nghiệp, tham gia đầu tư vào các thị trường ngách, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Bình quân mỗi năm, khối DNNVV thu hút nhiều lao động nhất với 3,69 triệu lao động (chiếm 60,9% tổng lao động toàn bộ khu vực DN trong nền kinh tế).
Khu vực DNNVV đã thể hiện vai trò và những đóng góp quan trọng thúc đẩy sự chuyển mình và cất cánh của nền kinh tế. Khu vực kinh tế tư nhân (trong đó DNNVV là bộ phận quan trọng) đóng góp khoảng 50% GDP, trên 45% thu ngân sách nhà nước, 45% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội. Những tín hiệu này phản ánh sự lớn mạnh về quy mô, số lượng chủ thể và sự cải thiện về hiệu quả của kinh tế tư nhân tốc độ tăng năng suất lao động (NSLĐ) của khu vực này tương đối ổn định. Mặc dù những năm gần đây, tốc độ tăng NSLĐ của cả nước liên tục có những biến động thì tốc độ tăng NSLĐ của khu vực kinh tế tư nhân, trong đó chủ yếu là DNNVV vẫn ổn định hơn so với các khu vực kinh tế nhà nước và khu vực FDI, xung quanh mức 4,8%-5,8% .
Đối với thành viên Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, được thụ hưởng từ chính sách phát triển doanh nghiệp của Chính phủ và sự nỗ lực phấn đấu vươn lên không ngừng nghỉ của tập thể lãnh đạo DN. Đã có nhiều doanh nghiệp trưởng thành và phát triển vượt trội trong giai đoạn vừa quâ như : Cty cổ phần tập Đoàn Sunhouse, Tổng Công ty May 10, Công ty T&T, Công ty Minh Tiến, Công ty Phú Mỹ, Công ty Geleximco, Công ty CP tập đoàn Văn phú invert, Công ty Tân Á, Công ty MISA, Công ty Stavial… từ những doanh nghiệp vừa nay trở thành tập đoàn loan mạnh doanh thu hàng ngàn tỷ đồng.
Hoạt động sản xuất của Công ty cổ phần Stavian hoá chất _ Ảnh: TL.
Tuy đạt được nhiều thành tựu, nhưng khối DNVV vẫn còn nhiều những bất cấp khó khăn. Mặc dù các năm gần đây, số lượng DNNVV thành lập mới nhiều, nhưng cũng có một bộ phận không nhỏ DN không có khả năng tồn tại, đứng vững trong cạnh tranh hoặc hoạt động kém hiệu quả. Hiện nay, các DNNVV vẫn rất khó tiếp cận các nguồn lực của xã hội để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh như: việc tuyển dụng lực lượng lao động có trình độ tay nghề cao, về tiếp cận đất đai, về vốn tín dụng từ các ngân hàng, nguồn vốn từ các quỹ, về ứng dụng khoa học và công nghệ...
Cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội hoạt động xã hội vì cộng đồng_Ảnh: TL.
Giải pháp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh mới
Thứ nhất, hoàn thiện thể chế, chính sách, hệ thống pháp luật về kinh doanh minh bạch, công bằng, lành mạnh nhằm mục đích tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh cho DN, tạo thuận lợi tối đa cho các DN khi tham gia vào thị trường trong nước và ngoài nước. Ban hành hệ thống chính sách đồng bộ, ổn định lâu dài đối với hoạt động của khu vực DNNVV. Phát triển đa dạng các thị trường tài chính và thị trường chứng khoán để hỗ trợ cho DN huy động vốn trên thị trường chứng khoán, vay vốn trên thị trường trái phiếu DN. Đồng thời, hỗ trợ DNNVV bằng cách giải đáp các vấn đề vướng mắc về luật pháp, đăng ký kinh doanh; cũng có thể mở thêm hoạt động tư vấn kinh doanh cho DN hoặc thành lập riêng một cơ quan chuyên trách giúp cho sự phát triển của DNNVV tại Việt Nam.
Thứ hai, tiếp tục thực hiện các cơ chế chính sách của Chính phủ trong việc cải cách các mức thuế quan, cắt giảm các thủ tục đăng ký DN cùng với các “chi phí không chính thức”. Các bộ, ngành cần giảm bớt các cuộc thanh tra, kiểm tra không cần thiết với DNNVV, nhất là phải quyết liệt trong công tác xóa bỏ tệ nạn tham nhũng, nhũng nhiễu DN. Có cơ chế cắt giảm thuế thu nhập DN để hỗ trợ DNNVV giải quyết bài toán tạo việc làm cho xã hội, với quy định cụ thể về sử dụng phần ưu đãi thuế thu nhập DN đó để tái đầu tư, tạo công ăn việc làm mới. Hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các DNNVV được tiếp cận các nguồn lực (đất đai, tài chính, lao động, khoa học công nghệ…). Xây dựng và phát triển hạ tầng thông tin dữ liệu cùng ngành hàng về thị trường vốn, thị trường lao động, thị trường khoa học công nghệ…
Thứ ba, phát huy vai trò của xã hội, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp thúc đẩy sự phát triển của DNNVV, nâng cao ý thức của cộng đồng xã hội đối với sự phát triển của DNNVV tại Việt Nam. Theo đó, cần nâng cao vai trò, năng lực của các Hiệp hội nhằm hỗ trợ DNNVV và tăng cường chức năng tham vấn và phản biện xã hội.
Thứ tư, bản thân mỗi DNNVV phải nêu cao ý thức vươn lên, phát huy lợi thế, nâng cao sức cạnh tranh của mình. DNNVV Việt Nam có nhiều lợi thế về kinh doanh, phạm vi thị trường, khách hàng để tham gia vào hoạt động thương mại trong nước, khu vực và quốc tế. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam là thành viên của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) thì việc tận dụng những lợi thế vốn có của DNNVV sẽ thúc đẩy sự phát triển lớn mạnh về kinh tế đất nước trong khu vực Đông Nam Á.
Thứ năm, trong bối cảnh mở cửa và hội nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam đã ký kết hàng loạt các FTA thế hệ mới, để nâng cao năng lực cạnh tranh, DNNVV cần biết tận dụng tối đa những tiềm lực về vốn, nhân lực, thị trường, văn hóa, kinh nghiệm kinh doanh của các DN... Đây chính là sự tự thân vận động quan trọng của mỗi DNNVV trong kế hoạch thực hiện các chiến lược, mục tiêu kinh doanh của mình cùng với các đối thủ nặng ký trên thị trường.
Trong những năm gần đây, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế đã có tác động không nhỏ đến sự phát triển kinh tế của Việt Nam, trong đó có cộng đồng DN. Điều này khiến DNNVV phải đối mặt với sự khác biệt về nhiều khía cạnh liên quan đến hoạt động kinh doanh, thương mại như tư duy kinh doanh, nhận thức, niềm tin, tâm lý khách hàng, văn hóa ứng xử... Do vậy, mỗi DNNVV cần sử dụng có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng xã hội và của chính bản thân các DNNVV để phát triển bền vững và thích ứng với yêu cầu của bối cảnh mới.
Để doanh nghiệp có cơ hội phát triển cần tháo gỡ những khó khăn.
Qua kết quả khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, trong đó các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ, thành phố tiếp tục có các giải pháp tập trung vào 06 nhóm vấn đề chính, cụ thể:
Thứ nhất, đề nghị miễn, giảm tiền thuê đất năm 2023, để duy trì hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Có giá cho thuê ưu đãi đối với các doanh nghiệp làng nghề để thu hút các doanh nghiệp này sản xuất tại các cụm công nghiệp.
Thứ hai, doanh nghiệp đề nghị tiếp tục giảm thuế TNDN phải nộp năm 2022 để duy trì hoạt động kinh doanh.
Thứ ba, chi phí logistics ảnh hưởng khá lớn đến hoạt động xuất, nhập khẩu, đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát các mắt xích logistics và có giải pháp ổn định chi phí này.
Thứ tư, đề nghị Chính phủ ban hành chính sách có tính chất dài hơi để hỗ trợ doanh nghiệp như giảm, giãn, gia hạn thuế, giảm lãi suất, giảm các chi phí sản xuất, kinh doanh; các chính sách phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy kết nối doanh nghiệp, hình thành các chuỗi liên kết, đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số.
Mọi chính sách đều hướng đến người dân, doanh nghiệp
Với tinh thần và hành động, Thành phố đồng hành cùng doanh nghiệp, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm để phục vụ, Thành phố tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, sau đây chúng tôi xin đề xuất 06 vấn đề:
Thứ nhất, tiếp tục chủ động tổ chức các chương trình hội nghị đối thoại , cafe Doanh nhân, tổ chức khảo sát, nắm bắt, ghi nhận, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc và đề xuất của doanh nghiệp với nhiều hình thức phù hợp (theo các nhóm chuyên đề) để kịp thời giải quyết và báo cáo, đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đánh giá thực chất kết quả xử lý các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các kế hoạch, chương trình công tác về hỗ trợ doanh nghiệp năm 2023 và giai đoạn đến năm 2025. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp về thủ tục, chú trọng các dự án đầu tư lớn nguồn vốn cả trong và ngoài ngân sách.
Thứ ba, tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới và tích hợp các dịch vụ tiện ích trong quy trình thực hiện các thủ tục hành chính về đăng ký kinh doanh nhằm giúp doanh nghiệp giảm bớt thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp.
Thứ tư, các sở, ngành TP. Hà Nội triển khai đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ của đề án, chương trình, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực sở, ngành quản lý.
Thứ năm, nghiên cứu, tiếp tục đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép DN giãn, hoãn, giảm thực hiện nghĩa vụ thuế hoặc cho phép chậm nộp các loại thuế (thuế TNDN, thuế nhập khẩu) cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu. Tăng cường xúc tiến thương mại, hội chợ ảo trên nền tảng trực tuyến và trực tiếp, có giải pháp mở rộng thị trường, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, kết nối bên mua bên bán, đẩy mạnh xuất khẩu.
Thứ sáu, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm các chi phí mặt hàng thiết yếu như: điện, nước, xăng dầu…. thu hút đầu tư; đẩy nhanh giải ngân, nhất là vốn đầu tư công; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp; điều hành thu, chi ngân sách hiệu quả. Phân bổ và đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn cho vay, giải quyết việc làm phục vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân và cho vay giải quyết việc làm đối với người nghèo và các đối tượng chính sách; đôn đốc quyết liệt tiến độ các công trình trọng điểm, các công trình thiết yếu; tập trung tháo gỡ khó khăn tối đa cho các dự án ODA, dự án vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư ngoài ngân sách nhằm đẩy mạnh kích cầu đầu tư; tiếp tục cơ cấu giảm tỷ trọng chi thường xuyên dành nguồn chi đầu tư phát triển.
TS Mạc Quốc Anh
Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và vừa TP.Hà Nội.
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- BIDV và VRG hợp tác toàn diện giai đoạn 2024 - 2029 (12:25 20/11/2024)
- VPBank trở thành nhà tài trợ chính thức đêm hoà nhạc “The Vienna Concert” (01:48 19/11/2024)
- VietinBank giành cú đúp giải thưởng về Báo cáo thường niên (10:23 19/11/2024)
- VPBank được vinh danh trong nhóm 10 doanh nghiệp quản trị tốt nhất (02:48 18/11/2024)
- BIZ MBBank tài trợ 100% phí thành lập doanh nghiệp, vững bước đồng hành cùng SME (01:33 18/11/2024)