Miền Tây điêu đứng vì không có lũ
16:55 19/09/2016
- Báo chí & Công chúng
Năm thứ ba liên tiếp lũ nhỏ hoặc lũ không về ĐBSCL. Không chỉ một bộ phận người dân khó khăn, mất kế sinh nhai, mà nhiều ngành nghề cũng bị ảnh hưởng nặng nề...
Người làm của ông Lê Văn Thông bán cá cho thương lái cho biết: “Những năm trước cá linh chạy, cứ kéo đáy lên rồi thả xuống cũng được vài trăm ký. Năm nay đợi cả hơn 30 phút mới được một thùng cá (khoảng 20kg) như vậy” - Ảnh: THANH TÚ
Kỳ 1: Môi trường biến đổi, người mất kế sinh nhai
Biến đổi khí hậu, nhiều thủy điện trên thượng nguồn và thực tế lũ không về đang ngày càng tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội toàn khu vực ĐBSCL.
Cá không về, người dân thụt lưỡi...
Ngồi trên miệng đáy ngay ngã ba sông Sở Thượng, nơi giáp ranh với ấp 1, xã Thường Thới Hậu B, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, Việt kiều Campuchia Lê Văn Thông (64 tuổi, ba đời đóng đáy) than: “Năm nay tiếp tục lũ không về, cá không về, bà con đồng bằng không có cá ăn, người dân thụt lưỡi”...
Cùng thời điểm này của năm trước, dù lũ nhỏ nhưng ông Thông cũng thu hơn 400 triệu đồng từ miệng đáy của mình, còn năm nay ông mới đánh bắt được khoảng 2 tấn cá tạp nham, bán được khoảng 30 triệu đồng.
Nguồn cá tự nhiên trong mùa lũ giảm, ngoài việc ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân đánh bắt còn kéo theo sự thiếu hụt nguồn cá tạp (cá mồi) cung cấp cho nuôi thủy sản của cả khu vực.
Theo anh Nguyễn Văn Thống (ấp 2, xã Thường Thới Hậu B), trong những năm trước đến thời điểm này anh đã mua và bán được 5-7 chuyến (mỗi chuyến 1,5-1,6 tấn cá). Nếu cá chết, anh Thống đem bán cho các chủ ao nuôi cá tra cũng kiếm được đồng lời. Nhưng năm nay anh mới mua được khoảng 3,8 tấn cá linh và cá tạp. “Cá cho người ăn còn không có, nói chi cung cấp cho nuôi trồng thủy sản” - anh Thống nói.
Ngược lên vùng đầu nguồn sông Hậu miệt An Giang, tình hình đánh bắt thủy sản của người dân nơi đây cũng không khả quan hơn. Ông Hai Minh - từng là chủ đáy có tiếng ở khu vực Mương Vú, vùng giáp ranh của xã Khánh An, huyện An Phú (An Giang) - kể trước đây có vụ ông trúng hơn 300 tấn cá.
Tiền vô, hễ có thuyền bán bún, nước giải khát nào chạy ngang, ông kêu lại rồi mua nguyên thuyền để những người phụ việc ăn uống thoải mái. Năm nay, ông Hai Minh đành gom mấy miệng đáy lên nhà cất rồi đi làm thuê bên Campuchia.
Nhân công làm thuê trên miệng đáy của ông Lê Văn Thông mòn mỏi ngồi chờ cá linh về - Ảnh: T. Tú
Số miệng đáy ở vùng đầu nguồn sông Hậu cứ giảm dần theo sự cạn kiệt của con nước, nguồn cá.
Theo ông Trương Chí Thông - Phó Phòng NN&PTNT huyện An Phú, năm ngoái tuy lũ nhỏ nhưng cũng có 49 giang đáy hoạt động (so với con số trên trăm miệng đáy thời “hoàng kim”). Nhưng tới thời điểm này mực nước thấp, ai cũng sợ lỗ nên không dám bỏ thầu khai thác cá.
Ông Phạm Văn Nê (Bảy Nê, 64 tuổi) ở ấp Mỹ Thuận, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới (An Giang) như bao người dân nghèo ĐBSCL sống bằng nghề câu, lưới, đang mong ngóng lũ từng ngày, nhưng ông than: “Năm nay đã qua rằm tháng 8 (âm lịch) nhưng nước vẫn chưa ngập đồng thì cá ở đâu ra mà bắt”.
Ngót 50 năm qua nghề câu lưới đã nuôi sống gia đình, còn năm nay chiếc xuồng câu của ông Bảy Nê vẫn nằm im lìm dưới gốc cây... Để có đồng ra đồng vô, vợ chồng ông đi dọn dẹp cho các lò gạch với tiền công 130.000 đồng/ngày. Hai người con của vợ chồng ông đã rời quê lên TP.HCM tìm đường mưu sinh.
“Mấy chục năm qua, đây là lần đầu tiên tui phải cất xuồng, gác lưới nằm nhà” - ông Bảy Nê than.
Nhiều hệ lụy khi không có lũ
Lũ chưa về, những cánh đồng đói nước, trơ gốc rạ. Theo ông Trương Chí Thông, do lũ chập chờn nên khoảng 9.000ha đất sản xuất nông nghiệp ở bờ đông sông Hậu (huyện An Phú) rơi vào tình trạng bỏ không.
Bà con nông dân đã cày ải, vệ sinh đồng ruộng nhưng không dám xuống giống vụ thu đông. Nhiều hộ dân canh tác lúa mùa nổi ở vùng trũng Tri Tôn, Chợ Mới (An Giang), Tân Long (Đồng Tháp) cũng lần đầu tiên trong nhiều năm rơi vào cảnh điêu đứng do nước không ngập chân ruộng.
Tại thị xã Cao Lãnh (Đồng Tháp), nhiều nông dân nuôi tôm càng xanh mùa nước nổi cũng đang ngóng lũ từng ngày.
Theo Phòng kinh tế hạ tầng thị xã vùng biên này, năm nay địa phương dự tính phát triển khoảng 130ha tôm càng xanh chân ruộng tại các vùng trũng thấp. Tuy nhiên, kế hoạch trên có nguy cơ phá sản do lũ thấp, nước không đủ ngập cho tôm phát triển.
Năm ngoái, ông Hai Tâm - nông dân xã Bình Thạnh, thị xã Cao Lãnh - thả nuôi hơn nửa triệu con giống trên diện tích chân ruộng hơn 7 công (7.000m2) nhưng do lũ thấp, thời gian nước ngập ruộng duy trì chỉ hơn tháng nên tôm bị hạn chế nguồn thức ăn, phải thu hoạch sớm, lời có vài triệu đồng.
Theo TS Hồ Văn Chiến - nguyên giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, lũ lớn ngoài việc cung ứng một lượng lớn phù sa giúp cây lúa phát triển tốt thì trong phù sa có nhiều vi sinh vật có ích. Sau khi lũ rút, vi sinh vật trong phù sa sẽ phân hủy các chất hữu cơ rất nhanh, giúp cây lúa và các loại hoa màu khác phát triển khỏe.
Còn những năm lũ nhỏ, phù sa kém, người dân có tâm lý bón phân nhiều, đặc biệt là urê, nên chi phí cao. Việc bón phân nhiều trong khi vi sinh vật trong đất ít, ông Chiến cho rằng sẽ khiến cây lúa dễ bị nhiễm bệnh như đạo ôn, sâu cuốn lá dẫn đến chi phí tăng, năng suất thấp.
Ông Nguyễn Văn Hồng - nông dân ở xã Tân Công Chí, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) - hoạch toán: năm nào lũ nhỏ, nông dân phải chi thêm tiền xới - trục khoảng 1,4 triệu đồng/ha, xịt thuốc diệt cỏ tốn khoảng 730.000 đồng/ha, tiền bả mồi diệt ốc bươu vàng 250.000 đồng/ha, phân bón, thuốc trừ sâu tăng...
Cộng chung lại, chi phí tăng 3-5 triệu đồng/ha/vụ. Như vậy nếu tính diện tích lúa khu vực ĐBSCL khoảng 1,8 triệu ha thì ít nhất một vụ lúa bà con nông dân toàn khu vực cũng tiêu tốn thêm khoảng 5.400 tỉ đồng.
TS Hồ Văn Chiến cảnh báo thêm: lũ nhỏ sẽ phát sinh nhiều cỏ dại, việc làm đất cập rập để gieo sạ sẽ khiến cây lúa dễ bị ngộ độc hữu cơ. Lũ nhỏ, nước không lên khiến ốc bươu vàng không thoát ra được sẽ gây hại lớn cho cây lúa.
Cộng tất cả các khoản chi phí phát sinh và những thiệt hại do các tác nhân như sâu bệnh, cỏ dại, ốc bươu vàng... sẽ thấy rằng lũ nhỏ đồng nghĩa với chi phí sản suất cao, trong khi năng suất thấp và thiệt hại lớn trong sản xuất lúa.
(còn tiếp)
Mực nước thấp kỷ lục Cụ thể trên sông Tiền tại Tân Châu, mực nước đo được ngày 13-9 là 2,18m, thấp hơn đỉnh lũ năm 2000 đến 2,66m. Trên sông Hậu tại Châu Đốc, mực nước đang là 1,81m, thấp hơn đỉnh lũ năm 2000 đến 2,76m. Gay gắt hơn, tại Xuân Tô - biên giới tiếp giáp với Campuchia, mực nước đo được giữa tháng 9 chỉ 0,82m, thấp hơn mực nước cùng kỳ năm 2015 là 0,27m, thấp hơn năm 2000 đến 3,48m. Theo Đài khí tượng thủy văn An Giang, trong các tháng còn lại của năm 2016 sẽ có các đợt nước lên trên sông Cửu Long. Dự báo có thể đỉnh lũ năm 2016 trên sông Tiền tại Tân Châu và sông Hậu tại Châu Đốc có khả năng xuất hiện vào nửa đầu tháng 10, cao hơn năm 2015 nhưng vẫn thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm. |
Nguồn: Báo Tuổi trẻ
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Hoa hậu Môi trường thế giới năm 2023 Nguyễn Thanh Hà: Môi trường chỉ có thể tốt hơn nếu lối sống của chúng ta thay đổi (08:18 09/11/2024)
- Hội đồng nữ doanh nhân Việt Nam - ASEAN báo công dâng Bác (03:43 22/10/2024)
- Báo chí kiến tạo, phát triển để hội nhập với nền báo chí hiện đại trên thế giới (02:21 27/08/2024)
- Ngành Thông tin và Truyền thông quyết liệt thực hiện chuyển đổi số quốc gia (03:02 30/07/2024)
- Thành phố Hồ Chí Minh: Trao giải và triển lãm ảnh “Khoảnh khắc tươi đẹp quanh ta” (09:18 29/06/2024)