Mạng xã hội - xu hướng mới trong truyền thông chính trị
21:40 02/11/2016
- Báo chí & Công chúng
Việc sử dụng mạng xã hội trong tranh cử Tổng thống Mỹ
đã trở thành một xu thế áp đảo và được đánh giá là một xu
hướng truyền thông mới đầy tinh tế mang lại hiệu quả
thông tin cao.
Những con số biết nói
Nghiên cứu mới công bố của Trung tâm nghiên cứu Pew, có trụ sở ở Hoa Kỳ cho thấy một xu hướng đáng chú ý là cử tri đang ngày càng quan tâm tới việc tìm kiếm các thông tin bầu cử Tổng thống Mỹ từ mạng xã hội hơn bao giờ hết.
Theo nghiên cứu, có tới 87% công chúng Mỹ sử dụng Internet. Trong số đó, có hơn 70% số người sử dụng Facebook. Tuy chỉ có khoảng 20% trong số họ sử dụng Twitter, nhưng phần lớn nhà báo, các nhà bình luận chính trị lại sử dụng công cụ này. Vì thế, Twitter được đánh giá là có ảnh hưởng rất lớn tới việc đưa thông tin và cách thức công chúng tiếp cận thông tin tại Mỹ.
Đến tháng 7/2016, 24% số người được hỏi cho biết họ thường xuyên theo dõi trang thông tin của hai ứng cử viên Donald Trump và Hillary Clinton trên mạng xã hội để tìm thông tin về cuộc bầu cử. Con số này cao hơn rất nhiều tỷ lệ 15% số người vào các website của các ứng cử viên hoặc đọc email để tìm thông tin.
Cũng trong một kết quả điều tra xã hội học cho thấy, vào tháng 1/2016, khoảng 44% người Mỹ trưởng thành cho biết họ biết về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ qua mạng xã hội. Tỷ lệ này cao hơn rất nhiều việc tiếp cận thông tin từ báo chí địa phương và báo in.
Kết quả phân tích các thông điệp của các ứng cử viên Tổng thống Mỹ năm 2016 cho thấy, những chiến thuật sử dụng mạng xã hội trong tranh cử có những nét tương đồng và nhiều điểm khác biệt. Trên Facebook, ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton thường xuyên sử dụng các đường dẫn tới các chiến dịch truyền thông chính thức, trong khi ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump hướng tới các phương tiện truyền thông mới.
Trên mạng xã hội Twitter, ông Donald Trump trao đổi thông tin thường xuyên với cộng đồng mạng hơn bà Clinton. Trong khi đó, tỷ lệ sử dụng các video clip ngắn trên tài khoản mạng xã hội của bà Hillary Clinton là 1/4 so với tỷ lệ 1/10 của ứng cử viên Donald Trump.
Không chỉ là nhà kinh doanh tài ba, tỷ phú bất động sản Donald Trump còn chứng tỏ có khả năng sử dụng các công cụ truyền thông mới rất tốt khi nắm lợi thế lớn với 10 triệu người theo dõi trên Twitter so với 7 triệu của bà Hillary Clinton. Trên Facebook, số người theo dõi thường xuyên trang của ông Donald Trump là 9 triệu. Con số này cũng gấp đôi số người theo dõi trang của bà Hillary Clinton.
Với những phát biểu gây sốc, tỷ phú Donald Trump luôn là người nhận được rất nhiều bình luận từ người hâm mộ trên mạng xã hội. Bình luận của ông Donald Trump tấn công bà Hillary về việc kiểm soát súng trên Twitter đã nhận được 16 nghìn phản hồi, trong khi phát biểu của ông về việc ủng hộ cảnh sát có tới 72 nghìn lượt chia sẻ.
Trước đó, ứng cử viên của Đảng Dân chủ Bernie Sander có tuyên bố trên Twitter rằng ông sẽ tranh luận với Donald Trump đã nhận được 28 nghìn ý kiến còn phát biểu của ông trên Facebook chúc mừng về người Mỹ gốc đã nhận được 52 nghìn lượt chia sẻ.
Trong lĩnh vực này, bà Hillary Clinton dường như thu hút được ít hơn mối quan tâm. Phát biểu của bà về tình trạng hạn hán ở bang California chỉ nhận được 5.600 chia sẻ trên Twitter. Trong khi đó, trên Facebook, video clip được nhiều người chia sẻ nhất của bà là cảnh công kích ông Donald Trump nhận được 15 nghìn lượt quan tâm của cư dân mạng.
Trong cuộc tranh luận đầu tiên được truyền hình trực tiếp trên truyền hình giữa hai ứng cử viên Hillary Clinton và Donald Trump ngày 26/9 vừa qua tại trường Đại học Hofstra, New York, các mạng xã hội Facebook, Twitter, Youtube và Yahoo đã đưa trực tiếp cuộc tranh luận.
Ngay sau khi kết thúc cuộc tranh luận, Twitter công bố cuộc đối đầu đầu tiên giữa ông Donald Trump và bà Hillary Clinton là cuộc tranh luận thu hút mối quan tâm nhiều nhất của cộng đồng mạng này từ trước tới nay.
Số lượng ý kiến chia sẻ và bình luận về hai ứng cử viên trên Twitter trong 90 phút tranh luận đã vượt quá con số 10,3 triệu lập nên trong cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên Barack Obama và Mitt Rommey trong cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2012.
Một xu thế mới
Cách thức sử dụng mạng xã hội làm công cụ truyền thông trong hoạt động chính trị ở Mỹ đang thay đổi với những chiến lược và sách lược biến đổi nhiều. Tuy nhiên, về bản chất, việc nhu cầu có thực của cử tri ngày càng quan tâm đến các thông tin trên mạng xã hội về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 đã cho thấy một xu thế mới.
Thay vì tiếp cận các thông tin truyền thống một chiều như truyền hình, báo in, báo điện tử, các cử tri đang mong muốn được tiếp cận với những thông tin được kiểm chứng và họ chính là những người mong muốn được tiếp nhận nhiều thông tin kiểm chứng nhiều nhất có thể trước khi đưa ra quyết định lựa chọn ứng cử viên nào.
Bên cạnh đó, một xu hướng nữa của cử tri Mỹ hiện nay là họ không chỉ muốn biết điều gì đang xảy ra mà còn muốn đưa ra ý kiến của mình về vấn đề được mọi người quan tâm. Thông qua ý kiến chia sẻ và bình luận, cử tri Mỹ có thể nhận được đánh giá và tìm kiếm được những người nào có đánh giá đúng bản chất về bình luận và ý kiến của họ.
Việc tiếp nhận những thông tin phản hồi về ý kiến họ đưa ra sẽ cho phép cư dân mạng củng cố và khẳng định ý kiến của họ đưa ra là đúng hay sai, lý do ý kiến đó được chấp thuận hay phản đối.
Chiến dịch sử dụng mạng xã hội làm công cụ truyền thông của đợt tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016 một lần nữa cho thấy ảnh hưởng của mạng xã hội có tác động như thế nào tới tâm lý và hành vi của các cử tri Mỹ trong kỷ nguyên số.
Thay vì tới dự trực tiếp các cuộc vận động tranh cử hay tranh luận trực tiếp, giờ đây các cử tri Mỹ đã có một cuộc lựa chọn ứng cử viên thông qua mạng xã hội.
Đó chính là cách mà cư dân mạng đang thể hiện trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay. Và đó cũng là xu hướng mà báo chí truyền thống cần phải nghiên cứu, chuyển đổi để phù hợp với hoàn cảnh mới và không bị bỏ rơi trong cuộc đua thu hút bạn đọc và tìm lại vị thế và vai trò định hướng dư luận xã hội trong kỷ nguyên số.
Thanh Phương
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Hoa hậu Môi trường thế giới năm 2023 Nguyễn Thanh Hà: Môi trường chỉ có thể tốt hơn nếu lối sống của chúng ta thay đổi (08:18 09/11/2024)
- Hội đồng nữ doanh nhân Việt Nam - ASEAN báo công dâng Bác (03:43 22/10/2024)
- Báo chí kiến tạo, phát triển để hội nhập với nền báo chí hiện đại trên thế giới (02:21 27/08/2024)
- Ngành Thông tin và Truyền thông quyết liệt thực hiện chuyển đổi số quốc gia (03:02 30/07/2024)
- Thành phố Hồ Chí Minh: Trao giải và triển lãm ảnh “Khoảnh khắc tươi đẹp quanh ta” (09:18 29/06/2024)