Lời biện hộ của phía công an là không hợp lý!
00:49 12/10/2016
- Vấn đề sự kiện
Sau vụ việc phóng viên Trần Quang Thế xô xát với Công an Hình sự (CAHS) trên cầu Nhật Tân, phóng viên Tạp chí Người Làm Báo đã có cuộc trao đổi cùng Luật sư Nguyễn Đào Tơ – Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Huy, để giúp độc giả hiểu rõ hơn về tình huống trên.
Luật sư Nguyễn Đào Tơ:
Luật sư Nguyễn Đào Tơ - Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Huy
PV: Về vụ việc ông Trần Quang Thế, phóng viên của báo Tuổi Trẻ xô xát với Công an Hình sự (CAHS) trên cầu Nhật Tân, kết luận điều tra của Công an Thành phố Hà Nội nói công an cấp huyện không hành hung mà chỉ “đá nhưng không trúng vào người” và bị “gạt tay vào má” phóng viên. Xét ở góc độ của một luật sư, bà nhận định như thế nào về kết luận trên?
Luật sư Đào Thị Tơ: Qua các clip, hình ảnh ghi nhận các sự việc diễn ra trên cầu Nhật Tân ngày 23/9/2016 đăng công khai trên các trang báo điện tử như Tuổi trẻ Online, Báo điện tử Dân trí, tôi thấy rằng lời biện hộ của phía công an là không hợp lý. Hơn nữa, tuy hậu quả trực tiếp của hành vi “đá nhưng không trúng vào người” và “gạt tay vào má” như trong vụ việc trên không nghiêm trọng, nhưng tùy tình huống, hoàn cảnh cụ thể mà sẽ mang tính chất khác nhau và có được xem là hành hung hay không, hành vi đã hoàn thành hay chưa.
Với các tình tiết đã được công khai trong vụ việc như tại hiện trường không có biển thông báo cấm chụp ảnh, ghi hình, không có dây an toàn của cơ quan chức năng, nhiều người khác đang dùng điện thoại quay phim, chụp ảnh vụ việc thì việc anh Quang Thế tiến hành chụp ảnh là không vi phạm quy định pháp luật. Tuy nhiên, nếu do thời gian, điều kiện vật chất chưa cho phép nên các cán bộ chiến sĩ chưa thể tiến hành bố trí biển cảnh báo, dây an toàn hay thiết bị bảo vệ hiện trường khác thì có thể áp dụng các mệnh lệnh trực tiếp, kể cả biện pháp trấn áp. Việc ra mệnh lệnh phải đảm bảo đúng quy định.
Còn việc cán bộ công an mặc thường phục thực hiện các hành vi đá, gạt tay trong kết luận điều tra, còn cần phải làm rõ trước lúc xảy ra vụ việc cảnh sát hình sự huyện Đông Anh có xưng danh và xuất trình thẻ ngành để chứng minh họ là lực lượng có quyền bảo vệ hiện trường hay không. Khi lực lượng bảo vệ hiện trường chưa căng dây an toàn, cảnh sát hình sự đang mặc thường phục thì cần chứng minh mình là người có chức trách bảo vệ hiện trường để phóng viên và người dân biết, không xâm phạm.
Chiều 23/9, Thượng tá Phạm Nam Thắng, Đội trưởng Đội CSHS Công an huyện Đông Anh (Hà Nội), đã trực tiếp đến làm việc với lãnh đạo Văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội. Tại buổi làm việc, thượng tá Thắng thừa nhận cán bộ chiến sĩ của đơn vị đã có “thái độ không đúng” và cho biết “đây là những cán bộ trẻ, có thể do bị áp lực vì lúc đang làm ở hiện trường rất đông người hiếu kỳ tụ tập xem nên hành xử không đúng”.
Trên thực tế, không ít trường hợp lực lượng thực thi pháp luật quá chú trọng vào nhiệm vụ được cấp trên giao phó như bảo vệ hiện trường, bảo vệ trật tự mà không cần quan tâm đến Luật Báo chí cũng như tác nghiệp của nhà báo. Lấy lý do bảo vệ hiện trường, không để hiện trường bị xáo trộn hoặc cho rằng việc quay phim, chụp ảnh của nhà báo có thể dẫn đến mất trật tự nên lực lượng thực thi công vụ đã vô tình gây khó khăn cho các nhà báo tác nghiệp.
Phải nhấn mạnh rằng, cơ quan Công an nói chung, cơ quan Cảnh sát nói riêng là một công cụ quan trọng của Nhà nước. Thông qua việc thực hiện pháp luật của Nhà nước, lực lượng Cảnh sát thể hiện bản chất giai cấp, tính nhân dân của mình trong hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Theo như tôi được biết, ngành công an đã, đang định hướng xây dựng phong cách người Cảnh sát nhân dân “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.
PV: Ông Quang Thế bị phạt hành chính 14,4 triệu đồng do phạm phải 06 lỗi trên có đúng người đúng tội và đúng pháp luật chưa?
Luật sư Nguyễn Đào Tơ: Để kết luận là đúng người đúng tội và đúng pháp luật hay không thì cần xem xét một cách toàn diện.
Mức phạt mà Công an quân Tây Hồ áp dụng đối với hành vi của ông Trần Quang Thế ở mức trung bình của khung tiền phạt. Nếu nhà báo có các hành vi vi phạm như công an cáo buộc, việc xử phạt hành chính là phù hợp, nhưng việc có hành vi vi phạm như cáo buộc hay không thì cần phải được chứng minh.
Riêng với các lỗi vi phạm khu vực cấm, địa điểm cấm, việc áp dụng các chế tài đối với ông Trần Quang Thế là chưa phù hợp với quy định pháp luật. Thông tư số 33/2015 của Bộ Công an quy định khu vực cấm, địa điểm cấm thuộc phạm vi bí mật Nhà nước, là những địa điểm được thiết lập nhằm bảo vệ, quản lý, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động của con người, phương tiện nhằm duy trì trật tự, an ninh, phòng, chống các hành vi xâm nhập, phá hoại, thu thập bí mật Nhà nước trong khu vực, địa điểm đó. Theo quy định này thì khu vực cầu Nhật Tân không phải là khu vực bí mật nhà nước.
Hơn nữa, việc xử phạt vi phạm hành chính đòi hỏi phải đúng thủ tục. Cụ thể, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản, trừ trường hợp xử phạt không lập biên bản theo quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật này; trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì việc lập biên bản vi phạm hành chính được tiến hành ngay khi xác định được tổ chức, cá nhân vi phạm (Điều 58).
Điều 56 quy định: Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ; trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản.
Ngoài ra, trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, có phát sinh những lỗi vi phạm hành chính thì các cơ quan tố tụng có quyền chuyển hồ sơ về cơ quan có thẩm quyền để xử lý hành vi vi phạm hành chính. Nhưng quyết định xử phạt vi phạm hành chính, không chỉ căn cứ vào hồ sơ vụ việc do cơ quan điều tra chuyển sang mà vẫn phải lập biên bản vi phạm hành chính theo đúng hình thức, đầy đủ nội dung theo quy định. Mọi chứng cứ nếu có phải được công khai.
Mà trong vụ việc này, công an quận Tây Hồ không lập biên bản, chỉ căn cứ hồ sơ vụ việc đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội (PC44) chuyển sang để ra quyết định xử phạt. Văn bản mà ông Trần Quang Thế nhận được cũng chỉ có thông báo và quyết định xử lý vi phạm hành chính.
PV: Trường hợp Cán bộ cảnh sát hình sự có thái độ không đúng với phóng viên bị kiểm điểm, khiển trách. Xét ở góc độ của một người làm luật, bà đánh giá như thế nào về cách giải quyết trên?
Luật sư Nguyễn Đào Tơ: Theo kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội, hành vi của cán bộ cảnh sát hình sự có hành vi xô xát với phóng viên không phải là hành vi hành hung, mà hành vi này chỉ vi phạm quy tắc ứng xử ngành Công an nhân dân, nên chỉ bị kiểm điểm, khiển trách là đúng luật trong trường hợp kết luận điều tra này khách quan và đúng quy định pháp luật.
PV: Căn cứ vào Luật Báo chí 2016 và Luật Tiếp cận thông tin (2016), bà có thể cho biết rõ hơn về quyền hạn của phóng viên tác nghiệp và tiếp cận nguồn tin?
Luật sư Nguyễn Đào Tơ: Căn cứ Luật Báo chí 2016 và Luật Tiếp cận Thông tin 2016, khi tiếp cận nguồn tin, phóng viên có những quyền hạn sau:
Tiếp cận thông tin là việc đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp thông tin. Cách thức tiếp cận thông tin gồm có: Tự do tiếp cận thông tin được cơ quan nhà nước công khai; Yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin.
Theo Điều 5, Điều 6 Luật Tiếp cận Thông tin 2016 thì công dân (bao gồm cả phóng viên) được tiếp cận thông tin của cơ quan nhà nước, trừ thông tin không được tiếp cận quy định tại Điều 6 (nhóm thông tin thuộc bí mật nhà nước) và được tiếp cận có Điều kiện đối với thông tin quy định tại Điều 7 (nhóm thông tin thuộc bí mật kinh doanh, bí mật đời tư và các bí mật khác) của Luật này. Và công dân có quyền được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời; được khiếu nại, khởi kiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về tiếp cận thông tin.
Theo Điều 25 khoản 2 Luật Báo chí 2016 thì phóng viên, nhà báo có các quyền sau đây: Được khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật; Được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật.
Hơn nữa, theo quy định tại Điều 4 Luật Báo chí 2016, báo chí có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: “a) Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân; […] c) Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của Nhân dân; d) […] đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội; […]”
Như vậy, nhà báo không những có quyền tiếp cận thông tin, mà còn phải có nghĩa vụ đưa thông tin chính xác cho công dân. Và việc đảm bảo quyền cung cấp thông tin của nhà báo còn là để đảm bảo quyền được biết thông tin của công dân.
PV: Thưa bà, trường hợp cản trở, đe dọa, hành hung nhà báo, phóng viên khi tác nghiệp phải chịu mức xử phạt như thế nào? Và để bảo vệ mình, người làm báo nên làm gì khi gặp phải các hoàn cảnh trên?
Luật sư Nguyễn Đào Tơ: Luật Tiếp cận Thông tin 2016 và Luật Báo chí 2016 nghiêm cấm các hành vi cố ý cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ, trì hoãn việc cung cấp thông tin; hủy hoại thông tin; làm giả thông tin và các hành vi cản trở, đe dọa, trù dập người yêu cầu, người cung cấp thông tin; đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật. Người nào có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Khi phóng viên bị đe dọa, thậm chí “hành hung” cần có những biện pháp, chế tài hoặc cách giải quyết thích đáng để bảo vệ người làm báo để giúp các phóng viên, nhà báo yên tâm khi thực hiện nhiệm vụ của mình.
Cụ thể, tùy trường hợp, hành vi cụ thể của đối phương, các phóng viên có thể tiến hành trình báo trực tiếp, viết đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn trình báo đến cá nhân, cơ quan có thẩm quyền yêu cầu xử lý hành vi vi phạm quy tắc ứng xử nghề nghiệp, hành vi phạm pháp luật cũng như áp dụng các biện pháp cần thiết buộc các bên chấp hành đúng quy định nhằm tạo điều kiện phù hợp cho phóng viên tác nghiệp.
Đồng thời, phóng viên cần báo cáo đến Hội Nhà báo Việt Nam về vụ việc. Cơ quan có thẩm quyền có thể là cơ quan quản lý hành chính chung của địa phương, công an địa phương, lãnh đạo cơ quan chủ quản của cá nhân, tổ chức có hành vi đe dọa, hành hung đối với phóng viên.
PV: Xin cảm ơn bà!
Hà Anh
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Giải Vô địch Bóng bàn Hội Nhà báo Việt Nam sẽ diễn ra trong tháng 12/2024 (04:01 18/11/2024)
- Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau (10:26 18/11/2024)
- Quốc hội thông qua nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 (08:42 13/11/2024)
- Phiên chất vấn đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, “đúng” và “trúng” (06:00 12/11/2024)
- Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8 (09:10 11/11/2024)