Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Luật Báo chí 2016 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho báo chí

Ngày 27/10, tại TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị tổng kết 6 năm thực hiện Luật Báo chí 2016 gắn với 10 Điều quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam cho các cấp Hội, các cơ quan báo chí với sự tham dự của 19 Hội nhà báo các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Các đồng chí chủ trì Hội nghị_ Ảnh: Sơn Hải

Phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, từ khi thực hiện Luật Báo chí 2016 và 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, báo chí đã có những bước phát triển mạnh mẽ về số lượng, quy mô cũng như đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền. Tính đến nay, Hội Nhà báo Việt Nam có tổng số hội viên là 24.900 hội viên sinh hoạt tại 301 tổ chức hội, trong đó có 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 20 Liên chi hội và 218 chi hội trực thuộc Trung ương. 

Từ Trung ương Hội đến các Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, các Liên chi hội, Chi hội trực thuộc đã triển khai học tập Luật Báo chí, đóng góp ý kiến xây dựng Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Hơn 300 Hội đồng xử lý đạo đức nghề nghiệp người làm báo từ cấp trung ương đến các cấp hội trực thuộc được thành lập và đi vào hoạt động, quyết định khai trừ và thu hồi thẻ hội viên hơn 20 trường hợp vi phạm đồng thời khiển trách, nhắc nhở phê bình, rút kinh nghiệm các trường hợp vi phạm khác trong sử dụng mạng xã hội. Trung ương Hội cũng đã có quyết định giải thể một số chi hội, xóa tên những hội viên không đủ điều kiện tham gia sinh hoạt hội. Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã lên tiếng kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương thực hiện nhiều biện pháp cần thiết, xử lý nghiêm minh các hành vi cản trở đe dọa, hành hung, xúc phạm nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên-nhà báo. 

Có thể khẳng định, từ khi Luật Báo chí ra đời cho đến này, đội ngũ những người làm báo trong cả nước đã trưởng thành, vững vàng, tự tin tiếp bước các thế hệ làm báo đi trước làm chủ công nghệ, vận dụng kinh nghiệm thực tiễn cuộc sống và nền tảng lý luận, tạo nên những tác phẩm báo chí xuất sắc, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. 

Tuy nhiên, cùng với các thành tựu, hoạt động báo chí vẫn còn một số tồn tại, bất cập. Một số cơ quan báo chí, người làm báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp chạy theo thị hiếu tầm thường, tìm cách để thu lợi, kể cả việc làm sai lệch bản chất của sự việc. Ở một số địa phương, còn có sự chồng chéo chức năng nhiệm vụ chỉ đạo, quản lý giữa cơ quan chỉ đạo và cơ quan quản lý báo chí. Công tác quản lý báo chí chưa theo kịp với thực tiễn, chưa đáp ứng được sự phát triển của báo chí, truyền thông. Số lượng cơ quan báo chí tăng nhanh; nhưng phần lớn phải tự chủ tài chính, nhiều cơ quan chủ quản buông lỏng quản lý, phó mặc cơ quan báo chí trực thuộc, tôn chỉ mục đích bị xem nhẹ. Nhiều cấp Hội còn thiếu sát sao trong quản lý đội ngũ cộng tác viên, phóng viên thường trú tại các địa phương dẫn đến nhiều hành vi tiêu cực lợi dụng nghề nghiệp để đe dọa tống tiền doanh nghiệp, người dân. Hiện tượng nhà báo, hội viên khai thác, sử dụng mạng xã hội cho những mục đích phi nghề nghiệp, hành xử, phát ngôn thiếu chuẩn mực, vi phạm quy chuẩn đạo đức và thậm chí là vi phạm pháp luật đang trở thành vấn đề được không chỉ báo giới mà dư luận xã hội hết sức quan tâm, lo ngại. 

Đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại hội nghị 

Công tác tự kiểm tra giám sát ở một số cấp hội còn yếu, nhiều Ban Kiểm tra cấp hội địa phương cơ sở hoạt động kém hiệu quả, vai trò mờ nhạt. Sự phối hợp giữa hội địa phương với Ủy viên UBKT Trung ương Hội phụ trách địa bàn cón thiếu chặt chẽ, ít có sự trao đổi thông tin, phối hợp xử lý..Nghiệp vụ kiểm tra, nhất là quy trình thủ tục xử lý vụ việc ở cơ sở ở một số cấp hội còn yếu, còn nặng xu hướng đẩy vụ việc lên Trung ương giải quyết...

Sau 6 năm thực hiện, Luật Báo chí 2016 gắn với 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam đã nhận được nhiều đánh giá tích cực những người làm báo và toàn xã hội. Với nhiều quy định mới tiến bộ, phù hợp với thực tiễn đời sống của báo chí, công tác báo chí, mang tính thời đại, Luật Báo chí 2016 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững, và chỗ dựa của những người làm báo để thực hiện nhiệm vụ chính trị, phục vụ xã hội và nhân dân tốt hơn. Nhờ đó, các cơ quan, tổ chức, cá nhân hiểu và hợp tác, hỗ trợ cơ quan báo chí, tác nghiệp của phóng viên; bước đầu thực hiện nghiêm chỉnh việc cung cấp thông tin định kỳ, đột xuất, phản hồi thông tin cho báo chí. Đặc biệt, Luật đã luật hóa việc xây dựng quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, là cơ hội để nâng cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, giúp nhà báo và cơ quan báo chí hoàn thành tốt chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn của mình. 

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nổi lên nhiều tồn tại cần phải sửa đổi toàn diện nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong giai đoạn tới như: Đối tượng thành lập cơ quan báo chí; nhiệm vụ, trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí; việc phân định báo và tạp chí; Hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú; hoạt động tác nghiệp của đội ngũ phóng viên; quy định về xử lý vi phạm, thu hồi giấy phép; hoạt động liên kết báo chí...Đồng thời, có những vấn đề mới phát sinh khi triển khai thực hiện 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội (MXH) cần phải cập nhật, sửa đổi,  bổ sung để giúp cho hội viên, nhà báo xác định rõ hơn trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ của hội viên, nhà báo khi tác nghiệp cũng như tham gia mạng xã hội, đồng thời giúp Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo các cấp tham chiếu, làm cơ sở xử lý những sai phạm trong thực tiễn.

Quang cảnh hội nghị

Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu, hội nghị được nghe nhiều ý kiến trao đổi tâm huyết, sâu sắc của đại diện Hội Nhà báo 19 tỉnh, thành khu vực phía Nam cùng các đại biểu tham dự. Các tham luận tập trung vào các chủ đề nóng như làm thế nào để nâng cao trách nhiệm và vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực thi Luật Báo chí 2016 và 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo từ thực tế hoạt động báo chí ở địa phương. Đề xuất những giải pháp để thực hiện tốt 10 điều quy định nghề nghiệp người làm báo.; gắn trách nhiệm, đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ thu hút hội viên là phóng viên thường trú, các văn phòng đại diện về sinh hoạt tại Hội Nhà báo địa phương.

Các ý kiến cũng bày tỏ mong muốn Hội Nhà báo địa phương tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc xử lý vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Một số ý kiến tập trung phân tích vai trò của công tác giáo dục chính trị tư tưởng, chủ trương chính sách, pháp luật đối với hội viên người làm báo để ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật Báo chí, Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo, cũng như đưa ra các giải pháp cụ thể để nâng cao ý thức trách nhiệm của người làm báo khi viết báo và tham gia mạng xã hội

Có thể nói việc đi sâu phân tích, trao đổi mổ xẻ những vấn đề còn tồn tại trong chính sách pháp luật về báo chí, những khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện đạo đức nghề nghiệp của nhà báo, hội viên để kịp thời đưa ra những giải pháp sửa đổi, khắc phục tồn tại là một đòi hỏi cấp thiết trong đời sống báo chí và đội ngũ những người làm báo, góp phần xây dựng một nền báo chí lành mạnh, tích cực, xứng đáng với niềm tin của Đảng, nhà nước, nhân dân đối với nền báo chí cách mạng và đội ngũ những người làm báo. Trong bối cảnh ấy, hội nghị tổng kết 06 năm thực hiện Luật Báo chí 2016 gắn với 10 Điều quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam” có ý nghĩa quan trọng đối với các cấp Hội Nhà báo Việt Nam trong việc góp phần xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại như tình thần của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. 

Ngọc Bích 

 

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.