Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Làng gốm và chuyện bảo tồn văn hóa - Kỳ 2: Hồi sinh nghề gồm

16:47 08/04/2024 - Văn hóa xã hội
Nghề làm gốm làng Krăng Gọ của người Churu ở xã Pró, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng chỉ còn hai chị em bà Ma Li và Ma Bi theo nghề. Trước nguy cơ bị mai một, thất truyền, họ lo lắng và chồng chềnh nhưng không hề bi quan. Hai người phụ nữ này vẫn luôn mơ về một ngày nghề gốm hồi sinh nhờ những chủ trương, chính sách đúng đắn, sự vào cuộc của chính quyền tỉnh Lâm Đồng. Niềm vui đó đã trở thành sự thật. Ngày vui đến, những người nặng lòng với gốm như chị em bà Ma Li “hồi sinh” và phấn khởi lắm…

Bà Ma Li hướng dẫn thao tác làm gốm cho học sinh.

Niềm vui từ một quyết định

Một ngày cuối tháng mười nắng chập chờn, tôi tìm về làng Krăng Gọ trong sự háo hức lẫn bồi hồi. Bà Ma Li đón chúng tôi bằng nụ cười hồn hậu và thiện lành. Điều mà bà Ma Li chờ đợi, trông ngóng, kỳ vọng cũng đã thành hiện thực. Đó chính là Quyết định số 172/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt “Đề án bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2014-2016 và định hướng đến năm 2020”. Với quyết định này, làng gốm của bà Ma Li là một trong những danh mục được bảo tồn và phát triển.

Vậy là chủ trương, chính sách đã được tỉnh Lâm Đồng ban hành. Đây là chiếc “phao” để làng gốm Krăng Gọ có cơ hội để hồi sinh, phát triển. Những người ở làng gốm Krăng Gọ cũng hiểu rằng việc giữ lại nghề gốm không chỉ là giữ lại một nghề truyền thống mà qua đó giữ gìn nét văn hóa tốt đẹp của tộc người Churu. Đó là cách để văn hóa của người Churu hòa cùng dòng chảy của văn hóa các tộc người trên mảnh đất Lâm Đồng.

Nghề gốm vào… trường học

Nam Tây Nguyên ngày lập đông, từng cơn gió thoảng đưa, chút nắng vàng vẫn còn vương nhẹ trên từng nếp nhà của người Churu. Hôm nay, gia đình bà Ma Li hay đến lạ, những đứa trẻ cứ tíu tít, tụm năm tụm bảy trong căn nhà đã nhuốm màu thời gian của bà. Bà Ma Li đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác nhưng vẫn chưa biết chuyện gì xảy ra. Vậy nhưng, sự ngạc nhiên của bà cũng được giải tỏa khi có một ông giáo trẻ tuổi tên là Phạm Thanh Hoài – dạy môn Lịch sử tại Trường Trung học Phổ thông Pró xin phép bà cho những đứa học trò của mình xuống học làm nghề gốm. Chuyện thật như đùa, bà Ma Li dần cũng hiểu chuyện nhưng vẫn chưa hết ngạc nhiên. “Khi nhận được đề nghị dạy nghề làm gốm cho tụi nhỏ, mình sững sờ, vui quá. Chẳng biết phải nói sao nhưng mình đồng ý. Vậy là hôm đó mình chỉ cho những đứa học trò cái nghề của làng Krăng Gọ”.

Những học sinh tham gia học làm gốm do bà Ma Li hướng dẫn.

Bất ngờ quá nhưng vẫn không dấu được niềm vui. Rồi niềm vui ấy biến thành hành động, bà Ma Li trở thành “cô giáo bất đắc dĩ”. Không có phấn trắng, chẳng có bảng đen, không hề có giáo án nhưng bài học về làm gốm thì “cô giáo” Ma Li không bỏ sót chữ nào. Kỹ thuật làm gốm, từng chi tiết, từng công đoạn cứ thế được bà nói vanh vách. Bởi theo bà, nghề gốm cứ như máu thịt, là mạch nguồn bất tận để hôm nay có dịp khai mở. Bà chỉ cho những đứa học trò những yêu cầu đối với nghề gốm bằng kinh nghiệm đã bao nhiêu năm đúc kết và có được: Làm gốm trước hết phải chọn đất. Đất sét khi lấy về được phơi khô, giã nhỏ, sàng kỹ nhằm loại bỏ tạp chất. Sau khi hoàn thành công đoạn này với sự tỉ mẫn và kinh nghiệm của người làm gốm, người thợ mang bột đất này nhào trộn với nước sau đó vê đất thành từng khối dài để nặn gốm. Nét khác biệt của nghề gốm làng Krăng Gọ là người thợ không dùng bàn xoay mà đi vòng quanh để nặn gốm. Sau khi hoàn thành việc nặn gốm, tùy vào sở thích của du khách mà người làm gốm nơi đây trang trí những hoa văn khác nhau.

Những sản phẩm gốm của làng Krăng Gọ dù không tinh xảo nhưng chính nét thô sơ, mộc dị đã làm nên phong cách riêng của nghề truyền thống này. Những chiếc nồi, lu, bát, bình cắm hoa… đã được bà Ma Li đem cho những đứa học trò xem. Trong mỗi chi tiết, bà đều dừng lại phân tích, giảng giải kỹ lắm, bà nói một cách say sưa và đầy nhiệt huyết. Chưa thể nắm được hết kỹ thuật làm gốm trong ngày một ngày hai nhưng sự quan tâm, chú ý lắng nghe của những đứa học trò cũng đã khiến bà Ma Li vui và ưng cái bụng lắm.

Đây cũng chính là điều mà thầy giáo Hoài hướng đến trong chuyến về với làng nghề Krăng Gọ: Ý tưởng đưa nghề gốm vào dạy học trong trường là với mục đích để cho các em học sinh trong đó có học sinh đồng bào dân tộc Churu hiểu hơn về nghề làm gốm của ông cha mình, từ đó giúp các em yêu nghề gốm, tìm hiểu nghề gốm và đề xuất giải pháp bảo tồn nghề này. Nghề gốm Krăng Gọ được làm thủ công cho nên đây là nét văn hóa đặc biệt của người Churu, thông qua những tiết học làm gốm sẽ giúp lan tỏa văn hóa bản địa, văn hóa người Churu cho thế hệ trẻ. Đây là cách giữ gìn, bảo tồn và lan tỏa văn hóa một cách cụ thể nhất”.

Niềm vui chưa dừng lại ở chuyện bà Ma Li trao truyền cái nghề làm gốm của cộng đồng người Churu cho những đứa học trò mà chính trong những lần về cơ sở học nghề ấy đã có những điều thú vị diễn ra. Trong số những học trò đến học làm gốm, em Pơ Ju Nai Uyển Mi và em Nguyễn Thị Luyến học sinh lớp 12, Trường Trung học Phổ thông Pró đã thực hiện đề tài "Thực trạng nghề gốm của người Churu ở làng Krăng Gọ và một số định hướng bảo tồn phát huy trong thời gian tới". Với đề tài này, Uyển Mi và Nguyễn Thị Luyến đã vượt qua hàng chục đề tài và đoạt giải Nhất tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh tỉnh Lâm Đồng lần thứ XII, năm 2019 -2020.

Ngày hai học trò đoạt giải Nhất cuộc thi trên tỉnh, bà Ma Li vui lắm. Đây là điều bà chẳng giám tin khi những hậu duệ của bà đã làm được những điều mà trước đây bà không nghĩ tới. Bà không thể nghĩ được rằng nghề gốm mà bấy lâu nay bà gìn giữ giờ đây đã có nhiều người biết đến và quan tâm. Nghề của làng Nồi đã đi từ thôn buôn đến trường học. Nghề gốm của làng Krăng Gọ ngày trước chỉ mình bà thui thủi làm thì giờ đây thế hệ trẻ đã biết, đã trải nghiệm và chính những đứa học trò ấy tìm được niềm vui, sự đồng hành và thích thú. Nghề gốm đã có mặt tại các tiết học của Trường THPT Pró, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. Từ nay, bà Ma Li đã hết những nỗi lo về thất truyền nghề gốm của làng Krăng Gọ, nghề và nét văn hóa đặc trưng mà người Churu bao năm gìn giữ.

Nghề gốm của người Churu ở làng Krăng Gọ là một nghề truyền thống. Thông qua nghề gốm thể hiện đời sống kinh tế, văn hóa của người dân nơi đây. Việc đưa nghề gốm tới trường học là giải pháp thiết thực để thế hệ trẻ, những học sinh là con em của người Churu tiếp cận nghề truyền thống của dân tộc mình. Những việc làm này không chỉ là mong muốn của chị em bà Ma Li mà đó còn là chủ trương đúng đắn trong tiến trình bảo tồn nét văn hóa của đồng bào dân tôc thiểu số ở Tây Nguyên và định hướng nghề nghiệp cho thế hệ trẻ từ khi còn ngồi trên ghế học đường.

(Còn nữa)

Thành Nam


 

 

 

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top