Lần đầu tác nghiệp tại Nhà Quốc hội

16:36 05/04/2017 - Tác nghiệp
Ngày 20/10/2014, phiên họp đầu tiên của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã diễn ra tại tòa Nhà Quốc hội mới, trong khuôn viên Quảng trường Ba Đình lịch sử. Từ sự kiện trọng đại ấy, nơi đây cũng là địa điểm tụ hội của đông phóng viên báo chí tác nghiệp, đưa tin các kỳ họp. Hoạt động nghị trường ngày càng trở nên nhộn nhịp, sôi động, hấp dẫn.

Nhà Quốc hội nhìn từ trên cao. Ảnh: TL

Quốc hội “lần đầu có nhà”

Trước khi chính thức đi vào hoạt động, ròng rã 5 năm xây dựng công trình, Nhà Quốc hội mới hiện rõ dáng vóc của một công trình kiến trúc đặc biệt, xứng tầm với biểu tượng của cơ quan quyền lực tối cao, như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và nhiều đại biểu Quốc hội ví von, “Quốc hội ta lần đầu có nhà...”.

Cứ mỗi kỳ họp toàn thể của Quốc hội diễn ra, một đầu năm, một cuối năm, và nhiều phiên họp quan trọng khác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của các cơ quan của Quốc hội, cũng là dịp tác nghiệp của hàng trăm phóng viên hầu hết từ các cơ quan báo chí ở Trung ương, gần đây có thêm một số nhà báo từ các địa phương về. Tất cả đều chung tâm trạng bỡ ngỡ ban đầu, chút tò mò thú vị xen lẫn sự khám phá ngạc nhiên trong lần đầu tham gia tác nghiệp tại Nhà Quốc hội mới.

Theo thiết kế và ý tưởng ban đầu, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội bấy giờ dự kiến bố trí phòng báo chí tại tầng B1 của Nhà Quốc hội với khoảng 300 chỗ ngồi. Trong khi đó, số lượng phóng viên trong nước và một số hãng tin, thông tấn nước ngoài đăng ký tác nghiệp có lúc lên tới 500 người. Văn phòng Quốc hội đề ra phương án chia làm hai trung tâm báo chí, một ở phòng họp báo tầng B1 Nhà Quốc hội mới (thẻ B); một ở Văn phòng Quốc hội, số 37 Hùng Vương (thẻ C).

Theo quy định như trước đây (các phiên họp tổ chức tại hội trường Bộ Quốc phòng ở phố Nguyễn Tri Phương), phóng viên mang thẻ B sẽ được phép tác nghiệp tại hành lang nghị trường, tham gia phỏng vấn đại biểu trong giờ giải lao. Với thẻ C, phóng viên muốn đến hành lang nghị trường thì phải đến trung tâm báo chí đăng ký và lấy “Thẻ sự kiện”. Mỗi ngày chỉ có 40 thẻ sự kiện được phát ra, theo thứ tự ưu tiên dành cho những người đến trước. Khi phóng viên sử dụng xong trong ngày, trả lại thẻ cho các cán bộ Vụ Thông tin thuộc Văn phòng Quốc hội, có ký nhận “thẻ ra- thẻ về”, tránh tình trạng thất lạc, hay cho mượn thẻ giữa các phóng viên.

Phòng họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với hệ thống 6 màn hình xung quanh giúp các đại biểu dễ dàng quan sát diễn biến phiên họp. Ảnh: TL

Tác nghiệp tại Quốc hội là làm việc trong “vòng cuốn” của lịch hoạt động dày đặc, bộn bề trước khối lượng lớn nội dung bao quát nhiều lĩnh vực rộng lớn. Riêng tài liệu cần tiếp cận, ngoài hàng chục báo cáo công phu của bộ, ngành, các ủy ban Quốc hội, còn là vài chục bộ luật, luật do các cơ quan soạn thảo trình đưa ra bàn tại mỗi kỳ họp, để đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ, tại hội trường.

Thông thường, để dễ dàng tiếp cận đại biểu Quốc hội, phóng viên cần chủ động liên lạc trước hẹn đại biểu, và có thể trao đổi trực tiếp, phỏng vấn đại biểu trong khoảng thời gian hạn hẹp. Gần đây, nhiều đại biểu Quốc hội khá cởi mở, chủ động nán lại lâu hơn, tạo điều kiện để phóng viên phỏng vấn ngay cả khi chuông báo giờ giải lao đã hết.

Đăng cai sự kiện mang tầm quốc tế

Những ngày đầu vào Nhà Quốc hội, không ít đại biểu bày tỏ ái ngại khi chứng kiến cảnh phóng viên tác nghiệp khó khăn, không đủ ghế ngồi theo dõi các phiên họp tổ. Một số ý kiến cho rằng, có lẽ do tòa nhà mới khi xây dựng chưa lường trước được tất cả nhu cầu, trong đó có phần không gian phục vụ đội ngũ phóng viên. Văn phòng Quốc hội và các bộ phận, đơn vị phục vụ hậu cần, lễ tân đã nắm bắt được tình hình và nguyện vọng của phóng viên, sau đó đã tạo điều kiện cho các phóng viên tham gia tác nghiệp được thuận lợi hơn, có điều kiện thông tin đầy đủ các sự kiện, nội dung hoạt động tại kỳ họp.

Không lâu sau kỳ họp thứ 10 đó, các cơ quan, đơn vị của Quốc hội, với sự tham gia hỗ trợ của nhiều bộ, ngành, địa phương cùng tham gia tổ chức sự kiện với quy mô rất lớn lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam. Đại hội đồng IPU lần thứ 132 và các Hội nghị liên quan được Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức tại Hà Nội từ ngày 28/3 đến 1/4/2015. Đây là sự kiện lớn có ý nghĩa và tầm vóc quốc tế, qua kênh hợp tác ngoại giao nghị viện song phương, đa phương, giúp tạo động lực mạnh mẽ để Việt Nam phát triển trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới và khu vực. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai Đại hội đồng với sự tham gia đông đảo của các thành viên IPU, cùng sự tham dự của nhiều lãnh đạo cấp cao nhất của nghị viện các nước, các tổ chức liên minh nghị viện khu vực và các tổ chức quốc tế.

Phóng viên tác nghiệp tại Nhà Quốc hội. Ảnh: TL

Kỳ họp lần thứ 11, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII kéo dài 19 ngày. Quốc hội dành 10,5 ngày quyết định vấn đề nhân sự, trong đó có bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ. Đây là kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII, bên cạnh công tác xây dựng pháp luật, xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội còn tập trung thời gian cho tổng kết công tác nhiệm kỳ của các cơ quan Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ.

Mặc dù là kỳ họp cuối nhiệm kỳ, nhưng vẫn mang ý nghĩa rất quan trọng, khi 2016 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XII, sớm kiện toàn chức danh lãnh đạo để tạo tinh thần, khí thế mới, thực hiện tốt kế hoạch của nhiệm kỳ 5 năm. Dịp này, Quốc hội sẽ có 10 phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp, trong đó có phiên khai mạc, bế mạc và phiên thảo luận về báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2011- 2016 của Chủ tịch nước, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Đó là những đề tài, nội dung quan trọng, thời sự được đông đảo cử tri và nhân dân cả nước, cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đang làm ăn tại Việt Nam rất quan tâm. Với trách nhiệm nghề nghiệp, đội ngũ phóng viên nghị trường đã và đang tiếp tục bám sát, theo dõi các nội dung đó, kịp thời chuyển tải tin tức phục vụ bạn đọc, cử tri trên khắp mọi miền đất nước./.

Văn Chúc

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top