Làm truyền hình trực tiếp ở Đền Hùng: Vinh dự và trách nhiệm

22:21 28/03/2017 - Tác nghiệp
Chúng tôi đã nhiều lần tác nghiệp ở Đền Hùng, lần nào cũng vậy, cảm xúc... không thay đổi trong mỗi cán bộ, phóng viên Đài PT-TH Phú Thọ (PTV). Đó là niềm vinh dự và tự hào khi được đảm đương trách nhiệm đưa hình ảnh của ngày Giỗ Tổ đến với đồng bào cả nuớc. Lần đầu tiên Đài PT-TH Phú Thọ thực hiện chương trình truyền hình trực tiếp qua sóng vệ tinh từ Điện Kính Thiên trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương năm Giáp Ngọ 2014, một ngày trọng đại của dân tộc.

Lần đầu làm truyền hình trực tiếp

Không có nhiều khó khăn cho ê- kíp làm truyền hình trực tiếp ở chương trình nghệ thuật “Về miền quê di sản”, vốn rất đã quen với những sự kiện trong một không gian sân khấu cố định. Nhưng ở sự kiện “Lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng”, ê-kíp phải tác nghiệp trên địa hình xuyên rừng Quốc gia Đền Hùng với nhiều lớp sự kiện diễn ra từ Trung tâm hành lễ, qua cổng chính Đền Hùng, sân trước Điện Kính Thiên, Thượng cung và Lăng Hùng Vương trong điều kiện còn thiếu về trang thiết bị kỹ thuật. Đây quả là thách thức không nhỏ với những người làm truyền hình địa phương.

Xác định chương trình truyền hình trực tiếp trên là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa để khẳng định thương hiệu PTV khi đã phát sóng vệ tinh, Ban Giám đốc Đài đã quyết định cử một ê-kíp chuyên nghiệp với số lượng đông đảo nhất (35 người). Nội dung do nhà báo Dư Hồng Quảng - Phó Giám đốc Đài trực tiếp chỉ đạo.

Trọng trách đi cùng khó khăn

Để chuẩn bị cho sự kiện, ê-kíp đã có hai chuyến khảo sát, đưa xe màu và các thiết bị kỹ thuật lên Khu di tích lịch sử Đền Hùng để khảo sát địa hình, bố trí phương án, hiệu âm thanh, hình ảnh từ đền Thượng đến xe truyền hình lưu động và tín hiệu cáp quang từ Đền Hùng về trung tâm truyền dẫn phát sóng tại Đài PT-TH Phú Thọ.

Sau 2 lần khảo sát, thử tín hiệu, ê-kíp thực hiện chương trình đã đi đến phương án tối ưu: Các camera định vị được lắp đặt ở những vị trí quan trọng nhất bao gồm: Cổng chính Đền Hùng, sân hành lễ Đền Thượng, Thượng cung và Lăng Hùng Vương để có thể ghi lại toàn bộ diễn biến của buổi lễ dâng hương một cách đầy đủ, chân thực nhất, nhưng vẫn phải đảm bảo yêu cầu của Ban Tổ chức là tôn nghiêm và thành kính.

4 giờ 30 phút ngày 10 tháng Ba năm Giáp Ngọ 2014, ê-kíp thực hiện chương trình đã có mặt tại cổng chính Đền Hùng để triển khai các phương án đã chốt. Một giờ trước khi diễn ra Lễ dâng hương, toàn bộ ê-kíp truyền hình trực tiếp đã sẵn sàng tại các vị trí làm việc. Trời mưa nhỏ khiến ê-kíp làm chương trình phải sử dụng phương án bảo vệ, di chuyển máy quay. Khi đoàn dâng hương lên đến Đền Thượng, trời tạnh mưa, thời tiết mát mẻ, không gian hành lễ thêm phần linh thiêng.

Đúng 7 giờ 30 phút, chương trình truyền hình trực tiếp bắt đầu lên sóng PTV. Qua tín hiệu vệ tinh, đồng bào cả nước và kiều bào ở nước ngoài có thể theo toàn bộ diễn biến của buổi Lễ tại đất Tổ. Dù chỉ có 3 máy quay tại Đền Thượng, trong đó có một máy cố định trong Thượng cung, không có các thiết bị chuyên dụng của truyền hình như: cẩu, boom, ray, nhưng ê-kíp làm chương trình đã chọn được những góc quay hợp lý để đưa được đầy đủ nhất những diễn biến của buổi lễ lên sóng PTV với chất lượng âm thanh, hình ảnh tốt.

Nghi lễ dâng hương truyền thống, từng động tác của chủ lễ, các đại biểu dự lễ có mặt tại không gian hành lễ ở sân Đền Thượng, trong Thượng Cung và Lăng Hùng Vương đã được ghi lại đầy đủ. Yêu cầu rất quan trọng khác là khi tác nghiệp, phóng viên, kỹ thuật viên không làm ảnh hưởng đến diễn biến của buổi lễ, thể hiện văn hoá, chuẩn mực của người làm truyền hình tại một sự kiện quan trọng và trong không gian hết sức linh thiêng và thành kính.

Do có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và ý thức trách nhiệm cao trong công việc của ê-kíp thực hiện chương trình, một tiếng đồng hồ chương trình truyền hình trực tiếp Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng đã lên sóng truyền hình Phú Thọ một cách suôn sẻ, không có lỗi tác nghiệp nào tại hiện trường và nghiệp vụ truyền hình trên sóng.

Vinh dự và trách nhiệm được thực hiện một chương trình truyền hình trực tiếp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, những người làm truyền hình ở Đài PT-TH Phú Thọ đã góp một phần trong việc quảng bá hình ảnh đất Tổ, bảo tồn và phát triển giá trị Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại./.

Theo số liệu thống kê của Bộ Văn Hóa - Thể Thao và Du Lịch, năm 2011, cả nước có hơn 1.400 di tích thờ tự Vua Hùng, vợ con, tướng lĩnh thời đại Hùng Vương. Trong đó, đền thờ các Vua Hùng đã được xây dựng ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Điểm mới trong Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, là lần đầu tiên, Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng được đồng loạt tổ chức vào cùng một thời điểm tại nhiều điểm thờ tự trong cả nước. Vì vậy, những hình ảnh được truyền hình trực tiếp Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Đền Hùng - Đất Tổ có ý nghĩa rất quan trọng, để các địa phương khác tham khảo về trang phục, lễ vật, nghi lễ dâng hương... trong quá trình tổ chức Lễ giỗ Tổ Hùng Vương các năm sau

Lê Hồng Khanh

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top