Làm phim dưới... lòng đất
06:51 27/11/2016
- Tác nghiệp
Vừa lách người chui vào khe lò hẹp thì bỗng nhiên thấy
than rơi bộp, bộp... bộp, cảm giác “lạnh cả sống lưng”...
Trong quá trình tác nghiệp, phóng viên vượt qua những khoảnh khắc khó khăn, vất vả, thậm chí đầy nguy hiểm để ghi lại những hình ảnh, góc nhìn đa chiều và chân thực nhất đến với công chúng. Ảnh: Hoàng Long
Đầy lạ lẫm khi thấy những gương mặt đen nhẻm vẫn luôn nở nụ cười có lẽ là một trải nghiệm mà không phải ai hay một người làm báo có thể có điều kiện được thấy, được chạm vào và sống những ngày tháng dưới độ sâu -250m dưới lòng đất.
Những ngày nơi hầm tối
Gần hai mươi năm làm báo nhưng khi nhận đề tài về thợ mỏ, sự tò mò muốn biết cảm giác sống trong hầm than ra sao luôn ngày đêm thôi thúc tôi khám phá. Đúng, trước nhất vẫn là sự tò mò. Cái cảm giác hồi hộp khi mình thực sự được đi vào lòng đất tác nghiệp khiến tôi muốn xách máy lên và đi ngay khi mọi thứ sẵn sàng.
Trong chuyến tác nghiệp ấy, không chỉ ghi lại được những tư liệu quý, không chỉ được tận mắt thấy môi trường làm việc, còn có những khoảnh khắc đáng nhớ của một người cầm bút mà chẳng thể nào tôi quên.
Lần đầu xuống lò cùng thợ lò “mũ vàng” Nguyễn Văn Dũng (thợ lò khai thác), tổ trưởng công trường khai thác 3 và 40 thợ lò Công ty CP than Mông Dương, tôi hỏi anh em nhiều, hỏi liên tục. Nào là cấm những gì? Cấm bật lửa, cấm điện thoại, ngay cả máy quay mang xuống lò tác nghiệp cũng phải sử dụng loại pin phòng nổ.
Rồi tại sao đoàn quay phim xuống lò vẫn phải ăn mặc và trang bị các thiết bị bảo hộ giống y như thợ lò? Sau khi trở về, nghĩ lại, nhiều lúc tôi bất chợt cười ồ vì sự tò mò của mình, chẳng khác nào một đứa trẻ lạ lẫm với thế giới. Mà cũng đúng, đó là một thế giới hoàn toàn xa lạ với tôi trước đó.
Một thế giới hoàn toàn không có ánh mặt trời lại là nơi làm việc của hàng vạn thợ mỏ. Ở đó, nhiệt độ, độ ẩm, các loại khí dành cho sự sống con người rất hạn chế. Oxy ít, độ ẩm cao, nhiệt độ cao, khí metan luôn ở mức lớn, bụi than nhiều vô kể, tất cả tạo ra một môi trường cực kỳ khắc nghiệt đối với cả việc tồn tại của con người chứ chưa kể đến phải làm việc ở đó 8 tiếng mỗi ngày. Thế nhưng, người thợ lò đã hàng trăm năm nay, ngày này sang ngày khác, năm này sang năm khác vẫn làm việc không ngừng nghỉ.
Sau gần 10 tiếng làm việc dưới độ sâu hàng trăm mét với cường độ lao động cực lớn, tôi cảm nhận được sự mệt mỏi trên gương mặt các anh. Nhưng có điều gì đó còn hơn thế. Đó là niềm vui từ ánh mắt người thợ. Tôi cứ có cảm giác lúc ấy mới là bình minh của họ, khi lồng ngực căng tràn oxy, khi họ được thấy ánh sáng mặt trời, khi họ được trở về với gia đình an toàn và lành lặn.
Ở độ sâu hàng trăm mét có hàng nghìn nguy cơ khác nhau mà ngành than mặc dù nỗ lực không ngừng đưa hệ thống công nghệ hiện đại vào khai thác vẫn không thể giữ được tuyệt đối an toàn. Trên thực tế, dưới lòng đất vẫn là môi trường mà con người còn rất hạn chế trong việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ để làm chủ, trong khi đó, việc chinh phục không gian đã trở nên dễ dàng.
Giây phút hạnh phúc của mỗi người thợ mỏ sau mỗi ca làm việc. Ảnh: Hoàng Long
Những trải nghiệm khó quên
Một tháng làm phim thì gần một phần hai thời gian đó, tôi xuống lò cùng người thợ để ghi hình cảnh làm việc của những con người “ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ”. Không giống như mỏ lộ thiên, công nhân có thể tranh thủ ngồi nói chuyện, làm việc trong hầm lò hầu như không nghỉ ngơi.
Họ làm việc rất căng thẳng, không có thì giờ tán chuyện, vì thế, những người công nhân với khuôn mặt đen nhẻm bụi than trở thành nhân vật đầy ấn tượng trong khuôn hình của bộ phim tài liệu 2 tập “Tôi là người thợ lò”, được phát sóng trong dịp Kỷ niệm 80 năm truyền thống công nhân mỏ và ngành than (12/11/1936 - 12/11/2016) trên VTV1.
Tính kỷ luật là yếu tố quyết định nhất đến hiệu quả của công việc, là điều mà bất cứ người thợ nào muốn tồn tại phải tuân thủ và là sợi dây gắn kết mỗi cá nhân với nhau để tạo ra sức mạnh tập thể chinh phục tự nhiên. Các vỉa than chạy ngoằn ngoèo trong các lớp đất đá chính là thách thức đối với người thợ khai thác. Kỷ luật và đồng tâm chính là “bí quyết” giúp guồng máy chạy liên tục suốt 8 tiếng đồng hồ và tạo ra không ít kỳ tích.
Những con người vùng mỏ, những thợ lò thế hệ hôm nay khác rất nhiều so với thế hệ cha anh mình về điều kiện làm việc, về cách thức khai thác than. Có một câu hỏi mà trước khi bắt đầu thực hiện bộ phim này, tôi luôn trăn trở muốn tìm câu trả lời. Đó là tại sao vất vả như thế, nguy hiểm như vậy, vẫn có hàng vạn thợ mỏ gắn bó với nghề?
Với chúng tôi, có lẽ niềm tự hào về truyền thống 80 năm qua, về tinh thần kiên cường năm nào đã giúp người thợ mỏ thấy mình mạnh mẽ hơn, đoàn kết hơn để tiếp tục chinh phục những gian nan, thử thách từ lòng đất.
Nguyễn Hoàng Long
Trung tâm phim Tài liệu và Phóng sự, Đài THVN
Bình luận: 0