Làm báo ở mặt trận
15:52 20/10/2016
- Vấn đề sự kiện
Giữa tháng 12 năm 1953, tôi được lệnh đi Chiến dịch Trần Đình (tức Chiến dịch Điện Biên Phủ). Đầu tháng 1 năm 1954, tôi có mặt ở Thẩm Púa, nơi đầu tiên đặt Sở chỉ huy Chiến dịch.
Kỷ niệm 66 năm Báo Quân đội nhân dân ra số đầu tiên (20/10/1950-20/10/2016)
Lúc đó đồng chí Hoàng Xuân Tùy là Tổng biên tập báo mặt trận kiêm nhiệm vụ "trợ lý thư ký", luôn ở cạnh Đại tướng Tổng Tư lệnh. Đồng chí Hoàng Xuân Tùy truyền đạt cho tôi: “Chiến dịch này là một trận quyết chiến chiến lược. Ta xuất đại quân. Bác Hồ chỉ thị phải thắng, phải chắc thắng”.
Lãnh đạo Bộ Tổng tư lệnh ra quyết định đặc biệt về báo chí: Làm một tờ báo Quân đội nhân dân ngay tại mặt trận, viết, in, phát hành tại trận, đưa đến tay chiến sĩ dưới chiến hào.
Báo Quân đội nhân dân được coi như một binh chủng tham gia chiến đấu.
Nhà báo lão thành Phạm Phú Bằng (ngồi giữa, hàng đầu) trong chuyến thăm địa điểm Tòa soạn tiền phương Báo Quân đội nhân dân tại Mặt trận Điện Biên Phủ đóng ở xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên (ảnh chụp tháng 2-2014). Ảnh: HUYỀN PHƯƠNG
Tôi hỏi về biên chế tổ chức, đồng chí Hoàng Xuân Tùy nói: Phải gọn, rất gọn. Phóng viên, biên tập chỉ vài người. Chỗ dựa chủ yếu là lực lượng cộng tác viên.
Lúc bấy giờ phóng viên, biên tập viên thường trực tại tòa soạn từ đầu chỉ có bốn người:Đồng chí Trần Cư, Thư ký tòa soạn, cầm trịch; đồng chí Khắc Tiếp, tả xung hữu đột, bao quát cả bộ đội chiến đấu, dân công, tù binh...; đồng chí Phú Bằng làm tin chiến sự, biên tập bài vở của cộng tác viên... Trần Cư và Phú Bằng thu xếp thay nhau xuống đơn vị chiến đấu. Về sau, từ Việt Bắc có gửi bổ sung đồng chí Nguyễn Trần Thiết.
Họa sĩ Nguyễn Bích chuyên vẽ các loại tranh, áp-phích lớn nhỏ, in đen trắng hoặc in màu. Cộng tác viên gần gũi nhất của Nguyễn Bích là họa sĩ Mai Văn Hiến. Đồng chí Nguyễn Bích trực tiếp phụ trách tổ in li-tô (in đá, chữ viết ngược). Li-tô là chủ lực trong việc in áp-phích, in bản đồ chiến sự.
Nơi làm việc của li-tô là lãng mạn nhất. Ở ngay ven suối (tiện việc mài đá, rửa đá...). Lúc có đủ màu xanh đỏ, thì đây là khu "tranh Đông Hồ" thu nhỏ của mặt trận. Đây cũng là nơi tiết kiệm từng xăng-ti-mét giấy. Mảnh giấy chỉ bằng ba ngón tay cũng được in một khẩu hiệu động viên chiến đấu.
Tòa soạn còn có một nhà in "hiện đại", xếp từng "bát" chữ chì, toàn cỗ máy in nặng như sơn pháo. Khi ở Việt Bắc thì có máy chạy, nay ra mặt trận thì anh em phải gò lưng quay tay cái bánh đà. Nơi làm việc của nhà in là bức bối nhất. Tất cả nặng nề, phải đặt dưới hầm sâu. Một bộ phận nữa gắn chặt với Thư ký tòa soạn là tổ điện đài, chuyên phát bài vở về hậu phương theo kiểu chữ "moóc" tịch tè, tịch tè. Có hai anh lính trẻ khỏe chuyên quay ra-gô-nô phát điện để đưa các chữ "moóc" lên trời.
Từ cuối năm 1950 cho đến năm Điện Biên Phủ, khi vào chiến dịch nào, các phóng viên BáoQuân đội nhân dân đều kèm chức năng "thông tấn xã". Ngoài bài viết cho Báo Quân đội nhân dân, anh em còn phải thu gom các tin, bài của cán bộ, chiến sĩ rồi thông qua quân bưu hoặc điện đài mặt trận điện chuyển về cho Thông tấn xã Trung ương ở Việt Bắc. Thông tấn xã Trung ương sẽ soạn lại thành bản tin hoàn chỉnh chuyển cho các báo ở ATK và cho Đài Tiếng nói Việt Nam đóng ở khu rừng cạnh hồ Ba Bể (đến thời kháng chiến chống Mỹ, nhiệm vụ này tách riêng với việc thành lập Phòng Thông tấn Quân đội).
Tuy là một tờ báo mặt trận cũng phải đủ “mâm bát”: Có tin tức, có mẩu chuyện, có ngôn luận, có thơ ca, có tranh vui, có biếm họa (riêng việc đưa ảnh lên báo ở Điện Biên Phủ thì đành chịu vì không có phương tiện).
Sau mỗi trận đánh quan trọng thì trên báo có ngay "Thông cáo Bộ Tổng tư lệnh", có thư của Đại tướng. Cũng có lúc thêm bài "Người phát ngôn Bộ Tổng tư lệnh" trước một sự kiện đáng chú ý, bài đó viết xong là chuyển về cho Đài Tiếng nói Việt Nam.
Báo Quân đội nhân dân mặt trận cũng tranh thủ đăng các thư, điện từ hậu phương động viên các chiến sĩ Điện Biên Phủ. Thư của Trung ương Đảng, Chính phủ, thư của các đoàn thể, thư của nhân dân Tây Bắc, của Hội nghị Quân Dân Chính Đảng đang họp ở Nam Bộ thành đồng.
Trên hết, có sức lay động lớn là thư và điện của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cán bộ và chiến sĩ Mặt trận Điện Biên Phủ, được in ở vị trí trang trọng, được đọc theo chiều dọc của chiến hào.
Về cộng tác viên tại mặt trận có hai nhóm quý giá: Một là các nhà văn, nhà báo, họa sĩ... từ các báo chí, thông tấn Trung ương cùng có mặt ở Điện Biên Phủ; hai là các cây bút ở các đơn vị chiến đấu. Không có các lực lượng hùng hậu này thì không thể có một tờ Báo Quân đội nhân dân mặt trận sinh động như ta được đọc lại hôm nay.
Ở mỗi kỳ báo, ưu tiên số một vẫn là bài viết của cộng tác viên, như các tên tuổi: Nguyễn Đình Thi, Thái Duy, Vũ Cao, Lê Kim, Đỗ Chí, Lê Hào, Ngọc Tự... Do khuôn khổ Báo Quân đội nhân dân mặt trận nhỏ hẹp nên một khối lượng không ít bài viết của cộng tác viên chúng tôi đã phải chuyển về Việt Bắc theo điện đài hoặc theo đường quân bưu.
… Niềm vui của người làm báo mặt trận là mỗi chiều tối, báo in xong, còn "nóng hổi", anh bộ đội phát hành cho hai bó báo vào sọt, quấn kỹ lá dong, tránh bị ướt.
Anh làm báo cũng cho một bó vào ba lô, theo anh phát hành thông thạo đường rừng, đi về phía trận địa. Anh phát hành "bóc lá dong" chia báo cho các trung đội. Anh làm báo chọn vài bài sinh động, đọc ngay cho chiến sĩ dưới hào, hỏi ý kiến anh em, rồi nài nỉ anh em kể vài chuyện mới, để đem in cho số báo tiếp theo.
PHẠM PHÚ BẰNG (Đại tá, nguyên phóng viên Tòa soạn tiền phương Báo Quân đội nhân dân tại Mặt trận Điện Biên Phủ)
Nguồn: Báo Quân Đội Nhân Dân
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Giải Vô địch Bóng bàn Hội Nhà báo Việt Nam sẽ diễn ra trong tháng 12/2024 (04:01 18/11/2024)
- Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau (10:26 18/11/2024)
- Quốc hội thông qua nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 (08:42 13/11/2024)
- Phiên chất vấn đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, “đúng” và “trúng” (06:00 12/11/2024)
- Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8 (09:10 11/11/2024)