Kỷ niệm nghề: Suýt “bại trận” ở Điện Biên
21:14 12/10/2021
- Tác nghiệp
So với đồng nghiệp cùng trang lứa ở tòa soạn, tôi về Báo Quân đội Nhân dân muộn hơn,
34 tuổi mới bập bẹ vào nghề. Khi đã quen với công việc làm báo và nhiệm vụ của phóng
viên, tôi rất thích đi công tác vùng sâu, vùng xa, được đến những địa danh lịch sử, trong
đó Điện Biên Phủ là nơi tôi mong muốn nhất. Vì nhiều lý do, đến cuối tháng 5/2000, mong
ước của tôi mới thành hiện thực.
Phóng viên Đài PT&TH Điện Biên tác nghiệp tại hiện trường.
Để phát hiện đề tài hay
Háo hức, xốn xang, vậy mà vừa bước lên xe, tôi rơi ngay vào trạng thái tâm lý - áp lực. Rằng, đây là lần đầu tiên mình lên Điện Biên. Rằng, với tư cách là một nhà báo quân đội lên vùng đất thiêng “Lừng lẫy năm châu - Chấn động địa cầu”... liệu có tìm ra điều gì mới để viết? Mà không “dẫm chân” đồng nghiệp!
Vừa về đến TP. Điện Biên Phủ, tôi gặp hai toán khách người Pháp và người Anh. Toán người Pháp, đi theo chương trình ngoại giao, toán người Anh là du lịch tự do - “Tây ba lô”. Nếu khách đó là người Trung Quốc hay người Nga, tôi cũng giao tiếp được đôi điều. Nhưng ở ngữ cảnh này, khách này, chỉ có thể là tiếng Anh! Mà tiếng Anh với tôi chỉ là A, lại “trả thầy” cả rồi. Tiếc quá! Ân hận quá! Nếu như trước đây tôi tranh thủ và kiên trì học tiếng Anh, chỉ cần giao tiếp thông thường, hôm ấy tôi đã có ngay 2 bài về Điện Biên Phủ.
Mở đầu các hoạt động tham quan, Đoàn viếng các liệt sĩ yên nghỉ tại nghĩa trang Độc Lập. Sau đó lần lượt thăm quan di tích cứ điểm Him Lam, Đồi C, Đồi D, Đồi A1... Qua nhiều di tích như thế nhưng tôi vẫn chưa tìm thấy điều gì mới so với những bài viết của đồng nghiệp, nếu viết có cảm giác đụng chân!
Sáng hôm sau, từ Bản Kéo về hầm Đờ-cát, mọi người xốn xang, còn tôi thì hoang mang. Có lúc tôi chợt nghĩ, hay là mình “gia cố” bài bút ký “Lên với Mường Lói, Mường Nhà”, gửi gắm trả nợ vào đó? Không được – tôi tự phủ quyết!
Kia rồi, từ xa xa nhìn thấy vòm hầm cong cong, tôi chẳng phải nghi ngờ gì vì căn hầm lịch sử này biết bao đồng nghiệp và nhiếp ảnh gia đã chụp, đã lên bao nhiêu mặt báo cả trong nước và quốc tế. Từ lúc nhìn thấy căn hầm, tôi lại càng hoang mang, bụng nghĩ thầm “có thể mình sẽ bại trận như người Pháp năm xưa ở chính đất này”.
Lúc trước, tôi ngồi ở ghế trong, khi xe cách hầm Đờ-cát chỉ khoảng 300m, tôi liền đổi chỗ cho người ngồi phía ngoài, để nhìn cho rõ hơn. Ngồi chưa ấm chỗ, tôi nhìn thấy một vườn cây ăn quả cách hầm Đờ-cát khoảng 200m. Gần đến bãi đỗ xe, tôi như không còn tin vào mắt mình nữa, bên phải đường, sát hầm Đờ-cát là một vườn hồng đã lác đác hoa. Tôi như thốt lên trong lòng, đây là cái mình cần, mình tìm suốt một tuần qua, đó là nhặt được “vàng” như các đồng nghiệp vẫn nói. Tâm lý nặng nề - áp lực trong tôi nhanh chóng biến mất, tôi thấy người nhẹ tênh, khẳng định luôn mình ghi bàn ở phút 89 - chỉ có điều ghi sao cho “bàn thắng đẹp” mà thôi.
Đoàn vào thăm quan hầm Đờ-cát tôi chỉ chụp duy nhất một kiểu ảnh người hướng dẫn tham quan đang giới thiệu với đoàn về di tích, không cần ghi chép “Giờ này, ngày này, tại đây...” vì sử sách, báo chí đã viết nhiều, nói nhiều. Chụp ảnh xong, tôi nhanh chóng ra phía vườn hồng. Khu vườn được rào khá kỹ, tìm mãi chẳng thấy cửa đâu. Thời gian Đoàn thăm quan hầm Đờ-cát không nhiều, nên tôi liều xé rào vào vườn hồng. Đến bên hai phụ nữ đang chăm sóc cây để xin lỗi và hỏi chủ nhân. Một chị vẻ ái ngại nói với tôi: “Chúng tôi làm công thôi, chủ nhân là bác Đoàn, bác ấy đang ở ngôi nhà kia. Bác ấy khó tính lắm đấy, liệu lời mà nói chú ạ...”
TP Điện Biên Phủ
Từ vườn hồng đến ngôi nhà của chủ nhân khoảng 250m, tôi vừa đi, vừa chạy, vừa nghĩ cách ứng phó. “Người trồng hoa mà khó tính - lạ nhỉ?”, tôi thầm nghĩ. Cách ngôi nhà nhỏ khoảng 50m, thấy một người đàn ông thấp đậm từ nhà đi ra, đứng chờ. Tôi đã chuẩn bị tâm thế để hứng chịu sự khó tính của ông, đồng thời quyết định phương án “tác nghiệp”. Cách ông khoảng 20m, tôi nói thật to.
- Cháu xin lỗi bác! Cháu là phóng viên Báo Quân đội nhân dân đi cùng đoàn đang tham quan hầm Đờ-cát. Vì thời gian gấp quá, mà cháu thấy vườn hồng của bác thật ý nghĩa, đành phải đánh liều chui rào vào đây, mong bác thông cảm”. Nghe tôi thành khẩn, rành rõ, ông thay đổi luôn sắc mặt rồi nói: “Vì anh là phóng viên Báo Quân đội nhân dân, lại nói vườn hồng của tôi có ý nghĩa, nên tôi biết anh nghĩ gì và sẽ viết gì rồi. Nếu không tôi đã đuổi anh ra khỏi vườn...”.
Hú vía! Nói vậy rồi ông chủ động bắt tay tôi, thân thiện mời vào nhà uống nước. Câu chuyện giữa tôi và ông chủ vườn hồng diễn ra khoảng 20 phút, nhưng tôi thu được nhiều thông tin, có nhiều chi tiết rất đắt, rất quý.
Ông là Nguyễn Văn Đoàn, quê gốc ở Thanh Liêm (Hà Nam), cựu chiến binh Trung đoàn 174, Đại đoàn Chiến thắng, trực tiếp chiến đấu tại mặt trận Điện Biên Phủ. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông cùng đơn vị chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Đúng những ngày cùng đồng đội dũng mãnh xông trận, người lính chiến đột ngột đổ bệnh lạ. Bụng ông hệt như quả bóng bay khi thổi, cứ to dần, phình ra, không thể mặc được quần áo, ngay cả bộ quân phục số 5 - cỡ số lớn nhất của ngành quân trang cũng đành chỉ để đắp cho ông. Qua các Trạm giao liên, đơn vị chuyển ông về tuyến sau. Qua nhiều bệnh viện Đông - Tây y, trong và ngoài quân đội, bụng ông càng trương phình. Các thầy thuốc và người thân đã hết lòng, đã “Đông tây y và tinh thần kết hợp”, nhưng không có kết quả gì. Gia đình xin bệnh viện đưa ông về nhà chăm sóc được ngày nào hay ngày đó và tiện cho việc hậu sự sau đó.
Người anh họ ở Sơn La, nghe tin này đã tức tốc về Hà Nam, đem theo phương thuốc lá của người Thái về cho em uống. Đúng là thuốc tiên, là thần dược, chỉ sau 2 ngày uống thuốc đồng bào Thái, bụng ông dần nhỏ lại, mềm ra, 5 tháng sau ông Đoàn hoàn toàn khỏi bệnh. Được hưởng chế độ bệnh binh, khi sức khỏe trở lại bình thường, ông Đoàn nghĩ ngay đến việc lên Sơn La để trả nghĩa người anh họ và người Thái ở xã Chiềng Khơi của TP. Sơn La. Cũng chính từ chuyến đi đó, ông đã bén duyên Tây Bắc. Để rồi, khi về quê bàn bạc luôn với vợ con lên Chiềng Khơi sinh sống. Tạm an cư ở quê mới, cựu chiến binh Điện Biên vượt đèo Pha Đin thăm lại chiến trường xưa. Đến hầm Đờ-cát, ông chạnh lòng khi thấy di tích vĩ đại như thế mà xung quanh hoang hóa, toàn cỏ dại. Ngay hôm đó ông Đoàn đã liên hệ, làm việc với cơ quan chức năng xin thầu gần 1 hecta quanh hầm Đờ-cát. Đầu xuân 1997, chiến dịch khai hoang của gia đình ông bắt đầu. Ông trồng nhiều loại cây ăn quả, sát hầm Đờ-Cát ông trồng hoa hồng.
Khi đã thân thiện, tôi mới nói với ông Đoàn:
- Theo cháu bác chỉ rào khu vực cây ăn quả thôi, còn hoa hồng thì không nên rào, mà có rào thì thưa thôi bác ạ. - Tôi đã làm đúng như anh nói. Nhưng vì quanh đây một số gia đình nuôi bò, đã mấy lần hồng đang đẹp mà chúng vào phá phách hết. Vì vậy tôi mới phải rào kỹ vậy đấy.
Tôi thể hiện sự cảm thông, ông Đoàn nói tiếp:
- Từ khi tôi thầu đất này để trồng cây, trồng hoa, gặp ít người đồng cảm như anh. Có người là cán bộ hẳn hoi mà lại nói “Hồng của ông xấu thế này thì bán cho ai?”. Có người cũng là nhà báo như anh thì lại nói “Bác đầu tư như thế thì bao giờ mới hoàn được vốn, bao giờ mới có lãi...”. Những người hỏi và nói như thế cũng không ít, nên khối người đã bị tôi đuổi ra khỏi vườn. Nghe ông Đoàn nói thế, tôi mới lý giải được sự khó tính của người trồng hoa này như chị làm công cảnh báo lúc trước. Tuy nhiên, tôi vẫn phải bênh đồng nghiệp chưa biết tên, chưa biết ở báo nào “đồng nghiệp của cháu bác vừa nói có thể là không gặp may, có thể phóng viên đó chuyên theo dõi mảng kinh tế, nên quen mắt, quen góc nhìn ở khía cạnh kinh tế, nên mới nói như thế...”.
Nét mặt ông thoáng chút ân hận “có thể mình nghĩ cũng chưa được thấu đáo, nên mới giận dữ như vậy. Bệnh binh hai thời kỳ này sẽ rút kinh nghiệm ngay nhà báo quân đội ạ”.
Cả chủ và khách đều vui. Tôi xin ông số điện thoại để nếu cần gì liên quan đến bài viết hỏi thêm. Vì chưa có điện thoại di động, nên ông cho tôi cả hai số điện thoại bàn ở Chiềng Khơi và ở ngôi nhà nhỏ này. Tôi ra về, ông tiễn chân, bắt tay thân thiện, dường như sự thân thiện ấy của người cựu chiến binh muốn dành cho cả người đồng nghiệp không gặp may của tôi.
Xã Mường Nhà, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên
Lời động viên tiếp lửa
Về tòa soạn, tôi hoàn chỉnh thêm bài bút ký “Lên với Mường Lói, Mường Nhà” và được đăng trên báo Quân đội Nhân dân hằng ngày, số ra ngày 2/6/2000. Còn chuyện hoa hồng bên hầm Đờ-cát tôi để dành, viết đăng báo Tết 2001 - đấy cũng là kinh nghiệm mà đồng nghiệp đi trước mách bảo. Trước khi viết, tôi điện thoại hỏi ông Đoàn thêm đôi điều. Ông phấn chấn khoe rằng “Vườn hồng năm nay đẹp hơn nhiều Tết trước. Giáp Tết tôi sẽ gỡ bỏ hàng rào cho nó, nhà báo ạ”. Tôi thật vui, vì có thêm chất liệu mới cho bài viết.
Báo Tết năm đó còn đang trình bày, Thượng tá Lê Phúc Nguyên, Phó Tổng Biên tập (sau là Trung tướng, Tổng biên tập báo QĐND) đã dành cho tôi lời khen “Bài Hoa hồng bên chiến tích của em tốt đấy, phát huy nhé!”. Anh bắt tay tôi, tôi nhận được sự ấm áp, niềm động viên, khích lệ, thật quý.
Báo Tết phát hành, tôi tiếp tục nhận được những lời chia sẻ, cảm mến ân tình. Sáng mồng 2 Tết, tôi nhận được điện thoại của anh Tư Phi, gọi từ TP. Hồ Chí Minh. Sau những lời chúc tốt đẹp đầu xuân, anh Tư Đại tá “lì xì” ngay: “Hai bài viết của chú em trong chuyến đi Tây Bắc anh đều rất thích. Tuyệt nhất là cái kết của bài báo Tết, vì thế anh thuộc luôn rồi đấy”.
Tôi chưa kịp đề nghị “thẩm định”, thì lời anh đã rung động trong tôi:
“Thời trận mạc, giữa hai làn súng nổ người lính trẻ trồng hoa. Thời bình, người lính già trồng hoa bên chiến tích. Có ai khát vọng hòa bình như người lính Bộ đội Cụ Hồ! Có dân tộc nào yêu chuộng hòa bình như dân tộc Việt Nam.
Xuân sang, hoa hồng đẹp hơn bên chiến tích, để sắc màu Hoa Chiến thắng Điện Biên đẹp hơn, đẹp mãi...
Tuyệt! Tuyệt vời chú ạ! Cái kết của bài báo thực sự có hậu, có tầm, làm lay động lòng anh..”. Giọng Nam bộ trầm ấm của anh Tư như tôn thêm cái kết bài báo, khiến tôi như không tin vào cảm xúc của mình...
59 lần đón tết, đây là quà mừng tuổi, quà lì xì có ý nghĩa và giá trị nhất với tôi. Đó là món quà đầy nắng ấm phương Nam, món quà dạt dào tình cảm và năng lượng khích lệ của người anh hai thời kỳ trận mạc - chống Mỹ và bảo vệ biên giới Tây Nam dành cho tôi vào đầu xuân thế kỷ mới./.
TÔ THÀNH TUYÊN
Bình luận: 0