Kỳ 2: Tính Đảng - Nhân tố định hình văn hóa báo chí
03:22 07/10/2022
- Báo chí & Công chúng
Văn hóa tòa soạn được kết tinh, hun đúc từ bề dày truyền thống, từ ý chí hiện diện ngay trong từng cách thức tổ chức, thực thi tôn chỉ mục đích và cũng là cách để mỗi tòa soạn tạo dựng cho mình một bản sắc riêng. Bản sắc ấy góp phần làm nên tên tuổi, thương hiệu mỗi tờ báo. Là đơn vị nòng cốt bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, ở Báo Nhân Dân, tính Đảng được thể hiện nhuần nhuyễn trong hoạt động hằng ngày của tòa soạn. Văn hóa mang tính Đảng được Báo Nhân Dân kiên trì gìn giữ và phát triển qua nhiều giai đoạn lịch sử.
Để có cái nhìn cụ thể hơn về mô hình tòa soạn văn hóa trong chuyển đổi số, phóng viên Tạp chí Người Làm Báo đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Đinh Như Hoan, Phó Tổng Biên tập, Chủ tịch Liên Chi hội Nhà báo Báo Nhân Dân. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Tính Đảng hiện diện trong mọi hoạt động của tòa soạn
PV: Báo chí đang tìm lại những giá trị cốt lõi. Giá trị nhân văn, giá trị văn hóa hiện diện trong mỗi tòa soạn, trong mỗi người làm báo có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh báo chí hiện nay thưa ông?
Nhà báo Đinh Như Hoan, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân: Báo chí cách mạng ngay từ khi ra đời đã có sứ mệnh cao cả là đáp ứng nhu cầu thông tin, phản ánh đúng sự thật, truyền cảm hứng và lan tỏa giá trị nhân văn, giá trị văn hoá.
Sứ mệnh cao cả của Báo chí là đáp ứng nhu cầu thông tin, phản ánh đúng sự thật, truyền cảm hứng và lan tỏa giá trị nhân văn, giá trị văn hoá _Ảnh: Tư liệu.
Trong bối cảnh hiện nay, khi mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, bạn đọc bị cuốn vào khối lượng khổng lồ các loại thông tin, trong đó có những thông tin chưa được kiểm chứng thì các cơ quan báo chí phải thực hiện một nhiệm vụ rất khó khăn là tìm ra thông tin đúng sự thật, bảo vệ sự thật, định hướng nhận thức của bạn đọc tới những giá trị nhân văn, giá trị văn hoá, vì một xã hội tốt đẹp hơn.
Thế nhưng, trong thực tế vẫn tồn tại đây đó một số cơ quan báo chí, một số người làm báo mải chạy theo “view” mà quên mất chức năng, xa rời nhiệm vụ của mình rồi sa vào thương mại hóa, tầm thường hóa, cổ xúy những quan điểm, nhận thức lệch lạc trong xã hội. Thậm chí một số nhà báo có hành vi, biểu hiện lệch chuẩn, vi phạm đạo đức nghề báo, lợi dụng những vụ việc tiêu cực vì lợi ích cá nhân và có người đã vi phạm pháp luật, bị xử lý. Thực tế đáng buồn ấy dẫn đến việc công chúng ít nhiều mất niềm tin vào cơ quan báo chí và những người làm báo, từ đó ảnh hưởng đến vai trò của báo chí cách mạng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Vì vậy, để giữ vững vai trò, sứ mệnh của mình, hơn bao giờ hết báo chí phải gạn đục khơi trong, tự tu chính mình, củng cố, vun đắp những giá trị cốt lõi, phải thực sự là những “vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn. Muốn vậy, mỗi cơ quan báo chí phải là một môi trường văn hoá và mỗi người làm báo trong đó phải là một nhân tố văn hóa. Người làm báo phải hội đủ những phẩm chất của một nhà tư tưởng, nhà giáo dục, nhà văn hoá thì ngòi bút của họ mới sáng tạo nên những tác phẩm giá trị, giàu tính chiến đấu và tính nhân văn, thực sự định hướng, dẫn dắt được dư luận hướng tới những điều tích cực, khát vọng thúc đẩy cộng đồng, xã hội phát triển bằng những hành động thiết thực.
Báo Nhân Dân luôn nghiêm túc, đúng đắn, chính xác, chuẩn mực trong thông tin_ Ảnh: Tư liệu.
Khi một toà soạn vận động trong sự thống nhất về tư tưởng và hành động của những người làm báo cùng hướng về những giá trị cốt lõi của báo chí, cùng vì lợi ích của quốc gia, dân tộc và quyền lợi chính đáng của người dân, thì chắc chắn nó tạo ra sức mạnh lan toả những giá trị tốt đẹp. Có thể thấy, và dễ dàng kể ra rất nhiều nhà báo của chúng ta đã đổ mồ hôi, công sức thậm chí cả máu và nước mắt để đi tìm sự thật, thẳng thắn đấu tranh với những điều sai trái, không ngại gian khổ, lặn lội đến vùng sâu, vùng xa, lăn xả vào những nơi nguy hiểm để đem tới cho công chúng những hình ảnh chân thực nhất của muôn mặt đời sống, phản ánh sát thực tế khó khăn, mất mát, đau thương ở những vùng đất hứng chịu thiên tai, dịch bệnh…, qua đó mỗi người đọc, người xem cảm nhận được giá trị của cuộc sống, trân trọng những điều tốt đẹp, mong muốn cống hiến xây dựng xã hội giàu, đẹp, văn minh… Bên cạnh đó, những hành động đẹp, những việc làm tốt, lối sống tích cực, gương người việc thiện, phong trào thi đua yêu nước được phản ánh trung thực trên báo chí có tác dụng củng cố niềm tin của nhân dân về mục tiêu phát triển xã hội.
Bởi vậy mà có thể nói, giá trị nhân văn, giá trị văn hoá hiện diện trong mỗi toà soạn, trong mỗi người làm báo có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay, nó giúp công chúng được tiếp nhận thông tin đúng đắn, cần thiết, có tính xây dựng và tính nhân văn, đồng thời có sức “đề kháng” trước những thông tin xấu, độc. Từ đó tạo nên đời sống tinh thần xã hội lành mạnh, góp phần củng cố sức mạnh đoàn kết toàn dân, nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước. Mỗi người làm báo cần không ngừng tự rèn luyện nâng cao trình độ, phẩm chất và bản lĩnh để trước mọi sự việc luôn thông tin khách quan, trung thực, nhưng lại không phải là tất cả những gì mắt thấy, tai nghe mà cần có tính định hướng, cân nhắc đến hiệu quả và sự tác động của thông tin tới công chúng để phản ánh phù hợp. Đó chính là thực hiện bài học mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, người thầy của nền báo chí cách mạng Việt Nam luôn đề cao đối với mỗi người làm báo, dù ở vị trí nào, trước khi sáng tạo tác phẩm báo chí cần trả lời các câu hỏi: “Viết cho ai?”, “Viết để làm gì?”, “Viết cái gì?”, “Viết như thế nào?”.
PV: Báo Nhân Dân là tờ báo của Đảng, vậy yếu tố văn hóa ở đây được thể hiện là gì thưa ông? Tính Đảng đã chi phối, đóng vai trò ra sao trong các hoạt động của tòa soạn?
Nhà báo Đinh Như Hoan, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân: Nói đến Báo Nhân Dân là nói đến sự nghiêm túc, đúng đắn, chính xác, chuẩn mực trong thông tin, phản ánh mọi sự việc, hiện tượng. Người làm báo Nhân Dân phải có phẩm chất, tác phong công tác của một nhà báo cách mạng. Đó chính là những yếu tố văn hoá mà Báo Nhân Dân luôn gìn giữ, vun đắp qua hơn 70 năm xây dựng, trưởng thành. Ban Biên tập Báo Nhân Dân luôn chú trọng rèn luyện đội ngũ người làm báo có lập trường chính trị và trình độ chuyên môn vững vàng, có đạo đức nghề nghiệp, ý thức phục vụ Đảng, đất nước và nhân dân. Ban Biên tập yêu cầu những người làm báo Đảng phải có dũng khí đấu tranh với cái sai, bảo vệ cái đúng, vượt qua những cám dỗ, thực sự tâm huyết, công tâm, khách quan trong hoạt động nghiệp vụ và luôn đề cao hoạt động báo chí vì lợi ích dân tộc, phục vụ nhân dân lên trên hết. Đó là nền tảng tạo dựng nét đẹp văn hoá của mỗi người làm Báo Nhân Dân và tờ báo Đảng.
Giữ gìn bản sắc, kết nối mạch nguồn truyền thống chính là yếu tố nhận diện của một tờ báo trong quá trình phát triển_Ảnh: Tư liệu.
Tính Đảng của báo Nhân Dân còn thể hiện rất rõ ở các nội dung bài viết. Là cầu nối, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân, Báo Nhân Dân đã góp phần quan trọng đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, cổ vũ nhân dân đoàn kết tạo nên sức mạnh tổng hợp biến ý chí của Đảng thành hiện thực. Đội ngũ những người làm báo Nhân Dân luôn bám sát thực tiễn đời sống, tạo diễn đàn và cùng với nhân dân giám sát quá trình triển khai tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Từ đó kịp thời nắm bắt, phản ánh tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân, phát hiện và tuyên truyền nhân rộng các nhân tố điển hình, cách làm sáng tạo, đồng thời kiên quyết lên án những biểu hiện tiêu cực, hành vi vi phạm pháp luật... góp phần giúp cho các cấp ủy Đảng và hệ thống chính trị nắm chắc hơn tình hình thực tế ở địa phương, cơ sở, nhất là những vấn đề đang đặt ra, những bức xúc trong nhân dân để tiếp tục hoàn thiện đường lối, chủ trương và các chính sách, quyết tâm xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Báo Nhân Dân là đơn vị nòng cốt bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, luôn đi đầu đấu tranh vạch trần mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phần tử bất mãn chính trị, đối tượng xấu, xuyên tạc, bôi nhọ Đảng, nói xấu chế độ ta. Các tác phẩm trên Báo Nhân Dân có tính chiến đấu cao với những bình luận sắc bén đã giúp đông đảo bạn đọc, quần chúng nhân dân cảnh giác trước các thông tin xấu độc, âm mưu gieo rắc lối sống tiêu cực, thái độ bất mãn trong xã hội…
Nhà báo Đinh Như Hoan, Phó Tổng Biên tập, Chủ tịch Liên Chi hội Nhà báo Báo Nhân Dân _ Ảnh: Tư liệu.
Tính Đảng ở Báo Nhân Dân thể hiện nhuần nhuyễn trong hoạt động hằng ngày của toà soạn. Ban Biên tập theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tuân thủ, thực hiện nghiêm tôn chỉ mục đích của tờ báo; gắn trách nhiệm của người đứng đầu với những sai phạm của cán bộ, phóng viên, biên tập viên; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về báo chí. Ban Biên tập kết hợp chặt chẽ công tác quản lý, giáo dục cán bộ, phóng viên với công tác kiểm tra, giám sát đảng viên của Đảng ủy. Ban Biên tập có các giải pháp để thực hiện hiệu quả công tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ vừa có trình độ chuyên môn nghiệp vụ tốt và rèn luyện bản lĩnh chính trị, tư tưởng, nhận thức rõ ràng vai trò của nhà báo với sự nghiệp và lợi ích chung của đất nước và phục vụ nhân dân…
Chuyển đổi số tạo ra văn hóa mới
PV: Nếu coi chuyển đổi số là bước đi tất yếu của báo chí thì xây dựng văn hóa là yếu tố sống còn quyết định giá trị cốt lõi của một tòa soạn số. Theo ông, xây dựng tòa soạn văn hóa trong chuyển đổi số cần làm những gì và yếu tố nào quyết định thành công công cuộc tất yếu đó?
Nhà báo Đinh Như Hoan, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân: Giãn cách xã hội trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19 và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đang tạo áp lực đồng thời cũng là cơ hội để các cơ quan báo chí đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ. Chuyến đổi số là tất yếu nhưng là thách thức rất lớn với các cơ quan báo chí. Trong nhiều thách thức thì phải kể đến những rào cản như tư duy cũ, yếu tố “truyền thống”, “văn hóa ngại thay đổi” những tập quán lâu năm, chủ yếu đến từ những vị trí trụ cột. Thực tế cho thấy nếu không có được sự hưởng ứng và tham gia của các cấp từ lãnh đạo tòa soạn, lãnh đạo các đơn vị đến phóng viên, biên tập viên thì khó có cơ hội thành công. Trong đó phải kể đến sức ì, ngại thay đổi, không thích đổi mới… đã trở thành lực cản lớn cho mọi nỗ lực chuyển đổi số.
Để xây dựng tòa soạn văn hóa trong chuyển đổi số, thúc đẩy mọi người hào hứng tham gia quá trình chuyển đổi số, tôi cho rằng các tòa soạn cần phải xây dựng Chiến lược chuyển đổi số với mục tiêu, lộ trình thực hiện rõ ràng và phải thật phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đơn vị, trong đó làm rõ vai trò của từng ban, phòng, cá nhân trong bức tranh chuyển đổi số. Theo tôi, không nên hô hào, đặt mục tiêu quá cao trong khi nguồn lực, cơ sở vật chất hạn chế; tư duy, kỹ năng của đội ngũ nhân sự còn thấp. Khi tòa soạn có chiến lược, lộ trình rõ ràng về chuyển đổi số sẽ thay đổi nhận thức và thay đổi cách thức làm việc của cán bộ, nhân viên theo xu hướng tòa soạn hội tụ, đa phương tiện.
Không đơn thuần là mua sắm thiết bị hay phần mềm công nghệ làm báo, chuyển đổi số trước hết chủ yếu nhắm vào sự thay đổi tư duy, nhận thức về cách làm báo mới, hiện đại, năng lực tiếp nhận công nghệ mới của nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo. Nếu các lãnh đạo tòa soạn không tham gia trực tiếp vào quá trình đổi mới phong cách tác nghiệp hiện đại gắn liền với công nghệ mới thì rất khó có sự thay đổi mạnh mẽ. Lãnh đạo tòa soạn phải đi đầu và tham gia trực tiếp vào quá trình chuyển đổi số, để hình thành tư duy sản phẩm, đồng thời kịp thời điều chỉnh những vướng mắc trong quá trình triển khai. Tòa soạn nên có cơ chế khuyến khích, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong toàn bộ cơ quan. Cần phải thấy rằng chuyển đổi số không chỉ là tạo ra sản phẩm mới, tạo cách thức kinh doanh mới, cách thức tiếp cận mới với độc giả, thậm chí tạo ra cả văn hóa mới trong tòa soạn.
PV: Theo ông, chuyển đổi số là tạo ra sản phẩm mới, tạo cách thức kinh doanh mới, cách thức tiếp cận với người dùng mới, thậm chí tạo ra cả văn hóa mới trong tòa soạn. Vậy “văn hóa mới” ở đây được hiểu như thế nào?
Nhà báo Đinh Như Hoan, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân: Như chia sẻ ở trên, chuyển đổi số ở các tổ chức bản chất là sự thay đổi tư duy, nhận thức và khả năng tiếp nhận công nghệ mới. Để chuyển đổi số thành công nhất thiết phải hình thành “văn hóa mới”. Đó là những tư duy mới, cách làm mới để xóa bỏ những rào cản cố hữu của không ít tòa soạn là “ngại thay đổi”, nhất là với những tờ báo “già”, quy mô lớn. Khoa học công nghệ thay đổi rất nhanh, do đó cần tư duy mở, không áp đặt tư duy cũ, cách làm truyền thống. Thậm chí có khi, các tòa soạn phải chấp nhận một số thử nghiệm, và sẵn sàng tâm thế rủi ro để có kinh nghiệm.
Tại Báo Nhân Dân, chúng tôi đã có Ngày đổi mới sáng tạo. Ngày đổi mới sáng tạo lần thứ nhất năm 2022 thu hút sự tham gia hưởng ứng của 29 nhóm thành quả đổi mới, sáng tạo từ 18 đơn vị. Nhờ đổi mới sáng tạo, Báo Nhân Dân đã thích ứng nhanh với tình hình phòng chống dịch Covid-19 và có nhiều tác phẩm, ý tưởng, sáng kiến và sản phẩm chất lượng cao. Vì vậy dù trong bối cảnh khó khăn chung, Báo Nhân Dân vẫn ghi nhận sự gia tăng vượt bậc lượng truy cập trên các nền tảng để đưa tiếng nói của Đảng và Nhà nước đến với công chúng nhanh hơn và diện bạn đọc rộng mở hơn.
“Văn hóa mới” nữa mà tôi muốn đề cập đó là tính linh hoạt để bắt kịp sự chuyển động rất nhanh của môi trường số. Các tòa soạn chỉ có thể tồn tại trong dòng chảy chuyển đổi số khi có đội ngũ nhân sự thực sự linh hoạt, thích ứng nhanh với những thay đổi của báo chí, công nghệ.
Tuy nhiên, xin lưu ý thêm, chuyển đổi số không có nghĩa thoát ly hay xa rời truyền thống, “xóa cũ, xây mới”. Giữ gìn bản sắc, kết nối mạch nguồn truyền thống chính là yếu tố nhận diện của một tờ báo trong quá trình phát triển. Dù chuyển đổi đến đâu, đạt đến trình mức nào, bạn đọc vẫn nhận ra bản sắc, phong cách của bản báo thì đó mới là thành công của chuyển đổi số. Và đó cũng là một yếu tố “văn hóa mới” mà một tòa soạn cần thiết phải có.
Trân trọng cảm ơn ông đã có những chia sẻ rất thực tế và ý nghĩa!
Anh Tuấn – Hà Giao (thực hiện)
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Hoa hậu Môi trường thế giới năm 2023 Nguyễn Thanh Hà: Môi trường chỉ có thể tốt hơn nếu lối sống của chúng ta thay đổi (08:18 09/11/2024)
- Hội đồng nữ doanh nhân Việt Nam - ASEAN báo công dâng Bác (03:43 22/10/2024)
- Báo chí kiến tạo, phát triển để hội nhập với nền báo chí hiện đại trên thế giới (02:21 27/08/2024)
- Ngành Thông tin và Truyền thông quyết liệt thực hiện chuyển đổi số quốc gia (03:02 30/07/2024)
- Thành phố Hồ Chí Minh: Trao giải và triển lãm ảnh “Khoảnh khắc tươi đẹp quanh ta” (09:18 29/06/2024)