KTV - 40 năm một thương hiệu

Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa tiền thân là Đài Truyền hình Nha Trang, được chính thức thành lập và phát sóng ngày 15/12/1976.

Máy phát thanh thế hệ cũ. Ảnh: TL

Qua bao thăng trầm, đổi thay, đến nay vừa tròn 40 năm trưởng thành và phát triển. Những gì mà KTV làm được trong chặng đường qua đã khẳng định được vai trò và vị thế của mình là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, là điểm tựa tinh thần của khán, thính giả.

Ưu tiên đầu tư cho kỹ thuật

Sau hơn một năm giải phóng, ngày phát sóng đầu tiên của Đài Truyền hình Nha Trang bằng một chương trình tuy còn đơn sơ do hệ thống kỹ thuật tiếp quản của chế độ cũ để lại, nhưng như một luồng gió mới của cách mạng, đã mang tiếng nói của chính quyền nhân dân đến với khán giả của thị xã Nha trang.

Có thể nói, đó là giai đoạn giao thời khó khăn nhất giữa cái cũ và cái mới, song bằng tinh thần trách nhiệm của mình các cán bộ của Đài đã nỗ lực hết sức mình để làm tốt vai trò là một cơ quan truyền thông của Đảng và Nhà nước.

Buổi phát thanh đầu tiên ngày 3/4/1975. Ảnh: TL

Từ năm 1995 đến nay, công tác kỹ thuật được chú trọng và từng bước thay đổi. Từ triển khai và ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong sản xuất và truyền dẫn phát sóng đến nâng cấp hệ thống truyền dẫn tín hiệu cho các trạm tiếp phát lại bằng hệ thống kỹ thuật số; Và thực hiện dự án “Studio Thời sự”, phát sóng trực tiếp các bản tin Thời sự đến thực hiện dự án mạng sản xuất chương trình Thời sự theo công nghệ mới.

Ngày phát hình đầu tiên 15/12/1976. Ảnh: TL

Đặc biệt năm 2013, Đài đã đưa vào hoạt động hệ thống sắp xếp chương trình phát sóng tự động và tổng khống chế mới theo công nghệ số hóa dựa trên phương thức kết nối tín hiệu số SDI.

Cũng trong năm này, Đài đã đưa tín hiệu phát sóng quảng bá kênh truyền hình KTV và sóng phát thanh  trên vệ tinh Vinasat 2 dựa trên hạ tầng truyền dẫn của HTV, đây cũng là phương thức truyền dẫn tín hiệu chính đến các trạm và các Đài huyện để tiếp sóng truyền hình và phát thanh KTV.

Ngoài ra, trên hệ thống vệ tinh AVG chương trình KTV cũng đã được đưa lên phát chính thức. Đến nay phát sóng trên vệ tinh là phương thức phát sóng quảng bá hiệu quả nhất đến các vùng lõm, vùng sâu trên địa bàn tỉnh.

Hệ thống phủ sóng rộng khắp

Chất lượng nội dung ngày càng được nâng cao

 Đầu tư cho công tác nội dung được lãnh đạo Đài đặc biệt quan tâm, do vậy khung chương trình phát thanh - truyền hình thường xuyên cải tiến, đổi mới, phù hợp với từng giai đoạn phát triển, phục vụ tốt hơn công tác tuyên truyền và nhu cầu thông tin, giải trí của nhân dân. Thể hiện từ thời lượng phát sóng phát thanh - truyền hình ngày càng tăng.

Về Phát thanh: năm 1976 là 02giờ/ngày; năm 2004 - 2007 tăng lên 9giờ/ngày; từ năm 2008 đến nay thời lượng phát sóng phát thanh là 14giờ30’/ngày. Đối với Truyền hình (KTV):  năm 1976 thời lượng phát sóng từ 4giờ/ngày, đã từng bước tăng lên: 9giờ/ngày, 18giờ/ngày và từ 2012 đến nay là 24giờ/ngày.

KTV hiện nay đa dạng về các chương trình phát sóng

Công tác tiếp phát VTV1,VTV2,VTV3: 2004: 55giờ/ngày; đến tháng 7/2006 tiếp phát trên 60giờ/ngày, đến nay 72 giờ/ngày. Năm 2011, Đài đã đầu tư, đưa vào hoạt động Cổng thông tin điện tử với tên miền www.ktv.org.vn. Số lượng, chất lượng chuyên mục, chuyên đề, phóng sự, tin bài ngày càng phong phú, đa dạng, nhiều thể loại và ngày càng tăng (trước năm 2000 có 7 đầu chuyên mục, năm 2000 - 2003: 12 đầu chuyên mục, đến năm 2004 - 2008 phát thanh, truyền hình có 67 đầu chuyên mục, từ 2009 đến nay trên 80 đầu chuyên mục, chuyên đề.

Các chương trình trò chơi truyền hình, giải trí, văn nghệ, giáo dục, khoa học, kỹ thuật và đời sống ngày càng được đầu tư mở rộng, nâng cao chất lượng chương trình phục vụ khán giả nghe Đài và xem truyền hình KTV.

Trong công tác sản xuất chương trình, thời kỳ phát sóng đầu tiên hầu hết các chương trình của Đài là chương trình mua; đến nay, Đài đã tự sản xuất để phát sóng các chương trình phát thanh, truyền hình chiếm khoảng 40% tổng thời lượng phát sóng.

Phóng viên tác nghiệp trong một chương trình truyền hình trực tiếp

Đài đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, HTV, các Đài tỉnh bạn và các công ty quảng cáo, các nhà sản xuất để sản xuất, trao đổi các chương trình văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao, quảng bá tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh Khánh Hòa và các địa phương trong cả nước.

Trong đó chương trình “Vượt lên chính mình” hợp tác với Công ty Lasta, “Chuyện làng chuyện xóm” hợp tác với Công ty TN&K, “Thế giới người nổi tiếng” hợp tác với nhà sách Phương Nam... được đông đảo khán giả xem truyền hình khen ngợi, đánh giá cao.

Hộp thư Truyền hình đã thu hút được đông đảo các tổ chức chính trị, xã hội, các doanh nghiệp và các cá nhân tham gia.

Qua Hộp thư truyền hình các tổ chức, cá nhân đã phản ánh những khó khăn, bức xúc của mình để được Hộp thư truyền hình tư vấn trực tiếp hoặc chuyển các đơn thư đến các tổ chức, cá nhân có liên quan trực tiếp đã trả lời và đã đem lại hiệu quả cao.

Hộp thư từ thiện (nhân đạo): đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân có tấm lòng vàng đóng góp hỗ trợ cho quỹ hàng năm bình quân được gần 600 triệu đồng và đã giúp đỡ các tổ chức xã hội (Bệnh viện tỉnh, Mái ấm gia đình…) và các bệnh nhân nặng có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn.

Hoạt động của Hộp thư Truyền hình, Hộp thư từ thiện đã góp phần tích cực giúp cho các cơ quan chức năng giải quyết được những bức xúc của các tổ chức và các cá nhân; đồng thời giúp cho nhiều cá nhân vượt qua những cơn bệnh hiểm nghèo được xã hội và nhân dân đánh gía cao.

Nhân lực quyết định thành công

Từ ngày giải phóng 02/4/1975 cho đến trước ngày 22/11/1994, Đài Truyền hình Nha Trang và Đài Phát thanh Phú Khánh là 02 Đài độc lập. Từ ngày 22/11/1994, 02 Đài có quyết định hợp nhất, hầu hết cán bộ của 02 Đài là từ chiến khu về và một số cán bộ, công nhân kỹ thuật của Đài cũ (trước 1975) ở lại.

Thế hệ Phóng viên, Biên tập viên đầu tiên của Đài. Ảnh: TL

Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, Đài đã không ngừng, đổi mới, củng cố bộ máy và công tác tổ chức cán bộ. Đặc biệt trong giai đoạn 2003 - 2011 Đảng ủy, lãnh đạo Đài đã quan tâm chú trọng đưa ra “Giải pháp về đầu tư phát triển nguồn nhân lực”.

Xác định “Con người là nhân tố quyết định”, từđó giải pháp đầu tiên là tập trung xây dựng và ban hành quy chế, quy trình tuyển dụng viên chức, tuyển dụng lao động.

Từ năm 2003, Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hoà được UBND tỉnh Khánh Hòa giao quyền thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, Đài đã không ngừng đổi mới về công tác tổ chức cán bộ và nhân sự; chủ động trong công tác tuyển dụng cán bộ, sắp xếp, bố trí, sử dụng và luân chuyển cán bộ cho phù hợp với ngành nghề, năng lực, sở trường để phát huy sự sáng tạo, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực đáp ứng cho nhiệm vụ được giao ở mỗi vị trí công tác.

Từ năm 2012 đến nay Đài đã sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo Thông tư liên tịch số 17/2010/TTLT-BTTTT-BNV, ngày 27/7/2010 của liên Bộ Thông tin và Truyền thông - Nội vụ, căn cứ vào yêu cầu thực tế trong giai đoạn hiện nay.

Tổ chức bộ máy của Đài được chia làm 3 khối: khối quản lý gồm 3 phòng (Tổ chức & Hành chính, Kế hoạch & Tài vụ, Dịch vụ & Quảng cáo), khối kỹ thuật gồm 2 phòng (Kỹ thuật sản xuất chương trình, Kỹ thuật truyền dẫn phát sóng), khối nội dung gồm 7 phòng (Thời sự, Chuyên mục, Văn nghệ & Giải trí, Biên tập phát thanh, Thể hiện, Thư ký biên tập, Thông tin điện tử).

Ngày 03/07/2014, Đài đã được Sở Nội vụ thẩm định Đề án số 394/PTTH về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập; ngày 15/01/2015, Đài cũng đã có Tờ trình số 27/TTr-PTTH về việc đề nghị Sở Nội vụ, Ủy ban nhân tỉnh xem xét và phê duyệt số lượng vị trí việc làm và số người làm việc theo Đề án xác định vị trí việc làm.

Đến tháng 10/2015, Đài đã được UBND tỉnh có quyết định tạm thời phê duyệt số lượng vị trí việc làm; trên cơ sở đó trong năm 2016, Đài triển khai việc thực hiện tuyển dụng viên chức theo quy định.

 Với những giải pháp trên về phát triển nguồn nhân lực, những năm qua và hiện nay Đài đã xây dựng được đội ngũ cán bộ viên chức, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên… có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ và bản lĩnh nghề nghiệp đáp ứng cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị. phục vụ tốt công tác sản xuất chương trình, tuyền dẫn phát sóng và công tác quản lý, điều hành của Đài.

Thành quả của lao động

Ngay từ Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 1 năm 1981 tại thành phố Huế, Đài Truyền hình Nha Trang đã đạt được giải Vàng – một sự khởi đầu tốt đẹp, ghi nhận năng lực của đội ngũ phóng viên, biên tập và đạo diễn của Đài.

Nhà báo Thanh Bình (thứ 2 từ trái sang) nhận giải Vàng tác phẩm "Giọt nước Trường Sa" Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 29 tại Hà Nội.

Từ đó đến nay, qua các kỳ liên hoan Phát thanh và Truyền hình, Đài Khánh Hòa đã sở hữu một “gia tài” đáng nể: gần 20 giải Vàng, trên 35 giải Bạc, khoảng 50 bằng khen của thể loại: phim Tài liệu, phóng sự, chương trình tương tác; chương trình thiếu nhi, ca nhạc và sân khấu truyền hình.

Đặc biệt, Giải Báo chí Khánh Hòa hàng năm, Đài luôn được khen thưởng là đơn vị có số lượng tác phẩm tham gia nhiều nhất và được giải nhiểu nhất: gần 10 giải Nhất cho ác đề tài về vấn đề Thời sự.

Đài cũng có 2 nhà báo được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú là cố Đạo diễn Hồ Hồng Sơn và Đạo diễn Võ Quốc Thanh.

Về phía tập thể, rất nhiều Bằng khen và các loại khen thưởng do UBND tỉnh Khánh Hòa trao tặng, Bộ Tư lệnh Hải quân khen thưởng về thành tích đóng góp xuất sắc bảo vệ chủ quyền biển đảo; Bằng khen của Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt nam và Đài Tiếng nói Việt nam cùng nhiều danh hiệu khen thưởng cao quý khác….

Lời kết

Những gì mà Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa đã đạt được sẽ là niềm khích lệ, động viên để tiếp sức cho họ trong thời gian tới. Vẫn biết, trước mắt còn vô vàn khó khăn, còn lắm gian nan nhưng với sự đồng tâm hiệp lực, đoàn kết nhất trí cao, và cái lớn nhất mà KTV có được trong thời điểm này là “ một tập thể sức trẻ, đổi mới, sáng tạo và vì sự phát triển của ngành Phát thanh – Truyền hình Khánh Hòa, quyết tâm vươn ra biển lớn” như lời Nhà báo Lê Anh Vũ- Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình đã khẳng định./.

Thanh Bình

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top