Kinh tế Hải Phòng bình tĩnh, vững vàng vượt qua những khoảng lặng
22:13 05/10/2022
- Kinh tế
Mặc dù các chỉ tiêu kinh tế của Hải Phòng 9 tháng qua tiếp tục tăng trưởng nhưng đã xuất hiện một số dấu hiệu chững lại. Đây được coi là những “khoảng lặng” trong bối cảnh có rất nhiều yếu tố tác động. Tuy nhiên, Hải Phòng đang bình tĩnh,vững vàng để vượt qua, chuẩn bị sẵn sàng để lấy lại đà tăng trưởng cao trong những năm tới.
9 tháng năm 2022:
Thành phố phấn đấu hoàn thành xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, mở rộng vỉa hè tuyến phố Lạch Tray trong tháng 12/2022.
Tăng trưởng cao nhưng chưa đáp ứng kỳ vọng
Theo phân tích của đồng chí Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, GRDP của Hải Phòng 9 tháng năm 2022 ước tăng trưởng 11,8%. Đây là mức tăng khá cao so với bình quân chung cả nước và nằm trong top các địa phương có mức tăng trưởng cao nhất cả nước. Tuy nhiên, so với 9 tháng các năm gần đây của Hải Phòng thì lại là mức tăng trưởng thấp nhất. Cụ thể, 9 tháng năm 2018, GRDP của Hải Phòng tăng trưởng 16,2%; 9 tháng năm 2019 là 16,42%; tương ứng năm 2020 là 11,39%; năm 2021 là 12,38%... So với kế hoạch năm thành phố đề ra tăng trưởng GRDP 13% thì rõ ràng còn một khoảng cách khá xa và phải phấn đấu nhiều. Hơn nữa, mức tăng trưởng 9 tháng qua có dấu hiệu chững lại so với trước trong khi đại dịch đã được kiểm soát, nền kinh tế bước đầu phục hồi thì càng cần phải phân tích, tìm rõ nguyên nhân để khắc phục và bứt phá.
Một chỉ tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế Hải Phòng là sản xuất công nghiệp. 9 tháng qua, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 12,7%, cũng là con số thấp nhất trong nhiều năm gần đây (9 tháng năm 2018 tăng 25,15%; năm 2019 tăng 24,03%; 2020 tăng 14,02%; 2021 tăng 19,68%). Như vậy, dấu hiệu chững lại đã nhìn thấy rõ và để đạt được mức tăng trưởng kỳ vọng trong năm nay là 19- 20% thì khá khó khăn và áp lực.
Cũng là dấu hiệu chững lại nhìn thấy rõ nữa là tổng vốn đầu tư toàn xã hội. 9 tháng, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của Hải Phòng đạt 127.000 tỷ đồng. Con số này mặc dù tăng cao hơn so với các năm trước đó và tiếp tục có tăng trưởng nhưng đích đến của thành phố là 200.000 tỷ đồng mà chỉ còn 3 tháng nữa. Cục trưởng Cục Thống kê Lê Thanh Phong cho rằng, như vậy quý 4 phải đạt khoảng 75.000 tỷ đồng trong khi bình quân 3 quý qua chỉ đạt khoảng hơn 41.000 tỷ đồng.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hoàng Long, trong số 7 chỉ tiêu kinh tế quan trọng của Hải Phòng 9 tháng qua thì chỉ có khách du lịch tăng đột biến (tăng hơn 77% so với cùng kỳ, vượt mức kế hoạch năm hơn 23%). Còn lại, các chỉ tiêu khác chỉ đạt dưới mức 75% kế hoạch năm. Cụ thể, thu ngân sách nội địa đạt gần 67% kế hoạch năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 62,33%; tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 74,47%; sản lượng hàng qua cảng đạt 67,27%; tổng thu ngân sách đạt 74,27%; thu hút vốn FDI đạt 50,12%. Giải ngân vốn đầu tư công cũng mới chỉ đạt khoảng 50% kế hoạch vốn (9.049 tỷ đồng/18.480 tỷ đồng); tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công tại một số dự án vẫn còn chậm. Tiến độ xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu chưa đảm bảo theo kế hoạch đề ra, chưa khởi công công trình xây dựng thuộc 35 xã triển khai năm 2022. Đáng lưu ý, 9 tháng có 1.890 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tăng 19,77% so với cùng kỳ.
Cục trưởng Cục Thuế Hải Phòng Hà Văn Trường cho biết, do nhiều yếu tố nên năm nay thành phố hụt thu nội địa khoảng 7000 tỷ đồng. Cục Thuế đã tính toán khả năng thu và phấn đấu thu đạt 25.000 tỷ đồng. Lý do chính là Nhà máy sản xuất ô tô VinFast do chuyển sang sản xuất xe ô tô điện, được ưu đãi thuế nên số nộp ít hơn. Ngoài ra, số nợ đọng thuế cũng còn tương đối lớn. Thu tiền sử dụng đất tại các quận huyện thấp, mới đạt 20% kế hoạch.
Trung tâm Hành chính - Chính trị bắc sông Cấm dự kiến khởi công cuối năm nay.
Nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ ở mức cao nhất
Những khoảng lặng như vậy là đáng suy nghĩ nhưng nhìn tổng thể, Hải Phòng vẫn đang có đà phát triển bứt phá rất mạnh mẽ. Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng Nguyễn Duy Ngọc phấn khởi báo tin vui: đến hết tháng 9, thu thuế xuất nhập khẩu khu vực Hải Phòng đạt hơn 50.000 tỷ đồng. Với tiến độ này, chỉ tới đầu tháng 11 là Cục sẽ hoàn thành kế hoạch năm 2022 và dự báo hết năm sẽ thu được khoảng 65.000 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng khích lệ Cục Hải quan phấn đấu thu đạt 66.000 tỷ đồng, tăng 10.000 tỷ đồng so với kế hoạch năm và như vậy sẽ có thêm một năm nữa Hải Phòng được thưởng vượt thu thuế xuất nhập khẩu (năm 2021, nhờ vượt thu thuế xuất nhập khẩu, Hải Phòng đã được thưởng gần 1800 tỷ đồng và thành phố đang phân bổ nguồn này vào các công trình dự án).
Cục trưởng Cục Thống kê Lê Thanh Phong cho biết, các chỉ tiêu tăng trưởng GRDP, IIP tuy chưa đạt kỳ vọng nhưng đều tăng hơn so với quý 1và quý 2. Riêng IIP, quý 1 chỉ tăng dưới 10%; quý 2 tăng 10,5% nhưng quý 3 tăng tới 14%. Mặt khác, sản xuất công nghiệp của thành phố cũng có nhiều dấu hiệu khởi sắc khi tổ hợp sản xuất của Tập đoàn LG Electronics đã đưa vào sản xuất nhà máy tủ lạnh tại KCN Tràng Duệ, trong tháng 7 đã sản xuất được hơn 6000 tủ, dự kiến những tháng cuối năm sẽ tăng gấp 6-7 lần.
Ngoài ra, theo Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, từ nay tới cuối năm, sẽ liên tục có thêm những dự án mới được cấp phép. Cùng với việc tháo gỡ những vướng mắc về quy hoạch, thủ tục xây dựng, chắc chắn Hải Phòng sẽ hoàn thành kế hoạch thu hút nguồn vốn FDI năm nay (2,5-3 tỷ USD).
Đồng chí Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, thành phố đang triển khai nhiều công trình, dự án lớn và đang mang lại rất nhiều cơ hội phát triển mới.Nổi bật là tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn thành phố Hải Phòng và 9km trên địa bàn tỉnh Thái Bình; mở rộng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn thành phố Hải Phòng từ ĐT.353 đến cầu Thái Bình; mở rộng sân đỗ máy bay, xây dựng nhà ga hành khách T2 sân bay Cát Bi; xây dựng cầu Bến Rừng nối huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) với thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh); triển khai các thủ tục xây dựng cầu Nguyễn Trãi; cầu Vũ Yên 2; các tuyến đường vành đai thành phố; các bến mới tại Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện…
Các huyện: An Dương, Thủy Nguyên, Kiến Thụy, Tiên Lãng đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020; đang đẩy nhanh thi công các công trình xây dựng thuộc 14 xã nông thôn mới kiểu mẫu triển khai từ năm 2021 và 35 xã triển khai năm 2022. Ngay trong đầu tháng 10, UBND thành phố đề xuất HĐND thành phố tổ chức kỳ họp chuyên đề đề phân bổ nguồn thưởng vượt dự toán thu phân chia giữa ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và đầu tư trở lại theo cơ chế đặc thù năm 2021; phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án quan trọng cấp bách; đề xuất UBND thành phố điều chuyển kế hoạch vốn trong nội bộ trong nội bộ một số chủ đầu tư, địa phương.
Các chủ đầu tư tập trung chuẩn bị các điều kiện cần thiết để khởi công xây dựng các công trình trong cuối năm 2022 và đầu năm 2023 theo đúng chỉ đạo của UBND thành phố: cầu Nguyễn Trãi; cầu Lại Xuân; nút giao Tôn Đức Thắng - Máng Nước - QL5; cầu vượt sông Hóa; đường vành đai 2; Trung tâm hành chính chính trị; Trung tâm hội nghị - biểu diễn; hệ thống giao thông, hạ tầng Bắc sông Cấm; dự án cải thiện chất lương nước sông Rế; dự án tuyến đê thay thế đê hữu Lạch Tray; dự án đê biển Nam Đình Vũ; dự án trường Cao đẳng Công nghiệp.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ các dự án có sử dụng đất cần lựa chọn nhà đầu tư như dự án khu thương mại, nhà ở lô CC/29-4 và dự án chỉnh trang đô thị ô phố A2, 150 Tô Hiệu quận Lê Chân; dự án hạ tầng thuộc Công viên rừng Thiên Văn, Kiến An; dự án Khu đô thị mới tại Dương Kinh, Kiến Thụy; Khu đô thị mới tại Hoàng Xá, An Lão; khu nhà ở thương mại 12ha tại Nam Hải, Hải An; Khu nhà ở tại số 3 Lê Lai, Ngô Quyền ... Thành phố phấn đấu hoàn thành việc xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, mở rộng vỉa hè tuyến đường Lạch Tray trong tháng 12-2022; hoàn thành tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng - Thái Bình trước Tết Nguyên đán năm 2023.
Theo đồng chí Lê Anh Quân, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố, nhiệm vụ thu ngân sách đang được thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và yêu cầu ngành Thuế tìm mọi giải pháp để thực hiện bằng được dự toán thu ngân sách nội địa đã đề ra, phấn đấu đạt 41.000 tỷ đồng.
Để vững vàng vượt qua những khoảng lặng, kỷ cương, kỷ luật công vụ là một trong những nhân tố quan trọng. Đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu rà soát, chỉ rõ nguyên nhân việc chậm trễ trong thực hiện nhiệm vụ UBND thành phố giao; xử lý nghiêm các trường hợp thiếu trách nhiệm, để công việc bị kéo dài, ảnh hưởng tới sự phát triển của thành phố. Như thế, Hải Phòng hoàn toàn có nhiều dư địa để phát triển và sẽ tiếp nối được đà tăng trưởng cao ngay trong năm 2022 và những năm tiếp theo./.
Hồng Thanh
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- VIB đưa nghệ thuật vào trải nghiệm khách hàng (11:32 20/12/2024)
- MB dẫn đầu về chỉ số hài lòng của khách hàng Việt Nam 2024 ngành ngân hàng (10:05 20/12/2024)
- BIDV triển khai dịch vụ xác thực khách hàng điện tử qua VNeID trên SmartBanking (03:26 18/12/2024)
- SHB miễn phí đổi thẻ từ sang thẻ chíp đạt chuẩn VCCS (07:17 17/12/2024)
- BAC A BANK ra mắt ứng dụng ngân hàng điện tử phiên bản mới (11:26 16/12/2024)