Không quản lý chặt fanpage sẽ làm rối loạn môi trường truyền thông

Thời gian qua trên fanpage của một số tờ báo xuất hiện những bình luận có quan điểm thù địch và phát ngôn mang tính chất chống phá trên mạng xã hội. Trước tình trạng này, ngày 1/7, Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc đã ký công văn số 779, nêu rõ tình trạng, một số cơ quan báo chí mở fanpage trên facebook nhưng chưa có cơ chế kiểm duyệt chặt chẽ các ý kiến bình luận để một số đối tượng lợi dụng tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, bôi nhọ uy tín, danh dự lãnh đạo cấp cao, gây dư luận xấu trên không gian mạng. Phóng viên Tạp chí Người Làm báo đã ghi lại ý kiến tâm huyết của các nhà quản lý, nhà báo và những người làm nghề...

Nếu không có cơ chế kiểm duyệt fanpage sẽ bị kẻ xấu lợi dụng để đăng các bình luận xúc phạm cá nhân, tổ chức và thông tin xuyên tạc. Ảnh: PV

Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc:

Không để khe hở cho các đối tượng xấu lợi dụng bình luận, tuyên truyền xuyên tạc

Một cơ quan báo chí nào đó chấp nhận sử dụng fanpage thì cơ quan đó phải bảo đảm thông tin của mình, có thể phải sử dụng biện pháp kỹ thuật hoặc dùng nhân sự để kiểm soát. Khi mở fanpage, công bố rộng rãi trang thông tin của mình trên mạng xã hội thì phải chịu trách nhiệm về những thông tin trên đó, không thể đổ lỗi đó là ý kiến của người khác, không thể để diễn đàn ngôn luận của mình thành nơi xâm hại tới quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác. mọi người đều có quyền tự do ngôn luận trên môi trường mạng, nhưng vẫn phải tuân thủ các chuẩn mực chung về đạo đức và pháp luật của mỗi quốc gia. Facebook là trang cho phép ẩn danh tính, có thể nói nhiều thứ và phủ nhận trách nhiệm, nhưng ở đây với tư cách là cơ quan nhà nước, với danh nghĩa chính thức thì cơ quan đó phải chấp hành các quy định của pháp luật vì mỗi thông tin trên đó đều thể hiện quan điểm của cơ quan đó. Nếu không có cơ chế kiểm duyệt thì một số đối tượng sẽ lợi dụng các diễn đàn chính danh này để đăng các bình luận xúc phạm cá nhân, tổ chức và thông tin xuyên tạc. Vì vậy, các cơ quan báo chí nếu không kiểm duyệt mà để thế lực xấu lợi dụng và đưa ra các quan điểm sai trái, xúc phạm cá nhân, tổ chức thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm.

Nhà báo Khương Thuỷ, Báo Điện tử VOV, Đài Tiếng nói Việt Nam:

Sử dụng đúng cách thì fanpage sẽ phát huy được sức mạnh

Khi tòa soạn nào đó mở trang fanpage thì phải kiểm duyệt nội dung mình đưa lên và những nội dung đó phải có lợi cho người dân cũng như cho đất nước. Là một nhà báo, mỗi cá nhân phải nâng cao trách nhiệm cũng như bản lĩnh để tránh kẻ xấu lợi dụng. Khi mình đưa nội dung gì lên, mình phải suy nghĩ thật kỹ, tránh đưa những thông tin giật gân, câu khách, tạo kẽ hở cho các thế lực thù địch vin vào đó để xuyên tạc sai lệch nội dung.

Facebook là cánh tay nối dài của báo chí, biết sử dụng đúng cách nó sẽ phát huy được sức mạnh đó.

Nhà báo Nguyễn Thành Luân, Ban Đại diện Báo Đại Đoàn Kết tại TP. Hồ Chí Minh:

Hoàn toàn có cơ sở để thực hiện chặt chẽ các nội dung trong công văn của Cục Báo chí

Việc quản lý các fanpage trong phạm vi các cơ quan báo chí (có mở fanpage riêng) là cần thiết và đáng ra đã phải quy định chặt chẽ từ lâu. cá nhân tôi từng quản lý một số fanpage trước đây và thấy rằng lợi ích của chúng đem lại rất thiết thực. chẳng hạn về tính quảng bá, thu hút thêm người đọc trên trang chủ của một website hay blog cá nhân thì fanpage là sự lựa chọn thông minh. Tuy nhiên, admin (quản lý) fanpage có quyền duyệt thông tin bình luận trước khi các nội dung đó được cho phép đăng tải trong mục bình luận, phản hồi. Vì thế, hoàn toàn có thể quản lý được các nội dung vi phạm pháp luật, hoặc bôi nhọ, xuyên tạc đến cá nhân, tổ chức...

Nhà báo Nguyễn Quang Hiệp, Tổng Biên tập Báo Bình Dương, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương:

Cần có chế độ kiểm duyệt fanpage chặt chẽ hơn

Những thông tin chúng tôi đưa lên mạng xã hội được bạn đọc quan tâm có thể kể đến như: các bài về an ninh trật tự xã hội, thông tin về việc làm, chính sách y tế, giáo dục của tỉnh... Bạn đọc giúp đội ngũ làm báo Bình Dương ý thức hơn về vai trò trách nhiệm của mình trong công việc truyền tải thông tin trên báo in, báo hình, báo điện tử theo hướng truyền thông đa phương tiện.

Tuy nhiên, vẫn có những bất cập nếu mở fanpage trên facebook mà không có cơ chế kiểm duyệt chặt chẽ. Đó là một số đối tượng lợi dụng fanpage để tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, bôi nhọ uy tín lãnh đạo cấp cao. Thế nên, cần có chế độ kiểm duyệt chặt chẽ hơn, có những người “canh cửa” để lọc thông tin theo hướng chính thống, tránh để lợi dụng vì mục đích sai trái theo ý chủ quan của người viết trên fanpage.

Nhà báo Việt Tùng, Báo Nông thôn ngày nay:

Thông tin nhiễu loạn trên các fanpage làm độc giả không phân biệt được đâu là thật giả, đúng sai

Những năm gần đây facebook đang gần như chiếm lĩnh thông tin, bởi những tính năng lan tỏa theo cấp số nhân của nó, mặc dù những thông tin đăng tải trên facebook rất “thô sơ” chưa được kiểm duyệt. Tuy nhiên, việc kiểm soát lỏng lẻo các comment trên các fanpage, group của một số báo, đã và đang biến thành “mảnh đất màu mỡ” cho các đối tượng xấu, chống đối Đảng, nhà nước lợi dụng quấy nhiễu. Do đó, tôi cho rằng việc kiểm soát các fanpage, group... là rất cần thiết. Đặc biệt là đối với các fanpage có dấu hiệu chống đối chính phủ, cổ xúy, xúi giục người dân làm việc xấu, nghe theo kẻ xấu thì việc kiểm soát phải càng chặt chẽ hơn và nên có những khung hình phạt thích đáng hơn. bởi việc lũng loạn các thông tin trên các fanpage, đã và đang gây ra một hệ quả không nhỏ trong truyền thông. Đó là độc giả không phân biệt được đâu là thật giả, đúng sai.

Nhà báo Tuấn Nguyễn, Ban Kinh tế - Xã hội, Báo Tiền Phong:

Siết chặt quản lý để đảm bảo hoạt động đúng định hướng

Theo tôi, đây là việc rất cần thiết, bắt buộc phải thực hiện đúng quy định. Thực tế, mỗi cơ quan báo chí chỉ có một trang fanpage, giao việc quản lý fanpage (lựa chọn tin bài hay, độc quyền; có sức ảnh hưởng, tác động lớn tới dư luận...) cho một bộ phận nhất định để biên tập nội dung và chia sẻ lên mạng xã hội. Việc họ đăng tin, bài nhằm mục đích câu views, thu hút độc giả về cho báo của mình. những tin bài hay ngay lập tức sẽ được chia sẻ, lan tỏa mạnh mẽ. Thậm chí, nhiều báo còn chạy quảng cáo cho fan- page để kéo được nhiều bạn đọc. Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn có nhiều trang fanpage giả mạo hoặc một số fanpage chính danh nhưng hay giật status, câu views cho những bài mang tính dọa nạt doanh nghiệp, chuyên soi những sai phạm hoặc các tin bài giật gân, câu khách khác. Do vậy, cần siết chặt lại việc quản lý các fanpage báo chí để vừa hoạt động đúng định hướng của Đảng và nhà nước, vừa đảm bảo quyền tự do ngôn luận trên mạng xã hội./.

Hoàng Lâm, Bảo Minh, Thùy Dung, Quỳnh Như (thực hiện)
© Tạp chí Người Làm Báo số 389 - Tháng 7/2016

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top