Khởi động bằng chương trình Famtrip "Trở về Thủ đô gió ngàn"
19:00 24/12/2021
- Báo chí & Doanh nghiệp
Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phóng phú đa dạng, di sản văn hoá, làng nghề đặc sắc, với 46 dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh, cũng như lợi thế về nông nghiệp, Thái Nguyên được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng, tạo nên sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để “đánh thức” được tiềm năng này đạt hiệu quả, cần sự có sự đầu tư đúng hướng, bài bản của các địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Đánh thức tiềm năng du lịch Thái Nguyên
Đoàn famtrip Thái Nguyên “Trở về Thủ đô gió ngàn” chụp ảnh lưu niệm
Phát huy tiềm năng và lợi thế
Du lịch Thái Nguyên ngày càng trở nên hấp dẫn bởi không chỉ có giao thông thuận tiện, tài nguyên thiên nhiên phong phú, mà Thái Nguyên là nơi hội tụ nhiều thành phần dân tộc, do vậy có sự giao thoa mạnh mẽ về văn hóa, điều đó đã đem lại cho Thái Nguyên những nét văn hóa đa dạng và độc đáo.
Được mệnh danh là “Thủ đô gió ngàn”, Thái Nguyên là vùng đất có về bề dày lịch sử và văn hóa, giàu truyền thống cách mạng. Nhờ những điều kiện tự nhiên và sự đa dạng về văn hóa, Thái Nguyên là địa phương bộc lộ tiềm năng năng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, theo định hướng phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế – xã hội của Đảng và Nhà nước.
Cách thủ đô Hà Nội 80km về phía bắc, Thái Nguyên là tỉnh trung du miền núi tiếp giáp với 6 tỉnh thành. Với vị trí địa lý thuận lợi, là cầu nối giữa đồng bằng châu thổ sông Hồng với vùng miền núi phía Bắc cùng với hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt nối liền thủ đô và các tỉnh lân cận, mang đến cho Thái Nguyên một lợi thế về vận chuyển và giao thương hàng hóa cũng như hành khách mà ít đâu sánh bằng.
Ông Phùng Minh Thái, Phó chủ tịch UBND Xã Hoàng Nông, Tỉnh Thái Nguyên trả lời phỏng vấn
Ông Phùng Minh Thái, Phó chủ tịch UBND Xã Hoàng Nông, Tỉnh Thái Nguyên cho biết:" Đảng bộ, UBND Xã Hoàng Nông sẽ thực hiện các quy trình theo nông nghiệp xanh. Hiện nay vùng chè trải nghiệm của xã Hoàng Nông có tiềm năng thế mạnh rất lớn được trên 22 hộ đang thực hiện lộ trình sẽ tiếp tục xây dựng chè hữu cơ. Và sẽ tiếp định hướng sẽ tiếp tục nhân rộng vùng chè nguyên liệu ở Hoàng Nông. Gắn với đó là du lịch suối Cửa Tử đang thu hút du khách từ thâp phương đến".
Các sản phẩm du lịch Thái Nguyên là sự giao thoa giữa các yếu tố lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội. Ở đó có hồ Núi Cốc mang trong mình câu chuyện tình lãng mạn giữa nàng Công và chàng Cốc; những di tích mang đậm dấu ấn lịch sử cuả đất nước như Cụm di tích Khởi nghĩa Thái Nguyên, Nhà lao Thái Nguyên, Đền thờ Đội Cấn. Nằm giữa trung tâm thành phố, Bảo tàng văn hóa nơi trưng bày các hiện vật tái hiện lại lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc còn được lưu truyền và gìn giữ đến ngày nay.
Bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Sở VHTTDL Tỉnh Thái Nguyên trả lời phỏng vấn
Trả lời phỏng vấn, bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Sở VHTTDL Tỉnh Thái Nguyên cho biết:" Với Thái Nguyên, tiềm năng du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng rất lớn. Tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng định hướng cho phát triển du lịch 2021 -2025 trong đó tập trung xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng tại 5 địa phương. Phấn đấu từ nay đến 2025 có 5 điểm du lịch cộng đồng mang đậm nét văn hóa, đặc sắc của tỉnh Thái Nguyên cũng như khai thác hết các văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc ở tỉnh. Với phát triển du lịch cộng đồng sẽ tạo sinh kế cho bà con các dân tộc miền núi, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống cũng như hệ sinh thái của tỉnh Thái Nguyên đặc biệt là khu vực rừng đặc dụng, rừng sản xuất.
Việc thực hiện xây dựng du lịch cộng đông 2022 và những năm tiếp theo Thái Nguyên sẽ tập trung vào các giải pháp như: ban hành chính sách hỗ trợ du lịch cộng đồng điều này sẽ giúp cho bà con ở các điểm du lịch sẽ xây dựng các sản phẩm cụ thể như homestay,.. ;đào tạo về nguồn nhân lực cho du lịch cộng đồng; hỗ trợ các sản phẩm du lịch; tăng cường công tác quảng bá truyền thông về du lịch cộng đông Thái Nguyên".
Chương trình Famtrip “Trở về Thủ đô gió ngàn”
Nhận thức về tiềm năng lợi thế du lịch của tỉnh, sự kiện famtrip Thái Nguyên “Trở về Thủ đô gió ngàn” được tổ chức từ ngày 21/12/2021 đến ngày 22/12/2021, chương trình do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên – Hiệp Hội Du lịch tỉnh Thái Nguyên, phối hợp cùng Vietfoot Travel tổ chức nhằm đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu điểm đến du lịch Hà Nội - Thái Nguyên và để khảo sát các dịch vụ lưu trú, lữ hành trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Tham dự đoàn gồm đại diện các công ty lữ hành lớn tại Hà Nội và đại diện báo chí truyền thông nhằm kết nối với các công ty du lịch lữ hành.
Ông Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Vietfoot Travel trả lời phỏng vấn
Ông Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Vietfoot Travel chia sẻ "Du lịch sinh thái của Thái Nguyên được thiên nhiên ưu ái cho cảnh sắc vô cùng đẹp. Cần tạo một hành lang pháp lý cụ thể nhằm kêu gọi các nhà đầu tư về mảng du lịch này cụ thể bắt đầu ở cơ sở hạ tầng khi việc từ Thái Nguyên đến các vùng sâu, vùng xa còn đang gặp nhiều khó khăn. Khi đã kêu gọi được vốn đầu từ thì cần phải xác định rõ phát triển rừng bảo hộ, rừng sản xuất hay rừng trồng trọt. Nên mở rộng, nhân rộng mô hình du lịch nông nghiệp HTX chè Hòa Lạt tạo ra nhiều điểm đến".
Chương trình được tham quan, trải nghiệm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp kết hợp du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái; Di tích lịch sử Đại đội TNXP 915; Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam; HTX chè Hảo Đạt; Điểm du lịch sinh thái Phượng Hoàng; Điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà; Vườn bưởi Hoàng Nông; Đồi chè Cầu Đá, Suối Kẹm; La Bằng Homestay cùng giao lưu văn hóa văn nghệ.
Ông Đỗ Trọng Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Tỉnh Thái Nguyên trả lời phỏng vấn
Ông Đỗ Trọng Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Tỉnh Thái Nguyên cho biết:" Thái Nguyên là một tỉnh rất có tiềm năng du lịch với nhiều loại hình du lịch nông nghiệp, du lịch văn hóa lịch sử,.... Về du lịch nông nghiệp ngoài HTX chè Tân Cương,Thái Nguyên còn 5 điểm du lịch khác về sản xuất ,cảnh sắc ở các khu trồng chè, đồi trà ở Thái Nguyên có một nét riêng đặc trưng thu hút du khách đến nơi này. Ngoài ra còn nhiều các điểm du lịch khác đầy tiềm năng như: hang Phượng Hoàng,… Cần tăng cường quảng bá, thu hút du khách du lịch đến Thái Nguyên hơn".
Điểm du lịch sinh thái Phượng Hoàng
Điểm du lịch sinh thái Phượng Hoàng thuộc xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, nằm bên đường quốc lộ 1B, cách trung tâm TP Thái Nguyên 45km. Năm 1994, hang Phượng Hoàng đã được xếp hạng di tích thắng cảnh cấp Quốc gia. Hang Phượng Hoàng nằm ở lưng chừng núi Phượng Hoàng, có chu vi gần 400m, đáy hang có mỏ nước lạnh trong vắt. Trong lòng hang có những nhũ đá mang hình thù kỳ lạ, đẹp mắt. Hang suối Mỏ Gà dưới chân núi cách hang Phượng Hoàng khoảng 100m, có nước chảy quanh năm tạo thành một điểm tham quan lý tưởng. Đầu năm 2021, tỉnh Thái Nguyên đã mời đoàn chuyên gia Hiệp hội Hang động Hoàng Gia Anh đến khảo sát, đánh giá tiềm năng phát triển du lịch hang động tại 2 hang này và cho kết quả khả quan.
Bà Nguyễn Thanh Nga, Giám đốc Công ty đầu tư Thương mại và Lữ hành Quốc tế Thăng Long trả lời phỏng vấn
Bà Nguyễn Thanh Nga, Giám đốc Công ty đầu tư Thương mại và Lữ hành Quốc tế Thăng Long cho biết: "Việc phát triển những sản phẩm địa phương luôn phải tập trung vào những cái cốt lõi, đặc thù đang có của địa phương. Nói đến Thái Nguyên ta sẽ nghĩ đến chè nên tập trung vào các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến trà. Mong rằng Thái Nguyên sẽ tiếp tục phát triển các sản phẩm gia tăng giá trị đem lại lợi ích cho cộng đồng cũng như lợi ích kinh tế cho địa phương như vậy mới gắn kết, du lịch bền vững".
Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam là một trong 5 bảo tàng Quốc gia Việt Nam. Nơi đây trưng bày và bảo quản trên 40.000 tài liệu, hiện vật gốc về văn hóa truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam. Bảo tàng có hệ thống trưng bày trong nhà và ngoài trời. Đến đây quý khách được tận mắt ngắm nhìn từ trang phục, phương thức sản xuất, sinh hoạt, các hoạt động văn hóa, văn nghệ của đồng bào các dân tộc Việt Nam.
TS Nguyễn Thị Ngân, Gíám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (Thái Nguyên) trả lời phỏng vấn
TS Nguyễn Thị Ngân. Gíám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (Thái Nguyên) chia sẻ:" Nhận được sự góp ý của các thành viên đoàn famtrip Thái Nguyên “Trở về Thủ đô gió ngàn”, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã có dịp để nhìn lại bản thân đã đáp ứng các nhu cầu du khách, du khách đến với bảo tàng chưa, làm điểm đến trở nên sống động hơn, điều đó hết sức có ý nghĩa".
Đánh thức tiềm năng bằng giải pháp kích cầu du lịch
Buổi Toạ đàm bàn giải pháp phát triển du lịch cộng đồng gắn với kích cầu du lịch tỉnh Thái Nguyên năm 2021 được tổ chức tại khuôn viên của Hảo Đạt. Tại buổi toạ đàm, các doanh nghiệp lữ hành, báo chí truyền hình đóng góp ý kiến trong xây dựng các chương trình du lịch với các điểm đến tại thành phố Thái Nguyên, Huyện Đại Từ và Võ Nhai. Theo các đơn vị lữ hành, Thái Nguyên là địa phương có nhiều tiềm năng về du lịch với vị trí cách trung tâm thủ đô Hà Nội không xa, tuy nhiên những tiềm năng này vẫn chưa được đánh thức.
Hiện tại, khách du lịch mới chỉ biết đến Thái Nguyên là tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp và là vùng đất của trà chứ chưa biết nhiều về những sản phẩm du lịch của tỉnh. Để khách du lịch biết đến Thái Nguyên nhiều hơn và lựa chọn Thái Nguyên là điểm đến yêu thích thì ngành du lịch tỉnh cần phải đầu tư nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng, tạo ra được những sản phẩm du lịch hấp dẫn dựa trên tài nguyên sẵn có như các vùng trồng trà, sự đa dạng của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn, tập trung vào các sản phẩm du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, tạo ra những điểm checkin trên những vùng trồng trà. Đồng thời đẩy mạnh truyền thông, xúc tiến du lịch, tập trung vào những tinh hoa của cây trà.
Trải nghiệm tại Hợp tác xã (HTX) chè Hảo Đạt
HTX chè Hảo Đạt được thành lập từ tháng 12 năm 2016 với 08 thành viên và hơn 50 hộ, quy mô vùng nguyên liệu 52.000 m2, trong đó chú trọng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, nguồn nguyên liệu chè đầu vào của HTX luôn đạt chất lượng cao, đảm bảo các tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm. Đã được công nhận sản phẩm OCOP 5 sao. Đến với HTX chè Hảo Đạt, du khách được trải nghiệm quy trình sản xuất chè, thưởng trà, tìm hiểu về các sản phẩm về chè, ẩm thực, lưu trú.
Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc HTX Chè Hảo Đạt trả lời phỏng vấn
Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc HTX Chè Hảo Đạt cho biết:" Bản thân HTX Chè Hảo Đạt có một truyền thống rất lâu năm, hôm nay khi được gắn với du lịch bản thân tôi rất tự hào khi đón nhận tình cảm các của các Sở, Ban ngành, doanh nghiệp đến đây dành cho HTX. Mong rằng qua buổi tọa đàm, sẽ góp phần phát triển HTX Chè Hảo Đạt hơn nữa.
Hiện nay, HTX Chè Hảo Đạt sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng đên thân thiện môi trường, sạch, an toàn phát triển mở rộng quy mô đem lại lợi nhuận cho bà con cũng như bản thân HTX. HTX Chè Hảo Đạt sẽ tiếp tục đồng hành cùng du lịch để đem đến cho các du khách thăm quan Thái Nguyên các sản phẩm trà đặc trưng của Tân Cương".
TS Trịnh Lê Anh, Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, BTV Truyền hình Việt Nam chia sẻ
TS Trịnh Lê Anh, Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, BTV Truyền hình Việt Nam chia sẻ: "Đã lâu không lên với Thái Nguyên, tôi cảm thấy rất thú vị khi được tiếp tục nhìn thấy màu xanh của Đại Từ. Màu xanh ở đây không đơn giản là rừng, chè mà còn là màu xanh của an hòa giữa cuộc sống con người với thiên nhiên gìn giữ và những sản phẩm nông sản đang gieo trồng trên mảnh đất này cho ta thấy được sự trù phú, hấp dẫn của tài nguyên nhân văn tại đây. Tôi đã được đến những đồi chè bát ngát, rừng cây ăn trái xum xuê, những suối nước trong thực sự cái cảm giác được hòa mình với thiên nhiên Đại Từ rất là thích! Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, du khách càng hướng đến những điểm du lịch xanh như Đại Từ, không khí thoáng đãng, cô đọng. Theo tôi, du khách sẽ rất thích màu xanh này của Đại Từ".
Trong bối cảnh ngành du lịch trong nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tác động của dịch COVID-19, chương trình Famtrip Thái Nguyên “Trở về Thủ đô gió ngàn”, nhằm mục tiêu góp phần thúc đẩy các hoạt động phát triển du lịch, kêu gọi xúc tiến đầu tư, thu hút du lịch, huy động mọi nguồn lực đầu tư để tạo ra nhiều sản phẩm du lịch, nhằm thu hút khách trong và ngoài nước đến với Thái Nguyên. Đảm bảo các tiêu chí về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” tạo điều kiện, tiêu chuẩn trong mở cửa phục hồi kinh tế khôi phục hoạt động du lịch trong giai đoạn bình thường mới.
Với sự nỗ lực không ngừng trong việc khai thác tiềm năng phát triển du lịch cùng các giải pháp phát triển đồng bộ; tin tưởng rằng thành phố Thái Nguyên sẽ là điểm đến lý tưởng thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước; đồng thời ngày càng phát triển vững mạnh không chỉ của khu vực trung du và miền núi phía Bắc mà của cả nước../.
Thế Anh - Tuấn Anh - Tuấn Phí
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Vinamilk nhận loạt giải thưởng về quản trị và phát triển bền vững (03:19 20/11/2024)
- Khám phá Vietjet Green Friday, ưu đãi lớn nhất năm, bay xanh khắp thế giới! (02:34 19/11/2024)
- Phú Quốc sẽ có dự án Bệnh viện quốc tế Mặt trời do Sun Group đầu tư xây dựng (10:45 18/11/2024)
- Mô hình semi-compound nâng tầm “sống sang, tiện nghi, đẳng cấp” tại The Symphony (10:24 18/11/2024)
- Tương ớt Chin-su, lan tỏa niềm tự hào thương hiệu hàng Việt Nam (09:18 18/11/2024)