Khi tiếng trống vang trong đêm yêu của người Ma Coong

16:34 07/02/2023 - Danh mục
Giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, tiếng trống của người Ma Coong vang vọng nối dài mãi trong đêm là lời nguyện cầu về một năm mới bội thu, cuộc sống bình yên và thôi thúc đôi lứa đến bên nhau dưới ánh trăng tròn.

Cả làng cùng hội

Người Ma Coong thuộc dân tộc Bru-Vân Kiều, sinh sống ở xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Hằng năm, vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch, người dân nơi đây lại tổ chức lễ hội đập trống độc đáo. Ánh trăng là điểm báo khi chính hội.

Nay, lễ hội đập trống của người Ma Coong diễn ra với hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ do người chủ lễ là già làng điều hành với các nghi thức truyền thống; Phần hội nối tiếp với các hoạt động vui chơi, múa hát theo phong tục của đồng bào miền núi nơi đây.

Già làng Đinh Xon thực hiện phần lễ với lời cầu khấn mùa màng bội thu, cuộc sống người dân bình an. Ảnh: PV. 

Sau thời gian vắng bóng do dịch Covid-19, năm nay, lễ hội đập trống diễn ra rộn ràng và đông vui hơn cả. Lễ diễn ra vào lúc 19 giờ tối ngày 16 tháng Giêng năm Quý Mão 2023. Thời gian khai hội bắt đầu khi trăng lên, già làng Đinh Xon sẽ đọc lời khấn cầu nguyện trời đất phù hộ cho dân an, mùa màng bội thu… Sau đến, già làng Đinh Xon ném lúa gạo ra tứ phía với ý nguyện cầu cho thóc lúa về đầy bồ, đầy nương.

Sau phần lễ, để nối tiếp phần hội là phần đập trống được thực hiện lần lượt bởi người dân bản cũng như khách tham quan. Trống được làm từ cây Chi Cúp, một loại cây thuốc rỗng sống trong rừng sâu và có thể giữ được từ năm này qua năm khác. Mặt trống thì được căng từ da của một con trâu to khỏe, được chằng bằng sợi dây mây rừng xây chéo với nhau rồi lấy tre nêm chặt lại.

“Mặt trống có hình thù kỳ quặc như này thì tiếng trống mới ấm và vang vọng”, già làng Đinh Xon chỉ vào chiếc trống và cho biết.

Người dân bản sẽ đánh đến khi nào mặt trống thủng thì thôi. Vừa đánh, họ vừa hát, vừa uống rượu và nhảy múa theo nhịp trống, la vang câu “Roa lữ Giàng ơi” (dịch là Sướng quá trời ơi). Cuộc vui chỉ kết thúc cho đến khi mặt trống bị thủng.

Từ truyền thuyết cổ

Lễ hội đập trống của người Ma Coong bắt nguồn từ một truyền thuyết xưa được lưu truyền thế hế hệ này sang thế hệ khác cho đến tận ngày nay. Theo đó, thời sơ khai vùng đất của người Ma Coong sinh sống xuất hiện một con khỉ ác màu vàng. Hằng đêm, nó thường vào rẫy của bà con dân bản ăn ngô, lúa,… Lương thực bị cướp phá từ ngày này qua ngày khác, nên đời sống của người Ma Coong vì thế đói khổ triền miên.

Người dân và du khách thay nhau đập vào trống. Ảnh: PV. 

Già làng đã nghĩ ra một cách để đuổi con khỉ ác bằng tiếng chiêng, tiếng trống. Một hôm, khi khỉ ác tìm đến bản, bà con phát hiện nên đã khua chiêng, đánh trống tạo nên âm thanh vang vọng làm con khỉ khiếp sợ và bỏ chạy. Từ đó, người dân bản được sống ấm no, khỏe mạnh. Để nhớ công lao vị già bản tiên tổ người Ma Coong và cầu cho bốn mùa làm ăn thuận lợi, hàng năm người dân nơi đây lại tổ chức việc cúng tế linh đình dâng lên thần linh những của ngon vật lạ sinh lợi được trên vùng đất họ ở. Hoạt động ấy dần trở thành một lễ hội lớn của người Ma Coong ở đây.

Đêm yêu của người Ma Coong

Sau phần lễ hội bên tiếng trống vang là đêm yêu đương đầy tình ý của những đôi trai, gái dân bản nơi đây. Mặt trống đã thủng thì tiếng hát, điệu nhảy cũng ngơi bớt và lắng dần, dành lại không gian tĩnh lặng của tình yêu. Những đôi trai, gái đến với nhau và trao nhau những ước nguyện hẹn hò.

Những người lớn tuổi, trẻ con hay du khách thập hương ở lại vui chơi bên bếp lửa, với ché rượu cần đặc trưng.

Các vị khách thưởng thức ché rượu cần. Ảnh: PV. 

Theo già làng Đinh Xon, “đêm hội yêu đương” được những người có uy tín trong bản quyết định tổ chức và phát triển nhằm duy trì giống nòi, trước những biến cố như dịch bệnh hoành hành, mấy cuộc loạn ly.

Những người trẻ dắt tay nhau tâm sự bên bìa rừng, bên dòng suối. Khi gà gáy, họ lại trở về với cuộc sống thường nhật của mình. Nếu yêu nhau, họ cùng hẹn ước và chọn ngày mời bố mẹ, già làng đến nhà người kia để đặt lễ xin cưới. Nhờ vào đêm hò hẹn sau tiêngs trống, nhiều đôi trai, gái đã nên duyên vợ chồng. Và có cả những mối tình xuyên biên giới Việt - Lào.

Lễ hội đập trống của người Ma Coong đến nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị, được tiếp tục lưu giữ bởi các thế hệ dân bản cũng như sự quan tâm của Nhà nước và chính quyền địa phương. Nhờ đó, lễ hội là nét đẹp văn hóa đặc trưng của người đồng bào xã Thượng Trạch nói riêng và trở thành một nét chấm phá độc đáo trong kho tàng di sản của tỉnh Quảng Bình nói chung - là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận năm 2019.

Khánh Trinh 

 

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top