Khi nhà báo nữ tác nghiệp
22:58 19/10/2016
- Tác nghiệp
Những e ấp, hiền dịu, mỏng mảnh, nũng nịu... có khi sẽ là những tính từ hoàn toàn thiếu
vắng khi tôi quan sát các đồng nghiệp nữ của mình lúc họ đi tác nghiệp.
Nhà báo Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Thừa Thiên Huế. Ảnh: PV
Thường thì bao giờ cũng thấy chị em vội vã lướt qua tòa soạn rồi lại khăn, áo, mũ chuẩn bị cho những cuộc đi. Hiếm khi thấy chị em đàn đúm với nhau ở một nơi nào đó để cafe một lúc, nước trái cây một lúc, cho dù những khi thảnh thơi, tôi vẫn thấy họ mặc đẹp, xúm xít bên đĩa trái cây ăn dở hay một cuốn tạp chí thời trang để bàn luận rôm rả về một điều gì đó.
Chẳng thua kém phóng viên nam
Đi cùng tôi xuống huyện là hai nhà báo nữ. Họ mặc jeans, đeo máy ảnh, tóc buộc gọn sau gáy. Câu chuyện của họ trên chuyến xe, lạ thay cũng không có từ nào nhắc về con cái. Chỉ là vì sao đường dây điện này lại đi dưới ruộng nước, đoạn đường này mấy năm rồi mà vẫn không hoàn thành được vì người dân chưa bàn giao mặt bằng vì vẫn chưa thống nhất phương án đền bù; việc sáng nay UBND huyện họp bàn xung quanh một dự án trang trại nuôi heo khá lớn, nhưng người dân chưa đồng tình vì sát khu vực dân cư.
Một vài gương mặt được nhắc đến trong một vài tình huống khó dễ nào đó mà chính họ là người đã “trải nghiệm” và tìm mọi cách để lấy bằng được thông tin. Ví dụ, Thanh Thuận kể chuyện một ông trưởng ban đầu tư cấp huyện khó chơi, hẹn thu xếp một cuộc làm việc xung quanh dự án bờ kè huyện dở dang kéo dài và không phát huy được nguồn vốn mãi không được, cô gọi cho lãnh đạo huyện.
Đến khi nhận được cuộc gọi của chính ông trưởng ban đầu tư ấy, cô nói luôn là ngày ấy, giờ ấy, tại nơi ấy, cô sẽ là người cung cấp tài liệu cho trưởng ban ấy xung quanh những lùm xùm của dự án ấy chứ không phải là ngược lại như mọi khi. Tôi nhớ, sau khi xuất hiện, bài báo đã mang lại những tác động và thay đổi tích cực cho dự án ở một vùng trũng trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn...
Những đồng nghiệp nữ của tôi, họ đang chiếm 2/3 quân số là phóng viên, biên tập viên của cơ quan báo. Chẳng thua kém gì cánh phóng viên nam, nhiều người trong số họ là những tay bút cứng, quyết liệt với “độ lì” đáng nể. Thế nên, chúng tôi cảm thấy yên tâm và thường không lo nghĩ gì nhiều khi giao việc cho chị em. Tác phẩm báo chí của họ, thể nào cũng về tòa soạn đúng thời điểm, chí ít cũng nêu được vấn đề và lắm khi, còn đi sâu hơn điều mà Ban Biên tập yêu cầu, gợi ý.
Tôi đã thấy điều này qua góc nhìn về dự án thoát nước môi trường đô thị của Tâm Huệ, về một quá trình “bám” hiện trường với những hình ảnh, con số cụ thể về việc các xe tải lách quy định, chạy xe vào đường dân sinh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân cũng của Thanh Thuận; về cái hoa mắt, chóng mặt đến suýt ngất xỉu của Ngọc Hà khi lần đầu tiên theo bác sĩ vào phòng mổ.
Lần đó, bác sĩ khoa ngoại của trường Đại học Y đã phải sơ cứu cho cô và sau lúc trấn an, cô đã kiên quyết quay trở lại và có một phóng sự xúc động về sự ân cần, thận trọng cũng như sự căng thẳng, vất vả của những người thầy thuốc có bàn tay vàng trong một ca bệnh khó khi họ nỗ lực bằng mọi giá để cứu bệnh nhân.
Tôi nhớ phóng viên Quỳnh Anh đã gửi con cho hàng xóm để có mấy ngày lọ mọ ở A Lưới - một huyện vùng cao của Thừa Thiên Huế để tìm hiểu và có góc nhìn thật súc tích về những hệ lụy của hôn nhân cận huyết thống. Nhớ Tuệ Ninh đã rong ruổi trên đầm phá cùng với ngư dân để viết về cuộc sống lênh đênh và sự ấm áp của tình người cũng như có thêm những góc nhìn khác về một tour du lịch trên Tam Giang.
Trong đó, lấy đời sống hàng ngày của ngư dân để làm nền cho nhịp điệu sống vốn rất nhân văn. Nhớ cả sự ngùi ngẫm của một nữ phóng viên khác khi chỉ vì bài viết của mình được khen nhiều quá, mà nhân vật chính trong bài báo của cô đã phải rời quê, cho dù ở nơi ấy, nhân vật của cô vẫn ăn nên làm ra vì là một người thật sự có nghị lực và ý tưởng...
Có những khi, dù nấn ná để giải quyết cho xong công việc hàng ngày, tôi biết mình vẫn chưa phải là người cuối cùng rời cơ quan. Đó là lúc cô Thư ký tòa soạn của tôi vẫn miệt mài xem lại bản A3 cho số báo ngày mai và thẩm định tiếp những trang báo để ngày mai kịp trình duyệt.
Sau này, khi được chuyển sang làm Trưởng phòng báo điện tử, cô vẫn thường là người ra về chậm nhất với hàng tá những công việc không thể kể hết tên. Thi thoảng, tôi thấy cô vừa lúi húi bấm bàn phím, vừa kẹp điện thoại vào tai để trả lời hai cậu nhỏ ở nhà về điều gì đó...
Những góc nhìn nhân văn thấm đẫm tình người
Nói thật là đôi khi tôi cũng thấy xót khi các đồng nghiệp nữ của tôi phải tác nghiệp liên tục, xoay xở liên tục để tin bài luôn bám được dòng thời sự chủ lưu. Nhưng tôi cũng biết, nếu tách ra khỏi công việc, hoặc khi có ý định dời chuyển một ai đó sang vị trí khác, không liên quan đến nội dung, chị em sẽ rất tâm tư. Thậm chí là nước mắt tràn mi.
Và tôi cũng hãnh diện, khi không chỉ là những khen thưởng tác phẩm báo chí hàng tháng mà cả ở giải báo chí hàng năm, chị em phóng viên - biên tập nữ cũng giành được giải thưởng cao và được đánh giá tốt về dung lượng thông tin, cách thức thể hiện và hơi thở đời sống mà tác phẩm của họ có. Cũng gồ ghề, sắc cạnh trong câu chữ với nhiều chi tiết, nhưng văn phong của họ vẫn không mất đi nữ tính, với những góc nhìn thấm đẫm tình người...
Có lẽ vì thế mà những bài viết của các nhà báo nữ bao giờ cũng dễ đi vào lòng người và thuyết phục được độc giả trong sự mềm mại riêng qua văn phong mà họ thể hiện.
Tôi cũng nghĩ, thật khó mà tách bạch ra được vai trò của nhà báo nữ đối với xã hội và chuyên môn vì nó luôn là một tổng thể, cái này là cái kia và ngược lại trong một thể thức. Là cái đương nhiên như nó vốn phải có trong năng lực cảm nhận và thể hiện ở nhiều góc độ của một chỉnh thể.
Nguyễn Thị Hồng Hạnh
Bình luận: 0