Khi "con cúm núm… lìa đàn"
23:04 19/02/2017
- Vấn đề sự kiện
Tôi vẫn nhớ vào những năm 90 của thế kỷ trước, anh Tô Vương là phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Kiên Giang có viết một bài báo Tết rất hay với cái tít: “Khi con cúm núm gọi bầy” nói về thắng lợi bước đầu của sự nghiệp cải tạo đồng đất, ngọt hoá Tứ giác Long Xuyên.
Nhà báo Tô Vương
Đồng đất Kiên Giang thằng cánh cò bay với hệ thống kênh rạch vuông vức như ô bàn cờ đã mang lại những mùa vàng no ấm, cây trái xanh tốt gọi chim về làm tổ. Hôm nay, đặt cái tít “Khi con cúm núm… lìa đàn”, tôi muốn nói về anh, một con người tha thiết cuộc sống, lạc quan yêu đời, yêu say đắm nghề làm báo của mình đã vĩnh biệt chúng ta vào lúc 8h12’ ngày 16/2/2017.
Tô Vương từ chiến trường về trường Đại học Văn khoa Sài Gòn rồi tốt nghiệp đại học báo chí về Báo Nhân Dân cuối những năm 80. Một buổi sáng dưới gốc đa 71 Hàng Trống, tôi gặp một chàng trai cao to, da ngăm đen, miệng lúc nào cũng tủm tỉm cười. Anh nói ngay: Ban vừa kiểm điểm mình xong. Cũng đúng. Khuyết điểm lớn nhất là mới về. Người ấy là anh Tô Vương.
Vậy là từ đó chúng tôi trở nên thân thiết với nhau bởi cùng cảnh ngộ “mới về”, mới vào nghề. Điều may mắn nhất của Tô Vương khi về Báo Nhân Dân là được làm việc tại Ban Nông nghiệp. Ở đó, ông Hữu Thọ là Trưởng ban và những cây bút sắc sảo như Trần Minh Tân, Văn Sơn, Vũ Công Thạo, Nguyên Thao thường xuyên rèn nghề và truyền cho anh ngọn lửa yêu nghề làm báo cho đến khi từ giã cõi đời này.
Tôi về Cơ quan Báo Nhân Dân trước anh hai năm nhưng vẫn phải ngồi bàn giấy làm thư ký ban, còn Tô Vương lúc đó đã được các bậc đàn anh cho đi công tác khắp các làng quê vùng Đồng bằng Bắc bộ.
Tôi nhớ, cứ mùng sáu Tết Nguyên Đán, Báo Nhân Dân họp mặt đầu Xuân, Ban Nông nghiệp bao giờ cũng rôm rả nhất và cũng là ban có bài nhiều nhất cho số báo ra ngày hôm sau, chủ đề chính là khí thế lao động đầu Xuân, Tết trồng cây,… Có một năm Tô Vương bắt tay tôi một cách vội vàng nói: “Thông cảm nhé, tôi phải đi thực hiện nhiệm vụ của Ban giao cho. Năm mới mà không xong việc thì giông cả năm”.
Sáng hôm sau đến cơ quan, mở tờ báo ra đã thấy bài của anh về thị trường nông thôn những ngày sau Tết Nguyên Đán, thì ra hôm qua Tô Vương vào chợ Hà Đông và chợ Vân Đình khảo giá để lấy tư liệu viết bài. Có lần ôn lại những kỷ niệm đó, Tô Vương giọng như trầm xuống: “Cánh mình ngày xưa hăng hái, hăm hở vào nghề, lúc nào cũng như viên đạn đã lên nòng súng, sẵn sàng bay đi sau cái “bóp cò” của người lãnh đạo còn bây giờ…”.
Một thời gian sau, Tô Vương được Ban Biên tập phân công nhiệm vụ làm phóng viên thường trú tại Kiên Giang khi mới sinh đứa con gái đầu lòng. Tôi được nghe kể lại, đồng chí Nguyễn Kiến Phước thay mặt Ban Biên tập đưa Tô Vương xuống gặp Tỉnh uỷ Kiên Giang, lúc chia tay Tô Vương bật khóc vì thương nhớ vợ con.
Ấy vậy mà, chỉ tháng sau anh đã có bài gửi về. Sáu tháng sau ra Hà Nội họp hội nghị phóng viên thường trú, gặp tôi anh nói: “Tôi thành thật khuyên ông đi thường trú nhiều cái hay, cái mới bổ ích cho nghề lắm”. Nhưng sự đời có phải lúc nào muốn là được. Phải mất gần 20 năm sau, tôi mới thực hiện được điều đó. Thời gian làm phóng viên thường trú, tôi đều thường xuyên đọc bài của anh, chủ yếu là đề tài nông nghiệp, nông dân, nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long được thể hiện bằng thể loại phóng sự, phóng sự điều tra. Những anh Hai, chị Ba, chú Tư, dì Năm nhân vật của từng bài báo hiện lên sống động làm sáng lên chủ ý của bài viết.
Có một chuyện vui bật lên cá tính rất Tô Vương. Ngày đầu về đất Kiên Giang làm phóng viên thường trú, anh làm quen, kết bạn thân tình với người thợ cắt tóc. Cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở đây, ai mà chả phải cắt tóc một tháng đôi lần. Qua người bạn này, anh hiểu được cá tính, phong cách làm việc của những cán bộ cần sớm tiếp cận, hợp tác phục vụ cho hoạt động nghiệp vụ báo chí của mình. Ai cũng thừa nhận rằng, Tô Vương là nhà báo rất dễ dàng thích nghi với mọi hoàn cảnh, điều kiện môi trường sống từ khắp mọi nơi mà anh đến. Và do đó, những bạn bè, cộng tác viên của anh ngày một đông đảo.
Một vài lần cùng đi cơ sở với Tô Vương, tôi thích phong cách làm việc của anh, cách anh làm quen với những người cần gặp gỡ, tạo sự tin cậy để lấy tài liệu một cách rất nhanh chóng bằng cái duyên dẫn chuyện, bằng những điều anh đã nhận thức được nhờ họ kiểm chứng. Cách làm việc đó tạo hiệu quả nắm bắt thông tin rất cao. Nó không còn là một cuộc phỏng vấn của nhà báo với người lãnh đạo địa phương, đơn vị mà là cuộc đàm đạo sôi nổi của những người trong cuộc về một vấn đề nào đó của đời sống xã hội. Phải chịu khó lăn lộn trong thực tế, chăm chú lắng nghe, ghi chép, chịu khó đọc sách, báo, tự nâng cao tầm nhận thức ngang tầm người mình đối thoại thì mới làm được như thế.
Khi không làm phóng viên nữa, anh đảm nhận các vị trí công tác Phó Trưởng ban, Trưởng Ban Khoa giáo của Báo Nhân Dân, giữa tôi và anh không còn thời gian "trà dư tửu hậu" để đàm đạo về nghề viết nữa. Tôi thấy một cán bộ lãnh đạo, quản lý lúc nào cũng tất bật với công việc. Anh rất nhiệt tình, tâm huyết công việc tiếp xúc lãnh đạo các bộ, ngành mà Ban Khoa giáo được giao phụ trách để nắm bắt thông tin, xây dựng đề tài và phân công phóng viên thực hiện.
Điều đặc biệt là anh rất tận tình, chu đáo, tỉ mỉ rèn nghề cho phóng viên, từng cử chỉ, lời ăn tiếng nói đến câu từ, chữ nghĩa. Có lúc ngọn roi phê bình của anh vung lên quá cao nhưng khi hoàn thành nhiệm vụ không khí trở lại đầm ấm, chan hoà. Ở cương vị Uỷ viên Ban Biên tập một tờ báo lớn của Đảng, anh trực tiếp tham gia lãnh đạo, chỉ đạo từng số báo, từng đợt tuyên truyền, anh đã phát huy được năng lực nhanh nhạy, quyết đoán trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ.
Anh không ngại “va chạm” đề xuất những sáng tạo cá nhân để Báo Nhân dân tiếp tục khẳng định chỗ đứng của mình trong bối cảnh cạnh tranh thông tin ngày càng quyết liệt. Tất nhiên, có nhiều đề xuất của anh không được tập thể lãnh đạo chấp thuận, anh không buồn vì đã bộc lộ được cái tâm của mình đối với tờ báo.
Có một chuyện tôi không thể nào quên, hằng năm hai chúng tôi bàn bạc với nhau từ rất sớm để hình thành chủ đề của một tờ báo Tết. Chúng tôi đam mê viết báo Tết cũng như người ta đam mê cành đào, cây quất vậy. Vậy mà có năm bài báo Tết của anh được cắt gọt, biên tập quá nhiều. Anh buồn chán. Tôi động viên, an ủi một cách tếu táo: “Giữa người viết và người biên tập có một mối quan hệ “mật thiết” như người lái xe với chiến sĩ cảnh sát giao thông”. Anh phì cười. Những năm tháng ở cương vị Uỷ viên Ban Biên tập anh lại là người “cầm còi” khá vững không bỏ qua một lỗi nào.
Về hưu từ Báo Nhân dân, anh được tín nhiệm nhận nhiệm vụ làm Phó Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm Báo anh vui lắm, bảo với tôi, về đây không phải vì thu nhập mà có “đất” để truyền lại những kiến thức nghề nghiệp cho lớp trẻ.
Trên con đường từ Hà Nội vào trẩy hội chùa Hương đến ngã ba Thá thì rẽ vào con đường men sông Đáy là đến xã Hồng Sơn, huyện Mỹ Đức quê anh, đã mấy lần Tô Vương đưa tôi về thăm quê bằng xe máy. Những thửa ruộng bạc màu dưới chân núi đá vôi cạnh chùa Hương tích, được Tô Vương chỉ cho những con đường, những bờ tre, khóm chuối nơi anh đã từng chăn trâu, cắt cỏ, nuôi vịt, bắt cá. Tôi đã hình dung ra cuộc đời lam lũ, bần hàn, một thời trai trẻ của Tô Vương như thế nào. Mắc căn bệnh hiểm nghèo nhưng anh vẫn tỉnh táo đến lúc mất. Anh dặn người cháu thân yêu của mình, khi đưa di cốt của chú về quê cứ theo con đường chú đã từng rời tổ ấm gia đình vào bộ đội, vào trường đại học và mỗi lần từ Hà Nội về thăm bố, mẹ, anh em ruột thịt cùng những người thân yêu nhất của mình.
Xin chúc Tô Vương thanh thản yên nghỉ bên bố, mẹ và người anh rất đỗi thân thương của mình!
Phạm Đạo
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (11:09 25/11/2024)
- Quốc hội sẽ xem xét công tác nhân sự trong tuần làm việc cuối của kỳ họp (05:50 25/11/2024)
- Giải Vô địch Bóng bàn Hội Nhà báo Việt Nam sẽ diễn ra trong tháng 12/2024 (04:01 18/11/2024)
- Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau (10:26 18/11/2024)
- Quốc hội thông qua nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 (08:42 13/11/2024)