Khánh Hòa: Thành công của nhà đầu tư cũng là thành công của tỉnh

Ngày 2/4, hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa năm 2023 được tổ chức, đưa ra tổng quát mục tiêu phát triển của tỉnh là trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế…

Hội nghị do UBND tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng tổ chức, với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh; Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cùng các lãnh đạo các bộ, ngành, các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong, ngoài nước.

Tại buổi lễ, UBND tỉnh Khánh Hòa đã công bố quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự chỉ đạo hội nghị_Ảnh: Báo Khánh Hòa. 

Cụ thể, theo lộ trình đến năm 2030, Khánh Hòa có 2 đô thị loại I là thành phố Nha Trang và Đô thị mới Cam Lâm; 1 đô thị loại II là thành phố Cam Ranh; 1 đô thị loại III, 2 đô thị loại IV và các đô thị loại V. Trong đó, thành phố Nha Trang là đô thị hạt nhân; thành phố Cam Ranh là đô thị du lịch-logistics; huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế; huyện Vạn Ninh trở thành đô thị du lịch biển cao cấp; thị xã Ninh Hòa là đô thị công nghiệp; huyện Diên Khánh là đô thị sinh thái, văn hóa truyền thống.

Mục tiêu tổng quát đến mốc thời gian trên, Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao; GRDP bình quân đầu người đạt nhóm 15 tỉnh, thành phố cao nhất cả nước; quy mô dân số toàn tỉnh khoảng 1,4 triệu người.

Tầm nhìn đến năm 2050, Khánh Hòa là một trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước; là đô thị thông minh, thân thiện với môi trường, bản sắc, ngang tầm khu vực châu Á; phấn đấu trở thành một trong những đô thị ven biển thu hút khách du lịch và có môi trường đáng sống hàng đầu của châu Á với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại…

Lễ trao chấp thuận chủ trương đầu tư và trao giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án_ Ảnh: Báo Khánh Hòa. 

Nhận định về Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết, các quy hoạch được duyệt là cơ sở, tiền đề quan trọng trong việc thực hiện hoá mục tiêu được Bộ Chính trị đề ra, từ đó góp phần cụ thể hóa những nhiệm vụ giải pháp tạo sức bật đột phá cho sự phát triển của Khánh Hòa; tạo lộ trình phát triển và tổ chức không gian phát triển, gắn với các trụ cột kinh tế để tạo nên những giá trị mới, hiện thực khát vọng đưa vùng đất rất giàu tiềm năng, lợi thế này phát triển nhanh, bền vững.

“Để thực hiện thành công các quy hoạch Khánh Hòa sẽ thực hiện 5 ưu tiên. Đó là, tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông kết nối đến các vùng động lực và hoàn chỉnh hệ thống các quy hoạch phân khu. Chúng tôi quyết tâm cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và cải thiện chỉ số quản trị địa phương để trở nên cạnh tranh hơn. Với tỷ lệ dân số có trình độ cao đẳng và đại học đứng thứ 12 cả nước, Khánh Hòa sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng lao động, nhằm tăng cường lợi thế so sánh. Chúng tôi sẽ đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên với mục tiêu hướng đến một tiêu chuẩn mới về chất lượng sống, làm việc và du lịch”, ông Nguyễn Tấn Tuân khẳng định.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hải Ninh nhận định: Tỉnh Khánh Hòa đang đứng trước thời cơ, vận hội mới, nhưng cũng đầy khó khăn, thách thức. Vì vậy, tỉnh Khánh Hòa xác định trước hết phải quyết tâm hành động để khắc phục những hạn chế, bất cập hiện có; đồng thời, khai thác và phát huy tốt các cơ chế, chính sách đặc thù để tạo nên những giá trị mới, hiện thực hóa khát vọng đưa Khánh Hòa phát triển nhanh, bền vững, sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030. Tỉnh sẽ hành động với tinh thần trách nhiệm, cầu thị, học hỏi từ các bộ, ngành Trung ương, các địa phương và lắng nghe các doanh nghiệp; xem việc tạo điều kiện cho nhà đầu tư cũng chính là vì sự phát triển chung của địa phương, và xem sự thành công của nhà đầu tư cũng chính là thành công của tỉnh Khánh Hòa.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị_ Ảnh: Báo Khánh Hòa. 

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định sự kiện đã góp phần cụ thể hóa Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị. Từ đây, các đối tác sẽ có cái nhìn toàn diện, sâu sắc, tổng thể hơn về tiềm năng, thế mạnh của Khánh Hòa. Tỉnh Khánh Hòa cần lắng nghe ý kiến của nhà đầu tư, khai thác quản lý tài nguyên thiên nhiên hiệu quả, bền vững và đảm bảo môi trường. Đồng thời, cần đẩy mạnh liên kết vùng sao cho chặt chẽ và hiệu quả; huy động nguồn lực phát triển kinh tế, nhất là nguồn lực hợp tác công tư; cải thiện môi trường đầu tư nhanh, kịp thời.

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Khánh Hòa cần khẩn trương hoàn hiện, triển khai hiệu quả các quy hoạch, có chương trình hành động để cụ thể hóa các quy hoạch, phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn. Đồng thời, phát triển hệ thống đô thị, đầu tư kết nối hạ tầng; phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; nâng cao giá trị đất, nâng cao hiệu quả khai thác các cảng hàng không, cảng biển. Bên cạnh đó, phải nghiên cứu tạo môi trường đầu tư thông thoáng, lấy nguồn lực bên trong, kết hợp nguồn lực bên ngoài; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học công nghệ làm động lực, nền tảng; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; mọi người dân cần tham gia vào chính sách…

Cũng nhân dịp này, Cổng thông tin xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa chính thức đi vào hoạt động từ ngày 2/4. Thủ tướng Chính phủ cùng các lãnh đạo bộ, ban, ngành trung ương và địa phương đã cùng chứng kiến lễ trao chấp thuận chủ trương đầu tư và trao giấy chứng nhận đầu tư cho 8 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 32.250 tỷ đồng; trao biên bản ghi nhớ phát triển dự án cho 15 doanh nghiệp với tổng vốn dự kiến khoảng trên 80.000 tỷ đồng.

Thanh Bình 

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Trong kỷ nguyên số, chuyển đổi nội dung số các tạp chí của Việt Nam có vai trò quan trọng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước; đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phổ biến tri thức, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam trên không gian mạng. Đồng thời, góp phần “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”(1) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top