Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Khai mạc Phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Sáng 11/5, tại Nhà Quốc hội, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 11.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Dự kiến Phiên họp kéo dài ba ngày làm việc (từ 11-13/5), Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về 11 nội dung và 3 nội dung cho ý kiến bằng văn bản.

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng, trong đó phần lớn là các nội dung công tác chuẩn bị cho Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, khai mạc vào ngày 23/5 tới.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, chủ động sắp xếp lịch làm việc, dự họp đầy đủ, đúng thành phần, nghiên cứu kỹ lưỡng, có nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng để Phiên họp đạt hiệu quả cao nhất.

Theo Chương trình Phiên họp, về công tác  xây dựng pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bằng văn bản đối với đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Về các vấn đề kinh tế-xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; việc chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành cấp phát ngân sách nhà nước; xem xét: dự kiến phương án phân bổ vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia; bổ sung kế hoạch ngân sách trung ương năm 2022 trong nước phân bổ cho các bộ, ngành, địa phương.

Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc trình Quốc hội xem xét, quyết định: Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; Chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa-Vũng Tàu (giai đoạn 1) (nếu đủ điều kiện).

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về Báo cáo kiểm toán việc sử dụng các nguồn lực trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh của Kiểm toán nhà nước và tiếp tục cho ý kiến về báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 bằng văn bản.

Tại Phiên họp thứ 11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc thành lập thị trấn Phương Sơn thuộc huyện Lục Nam và thành lập thị trấn Bắc Lý thuộc huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.

Về công tác giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; tham gia ý kiến vào dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 4/2022.

Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội.

Tiếp theo, với sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022./.

TTXVN

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí đã từ trần lúc 13 giờ 38 phút, ngày 19-7-2024, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hưởng thọ 80 tuổi. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân” của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top