Kết nối sức mạnh để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững
18:03 29/11/2021
- Kinh tế
Nhờ được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước nhiều hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Yên Bái, đặc biệt là các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số từ chỗ là hộ nghèo được công nhận thoát nghèo và vươn lên có kinh tế khá với mức thu nhập ổn định, đã trở thành những điển hình tiên tiến tạo sức lan tỏa cho nhiều hộ nghèo khác học tập góp phần tích cực vào quá trình thúc đẩy giảm nghèo, phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội của địa phương.
Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Yên Bái:
Đồng chí Nguyễn Thị Bích Nhiệm – Chủ tịch Hội LHPN tỉnh (Thứ 3 bên phải sang) trao đổi với các thành viên Hợp tác xã dâu tằm xã Yên Thái, huyện Văn Yên
Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái là một trong những tổ chức chính trị - xã hội đã và đang đồng hành cùng Ngân hàng chính sách (NHCS) ngay từ những ngày đầu thành lập. Từ chỗ quản lý 85,4 tỷ đồng dư nợ thời điểm cuối năm 2003, đến nay đã có 169/173 Hội LHPN cấp xã ký hợp đồng ủy thác với NHCS, quản lý 762 tổ tiết kiệm và vay vốn với trên 26 nghìn hộ được vay với trên 1 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh.
Dư nợ do Hội LHPN quản lý tăng trưởng mỗi năm bình quân từ 17 – 18%. Bên cạnh việc ủy thác cho vay tín dụng chính sách, hệ thống tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội LHPN quản lý đã vận động hộ vay tham gia gửi tiền tiết kiệm qua tổ tiết kiệm và vay vốn nhằm mục đích tạo thói quen tích lũy thu nhập để trả nợ khi đến hạn, mặt khác góp phần bổ sung nguồn vốn để cho vay, đến nay đã được 53,2 tỷ đồng. Mặc dù dư nợ tăng trưởng nhanh, tỷ trọng vốn quản lý cao nhưng chất lượng tín dụng ủy thác qua Hội LHPN luôn được duy trì tốt, thể hiện ở tỷ lệ nợ quá hạn thời điểm hiện tại chỉ chiếm 0,1% dư nợ, 95% số tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội quản lý xếp loại tốt, góp phần quan trọng vào việc duy trì chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh luôn thuộc nhóm đứng đầu toàn quốc trong nhiều năm liên tục.
Mô hình thêu dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Mông của chị Lý Thị Ninh, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải
Trong những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách do Ngân hàng CSXH và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp quản lý đã phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Hằng năm có từ 5.000 – 6.000 hộ vay vốn thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 4,5 – 5%/năm, 76 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, đời sống vật chất và tinh thần người dân được nâng lên rõ rệt.
Để nâng cao trình độ quản lý vốn vay của cán bộ Hội cấp cơ sở và Ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn, hàng năm các cấp Hội đã phối hợp với Ngân hàng CSXH tập huấn nghiệp vụ cho 100% cán bộ Hội cơ sở, Ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn, thường xuyên trao đổi về những khó khăn, vướng mắc thường gặp phải trong quản lý nguồn vốn. Bên cạnh đó, Hội LHPN đã phối hợp với khuyến nông cơ sở tổ chức tập huấn cho tổ viên vay vốn các kiến thức về kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt nhằm giúp các tổ viên sử dụng vốn vay có hiệu quả, đúng mục đích.
Hội LHPN xã Nghĩa Phúc (Nghĩa Lộ) phối hợp với NHCS-XH tuyên truyền các chính sách vốn vay đến hội viên phụ nữ
Đối với Hội LHPN các cấp, tín dụng CSXH là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ vận động, hỗ trợ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững và đặc biệt là thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” và phong trào “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”; phong trào “Phụ nữ làm kinh tế giỏi” góp phần giúp hội viên phụ nữ nghèo và các đối tượng chính sách khác vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống. Được tiếp cận nguồn vốn thuận lợi, phù hợp với điều kiện sản xuất, chăn nuôi ở từng địa bàn, nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số từ chỗ là hộ nghèo đã vươn lên có kinh tế khá với mức thu nhập ổn định, trở thành điển hình tiên tiến tạo sức lan tỏa cho nhiều hộ nghèo khác học tập. Có rất nhiều mô hình phụ nữ làm kinh tế giỏi, hàng năm có hàng ngàn hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được công nhận thoát nghèo, đóng góp tích cực vào quá trình thúc đẩy giảm nghèo, phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội của tỉnh.
Điển hình là chị Lý Thị Ninh đã tự tin khởi nghiệp, giữ gìn và phát huy nghề thêu dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Mông tại xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải đã tạo công ăn việc làm cho 45 thành viên, thu nhập bình quân từ 2 – 3 triệu đồng/thành viên/tháng, ngoài ra còn tạo việc làm và tăng thu nhập cho chị em hội viên tham gia theo thời vụ. Đặc biệt trong năm 2020 chị Ninh đã mạnh dạn đưa sản phẩm thêu dệt thổ cẩm của Tổ hợp tác tham gia Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động và vượt qua 922 ý tưởng của phụ nữ toàn quốc, ý tưởng của chị là một trong 68 ý tưởng xuất sắc lọt vào vòng chung kết và được tôn vinh trao giải “Tác động xã hội góp phần giảm nghèo bền vững” với giải thưởng trên 300 triệu đồng.
Mô hình chăn nuôi gà của hội viên xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn
Phong trào phát triển kinh tế, làm theo lời Bác thực hành tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững của Hội LHPN xã An Lạc, huyện Lục Yên. Nhận thấy điều kiện khí hậu và địa hình của một số thôn trong xã phù hợp với phát triển cây dược liệu vì qua khảo sát cho thấy đã có một số hộ nhen nhóm trồng manh mún, nhỏ lẻ, Hội đã mạnh dạn đề xuất với Đảng ủy xã cho chủ trương phát triển diện tích cây dược liệu khôi tía, trồng xen canh với các cây lấy gỗ, tận dụng tối đa diện tích đất canh tác. Đến nay, sau 3 năm triển khai trồng từ 0,8ha lên 2,8 ha, thu nhập hàng năm được 180 đến 200 triệu đồng. Ngoài cây khôi tía, Hội còn xây dựng mô hình trồng và sơ chế măng bát độ cho thu nhập từ 70 triệu đến 150 triệu đồng/năm. Với một xã đặc biệt khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào rừng và ruộng, Hội đã mạnh dạn đề xuất cử hội viên tham gia lớp khởi sự doanh nghiệp do Hội LHPN tỉnh tổ chức và từ các lớp này, các chị em đã ứng dụng mở các xưởng sơ chế gỗ rừng trồng. Đến nay, toàn xã đã có 8 xưởng giải quyết việc làm cho gần 200 lao động, thu nhập từ 2,5 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Trong đó có 01 mô hình điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế cho thu nhập từ 500 đến 1 tỷ đồng/năm đã được UBND tỉnh tặng Bằng khen…
Sản xuất miến đao xã Quy Mông, huyện Trấn Yên
Nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần đạt được mục tiêu về chỉ số hạnh phúc của người dân, trong thời gian tới Ngân hàng CSXH và Hội LHPN các cấp tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc phối hợp tuyên truyền về các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến các đối tượng thụ hưởng, đảm bảo tất cả các hộ nghèo và đối tượng chính sách được tiếp cận với thông tin về chính sách, những trường hợp đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn đều được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi. Song song với việc giải ngân các nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH và Hội LHPN tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những sai phạm, yếu kém trong quá trình quản lý vốn, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng, kịp thời biểu dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến. Thường xuyên phối hợp tập huấn nghiệp vụ quản lý vốn tín dụng cho cán bộ Hội cấp cơ sở và Ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn. Lồng ghép phong trào thi đua nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn tín dụng chính sách với các nhiệm vụ, phong trào thi đua do Hội phát động đạt chất lượng hiệu quả.
Việt Anh - Lê Hà - Hoàng Yên
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- VPBank 5 năm liên tiếp được Mastercard vinh danh nhiều giải thưởng danh giá (04:46 23/12/2024)
- NCB chính thức tăng vốn điều lệ lên gần 11.800 tỷ đồng (11:02 23/12/2024)
- VIB đưa nghệ thuật vào trải nghiệm khách hàng (11:32 20/12/2024)
- MB dẫn đầu về chỉ số hài lòng của khách hàng Việt Nam 2024 ngành ngân hàng (10:05 20/12/2024)
- BIDV triển khai dịch vụ xác thực khách hàng điện tử qua VNeID trên SmartBanking (03:26 18/12/2024)