Kết nối đầu tư làm phong phú thêm điểm đến văn hóa địa phương

Hà Nam quyết tâm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh và các nguồn lực để phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, xây dựng Hà Nam thành điểm đến hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng.

Đây là thông điệp được lãnh đạo tỉnh Hà Nam đưa ra tại hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển du lịch tỉnh Hà Nam với chủ đề “Hà Nam - Hành trình kết nối” tổ chức ngày 18/10 với sự tham gia đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp du lịch cùng nhiều tổ chức nước ngoài.

Các đơn vị ký kết hợp tác tại hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển du lịch tỉnh Hà Nam với chủ đề “Hà Nam - Hành trình kết nối”.

Khẳng định điểm đến văn hóa địa phương 

Hội nghị Xúc tiến đầu tư phát triển du lịch tỉnh Hà Nam với chủ đề “Hà Nam - Hành trình kết nối” là một trong những sự kiện tiêu biểu của Tuần Văn hóa, Du lịch Hà Nam năm 2024. 

Chùa Cây Thị thu hút khách về thăm quan, chiêm bái.

Bà Lê Thị Thuỷ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Nam, cho biết: “Hội nghị hôm nay là dịp để Hà Nam nâng cao thương hiệu, vị thế “Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới”. Qua đó, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh, các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư các trong nước và quốc tế. Đồng thời mở rộng liên kết phát triển du lịch, tạo cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tìm hiểu, mở rộng thị trường, xây dựng các tour, tuyến du lịch hấp dẫn giới thiệu du khách đến với Hà Nam”.

Năm 2023, Hà Nam đón hơn 4 triệu lượt khách, tổng thu du lịch đạt hơn 3.000 tỷ đồng; 9 tháng đầu năm 2024 Hà Nam đón khoảng 4,2 triệu lượt khách, tổng thu du lịch đạt hơn 3.200 tỷ đồng. Du lịch Hà Nam đang dần khẳng định thương hiệu là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách, liên tiếp trong hai năm 2023 và 2024 Hà Nam được Giải thưởng Du lịch thế giới vinh danh là điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới và Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á.

"Trà chiều trên thuyền" một sản phẩm du lịch độc đáo tại Khu du lịch Tam Chúc.

Một số sản phẩm du lịch đặc trưng của Hà Nam như: Du lịch văn hóa, lễ hội với các điểm đến hấp dẫn, thu hút lượng lớn du khách đến thăm quan, chiêm bái như: Chùa Tam Chúc, chùa Địa Tạng Phi Lai, chùa Cây Thị, chùa Phật Quang…; lễ hội truyền thống Tịch Điền, lễ phát lương đền Trần Thương, lễ hội xuân Tam Chúc…; các làng nghề truyền thống như: cá kho Đại Hoàng, trống Đọi Tam, lụa Nha Xá...

Bên cạnh đó, việc khai trương và đưa vào hoạt động Không gian đi bộ gắn với phát triển thương mại, du lịch tại thành phố Phủ Lý và thị xã Duy Tiên, Flamingo Golden Hill, Sun Urban City… đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tham quan và mua sắm, hỗ trợ phát triển các mô hình du lịch cộng đồng và sản phẩm làng nghề. Trong thời gian tới, Hà Nam cũng định hướng phát triển du lịch nông thôn dựa trên cơ sở khai thác hiệu quả giá trị văn hóa truyền thống, môi trường cảnh quan của khu vực nông thôn Hà Nam, nhằm thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng, phát triển sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ về lĩnh vực du lịch có lợi thế.

Theo ông Nguyễn Lê Phúc, Cục phó Cục du lịch Việt Nam, tỉnh Hà Nam đã có những bước đi vững chắc trong việc khai thác các tiềm năng này, đặc biệt là khu du lịch Tam Chúc, một trong những điểm đến nổi bật của Việt Nam, gắn liền với giá trị văn hóa, tâm linh và thiên nhiên hùng vĩ cùng các di tích lịch sử, văn hóa đặc sắc như chùa Bà Đanh, các lễ hội truyền thống, nghề thủ công mỹ nghệ độc đáo. Đây là những yếu tố có thể được khai thác để phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, tạo nên trải nghiệm thú vị cho du khách, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và phát triển các tour du lịch tâm linh….

Thiền chuông tại khu du lịch Tam Chúc mang đến cho du khách một trải nghiệm đặc biệt.

Lãnh đạo Cục du lịch Việt Nam cho rằng, để đưa Hà Nam thành địa phương phát triển du lịch, tỉnh cần phát triển du lịch thông minh, đẩy mạnh công nghệ số trên các nền tảng xã hội, phim ảnh; nâng cao đầu tư hạ tầng, dịch vụ du lịch nhằm khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước với chính sách ưu đãi; phát triển nguồn nhân lực du lịch, tạo trải nghiệm tốt cho du khách khi tới Hà Nam; bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống của tỉnh Hà Nam.

Chia sẻ tại Hội nghị, ngài Ishikawa Isamu, Phó Đại sứ, Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, tỉnh Hà Nam đã có nhiều nỗ lực để phát triển ngành Du lịch trong những năm gần đây. Coi du lịch là ngành công nghiệp hòa bình, Phó Đại sứ, Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản cho rằng du lịch có vai trò giúp chúng ta tiếp xúc, giao lưu với các nền văn hóa và lịch sử khác nhau cũng như góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau xuyên biên giới. Du lịch là ngành thực sự thích hợp để Chính phủ đẩy mạnh tăng trưởng và cũng là ngành đem lại hiệu quả kinh tế lớn. Với Hà Nam nơi có nhiều tài nguyên du lịch phong phú tuyệt vời, bằng những kết quả khả quan đã đạt được trong thu hút đầu tư nước ngoài, ông hy vọng tỉnh Hà Nam cũng sẽ triển khai những hoạt động quảng bá, tiếp thị hiệu quả để thu hút du lịch.

Tăng cường kết nối, đầu tư để cất cánh

Hội nghị cũng đã chứng kiến các ký kết hợp tác giữa UBND tỉnh Hà Nam với các nhà đầu tư, tập đoàn kinh doanh du lịch (Tập đoàn Sun Group; Công ty Cổ phần Flamingo Redtours; Công ty du lịch Vietravel, Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội;…); giữa Sở VHTTDL tỉnh Hà Nam với Sở VHTT&DL Bình Định và Sở VHTT&DL Hà Giang.

Du lịch văn hóa, lễ hội với các điểm đến hấp dẫn, thu hút lượng lớn du khách đến thăm quan, chiêm bái.

Trước những trao đổi, chia sẻ, thảo luận đầy tâm huyết, trách nhiệm và với tình cảm tốt đẹp của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà đầu tư, các doanh nghiệp du lịch dành cho Hà Nam, cho sự hợp tác, phát triển tươi sáng của du lịch Hà Nam trong tương lai, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Quốc Huy nhấn mạnh: Để thúc đẩy phát triển du lịch, thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch, tỉnh Hà Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện, triển khai thực hiện hiệu quả các quy hoạch, đề án, dự án đã được phê duyệt. Trong đó, trọng tâm là quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050; quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Tam Chúc, tỉnh Hà Nam đến năm 2030 và quy hoạch các khu, điểm có tiềm năng phát triển du lịch. Đồng thời, tập trung huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, từ hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng thương mại, hạ tầng thông tin…

“Chúng tôi sẽ không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh; đặc biệt là xây dựng chính sách, cơ chế khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển du lịch, sản phẩm du lịch mới, mang đặc trưng du lịch Hà Nam, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước”, ông Trương Quốc Huy cho biết.

Tỉnh Hà Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi, ưu tiên đầu tư phát triển nguồn nhân lực du lịch. Hỗ trợ, kết nối và khuyến khích các tổ chức, cá nhân đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tổ chức nghiên cứu thị trường, thu thập thông tin, xu hướng của khách du lịch; xây dựng các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch phù hợp từng giai đoạn, đối tượng khách, đặc biệt là các thị trường khách quốc tế, đặc biệt là đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động quản lý, quảng bá, phát triển lĩnh vực du lịch sẽ được chú trọng thực hiện.

Hồng Phong

 

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top