Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

JETRO khẳng định niềm tin lớn của các nhà đầu tư Nhật Bản với Việt Nam

12:26 25/08/2022 - Kinh tế
Theo kết quả khảo sát của JETRO cho thấy có tới 55% công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh ở nước này trong một đến hai năm tới, cao nhất trong số các nước ASEAN.

Ông Shigetoshi Aoyama, Phó Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: Đào Thanh Tùng/TTXVN)

Ngày 24/8, ông Shigetoshi Aoyama, Phó Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư Nhật Bản với Việt Nam vẫn tăng bất chấp các tác động tiêu cực của dịch COVID-19.

Phát biểu tại Diễn đàn Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Nhật Bản ở thủ đô Tokyo, ông Aoyama cho biết: “Trong những năm gần đây, việc di chuyển của người dân và các hoạt động kinh doanh đã bị hạn chế rất nhiều do sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, niềm tin của các nhà đầu tư Nhật Bản đối với Việt Nam vẫn không ngừng tăng do chính sách thương mại tự do, sự tích cực trong thu hút đầu tư và tuyên bố mạnh mẽ về ý định cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ Việt Nam.”

Theo ông Aoyama, sau khi Việt Nam nới lỏng các hạn chế về nhập cảnh vào tháng 3 năm nay, JETRO đã nhận được ngày càng nhiều các yêu cầu liên quan đến giao thương và mở rộng hoạt động sang Việt Nam.

Từ tháng 4, số lượng các cuộc tham vấn mà các văn phòng của JETRO ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận đã tăng trở lại mức trước đại dịch.

Bên cạnh đó, kết quả khảo sát gần đây của JETRO cho thấy có tới 55% công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh ở nước này trong một đến hai năm tới, cao nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á. 

Mặt khác, ông Aoyama cũng bày tỏ vui mừng khi hoạt động thương mại và đầu tư giữa Nhật Bản và Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển bất chấp đại dịch.

Theo Phó Chủ tịch JETRO, năm 2021, trao đổi thương mại giữa hai nước vẫn tăng gấp đôi so với 10 năm trước, trong khi vốn đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Việt Nam lên tới 3,65 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần so với năm trước đó. 

Diễn đàn Thương mại và Đầu tư Việt Nam-Nhật Bản do Bộ Công Thương và Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản phối hợp với JETRO và Trung tâm ASEAN-Nhật Bản (AJC) tổ chức ở Tokyo, với sự tham dự của hơn 100 đại biểu đến từ các hiệp hội và doanh nghiệp hai nước, trong đó có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động trong các lĩnh vực mà Việt Nam đang quan tâm như năng lượng, công nghệ, logistics và bất động sản.

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên đã kêu gọi “các doanh nghiệp Nhật Bản đến Việt Nam đầu tư nhiều hơn nữa để khai thác thị trường gần 100 triệu dân và từ đó, mở rộng ra thị trường Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cũng như các thị trường khác đã ký kết các hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.”

Bộ trưởng cũng khẳng định cam kết “ủng hộ và tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có các nhà đầu tư và doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư mới hoặc mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam,” đồng thời “sẵn sàng lắng nghe các ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp và nhà đầu tư Nhật Bản nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh.” 

Về phần mình, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam khẳng định Nhật Bản là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam.

Ngay cả khi dịch COVID-19 bùng phát, quan hệ hợp tác giữa hai nước vẫn không ngừng phát triển. Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam vào đầu tháng 5, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác Việt-Nhật là “không có giới hạn.”

Trong khi đó, ông Kunihiko Hirabayashi, Tổng Thư ký Trung tâm ASEAN-Nhật Bản (AJC), nhấn mạnh Nhật Bản và Việt Nam là các đối tác bình đẳng, cùng nhau phát triển thịnh vượng và có chung các giá trị phổ quát.

Ông Hirabayashi cũng nêu bật 3 nhiệm vụ của AJC trong trung hạn nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế giữa Nhật Bản và khối ASEAN, trong đó có Việt Nam, gồm: hỗ trợ việc thực hiện Khuôn khổ Phục hồi Toàn diện ASEAN (ACRF); thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài bền vững từ Nhật Bản sang các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam; và mở rộng thương mại và đầu tư bao trùm hơn. 

Cũng tại diễn đàn, các doanh nghiệp hai nước đã giao lưu và tìm hiểu khả năng hợp tác đầu tư và kinh doanh.

Bên lề diễn đàn, các đại diện của Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T của Việt Nam và tập đoàn Marubeni của Nhật Bản đã trao đổi biên bản ghi nhớ về việc hợp tác trong lĩnh vực năng lượng.

Nhân dịp này, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T, kiêm Chủ tịch Tập đoàn Năng lượng T&T bày tỏ mong muốn Chính phủ Nhật Bản quan tâm và có các biện pháp hỗ trợ cụ thể để thúc đẩy đầu tư vào chuyển dịch năng lượng xanh tại Việt Nam.

Chính phủ Nhật Bản đang có cơ chế JCM hỗ trợ tài chính cho các dự án năng lượng xanh. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản đã thành lập Quỹ Hỗ trợ chuyển đổi năng lượng xanh ASEAN.

Bà hy vọng các cơ chế này sẽ sớm triển khai đi vào thực tế và sẽ ưu tiên cho các dự án năng lượng tái tạo của các nhà đầu tư Nhật Bản tại thị trường Việt Nam với các gói hỗ trợ quy mô lớn hơn, điều kiện áp dụng thuận lợi hơn và nếu được thì sẽ trở thành một cơ chế hỗ trợ cấp chính phủ để các doanh nghiệp và tập đoàn Nhật Bản khi đầu tư tại Việt Nam có thể yên tâm khi có sự hỗ trợ và đồng hành của Chính phủ Nhật Bản.

Theo Vietnam+

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.