Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Huy động nguồn lực cho tăng trưởng xanh

14:21 08/11/2021 - Kinh tế
Việt Nam sẽ tập trung chuyển đổi sang sản xuất sạch và tăng trưởng xanh, nâng cao giá trị theo hướng bền vững với môi trường. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh sẽ góp phần phục hồi kinh tế hậu Covid-19.

Lắp đặt hệ thống pin mặt trời Nhà máy Điện mặt trời Thành Thành Công Krông Pa (Gia Lai). Ảnh: MINH TRIỀU

Tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu trong khuôn khổ COP26 diễn ra ở TP Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã công bố những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Trọng tâm là khu vực tư nhân

Theo các chuyên gia kinh tế, việc nâng cao cam kết giảm phát thải khí nhà kính sẽ có lợi cho Việt Nam về nhiều mặt, có thể thu hút được nguồn lực xanh từ gói tài chính được cam kết bởi các quốc gia cho phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và năng lượng tái tạo. Và thực tế, trong khuôn khổ các hoạt động của COP26, các định chế tài chính đã ký cam kết rót nhiều tỷ USD cho các chương trình, dự án tăng trưởng xanh tại Việt Nam thông qua các tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước.

Để thực thi cam kết này, ngành năng lượng và nguồn lực đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân có vai trò rất quan trọng. Một báo cáo do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa công bố cho thấy, những năm gần đây, nguồn lực của khu vực tư nhân đầu tư cho tăng trưởng xanh đã gia tăng đáng kể. TS Hồ Công Hòa, Trưởng nhóm nghiên cứu dự án “Nâng cao vai trò của đầu tư tư nhân đối với tăng trưởng xanh trong giai đoạn 2021 - 2030” cho biết: Giai đoạn 2010 - 2019, số lượng doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng và môi trường tăng mạnh. Cụ thể, trong lĩnh vực năng lượng (sản xuất điện gió, điện mặt trời), năm 2010 có 69 doanh nghiệp tham gia đầu tư, chiếm tỷ lệ 59% thì năm 2019 tăng lên 777 doanh nghiệp, chiếm 94,8%. Trong lĩnh vực môi trường (cấp thoát nước và xử lý nước thải, chất thải rắn và xử lý môi trường), năm 2010 có 693 doanh nghiệp tham gia đầu tư, chiếm 81,5% thì năm 2019 tăng lên 2.713 doanh nghiệp, chiếm 95,8%. Đáng lưu ý, trong các năm 2010 và 2015, doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn làm chủ “sân chơi” đầu tư điện mặt trời, không có sự tham gia của các doanh nghiệp nhà nước. Sở dĩ có sự tăng trưởng tích cực này là nhờ sự thúc đẩy của các chính sách huy động đầu tư tư nhân cho tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững.

Tuy nhiên, TS Hồ Công Hòa cũng chỉ rõ vẫn còn rất nhiều rào cản để thu hút nguồn lực đầu tư tư nhân vào các dự án tăng trưởng xanh, khiến quy mô phát triển của kinh tế xanh còn khá nhỏ. Đó là cơ chế, chính sách không đồng bộ và thiếu ổn định, dễ nhận thấy nhất là giá điện mặt trời thay đổi liên tục trong thời gian ngắn; thiếu vốn đối ứng, vốn mồi đầu tư công trong các dự án hạ tầng. Nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn còn tâm lý trông chờ vào vốn ngân sách thay vì huy động vốn tư nhân. Trong nhiều lĩnh vực, quy trình cấp phép đầu tư, phát triển, xây dựng, vận hành dự án mất thời gian và phức tạp; tư duy nhiệm kỳ vẫn tồn tại ở nhiều nơi...

Chia sẻ rủi ro, tạo lập môi trường bình đẳng

Từ thực tế xây dựng và triển khai kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của thành phố Hà Nội, TS Nguyễn Diễm Hằng, Trưởng phòng Nghiên cứu đô thị (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội) cho biết, mặc dù TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch được hai năm nhưng triển khai vẫn rất lúng túng. Chính sách do Nhà nước ban hành nhưng thực hiện lại là doanh nghiệp tư nhân và cộng đồng, hằng năm chưa có số liệu thống kê kết quả thực hiện tăng trưởng xanh của các địa phương để làm cơ sở đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện. Ở các địa phương, lãnh đạo nào quan tâm coi là nhiệm vụ chính trị thì thực hiện nghiêm túc, còn ngược lại thì rất chểnh mảng, do đó, để xây dựng chiến lược tăng trưởng xanh, vai trò của địa phương phải được xác định rất cụ thể.

Sự chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và doanh nghiệp được đánh giá là vấn đề quan trọng trong thu hút vốn tư nhân cho tăng trưởng xanh. TS Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho biết: Năm 2020, có sự tăng trưởng đột biến về năng lượng tái tạo từ nguồn vốn tư nhân, nhất là điện gió. Chỉ trong vòng 10 ngày, công suất nguồn đã tăng đột biến từ 300 đến 600 MW lên gần 1.000 MW do nhà đầu tư thúc đẩy dự án để tận dụng ưu đãi từ sự thay đổi chính sách giá điện. Nhà đầu tư đổ tiền vào rất nhiều làm tăng công suất nguồn nhưng sau đó, tiêu thụ điện năng lượng tái tạo nói chung và điện gió nói riêng bị cắt giảm đột ngột vì nhu cầu tiêu thụ điện giảm mạnh do đại dịch Covid-19 làm đình trệ sản xuất. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh tế của các dự án năng lượng sạch. “Cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân rất quan trọng. Khu vực tư nhân tham gia đầu tư năng lượng sạch bùng nổ nhưng không có cơ chế chia sẻ rủi ro cho nên khi bị cắt giảm đột ngột, nhà đầu tư hoàn toàn phải gánh chịu rủi ro, khiến họ thận trọng cân nhắc đầu tư trong tương lai”, TS Nguyễn Anh Tuấn nói.

Ngày 1/10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 để thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, góp phần phục hồi kinh tế hậu Covid-19. Để thu hút nguồn lực đầu tư tư nhân cho tăng trưởng xanh, nhóm nghiên cứu của CIEM cho rằng, ban hành cơ chế ưu đãi của Nhà nước là cần thiết, nhưng quan trọng nhất là cần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực môi trường và năng lượng, từng bước tạo lập môi trường minh bạch, bình đẳng và công bằng giữa các thành phần kinh tế. Bên cạnh đó, cần áp dụng các công cụ kinh tế như phát triển ngân hàng xanh, tín dụng xanh giúp doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn tài chính xanh; thúc đẩy quá trình triển khai chính sách mua sắm công xanh; nghiên cứu khả năng áp dụng thuế các-bon theo lộ trình phù hợp nhằm định hướng sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của xã hội trong tương lai... Hành lang pháp lý và cơ chế chính sách phải mang tính chất vừa bắt buộc, vừa khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho tăng trưởng xanh, thực thi trách nhiệm xã hội đối với môi trường, phát triển bền vững.

Theo nhandan.vn

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.