Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Hội thảo Báo chí tỉnh Khánh Hòa lần thứ VIII/2021

Ngày 22/12, tại TP. Nha Trang, Hội thảo Báo chí tỉnh Khánh Hòa lần thứ VIII/2021 chủ đề “Báo chí với công tác truyền thông về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội” do Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa, Tạp chí Người Làm Báo - Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức đã diễn ra.

Ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa phát biểu

Dự hội thảo, có ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, bà Phạm Thị Xuân Trang - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa; lãnh đạo Ban Tuyên giáo, Sở Thông tin & Truyền thông tỉnh Khánh Hòa; đại diện các cơ quan ban ngành trong Tỉnh, cùng phóng viên các báo đài thường trú tại Khánh Hòa.

Chủ trì hội thảo là nhà báo Đoàn Minh Long - Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa; PGS.TS. Nguyễn Thành Lợi - Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm Báo; nhà báo Trần Duy Hưng - Tổng Biên tập báo Khánh Hòa và TS Phạm Mỵ - Chủ tịch CLB Nhà báo nữ Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Sức khỏe và Môi trường.

Nhà báo Đoàn Minh Long - Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa phát biểu đề dẫn. Ảnh: Công Thi

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, nhà báo Đoàn Minh Long - Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa cho biết: Hội thảo nhằm phát huy và nâng cao vai trò của báo chí với công tác truyền thông về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tuyên truyền về những quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Những thuận lợi, khó khăn của đội ngũ những người làm báo trong công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh. Phân tích làm rõ vai trò và hiệu quả của báo chí, truyền thông trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; các biện pháp tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa báo chí, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị doanh nghiệp chung tay phòng chống dịch, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong thời gian qua và những mục tiêu sắp đến….

Theo nhà báo Đoàn Minh Long, hội thảo nhằm nâng cao hơn nữa kỹ năng nghiệp vụ, nhận thức và vai trò báo chí trong công tác thông tin, tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đưa ra những giải pháp đồng hành với các cấp chính quyền thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa triển khai thực hiện khôi phục sản xuất kinh doanh nhằm phát triển kinh tế-xã hội. Đưa hoạt động kinh tế - xã hội trở về trạng thái “bình thường mới”, thích ứng, linh hoạt thực hiện theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Phát biểu tại hội thảo, ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, hiện chúng ta đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Đóng góp vào kết quả đó, có vai trò của đội ngũ phóng viên, nhà báo trên địa bàn tỉnh đã tiên phong, kịp thời thông tin về tình hình dịch Covid-19; quan điểm chỉ đạo, lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước trong việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa ổn định phát triển sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống người dân, cũng như tuyên dương những tấm gương tận tụy, hy sinh của lực lượng chống dịch tuyến đầu chống dịch...

Quang cảnh Hội thảo Báo chí tỉnh Khánh Hòa lần thứ VIII/2021. Ảnh: Công Thi

Tại hội thảo, nhà báo Nguyễn Văn Hạnh - Phóng viên thường trú Báo Quân đội Nhân dân tại Khánh Hòa nêu tham luận về chủ đề: Nền tảng số - đóng góp to lớn, hiệu quả công tác truyền thông phòng, chống dịch covid-19, phát triển kinh tế- xã hội tại Khánh Hòa". Theo nhà báo Văn Hạnh, cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid-19, truyền thông (báo chí) được thừa hưởng nền tảng số, tiếp sức cho truyền thông trở nên như những “chuyên cơ siêu tốc” lan tỏa kịp thời những sách lược, hoạch định vĩ mô; những chỉ thị, nghị quyết, công điện, khuyến cáo… từ Trung ương, địa phương, các bộ, ngành. Truyền thông chính thống đã chuyển tải nhanh lẹ những thông tin chính xác, tích cực, lan tỏa tinh thần chia sẻ, nhân văn cao đẹp trong đời sống khó khăn chống chọi với dịch bệnh… Nhờ có công nghệ mà truyền thông (báo chí) đã đóng góp to lớn trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19, phát triển kinh tế, xã hội đất nước và địa phương. 

Nhà báo Văn Hạnh nhấn mạnh: Trong thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành vừa qua, đội ngũ người làm báo địa phương và trung ương đứng chân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, trước hết là yếu tố con người, các nhà báo đã luôn khẳng định vai trò tiên phong, sắc bén, tận hiến của mình, đã len lõi vào những nơi tâm dịch, khu cách ly, bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19; hay bám sát các vấn đề an sinh xã hội, đảm bảo đời sống, sức khỏe của người dân... Phản ánh sinh động toàn diện bức tranh đại dịch và đời sống xã hội, tôn vinh sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Cùng với đó là các cơ quan báo chí đã khai thác tối đa nền tảng số để chuyển tải tin, bài, các tác phẩm của mình đến với bạn đọc nhanh nhất và lan tỏa rộng khắp. Khai thác tối đa sức mạnh và “quyền uy” của truyền thông thời đại nền tảng số để phục vụ nhân dân, bạn đọc của mình.

Ban chủ trì hội thảo. Ảnh: TL

Còn nhà báo Phong Nguyên - Thường trú Báo Nhân Dân tại Khánh Hòa cho rằng: Chúng ta xác định chống dịch như chống giặc; cũng xác định vừa chống dịch vừa chống giặc trên mặt trận tư tưởng. Những thế lực này vô cùng nguy hiểm, khó lường. Trên nền tảng nhất quán “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, trong phòng, chống dịch, chúng ta đã linh hoạt, liên tục chuyển trạng thái tùy theo tình hình nguy cơ dịch bệnh trên từng địa bàn. Báo chí, với vai trò, nhiệm vụ là những “tấm gương tinh thần” đã và sẽ có bước thích ứng linh hoạt. Với lợi thế có trong tay dồi dào cơ sở tư liệu thực tiễn cụ thể, sinh động, báo chí đang góp phần quan trọng trong việc củng cố, nâng cao chất lượng công tác lý luận; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trên nhiều bình diện, trong điều kiện xã hội có nhiều biến đổi như hiện nay.

PGS.TS. Nguyễn Thành Lợi - Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm Báo trình bày tham luận. Ảnh: Công Thi

Dẫn những con số liên quan đến tình hình KT-XH tại Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Thành Lợi - Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm Báo cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng GDP của nước ta chỉ đạt 5,64%, thấp hơn mục tiêu đề ra. Trong Quý II/2021, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm của lao động lần lượt là 2,4% và 2,6%, đều tăng so với Quý I/2021 (2,19% và 2,2%). Tình hình hoạt động của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Trong 7 tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020, là mức thấp so với mức tăng trung bình 8,1% giai đoạn 2016-2020, giảm 7,2% về số lao động; số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 23%, số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể tăng 28,6%, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tăng 27,4%. Do tác động của các đợt giãn cách xã hội tại một số địa phương, khu vực dịch vụ tiếp tục tăng trưởng thấp, chỉ đạt 3,96% so với cùng kỳ năm 2020; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tiếp tục giảm sâu (5,12%), dịch vụ vận tải và kho bãi giảm 0,39%. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản chịu ảnh hưởng mạnh ở phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp, văn phòng cho thuê, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng; xu hướng dịch chuyển kênh đầu tư sang thị trường bất động sản khiến thị trường sôi động hơn ở các phân khúc khác nhưng lại dẫn đến tình trạng sốt đất, đầu cơ đất, nhiễu loạn thông tin quy hoạch đất, nhất là các khu vực vùng ven các đô thị lớn, gây nguy cơ bong bóng tài sản và rủi ro kinh tế vĩ mô...

Theo PGS.TS. Nguyễn Thành Lợi: Thời gian qua, báo chí đã phát huy vai trò quan trọng, hiệu quả to lớn, luôn đồng hành, sát cánh cùng đội ngũ doanh nghiệp doanh nhân trong việc thực hiên mục tiêu kép: kiểm soát dịch Covid-19 và khôi phục phát triển sản xuất. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp doanh nhân đã tích cực đóng góp nguồn lực tài chính, đồng thời cùng các nhà báo vận đồng quyên góp tiền và vật phẩm ủng hộ cho những người gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Mặc dù đang chịu nhiều tổn thất do dịch bệnh, nhưng nhiều doanh nghiệp doanh nhân vẫn dành cho báo chí sự hợp tác giúp đỡ thiết thực, góp phần giúp báo chí vượt khó, tiếp tục vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ đối với đất nước và nhân dân.

Tiến sĩ Phạm Mỵ - Chủ tịch CLB Nhà báo nữ Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Sức khỏe và Môi trường phát biểu. Ảnh: TL

Đề cao sự vất vả, khó khăn của đội ngũ làm báo trên tuyến đầu chống dịch, Tiến sĩ Phạm Mỵ - Chủ tịch CLB Nhà báo nữ Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Sức khỏe và Môi trường đánh giá: Nhiều nhà báo thực sự đã “xông pha” ở những điểm “nóng”, trong các bệnh viện, ở các khu cách ly, ở biên giới… để có những thông tin, hình ảnh chân thực, sống động, phong phú. Thậm chí có những trường hợp nhà báo đã bị nhiễm Covid-19, đủ thấy nhiều người đã tác nghiệp trong tâm thế của những “phóng viên chiến trường” để kịp thời thông tin đến bạn đọc. Một số phóng viên, nhà báo đã bị lây nhiễm Covid-19 trong khi tác nghiệp, như anh Bùi Trọng Nhân của kênh VOV Giao thông tại TP. Hồ Chí Minh là một ví dụ. Trong số 65 tác phẩm báo chí đoạt Giải Báo chí thành phố Hồ Chí Minh năm 2021, có ít nhất 8 tác phẩm có nội dung liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19 ở nhiều khía cạnh khác nhau, phần nào thể hiện sự đóng góp của báo chí trên mặt trận này.

Tuy nhiên, lợi dụng tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, một số nhóm đối tượng đã đăng tải hàng loạt tin bài xấu, độc, sai sự thật về vấn đề xoay quanh dịch bệnh Covid-19. Mục đích của các đối tượng này là nhằm gây hoang mang, lo sợ trong quần chúng nhân dân, tạo ra tình trạng bất ổn, chia rẽ trong nội bộ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Theo thống kê của lực lượng công an, từ khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19 đến nay, trên không gian mạng đã có gần 300.000 tin, bài đăng trên các trang thông tin điện tử, blog, diễn đàn; gần 600.000 tin, bài, video clip liên quan đến dịch bệnh đã đăng trên mạng xã hội. Trong đó có rất nhiều tin, bài có nội dung chưa được kiểm chứng, xuyên tạc, sai sự thật, thu hút hàng triệu lượt bình luận, chia sẻ. Truyền thông (báo chí) một lần nữa phải đối mặt với thách thức về một loại virus tinh vi, đó là “virus tin giả”.

Tuy vậy, với vai trò là tiếng nói của Đảng, các cơ quan Nhà nước, của các đoàn thể và là diễn đàn của nhân dân, báo chí đã không chỉ phản ánh kịp thời, đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống mà còn là kênh thông tin tin cậy để nhân dân “gửi gắm” tâm tư nguyện vọng, “vũ khí” giám sát của mình đối với Đảng và Nhà nước. Trước làn sóng dịch bệnh lần thứ tư đang bùng phát mạnh mẽ, các cơ quan truyền thông (báo chí) một lần nữa không ngừng nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ. 

Đại biểu trình bày tham luận. Ảnh: Công Thi

Theo nhà báo Hải Luận - Văn phòng đại diện Báo Biên phòng tại Khánh Hòa: Tỉnh Khánh Hòa đã cơ bản hoàn tất chiến dịch tiêm vaccine mũi 2 cho toàn dân, đang chuẩn triển khai tiêm mũi 1 cho trẻ em từ 12 – 17 tuổi. Mặc dù mọi người đã có “chiếc áo” vaccine phòng Covid-19, nhưng tình hình dịch bệnh vẫn diễn ra rất phức tạp trên toàn quốc nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng. Báo chí, truyền thông tiếp tục thực hiện có trách nhiệm sứ mệnh của mình, phổ biến kiến thức phòng, chống dịch Covid-19 cho toàn dân hiểu và nắm chắc sâu hơn về đường lây của virus Covid-19. Các giá trị của tiêm vaccine cả người lớn và trẻ em. 

Nhà báo Hải Luận nhấn mạnh: Báo chí cần thông tin mạnh mẽ khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế đưa ra, tránh tình trạng người dân ỉ lại đã tiêm đủ vaccine, dẫn đến lơ là, chủ quan, “khinh” dịch,... làm cho dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát trở lại, nguy hiểm đến tính mạng của nhiều người, nền kinh tế có nguy cơ bị “đóng cửa” trở lại.  Mặt khác, yêu cầu y tế của các xí nghiệp, nhà máy, khu công nghiệp và y tế địa phương thường xuyên theo dõi và giám sát thật kỹ mọi lúc, mọi nơi. Với phương châm, nơi nào an toàn mới cho sản xuất, nơi nào không an toàn phải dừng lại ngay. Tuyệt đối không được chủ quan. Báo chí đã đồng quan điểm với Tỉnh ủy và UBND tỉnh Khánh Hòa, lúc doanh nghiệp, nhà máy sản xuất gặp khó khăn, cần phải lắng nghe, tìm hiểu những vướng mắc và có giải pháp tháo gỡ ngay lập tức. Từ nay đến cuối năm, cần giải ngân vốn đầu tư công thật quyết liệt, để thúc đẩy và kích thích các dịch vụ phát triển mạnh. Tạo công ăn việc làm, có sức lan toả và cộng hưởng lẫn nhau trong nền kinh tế.

Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: TL

Dưới góc độ của một doanh nghiệp, Thạc sĩ Hồ Minh Châu - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Á Châu, Chủ tịch các công ty thành viên ASIA cho rằng: Các gói hỗ trợ của Nhà nước đến với doanh nghiệp còn nhỏ và chậm nên không thể kích cầu, vực lại doanh nghiệp hoạt động. Ông kiến nghị Chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp dựa trên danh sách các doanh nghiệp nộp thuế, đối tượng rõ ràng (danh sách do Cục Thuế cung cấp), hỗ trợ theo tỷ lệ phần trăm (%) số thuế đã nộp. Ví dụ 10-15% số thuế doanh nghiệp thực nộp của 2 năm trước liền kề. 

Ngoài ra, ông cũng kiến nghị Chính phủ tạo cơ hội cho Doanh nghiệp vượt khó bằng một số chính sách thiết thực bằng tiền song song với việc sử dụng đòn bẩy vốn và lãi suất ngân hàng. Đối với người lao động có thể cân nhắc nới rộng khoản hỗ trợ, nhất là mở rộng đối tượng lao động làm việc trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ được hướng chính sách hỗ trợ. 

Bên cạnh đó, ông kiến nghị UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản chỉ đạo và đôn đốc cấp huyện triển khai thực hiện Quyết định 2045 của UBND tỉnh như TP. Nha Trang đã ra văn bản triển khai, một số huyện thị không thấy triển khai. Đồng thời, rà soát kiểm tra cấp dưới triển khai trợ cấp có đúng, có đủ đối tượng không?

Tặng hoa và bằng khen cho các cá nhân, đơn vị có đóng góp xuất sắc cho hội thảo. Ảnh: Công Thi

Tổng kết hội thảo, có gần 50 tham luận của các đại biểu được gửi đến hội thảo. Các đại biểu đều khẳng định vai trò của báo chí với công tác truyền thông về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, các đại biểu đều đồng tình các biện pháp tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa báo chí và doanh nghiệp chung tay phòng chống dịch, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đề xuất một số kiến nghị thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ trên mặt trận phòng chống dịch Covid-19, khôi phục phát triển kinh tế - xã hội, đưa hoạt động kinh tế - xã hội trở về trạng thái “bình thường mới”. Ngoài ra, các đại biểu tiếp tục nhấn mạnh trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo trong công tác tuyên truyền về các phòng chống dịch bệnh Covid-19. Với sứ mệnh của cơ quan truyền thông chính thống, chuyên nghiệp, vai trò định hướng dự luận xã hội đối với “người chiến sỹ” trên mặt trận thông tin truyền thông, người làm báo cách mạng Việt Nam. Các đại biểu cũng mạnh dạn đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác phòng chống dịch bệnh Covid- 19 và cách thức thu thập thông tin, xử lý nguồn tin, truyền tải thông tin qua mạng xã hội của nhà báo, hội viên.

Bên lề hội thảo, Ban Tổ chức chương trình đã tặng hoa và bằng khen cho các cá nhân, đơn vị có đóng góp xuất sắc cho hội thảo.

PV

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.