Hội nghị thượng đỉnh các Nữ Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 11
17:36 13/12/2016
- Vấn đề sự kiện
Hội nghị thượng đỉnh các Nữ Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 11 đã khai mạc sáng 12/12 (giờ địa phương) tại thủ đô Abu Dhabi của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: TRỌNG ĐỨC (TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu đoàn đại biểu của Việt Nam tham dự Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng Liên bang quốc gia (QH) UAE, Tiến sĩ Amal Abdulla Al Qubaisi nhấn mạnh, các nữ Chủ tịch Quốc hội trên thế giới cần hợp tác để ứng phó những thách thức toàn cầu.
Nữ Chủ tịch QH UAE cho rằng, cùng với sự phát triển của khoa học - công nghệ, sự phát triển của kinh tế cho thấy một tương lai mới đang được định hình, trong đó thế giới đang đối phó những thách thức mới.
Tại phiên khai mạc, các đại biểu đã nghe thông điệp của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-Moon gửi tới hội nghị, các bài phát biểu của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ UAE, Đại giáo trưởng Hồi giáo An A-da…, trong đó nêu bật vai trò của phụ nữ trong các cơ quan dân cử trên thế giới đối với việc bảo vệ lợi ích, nâng cao đời sống người dân; đánh giá phụ nữ là những nhân tố quan trọng để thúc đẩy sự công bằng và đưa ra những chính sách, luật pháp để đạt được những mục tiêu phát triển bền vững.
Chiều tối cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân đã có phát biểu tham luận và chủ trì buổi thảo luận “Đoàn kết bảo vệ một hành tinh lành mạnh".
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên thảo luận. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Tại phiên thảo luận, các nữ Chủ tịch Quốc hội đã chia sẻ công tác bảo vệ môi trường, trong đó có hoàn thiện pháp luật bảo vệ môi trường, nguồn nước; đề xuất các sáng kiến thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững cũng như Thỏa thuận Paris tại Hội nghị Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP) 21 năm 2015; thực hiện chính sách về tái tạo đất, ban hành pháp luật về đất đai; ký kết các thỏa thuận sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình; công tác làm thế nào để “bảo vệ một hành tinh khỏe mạnh.
Các đại biểu cũng đề cập đến việc cần có hành động quyết liệt, thiết thực hơn nữa trong sản xuất thực phẩm an toàn, tiêu dùng thực phẩm hợp lý vì lợi ích, sức khỏe của cộng đồng.
Các đại biểu cho rằng, Quốc hội đại diện cho ý chí của người dân, có vai trò quan trọng trong hoàn thành các Mục tiêu phát triển bền vững. Các quốc gia cần nâng cao nhận thức thế hệ trẻ để phát triển bền vững nền kinh tế cũng như bảo vệ lợi ích tương lai của thế hệ trẻ; cần phải đoàn kết để đối phó với những thách thức trong tương lai…
Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, các cuộc cách mạng công nghiệp đã đem lại sự phát triển mạnh mẽ ở nhiều quốc gia, nhưng cũng để lại những hệ quả vô cùng nghiêm trọng đối với môi trường toàn cầu, đòi hỏi mọi quốc gia đoàn kết, hành động có trách nhiệm vì một hành tinh xanh cho thế hệ tương lai.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân hoan nghênh những nỗ lực của các quốc gia trong giải quyết và khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu; nhất là Thỏa thuận Paris chống biến đổi khí hậu tại Hội nghị COP 21 năm 2015.
Đồng thời, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cũng chia sẻ Việt Nam rất quan tâm QH Việt Nam rất quan tâm, ủng hộ và theo dõi, giám sát việc thực hiện của Chính phủ với ba hoạt động.
Thứ nhất, QH Việt Nam chỉ đạo, rà soát toàn bộ hệ thống chính sách pháp luật phù hợp những cam kết mà Việt Nam phê chuẩn, cũng như điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Thứ hai, với chức năng phê chuẩn ngân sách Nhà nước trung hạn và hằng năm, Quốc hội Việt Nam ưu tiên phân bổ nguồn lực để thực hiện các chương trình ứng phó biến đổi khí hậu cũng như thực hiện các cam kết.
Thứ ba, Quốc hội Việt Nam thực hiện giám sát việc thực thi của Chính phủ để bảo đảm những cam kết mà Việt Nam tham gia có hiệu lực, hiệu quả và hiện nay, Quốc hội Việt Nam đang "biến lời nói thành hành động" giống như chủ đề Tuyên bố Hà Nội tại Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) năm 2015 - một văn kiện thể hiện nguyện vọng và cam kết của IPU và các nghị viện thành viên trong việc xây dựng và thúc đẩy thực hiện những Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) mà Liên Hợp Quốc đang xây dựng đến năm 2030./.
TH
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Giải Vô địch Bóng bàn Hội Nhà báo Việt Nam sẽ diễn ra trong tháng 12/2024 (04:01 18/11/2024)
- Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau (10:26 18/11/2024)
- Quốc hội thông qua nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 (08:42 13/11/2024)
- Phiên chất vấn đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, “đúng” và “trúng” (06:00 12/11/2024)
- Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8 (09:10 11/11/2024)