Hội làng Yên Xá, nét đẹp văn hoá truyền thống
23:13 02/02/2023
- Văn hóa xã hội
Hằng năm, cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, từ ngày mùng 9 đến 12 tháng Giêng, nhân dân trong làng Yên Xá, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội lại mở hội để tưởng nhớ đến công lao của Đức thánh Linh Lang Đại vương Thượng Đẳng Phúc Thần, thành hoàng làng phù hộ cho quốc thái ân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tương, nhân dân được sức khỏe, bình an, hạnh phúc và ấm no.
Truyền thống một ngôi làng cổ ngoại thành Hà Nội
Làng Yên Xá, tên cùng có tên Nôm là Kẻ Đơ với làng Triều Khúc, nhưng thường được gọi Đơ Bùi, xuất phát từ việc làng trồng được thứ khoai lang ăn rất bùi và ngọt. Cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn, Yên Xá là một thôn của xã Trung Thanh Oai thuộc tổng Thượng Thanh Oai, huyện Thanh Oai, phủ ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng (năm Minh Mạng thứ 12 - 1831 đổi làm tỉnh Hà Nội; năm 1889 thuộc tỉnh Cầu Đơ; năm 1904 đổi làm tỉnh Hà Đông). Năm 1926, làng có 943 nhân khẩu. Trong kháng chiến chống Pháp, Yên Xá lại thuộc huyện Liên Nam tỉnh Hà Đông. Hòa bình lập lại cắt lại về thuộc huyện Thanh Trì. Từ tháng 6 - 1961, làng nhập với làng Triều Khúc thành xã Tân Triều thuộc huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Khác với làng Triều Khúc (Đơ Thao) ở bên cạnh, làng Yên Xá chuyên làm nông nghiệp, cấy trồng nhiều giống lúa, hoa màu trở thành đặc sản có tiếng trong vùng. Dân làng còn có nghề làm bánh đúc, xưa kia, sản phẩm rất được người nội thành Thăng Long - Hà Nội ưa chuộng. Làng Yên Xá có ngôi đình đã bị bom Mỹ phá hủy gần hết vào năm 1972, chỉ còn hậu cung. Đến nay, đình đã được dựng lại khang trang, song trong hậu cung vẫn giữ được đôi câu đối cổ, ca ngợi đất làng là đất thiêng, khí thiêng.
Hội Làng Yên Xá - Lễ hội tiêu biểu đặc sắc mang ý nghĩa báo đáp công ơn của thành Hoàng làng. _Ảnh: PV.
Ngôi đình làng thờ Uý Đô Linh Lang, tương truyền là con trai của Vua Trần Thánh Tông (mất năm 1278) và Hoàng hậu Minh Đức. Uý Đô là người không ham cuộc sống quyền chức mà đi tu ở nhiều chùa. Đến khi giặc Nguyên - Mông xâm lược nước ta, Vua Trần Thánh Tông cho gọi Uý Đô về trông coi Kinh thành Thăng Long, sau Uý Đô lại ra trận, tổ chức tuyến phòng thủ ở nhiều làng xã phía Nam Kinh thành Thăng Long, trong đó có làng Yên Xá, làng Lưu Phái (nay thuộc xã Ngũ Hiệp cùng thuộc huyện Thanh Trì) lập công, nên được phong làm Linh Lang đại vương, ban thực ấp ở vùng Dâm Đàm (Hồ Tây). Sau khi ông mất, các làng là nơi ông tổ chức phòng tuyến và làng trong khu thực ấp của ông đều lập đền thờ, đền chính ở phường Nhật Chiêu. Tại làng Yên Xá, lúc đầu, dân làng lập miếu thờ ở mé Tây của làng, nơi đây vài chục năm trước vẫn còn hào lũy um tùm, không ai động đến, hiện nay vẫn còn vết tích.
Từ xưa Yên Xá vốn là nơi tụ hội giao lưu văn hóa và là nơi trao đổi mua bán một vài loại hàng thủ công, mỹ nghệ của địa phương. Hơn thế nữa, nằm ngay bên cạnh làng Triều Khúc nổi tiếng, làng Đơ Thao xưa kia, Yên Xá cũng không kém phần tên tuổi ở trong khu vực….nếu như Thành hoàng làng Triều Khúc thờ là Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng thì dân làng Yên Xá lại thờ đức thánh Linh Lang, mà nơi thờ nổi tiếng là đền Thủ Lệ, quận Ba Đình hiện nay. Ngài đã có công đánh giặc và được vua nhà Lý ban thưởng, nhưng từ chối tất cả về quê sống và hóa ở Hồ Tây, vì thế vua cho lập đền thờ và giao cho dân trong vùng cúng tế hàng năm.
Các em nhỏ múa sênh tiền trước nhà dân, cầu mong một năm mới may mắn, tài lộc và bình an_Ảnh: PV.
Có một chi tiết của truyền thuyết liên quan đến việc thờ ngài ở Yên Xá là trước khi qua đời, hoàng tử Linh Lang xin vua cho tung lá cờ trận mà ngài từng dùng lúc sinh thời. Lá cờ bay lên và bay qua vùng nào thì nơi đó lập đền thờ ngài. Lá cờ đó đã bay qua nhiều nơi và trong đó có làng Yên Xá, vì thế ở đây dân mới lập đền thờ Linh Lang đại vương được thờ tại đền Thượng trên một khu đất phía đông bắc của làng.
Cùng với ngôi đền, làng Yên Xá còn có một ngôi đình được đặt ở trung tâm làng có ngai thờ Linh Lang Đại vương. Theo những tài liệu cho biết, đình được xây dựng muộn hơn so với đền. Quy mô của đình cũng được xây dựng khá bề thế, năm 1990, đình và đền Yên Xá được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đó là một sự ghi nhận giá trị lịch sử và văn hóa quý báu của làng.
Ngày hội văn hoá của người dân địa phương
Hội làng Yên Xá bắt đầu ngày 9 đến 12 tháng Giêng với đám rước Thành Hoàng làng từ đền lên đình nơi mở hội. Đám rước đầy đủ nghi thức, như các hội làng truyền thống ở Bắc Bộ. Do được chuẩn bị từ trong năm và đầu năm mới, trong không khí vui xuân, đám rước lại càng tưng bừng hơn. Cả làng trong không khí phấn khởi, cầu chúc cho một năm làm ăn may mắn, nhân khang, vật thịnh. Đám rước huyên náo, vui vẻ nhiều màu sắc trên con đường sạch sẽ lát gạch. Đây là gạch *nộp cheo* của các cô gái Yên Xá lấy chồng thiên hạ (lệ là 300 viên/người). Khi đám rước đã dừng trên sân đình, cờ quạt, đồ tế khí đã sắp đặt đâu vào đấy, lễ vật đã dâng lên thì các bô lão cử hành tế lễ, để trình báo với đức thánh việc làm ăn của dân làng năm qua, đồng thời cầu mong sự che chở của ngài vào năm mới được nhiều may mắn hơn nữa.
Nhiều hoạt động sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc của hội làng Yên Xá như: múa rồng, múa lân, múa sênh tiền, múa chạy cờ cũng được diễn ra trong lễ hội_Ảnh: PV
Tiếng nhạc, tiếng trống chiêng cùng tiếng hô của các vị xướng tế trầm bổng trong hương khói nghi ngút ngày đầu xuân hấp dẫn người làng cũng như người ở các nơi khác đến xem. Đồng thời người ta cũng đợi lúc các cụ tế xong để đến lượt mình vào dâng hương cầu mong thánh ban cho một năm mới may mắn. Trên sân đình, những trò chơi truyền thống diễn ra ở chỗ này, chỗ kia, lôi cuốn người xem vào cuộc. Màu sắc của đủ loại trang phục ngày hội nổi bật lên trong khung cảnh trời xuân làm hội làng Yên Xá vừa thiêng liêng, vừa thơ mộng.
Nghi lễ rước kiệu về đình làng diễn ra long trọng trong sự thành kính của người dân làng Yên Xá_Ảnh: PV
Ngày hội lớn của làng Yên Xá cũng là để tưởng nhớ đến công lao của một vị anh hùng dân tộc. Sáng mùng 10 khai mạc lễ hội, các nghi lễ chính thức được tiến hành ở đình. Khi tế xong, người ta bắt đầu tham gia vào các trò chơi dân gian như đánh cờ, chọi gà, đá bóng, hát chèo, múa rồng…..Đặc biệt, trong đình Yên Xá hiện nay còn lưu giữ 38 đạo sắc phong, cái sớm nhất ghi niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 8(1626), đời vua Lê Thần Tông. Sắc cuối cùng được ban vào những năm cuối đời vua Khải Định (1916 – 1920). Trong tòa đại đình hiện còn lưu giữ được bộ hương án cổ chế tác từ thời Lê và vài bệ đá hình hoa sen đế kê chân cột là những những hiện vật cổ nhất.
Với nhiều nghi thức trang trọng cùng các tục lệ độc đáo, lễ hội làng Yên Xá mở đầu bằng nghi thức rước long bào, ngựa từ đình Thờ về Đại Đình_Ảnh: PV
Lễ hội diễn ra trong hai ba ngày sau đó, rồi kết thúc bằng lễ rước hoàn cung về đền. Những năm gần đây, không chỉ người Yên Xá mà du khách các nơi đến đây có thể dự hội làng Yên Xá và hội làng Triều Khúc ở bên cạnh do thời gian tổ chức lễ hội cùng diễn ra vào khoảng từ mùng 9 đến 12 tháng Giêng. Như vậy, chẳng riêng người Yên Xá mà người thập phương có thể dự hội của hai làng vào một dịp đầu xuân.
Lễ hội diễn ra với nhiều tục lệ truyền thống đặc sắc, hấp dẫn. Sáng mùng 10 tháng Giêng, lễ tế chính thức được tiến hành ở đình. Khi tế xong, người ta bắt đầu tham gia vào các trò chơi dân gian như đấu vật, đá bóng, hát chèo, múa rồng… Các cuộc thi đấu vật ở làng Yên Xá trước kia đã từng thu hút rất nhiều đô vật nổi tiếng đến từ Thanh Trì, Mai Động… Còn múa rồng là điệu múa truyền thống của làng, ra đời từ thuở đình thờ Bố Cái được xây dựng. Bao năm nay, đội múa rồng không hề bị mai một dù cho có bất cứ một thay đổi nào.
Dịch Covid-19 khiến cho đời sống của người dân làng trong hơn hai năm qua có phần trầm lắng hơn. Các lễ hội làng truyền thống diễn ra hằng năm như: Lễ hội đầu xuân (diễn ra từ mùng 9 đến 12 tháng Giêng), lễ rước kiệu đều hoãn, hoặc chỉ diễn ra quy mô rất nhỏ. Hai ngôi đình của làng gần như đóng cửa, chỉ những người trông nom hằng ngày chăm sóc, giữ vệ sinh. Đến năm nay, năm 2023 khi đại dịch Covid-19 đã hết, Lễ hội được tổ chức, trở thành một ngày hội có quy mô lớn nhất trong khu vực ngoại thành Hà Nội. Mỗi mùa Lễ hội qua đi, đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong công chúng và du khách nhờ giữ được nguyên vẹn các nghi thức tôn nghiêm, độc đáo, các trò vui, dân gian, những màn biểu diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc, tôn vinh các giá trị lịch sử dân tộc.
Hoàng Anh Tuấn
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Nam Trực: Tăng cường công tác đảm bảo an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 (12:04 26/12/2024)
- Cần hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động quảng cáo (10:54 22/12/2024)
- Quy định về hoạt động quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam (10:16 20/12/2024)
- Sự cần thiết xây dựng, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo (12:44 18/12/2024)
- Bộ phim “Mật lệnh hoa sữa” khiến khán giả ngóng chờ từng tập (04:42 16/12/2024)