Hoàn thiện quy chế các văn phòng đại diện để hoạt động hiệu quả

Ngày 22/9, tại Hà Nội, Tạp chí Quản lý nhà nước đã tổ chức tọa đàm khoa học theo hình thức trực tuyến với chủ đề: “Hoàn thiện quy chế các văn phòng đại diện để hoạt động hiệu quả”. 

TS. Nguyễn Đăng Quế – Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia dự và chỉ đạo Tọa đàm

Tham dự Tọa đàm, về phía đại biểu khách mời có, PGS.TS. Nguyễn Thành Lợi – Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm Báo; nhà báo Ngô Minh Tuấn – Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng; nhà báo Bùi Thanh Sơn – Trưởng Văn phòng đại diện (VPĐD) Tạp chí Tài chính tại TP. Hồ Chí Minh; nhà báo Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng VPĐD Báo Đại đoàn kết tại Thanh Hóa; đại diện một số các cơ quan báo chí trung ương và địa phương.

Về phía Học viện Hành chính Quốc gia, có TS. Nguyễn Đăng Quế – Phó Giám đốc Học viện; PGS. TS. Lương Thanh Cường – Phó Giám đốc Học viện; các đồng chí lãnh đạo một số khoa, ban, đơn vị, phân viện thuộc và trực thuộc Học viện; cán bộ, phóng viên, biên tập viên Tạp chí Quản lý nhà nước (QLNN) và các cộng tác viên.

TS. Nguyễn Quang Vinh, Tổng Biên tập Tạp chí Quản lý nhà nước chủ trì Tọa đàm

Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, TS. Nguyễn Quang Vinh – Tổng Biên tập Tạp chí Quản lý nhà nước cho biết, được lãnh đạo Học viện Hành chính Quốc gia và các cơ quan chức năng của các tỉnh, thành phố quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, từ tháng 11/2020, Tạp chí QLNN đưa vào hoạt động 3 VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh, Đắk Lắk và Thừa Thiên Huế. Sau gần một năm hoạt động, VPĐD của Tạp chí QLNN đã có những kết quả tích cực, có sự phối hợp nhịp nhàng giữa Tòa soạn với các VPĐD và với các cơ quan ban, ngành của địa phương. Tuy nhiên, do mới đi vào hoạt động, lại đúng thời điểm nhiều tỉnh, thành phố thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội phòng, chống đại dịch Covid-19 nên các VPĐD cũng gặp những khó khăn, hạn chế nhất định. Mặt khác, Quy chế hoạt động mới ở mức tạm thời lúc ban đầu, cần phải được bổ sung, hoàn thiện để các VPĐD hoạt động và phát triển theo yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tại Tọa đàm, các ý kiến tham vấn, chia sẻ kinh nghiệm của các đại biểu đã tập trung vào các nhóm nội dung, như: (1) Cơ sở lý luận, thực tiễn về hoạt động của VPĐD; (2) Thực trạng và những vấn đề đặt ra từ thực tiễn hoạt động các VPĐD, phóng viên thường trú tại các tỉnh, thành phố hiện nay; (3) Kinh nghiệm hoạt động VPĐD của các báo, tạp chí – tham chiếu xây dựng hoàn thiện Quy chế hoạt động của VPĐD Tạp chí QLNN; (4) Đề xuất các giải pháp hoàn thiện Quy chế hoạt động các VPĐD của Tạp chí QLNN…

Phát biểu chỉ đạo tại Tọa đàm, TS. Nguyễn Đăng Quế – Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia khẳng định, trong những năm qua, Tạp chí QLNN đã góp phần đáng kể trong việc thực hiện và hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của toàn hệ thống Học viện… Hiện nay, các VPĐD đi vào hoạt động không những là cánh tay nối dài của Tạp chí QLNN, mà còn có tác dụng lan tỏa sự ảnh hưởng, uy tín, vị thế của Học viện Hành chính Quốc gia trên địa bàn các tỉnh, thành phố và khu vực… Để hoạt động có hiệu quả, phát huy được thế mạnh, Tạp chí QLNN cần phải nhanh chóng tổ chức chặt chẽ và hoàn thiện Quy chế hoạt động của các VPĐD theo đúng tôn chỉ, mục đích và quy định của pháp luật.

PGS.TS. Nguyễn Thành Lợi – Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm Báo chia sẻ kinh nghiệm quản lý VPĐD.

Tham luận tại Tọa đàm, nhà báo PGS.TS. Nguyễn Thành Lợi – Tổng Biên tập Tạp chí Người làm báo, nhấn mạnh: VPĐD của cơ quan báo chí là bộ phận thường trực được thành lập ở địa phương, nhằm tăng cường liên kết giữa các cơ quan báo chí với các cơ quan, đoàn thể và doanh nghiệp tại đó; đồng thời phản ánh kịp thời tình hình địa phương, đưa tin về các mặt công tác của địa phương. Thực tiễn nhiều năm qua đã chứng minh, cơ quan báo chí sử dụng và điều hành tốt VPĐD không chỉ là nhu cầu của các cơ quan báo chí mà còn là nhu cầu của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc phát triển kinh tế – xã hội. VPĐD ở địa phương tương đương như “tòa soạn nhỏ”, là hình ảnh của cả cơ quan báo chí đó.

Mặc dù các công việc tại VPĐD không hoàn toàn giống như ở trụ sở tòa soạn, nhưng về chuyên môn, nghiệp vụ phải được thống nhất từ Ban Biên tập đến phóng viên. Do đó, các nhà báo/phóng viên ở địa phương không chỉ đưa tin thuần túy, mà còn là chuyên gia chuyên sâu trong lĩnh vực/khu vực mình phụ trách, giúp tư vấn, tham mưu nhiều lĩnh vực liên quan đến địa phương cho tòa soạn. Nhà báo Nguyễn Thành Lợi cũng chia sẻ những kinh nghiệm trong quản lý các VPĐD, như: cách quản lý nhân sự, sử dụng người đã có kinh nghiệm, có mối quan hệ và hiểu biết về địa phương; các vấn đề về tài chính để bảo đảm công bằng, khuyến khích cho các cộng tác viên hoạt động hiệu quả mà vẫn bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích của tòa soạn; cũng như xây dựng, kết nối, hợp tác truyền thông, tổ chức các sự kiện tại các địa phương nhằm nâng cao vị thế của cơ quan báo chí.

Nhà báo Ngô Minh Tuấn – Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng cần quan tâm đến công tác tổ chức – cán bộ, lựa chọn nhân sự, nhất là cho vị trí Trưởng VPĐD.

Quan điểm của nhà báo Ngô Minh Tuấn – Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng cho rằng, cần quan tâm đến công tác tổ chức – cán bộ, lựa chọn nhân sự, nhất là cho vị trí Trưởng VPĐD. Cần người có các tố chất biết viết báo, kỹ năng giao tiếp, quản lý và đặc biệt là biết chủ động công việc, chấp hành nghiêm túc các quy chế, quy định, trung thực, tin cậy. Bởi vì VPĐD xa Toà soạn, không có sự quản lý trực tiếp của Ban Biên tập, cho nên để tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc không nên có thì cần có sự định hướng của Ban Biên tập trong việc viết tin, bài cũng như hoạt động thông tin quảng cáo, phát hành. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát các VPĐD, xây dựng các quy chế, quy định bảo đảm thuận lợi cho tác nghiệp, nhưng cũng chặt chẽ để tránh các hành vi tiêu cực xảy ra.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng VPĐD Báo Đại Đoàn kết tại Thanh Hóa.

Nhà báo Bùi Thanh Sơn – Trưởng VPĐD Tạp chí Tài chính tại TP. Hồ Chí Minh

ThS. Đoàn Kim Huy – Công ty CP Tập đoàn Giáo dục Egroup

Các nhà báo: Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng VPĐD Báo Đại Đoàn kết tại Thanh Hóa, Bùi Thanh Sơn – Trưởng VPĐD Tạp chí Tài chính tại TP. Hồ Chí Minh và nhiều đại biểu đồng quan điểm về những định hướng, kiến nghị, đề xuất giải pháp hoàn thiện quy chế hoạt động VPĐD của Tạp chí, như: xây dựng sự đoàn kết, gắn bó trong nội bộ đơn vị, kết nối hợp tác chặt chẽ, với các cơ quan báo chí khác; giải quyết tốt vấn đề quyền và nghĩa vụ của cán bộ, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên; quy định rõ về trách nhiệm và đạo đức của trưởng các VPĐD, công tác đào tạo, bồi dưỡng và tập huấn về kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ phóng viên, cộng tác viên thường trú; xây dựng cơ chế cung cấp và xử lý thông tin giữa tòa soạn với các VPĐD; mở rộng phát hành, quảng cáo và các hoạt động dịch vụ báo chí khác; quy định chế độ báo cáo, xây dựng kế hoạch, chiến lược, xử lý sai phạm, khen thưởng kỷ luật đối với các VPĐD…

Tổng kết Tọa đàm, TS. Nguyễn Quang Vinh trân trọng cảm ơn các đại biểu, nhà báo đã gửi gần 50 bài tham luận rất giá trị cả về lý luận cũng như thực tiễn để Ban Biên tập chọn lựa, biên tập và in Kỷ yếu Tọa đàm. Đặc biệt tại Tọa đàm, đã nhận được nhiều ý kiến tham luận, trao đổi rất tâm huyết, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn hoạt động của các VPĐD. Ban Tổ chức Tọa đàm trân trọng tiếp thu các ý kiến và triển khai bổ sung hoàn thiện Quy chế hoạt động của các VPĐD, cũng như nâng cao chất lượng hoạt động của Tạp chí trong thời gian tới. 

PV

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top