Hàng rong "oanh tạc" phố đi bộ

16:58 27/09/2016 - Tác nghiệp
Phố đi bộ Hồ Gươm không biết từ bao giờ đã biến thành khu chợ cóc di động của những gánh hàng rong...

Quán hàng rong la liệt phố đi bộ quanh Hồ Gươm. Ảnh: PV

“Thị phi” những gánh hàng rong

Bắt đầu từ ngày 1/9, nhiều tuyến phố quanh khu vực Hồ Gươm đã trở thành phố đi bộ vào 3 tối cuối tuần. Phố đi bộ là nơi quảng bá, bảo tồn không gian phố cổ, hy vọng về những chuyển biến tích cực trong hoạt động kinh doanh dịch vụ, du lịch và thương mại của thành phố.

Trong tiết trời thu dịu mát, chúng tôi cũng như hàng vạn người dân Thủ đô và du khách đến Hồ Gươm tham gia khai trương không gian phố đi bộ. Đường phố náo nhiệt, những khuôn mặt hào hứng, tiếng trò chuyện cùng những tiếng cười vang lấn át những âm thanh khô khốc của xe cộ.

Mọi người đều muốn bày tỏ sự hào hứng khi đề cập đến “niềm hãnh diện của Thủ đô”. Chúng tôi cũng mang tâm thế như vậy để đặt chân lên con phố rực rỡ ấy. Thế nhưng, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, sự hào hứng như dần lắng xuống trước cảnh tượng “hỗn loạn” của nơi đây. Bên trái, bên phải, mạn trên, mạn dưới, cơ man nào là những gánh hàng rong. Những tiếng rao hò ầm ĩ, những xe hàng rong đậu cả trên vỉa hè lẫn lòng đường.

Chẳng biết từ bao giờ những gánh hàng rong đã trở thành “điểm trừ” trên thang điểm thẩm mỹ. Nhớ lại ngày xưa, gánh hàng rong là sự hiện diện của vẻ đẹp cần cù, sự giản dị trong lối sống của con người Tràng An. Bà tôi vẫn thường hay kể, bà được nuôi lớn nhờ những gánh rau của mẹ. “Cuộc sống khi đó khó khăn nhiều lắm nhưng còn gánh hàng tức là còn cơm ăn”. Chính bản thân tôi cũng có một quãng tuổi thơ gắn liền với những thứ quà được phủ kín tầng tầng lớp lớp bởi những chiếc chăn mỏng được gói ghém cẩn thận trong những thúng hàng rong. Gánh hàng rong khi ấy “gánh” luôn cả những niềm vui nhỏ bé của thời thơ ấu.

Thời gian trôi đi, gánh hàng rong khi xưa có còn tồn tại? Bán hàng rong luôn là một nghề lao động chân chính. Những người bán hàng rong là những người lao động nghèo, quanh năm gắn bó với “cái cần câu cơm” có khi chỉ để cho gia đình có được bữa no, cho con cái có manh áo mới.

Phải chăng gánh nặng kinh tế đè chặt lên đôi vai gầy buộc họ phải bất chấp hết thảy, đặt lợi nhuận lên trên hết? Các gánh hàng biến vỉa hè thành “ki-ốt” giao thương, buôn bán ngay cả dưới lòng đường, các xe chở hàng ngông nghênh dạo phố, bất cứ chỗ nào cũng có thể chiếm dụng. Muôn nẻo đều có mặt các gánh hàng rong, vừa cản trở giao thông vừa làm mất mỹ quan thành phố. Thực phẩm thì chưa rõ nguồn gốc, thế nhưng luôn được gắn với thương hiệu “của nhà làm ra”.

Chưa dừng lại ở đó, vì cạnh tranh buôn bán, các gánh hàng rong thường xuyên xảy ra xích mích, thậm chí đến mức độ “sứt đầu mẻ trán”. Phản cảm hơn là cảnh tượng chèo kéo khách hàng. Đặc biệt, đối với khách du lịch nước ngoài, họ “chặt chém” không hề thương tiếc. Cứ như thế, gánh hàng rong dần trở thành “điểm trừ” của Việt Nam trong con mắt du khách. Hàng rong bây giờ mang nhiều “thị phi” như vậy.

“Mỹ cảnh” phố đi bộ

Trên phố Đinh Tiên Hoàng, đoạn từ khu vực Tràng Tiền Plaza đến đền Ngọc Sơn, là khu vực những gánh hàng rong hoạt động mạnh mẽ. Hoa quả, đồ ăn, nước lạnh,… không thiếu một mặt hàng nào, tưng bừng như trong lễ hội ẩm thực bất chấp lệnh cấm.

Các quán hàng rong khiến phố đi bộ mất đi mỹ quan vốn có. Ảnh: PV

Nhưng khi thấy thấp thoáng bóng dáng của các đồng chí công an, cảnh vệ, họ chạy “bán sống bán chết”. Họ hòa vào dòng người đi bộ đông đúc để tránh sự kiểm soát của các đồng chí công an. Và sau đó, hoạt động buôn bán lại diễn ra sôi nổi. Một sự mạo hiểm đến cố chấp! Nhưng tất cả là vì hai chữ “mưu sinh”.

Tuy nhiên, những gánh hàng rong luôn e ngại ống kính dù là phóng viên hay của những khách tham quan. Khi thấy chúng tôi đưa máy ảnh lên, họ tìm cách né tránh, thậm chí là xua đuổi. Khó khăn lắm chúng tôi mới tiếp cận được một xe hàng đầy những đồ ăn nhanh – những thực phẩm rất được giới trẻ ưa chuộng.

Một chị bán hàng rong tâm sự: “Nghề vất lắm. Chị bán từ 4h chiều đến đêm mới dọn. Có khi vắng khách phải cố đến sáng”. Khi được hỏi về giá của đồ ăn, chị rất thản nhiên và niềm nở đáp: “Chị bán ba mươi nghìn một cái em ơi. Rẻ nhất chỗ này rồi đấy. Hàng khác toàn lấy 40.000 thôi”.

Chúng tôi nhìn nhau ngán ngẩm. Đồ ăn gấp ba, gấp bốn lần nơi khác. Phải chăng được bán ở nơi “mỹ cảnh” nên chúng cũng trở thành “mỹ thực” rồi? Mặc dù đắt là thế nhưng quán nào quán nấy vẫn đầy những người đứng chờ mua hàng. Thế mới hiểu vì sao các gánh hàng rong lại “càng cấm càng bán” như vậy.

Sự xuất hiện của hàng rong là sự xuất hiện của rác. Rác ở khắp mọi nơi, đủ các thể loại với phần nhiều là các bao ni – lông và vỏ chai nhựa nằm lăn lóc từ trên vỉa hè xuống tới lòng đường. Đó chính là “chiến tích” sau đêm khai trương ấy.

Những gánh hàng rong buôn bán “mọi lúc mọi nơi” nên rác cũng là “bạ đâu vứt đấy”, mặc cho sự chuẩn bị công phu từ phía công ty môi trường đô thị với 50 thùng rác được đặt thêm dọc theo phố đi bộ. Nhưng thực sự chúng vẫn không được sử dụng hiệu quả.

“Phố đi bộ” ngỡ rằng đó là một luồng gió mát làm “thay đổi diện mạo của một Thủ đô”, thế nhưng, với những bất cập do các gánh hàng rong đem lại, có “thay đổi diện mạo của một Thủ đô” đấy, nhưng lại thay đổi theo chiều hướng ngày một xấu đi. Còn có thể tới gần mục tiêu “cải thiện môi trường sống” không khi mà chúng ta không có ý thức cải thiện>.

Rác thải từ những gánh hàng rong, khói bụi từ những chiếc xe máy vẫn ngang nhiên chạy trên con phố mang tên “phố đi bộ”. “Tôn vinh, giới thiệu lịch sử, văn hóa và con người Hà Nội” có phải sẽ trở nên xa vời khi các hàng rong vẫn còn chèo kéo khách, miệng thét lên những cái giá “cắt cổ”. Phố đi bộ có còn đẹp khi những du khách nơi đây vẫn liên tục phàn nàn, ngán ngẩm.

Anh Hùng (Minh Khai – Hà Nội) bức xúc: “Mình ngồi hóng gió với bạn gái một lúc thôi mà phải đến hơn chục hàng rong mời chào đủ loại. Phiền phức lắm”. Những gánh hàng rong trông thì nhỏ bé nhưng lại là rào cản thật lớn. Vô hình trung họ đang “chống đối” lại viễn cảnh tươi đẹp mà chính quyền thành phố đã vẽ nên cũng như niềm tin của nhân dân Thủ đô vào sự thay đổi ngày một tốt đẹp của thành phố.

“Giải cứu” phố đi bộ

Nhắc đến hàng rong, bác Hà (Hàng Buồm – Hà Nội) lắc đầu chia sẻ: “Ngán lắm. Mất trật tự, mất vệ sinh. Biển xanh còn bị cấm mà các bà cứ ngang nhiên dắt xe hàng vào bán. Loạn thế mà mãi chẳng dẹp được”.

Cơ quan chức năng chưa thể dẹp hết những quán hàng rong quanh Hồ Gươm. Ảnh: PV

Bán hàng rong không còn là một hiện tượng mới, nhưng vẫn luôn "đau đầu” của các cấp chính quyền thành phố. Trước sự xuất hiện của hàng rong trên phố đi bộ, UBND Quận Hoàn Kiếm đã phát lệnh cấm. Nhưng bất chấp lệnh cấm, các gánh hàng vẫn ngang nhiên hoạt động. UBND TP. Hà Nội đã tổ chức các chốt kiểm soát bên ngoài từ xa đảm bảo không để tồn tại người bán hàng rong.

Mọi nỗ lực của cơ quan chức năng chắc chắc sẽ đem đến một vài chuyển biến tích cực cho phố đi bộ. Song bên cạnh những quy định đó thì ý thức của mỗi người dân trong việc giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường cần được nâng cao hơn nữa...

Thiết nghĩ, để phố đi bộ thuận lợi phát huy hết tiềm năng của nó, từng bước tiếp cận các mục tiêu chiến lược, bên cạnh việc “thanh lọc” những bất cập khách quan, bản thân mỗi người dân chúng ta cũng cần quan tâm và nâng cao ý thức cộng đồng. “Cấm bán hàng rong trên phố vẫn phải làm nhưng làm có lộ trình, có phương án và có lối thoát cho người trong cuộc”, TS Nguyễn Minh Phong (Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội) nhận định.

Trong khi đó, chỉ cần chúng ta có trách nhiệm hơn với hành động của mình, ý thức hơn về mỹ quan đô thị, phố đi bộ Hồ Gươm sẽ thực sự là mỹ cảnh trong con mắt du khách gần xa. Một khi mỗi người dân trở thành “anh hùng”, "nhiệm vụ“ giải cứu” phố đi bộ sẽ chẳng còn nan giải./.

Xem thêm video hàng rong "oanh tạc" phố đi bộ.

Dương Quỳnh Anh

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top