Hải Phòng tiếp tục bứt phá thu hút vốn đầu tư

21:37 27/01/2022 - Kinh tế
Năm 2021, Hải Phòng vươn lên trở thành thành phố thu hút nguồn vốn FDI nhiều nhất cả nước với tổng số vốn đầu tư đăng ký trên 5,26 tỷ USD, gấp gần 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2020. Hầu hết số vốn này tập trung vào các Khu công nghiệp, Khu Kinh tế Hải Phòng (KCN, KKT), tăng hơn 2 lần so với kế hoạch. Đồng thời, các KCN, KKT Hải Phòng thu hút gần 135.547 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, gấp 75 lần so với năm 2020.

Cảng Tân Vũ trong khu công nghiệp Đình Vũ_Ảnh: TGCC

Đây là một kỳ tích, vượt cả mong đợi khi mà năm 2021 là một năm đầy biến động bởi đại dịch COVID-19. Thành quả này một lần nữa khẳng định Hải Phòng là điểm đến đầy tin cậy và nhiều tiềm năng của các nhà đầu tư.

Tới tấp các dự án lớn

Trong năm 2021, bất chấp đại dịch Covid-19, LG Display (LGD) thực sự là một “hiện tượng” trong thu hút đầu tư của Hải Phòng. Chỉ trong vòng 6 tháng, doanh nghiệp này 2 lần tăng vốn “khủng” để mở rộng quy mô, nâng cao năng lực sản xuất tại Hải Phòng. Tháng 2/2021, LGD tăng vốn 750 triệu USD. Tháng 8/2021, LGD tiếp tục đầu tư tăng thêm 1,4 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư tại Hải Phòng lên 4,65 tỷ USD, trở thành dự án có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất thành phố. Công ty tăng sản lượng màn hình OLED nhựa từ 9,6 -10 triệu sản phẩm/tháng lên 13-14 triệu sản phẩm/tháng. Dự kiến, doanh thu xuất khẩu tăng thêm khoảng 6,5 tỷ USD/ năm; nộp ngân sách thêm khoảng 25 triệu USD/ năm, tạo thêm việc làm cho 10.000 lao động.

Không chỉ có nguồn vốn FDI, nguồn vốn đầu tư trong nước cũng sôi động không kém. Nổi bật là Công ty Cổ phần Tập đoàn Hateco đầu tư 6.425 tỷ đồng thực hiện dự án đầu tư xây dựng bến số 5, số 6 Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng. Hateco sẽ đầu tư xây dựng 2 bến container với tổng chiều dài 750 m, mỗi bến dài 375 m, tiếp nhận tàu container đến 100.000 DWT.

Bên cạnh đó, Công ty CP Cảng Hải Phòng cũng đầu tư gần 7.000 tỷ đồng xây dựng 2 bến container số 3 và số 4 tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng. Công ty Cổ phần đầu tư Xuân Cầu - Lạch Huyện đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng thực hiện dự án Khu phi thuế quan - Logistics và Công nghiệp Lạch Huyện.

Một góc của khu công nghiệp Nam Cầu Kiền

Công ty CP sản xuất PBAT An Phát đầu tư 2225 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất chất dẻo phân hủy sinh học tại KCN nam Đình Vũ; Công ty TNHH Evergreen Buiding đầu tư gần 2000 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng xây sẵn tại KCN nam Đình Vũ; Công ty CP Logistics Hưng Vượng đầu tư 225 tỷ đồng tại KCN nam cầu Kiền để xây dựng nhà máy chế biến và sản xuất các sản phẩm từ phế liệu; Công ty CP Kim khí HTG đầu tư 214 tỷ đồng xây dựng nhà máy tại KCN Đồ Sơn…

Có thể thấy, Hải Phòng hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu thu hút vốn FDI năm 2021, dẫn đầu cả nước. Với kết quả này, đến nay, các KCN, KKT Hải Phòng thu hút 422 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư 19,134 tỷ USD. Đối với nguồn vốn đầu tư trong nước, đã có 186 dự án với tổng vốn đầu tư 281.327 tỷ đồng. Đồng thời một thành tích rất đáng ghi nhận khi các KCN, KKT tạo việc làm cho gần 200.000 lao động, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 173.000 lao động Việt Nam, tăng 19,3% so với năm 2020 và 4900 lao động nước ngoài, tăng 8,9%. Các doanh nghiệp trong KCN, KKT có doanh thu hơn 438.214 tỷ đồng, tăng 5% so với kế hoạch; kim ngạch xuất khẩu 16,66 tỷ USD, tăng 7%; nộp ngân sách 13.422 tỷ đồng, tăng 38%... Các KCN, KKT đóng góp hơn 60% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, hơn 70% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn thành phố, giữ vai trò chủ lực, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội.

Nhà máy Sản xuất ô tô Vinfast tại Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng). Ảnh: Vingroup

Tăng sức hấp dẫn của Hải Phòng

Với việc các dự án lớn liên tiếp được thực hiện tại Hải Phòng cho thấy sự ghi nhận và đánh giá rất cao về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Sức hút của KCN, KKT Hải Phòng thể hiện rõ nét những nỗ lực đổi mới tư duy, cải cách toàn diện, hành động quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, các cấp, các ngành, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư. Các đồng chí: Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố dành nhiều thời gian làm việc với các nhà đầu tư lớn; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư.

Về phía Ban Quản lý KKT Hải Phòng, sự đổi mới, hiệu quả được thể hiện rõ nét trong từng công việc, từng khu vực, đơn vị và từng CBCC. Ban Quản lý KKT Hải Phòng liên tục đổi mới, cải cách: Đưa vào hoạt động hệ thống phần mềm quản trị và điều hành điện tử eHEZA; tăng cường công tác quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, môi trường; sẵn sàng đối thoại; hỗ trợ các doanh nghiệp thứ cấp giải quyết khó khăn, vướng mắc, nhất là các vấn đề về lao động, điện, nước và các dịch vụ thiết yếu; tổ chức thực hiện đề án về các giải pháp bảo đảm nguồn lao động cho KCN, KKT Hải Phòng; phối hợp bảo đảm an ninh trật tự…

Điển hình là 2 dự án trị giá hàng tỷ USD của LGD, Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng chỉ cấp phép trong khoảng thời gian 3-5 ngày, một kỷ lục về thời gian chưa từng có từ trước tới nay. Những nỗ lực, cố gắng đó mang lại sự hài lòng cho nhà đầu tư và ngày càng có thêm nhiều doanh nghiệp, nhiều tập đoàn kinh tế lớn muốn tới Hải Phòng.

Kết quả phòng, chống dịch Covid-19 tại Hải Phòng nói chung và tại các KCN, KKT nói riêng càng tăng thêm tính hấp dẫn và thúc đẩy nhà đầu tư trong và ngoài nước lựa chọn Hải Phòng là điểm đến đầu tư. Hải Phòng đã nỗ lực hết sức để giữ sạch địa bàn, hạn chế thấp nhất số ca nhiễm Covid-19. Trong các KCN, KKT, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nghiêm ngặt được thực hiện.

Thành phố cũng ưu tiên nguồn vaccine để tiêm phòng cho cán bộ, chuyên gia, người lao động trong các KCN, KKT. Từ đó, giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động đầu tư, xây dựng, sản xuất, kinh doanh ổn định trong suốt năm, hầu như không có doanh nghiệp nào phải ngừng hoạt động do dịch bệnh. Từ khi chuyển trạng thái chống dịch sang hình thức thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, mặc dù là môi trường có nguy cơ rất cao dịch bệnh xâm nhập nhưng đến nay, các KCN, KKT Hải Phòng cơ bản kiểm soát, ngăn chặn kịp thời, không để lây lan trên diện rộng.

Trong 5 năm 2021- 2025, thành phố phấn đấu thu hút 12,5- 15 tỷ USD, bằng cả giai đoạn hơn 30 năm trước cộng lại. Đây là mục tiêu rất cao, nhiệm vụ rất nặng nề nhưng BQL KKT Hải Phòng vững tin bởi có sự quan tâm đặc biệt; sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Thành ủy, UBND thành phố. Đặc biệt, thành phố đã quyết định đầu tư xây dựng thêm 15 KCN mới với tổng diện tích 6200 ha; phân cấp, phân quyền nhiều hơn cho BQL KKT… Từ đó, BQL KKT Hải Phòng tăng quyết tâm, đoàn kết một lòng, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Trước mắt, Ban Quản lý Khu Kinh tế phối hợp chặt chẽ với các ngành, các đơn vị và địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng các KCN, tập trung cho các KCN Tràng Duệ giai đoạn 3; KCN VSIP; KCN Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; xây dựng ký túc xá công nhân...

Để sẵn sàng có nguồn đất sạch với kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ, “tạo ổ đón đại bàng”, thu hút các doanh nghiệp hàng đầu thế giới và trong nước về công nghệ cao, công nghiệp điện tử; tạo sự kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, hình thành chuỗi cung ứng, liên kết toàn cầu, góp phần đắc lực thực hiện thực hóa khát vọng phát triển thành phố theo tinh thần Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị; Nghị quyết Đại hội 16 của Đảng bộ thành phố./.

LÊ TRUNG KIÊN

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top