Gốm Bát Tràng - Tinh hoa dân tộc Việt
16:44 27/09/2016
- Văn hóa xã hội
Bát Tràng - một trong những làng nghề cổ truyền nổi tiếng với những sản phẩm kết tinh những tinh hoa văn hóa đậm đà bản sắc Việt.
Trải qua hơn 500 năm cho đến nay, Bát Tràng đã góp phần bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc cũng như làm tăng những giá trị văn hoá truyền thống của Thủ đô.
Thương hiệu gốm lâu đời của Việt Nam
Cái tên “Bát Tràng” được hình thành từ thời Lê, trên cơ sở ghép tên 2 địa danh là Bồ Bát và Minh Tràng. Theo dân gian được biết, các dòng họ gốm nổi tiếng của làng Bồ Bát xứ Thanh bao gồm họ Trần, Vương, Lê, Phạm cùng với dòng họ Nguyễn ở đất Minh Tràng đã nhóm họp và quyết định đưa một số nghệ nhân, thợ gốm và gia đình con cháu dời làng di cư về phía kinh thành Thăng Long tìm đất lập nghiệp. Họ dừng chân tại vùng 72 gò đất trắng làng Minh Tràng.
Từ những thế kỷ trước, đồ gốm Bát Tràng đã thuộc loại cao cấp, quý hiếm nhưng phần nhiều là đồ thờ: chân đèn, lư hương, bình hoa. Về sau, do thị hiếu phát triển, cộng với nhu cầu thị trường, gốm Bát Tràng đã trở nên gần gũi hơn, đi vào nếp sinh hoạt thường nhật của người dân từ cái bát, cái đĩa, bình, lọ…
Hiện nay, gốm Bát Tràng sản xuất nhiều mặt hàng phong phú về chủng loại và kiểu dáng. Các loại gốm mỹ thuật, gốm sứ công nghiệp, đồ giả cổ, gốm xây dựng cao cấp đã dần được sản xuất nhiều hơn đồ gốm gia dụng. Bây giờ những mặt hàng truyền thống xưa chỉ được làm khi có khách đặt để trùng tu phục chế di tích cổ.
“Tai nghe” những câu chuyện truyền miệng về Bát Tràng không hồi kết, “mắt thấy” những mặt hàng mỹ nghệ gốm Bát Tràng, chúng tôi không giấu nổi niềm thán phục đến kinh ngạc bởi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân làng gốm - những con người đã sai khiến được đất và lửa tạo nên những men ngọc cho đời.
Hành trình đi đến sự hoàn hảo
Chúng tôi đã có dịp "tận mục sở thị" một số xưởng sản xuất đồ gốm nổi tiếng tại Bát Tràng - nơi hằng ngày họ đã và đang tạo ra những sản phẩm vừa hiện đại nhưng vẫn chứa đựng những nét đẹp văn hoá truyền thống của Việt Nam.
Ông Hợp (chủ một xưởng gốm tại Bát Tràng) đã chia sẻ về những công đoạn để tạo ra một sản phẩm gốm Bát Tràng và nhấn mạnh rằng để có được một sản phẩm gốm chất lượng tốt cần hết sức chú ý tới nguyên liệu đất sét. Nguyên liệu đất phải được chế biến tại các mỏ đất thiên nhiên, được chế biến và pha trộn theo công thức riêng của từng làng nghề và phù hợp với từng loại sản phẩm.
"Tuỳ từng sản phẩm mà mỗi làng nghề người ta pha trộn đất khác nhau, hay còn gọi là hồ. Hồ lại tiếp tục được đổ vào những chiếc khuôn khác nhau để tạo dáng sản phẩm. Sau khi hồ khô, bỏ khuôn ra và có được thành phẩm thô và hình dáng ban đầu của sản phẩm. Nhưng để sản phẩm đạt được độ tinh tế thì không thể không kể đến sự tỉ mỉ, chỉn chu của những nghệ nhân làm gốm", ông Hợp cho biết thêm.
Qua nhừng bàn tay tài hoa khéo léo của những người thợ, những chiếc lọ chỉ có một màu trắng đơn sơ của hồ sau khi khô dường như đã biến thành một “nàng công chúa” xinh đẹp hơn với sự kết hợp của những màu sắc khác nhau.
Sau khi được tô vẽ, những sản phẩm gốm sẽ được tráng một lớp men đã được “chế biến” và đưa vào lò nung với nhiệt độ cao. Được biết, trước đây người dân Bát Tràng dùng lò than để nung sản phẩm, nhưng với sự thay đổi của đất nước qua quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cũng nhằm mục tiêu giảm tải ô nhiễm môi trường, các hộ sản xuất tại Bát Tràng đều sử dụng lò ga thay thế cho lò than.
Người thợ gốm đang tỉ mỉ chỉnh sửa để hoàn thiện sản phẩm. Ảnh: Internet
“Đó là tất cả những công đoạn chung mà một sản phẩm gốm sứ hoàn chỉnh đều phải trải qua. Còn tùy vào từng loại sản phẩm mà người ta lại pha trộn những nguyên liệu khác nhau để hoàn thiện nó. Ví dụ như có nhiều loại men người ta dùng để tạo độ bóng và giữ màu vẽ sau khi nung. Còn có những sản phẩm người ta dùng men là nguyên liệu chính để tô điểm cho sản phẩm mà không cần phải vẽ. Tùy từng nhu cầu của khách hàng mà người ta sử dụng các loại men khác nhau", chị Hoa, thợ gốm Bát Tràng cho biết.
Để làm được một sản phẩm gốm sứ không phải điều dễ dàng gì, nó đòi hỏi sự cần mẫn, tỉ mẩn và khéo léo của mỗi người thợ. Và hơn hết, nó chứa đựng trong đó là tất cả những tâm huyết, những tình cảm mà người thợ gửi gắm.
Giữ vững giá trị truyền thống và thương hiệu gốm Bát Tràng
Hiện nay, bên cạnh những sản phẩm gốm sứ đậm nét truyền thống, tại Bát Tràng đã xuất hiện rất nhiều sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Một người bán hàng tại Bát Tràng cho hay: "Bây giờ gốm Trung Quốc rẻ mà đẹp lắm. Đơn giản vì Trung Quốc nó đánh được vào tâm lý người dùng như đẹp rẻ mà cũng khá bền đó em. Chưa kể khi nhập hàng đầu vào cũng rẻ hơn hẳn so với gốm truyền thống nên họ bày bán nhiều hơn".
Dù đan xen và trộn lẫn hàng hoá của Trung Quốc, song gốm sứ Bát Tràng vẫn thực sự thu hút và là sự lựa chọn của bất kỳ người sành gốm. Đến bây giờ chưa ai có thể biết trước được liệu sự góp mặt "trong cuộc chơi chung" của gốm Trung Quốc này có phải là mối lo của làng gốm Bát Tràng nói riêng và những làng nghề gốm truyền thống của Việt Nam nói chung?
Sản phẩm gốm của làng nghề Bát Tràng truyền thống không chỉ góp phần dựng lại diện mạo kinh tế Thăng Long - Hà Nội trong lịch sử mà còn giúp người dân Thủ đô và cả nước thấy được sự phát triển tiếp nối của nó theo tiến trình thời gian. Mỗi sản phẩm gốm sứ Bát Tràng không chỉ là những vật phẩm kinh tế hay vật phẩm phục vụ cho sinh hoạt đời sống thường ngày của dân cư, nó còn là những sản phẩm mỹ nghệ, biểu hiện cho sự phát triển kinh tế, trình độ dân trí, đặc điểm văn hóa của dân tộc.
Trong quá trình mở rộng nền kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế, sự cạnh tranh giữa các sản phẩm như đồ gốm Trung Quốc, hàng ngoại nhập và cả những sản phẩm từ địa phương khác là điều không thể tránh khỏi. Bài toán giữ gìn và phát triển thương hiệu quốc gia không còn là câu chuyện của riêng doanh nghiệp hay địa phương nào, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập hoá, toàn cầu hoá như hiện nay. Mỗi doanh nhân gốm Bát Tràng cần hiểu rõ luật chơi chung và nắm thế chủ động, tránh tình trạng thất thế ngay trên sân nhà./.
Bích Ngọc
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Giải pháp ứng cứu và phục hồi hệ thống sau thảm họa tấn công mạng (01:29 13/11/2024)
- Fashion Show "Cội nguồn tinh hoa hội tụ": Sự giao thoa đầy sáng tạo kể câu chuyện thời trang Việt (10:09 12/11/2024)
- Culture in you, hướng đến bảo tồn văn hóa truyền thống trong bối cảnh hội nhập toàn cầu (06:14 03/11/2024)
- Lời nhắn mong manh (01:40 03/11/2024)
- Hoa tình yêu (11:20 21/10/2024)