Giấy Dó – lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống
07:09 19/03/2023
- Danh mục
Căn nhà số 42 Hàng Cân được biết đến bởi kiến trúc hình “hộp diêm” kiểu Hà Nội cổ được xây dựng từ năm 1907. Thế nhưng không mấy người biết rằng đây cũng là một địa chỉ bán giấy Dó thủ công uy tín duy nhất còn lại tại phố cổ Hà Nội.
Giấy Dó_Ảnh: Minh Phương
Cách làm giấy Dó và tác dụng của nó
Giấy Dó được làm từ cây thân gỗ chứ không phải cây thân nứa. Người ta phải bóc cái da của cây ra, ngâm vào bể cho thối ra rồi đem luộc, luộc xong giã, giã xong người ta tẩy, xay, nghiền rồi lọc sạch sẽ. Sau đó dùng gáo nước để múc đổ vào khuôn nhưng phải đổ đều lên các tờ giấy, như vậy gọi là “1 bóc” (1 lớp) vì phải bóc giấy ra khỏi khuôn rồi dán lên tường, dán lên tường khô thì lại láng 1 lớp nữa, có thể đổ tới 4 lớp.
Giấy có 1 lớp mỏng nhất, để lên vẫn nhìn được mặt chữ đằng sau, sẽ dùng để in lên các bia mộ. Giấy để viết chữ Nho thì phải gập đôi lại chỉ viết 1 mặt, mặt còn lại không việc được là do bị thấm mực, nếu dùng giấy Dó để in máy thì phải là loại giấy 3-4 lớp. Hiện nay, các nhà chùa vẫn dùng giấy Dó 1 lớp để đóng thành những quyển kinh lưu giữ được hàng trăm năm.
Nghề làm giấy Dó ra đời từ rất lâu và cung cấp giấy cho nhiều nhu cầu khác nhau trong đời sống xã hội; in ấn kinh sách, viết chữ Hán, Nôm, tranh dân gian, tranh Đông Hồ. Bên cạnh đó còn dùng để sản xuất giấy sắc, dùng làm giấy sắc phong trong các triều đại phong kiến thời xưa. Giấy Dó truyền thống mộc mạc, mỏng manh nhưng ưu điểm của nó có tính dai, bền, hút ẩm tốt, lưu giữ tài liệu… giấy Dó chính là chất liệu để lưu trữ và truyền tải các giá trị văn hoá từ ngàn năm.
Giấy Dó 1 bóc (1 lớp)_Ảnh: Minh Phương
Chế biến giấy Dó tại các cơ sở sản xuất, về cơ bản, giấy Dó sản xuất thủ công, không có tác động hoá chất tạo axít trong giấy. Vỏ cây Dó được nấu và ngâm trong nước vôi với thời gian ba tháng, bóc bỏ lần vỏ đen đi, giã bằng cối và chày rồi dùng chất nhầy từ cây Mò tạo hỗn hợp kết dính. Hỗn hợp này gọi là "huyền phù" mà người thợ sẽ pha với nước độ lỏng hay đặc tùy theo loại giấy.
Khi seo giấy, người thợ dùng "liềm seo" (khuôn có mành trúc, nứa hay dây đồng ken dày) chao đi chao lại trong bể bột dó. Lớp bột dó trên liềm chính là tờ giấy Dó sau khi kết thúc công đoạn ép, phơi, sấy, nén hay cán phẳng. Xơ Dó kết lại với nhau, như cái mạng nhện nhiều lớp, tạo nên tờ giấy Dó. Sự kết mạng như vậy đã làm cho tờ giấy xốp. Vì xốp nên giấy rất nhẹ. Sau cùng là phơi hoặc sấy. Các công cụ sản xuất chủ yếu bằng tre, gỗ và dùng ánh sáng tự nhiên để làm khô giấy. Giấy Dó được sản xuất theo quy trình này sẽ bền theo thời gian sử dụng.
Giấy Dó có đặc tính xốp nhẹ, dai, viết mực lên giấy không nhòe, ít bị mối mọt hoặc bị mục nát do ẩm ướt. Giấy Dó xốp nhẹ do nguyên liệu, cách chế biến , xử lý nguyên liệu và quy trình sản xuất quy định. Giấy có cấu trúc dạng xơ sợi ly ty dính kết với nhau như mạng nhện, nhiều lớp, không theo thứ tự sợi ngang sợi dọc mà chuyển động đa chiều.
Người phụ nữ lưu giữ giá trị văn hóa
Hình ảnh bà Lê Thị Thanh Tâm bên trong cửa hàng số nhà 42 Hàng Cân_Ảnh: Minh Phương
Cái “duyên” giấy Dó đến với bà Lê Thị Thanh Tâm vào năm 1992, một gánh hàng buôn giấy đến gõ cửa nhà bà. Còn trẻ với tấm lòng nhiệt huyết yêu văn hóa nước nhà, bà bất chấp những mặt hàng buôn bán có lời hơn mà chọn giấy Dó làm nghề mưu sinh. Từ đó đến nay, bà Tâm và giấy Dó đã gắn bó với nhau và trở thành nghề buôn bán giấy Dó hơn 30 năm.
Để lưu giữ những giá trị văn hoá và có những sản phẩm tốt nhất trên giấy Dó thì khâu sản xuất rất quan trọng, bà Lê Thị Thanh Tâm chủ cửa hàng giấy Dó tại địa chỉ 42 phố Hàng Cân, Hà Nội cho biết: Tìm được cửa hàng bán giấy Dó chất lượng tốt nhất như cơ sở kinh doanh của bà còn rất ít, khách hàng đến mua giấy Dó phần đông là các cụ cao niên, những thầy Đồ cao tuổi bởi lẽ sản phẩm của cửa hàng nhà bà được sản xuất và lựa chọn rất khắt khe để phục vụ những sản phẩm mang tính thẩm mỹ cao và bền chắc.
Bà Tâm cho biết thêm: Giấy Dó vốn là từ làng Bưởi, nhưng hiện nay vì ô nhiễm môi trường nên không cho phép làm ở đó nữa, nhiều người đã bỏ nghề, những người yêu nghề vẫn học và làm giấy Dó nhưng chuyển về các tỉnh khác như Bắc Giang, Bắc Ninh vì gần cây Dó hơn. Giấy Dó được người Nhật Bản rất ưa chuộng và dùng làm quai guốc, làm giấy dán kính tạo hoa văn rất đẹp.
Ngày nay sự phát triển của giấy công nghiệp đã lấn án những trang giấy Dó truyền thống, giới trẻ đa phần hướng tới những sản phẩm kỹ thuật số không quảng bá rộng rãi đến công chúng sản phẩm giấy Dó truyền thống, phát huy giá trị những sản phẩm văn hóa lưu giữ trên giấy Dó. Do đó, với vẻ đẹp bền bỉ, mộc mạc gắn với nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam, giấy Dó cần được phổ biến rộng rãi tạo thành cầu nối giữa nghệ thuật đương đại và nghệ thuật truyền thống của Việt Nam. Vì vậy, việc khôi phục, bảo tồn nghề làm giấy Dó truyền thống là rất cần thiết để giữ lại nét đặc sắc mang đậm giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Hà Trần Minh Phương
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Công an huyện Xuân Trường (Nam Định): Bảo đảm trật tự giao thông, trật tự xã hội dịp Tết Nguyên đán 2025 (09:21 28/12/2024)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay (04:13 27/12/2024)
- Radisson Blu hội an resort: Nét chạm tinh hoa giữa lòng phố cổ (02:49 27/12/2024)
- Du lịch Phú Quốc đã “lật ngược” tình thế như thế nào? (03:05 26/12/2024)
- Nam Trực: Tăng cường công tác đảm bảo an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 (12:04 26/12/2024)