Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Giải quyết triệt để vướng mắc cho dự án cao tốc Bắc-Nam

13:23 21/10/2021 - Kinh tế
Hiếm có công trình nào mà trong vòng 3 tháng, Chính phủ ban hành 2 nghị quyết riêng biệt, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ tiếp tục tập trung giải quyết triệt để các tồn tại, hạn chế nhằm hoàn thành sớm giai đoạn 1 của dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: VGP/Đức Tuân

Chiều 20/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì hội nghị trực tuyến về tình hình triển khai Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Tham dự hội nghị có lãnh đạo một số bộ, ngành và 13 địa phương có dự án đi qua, các nhà thầu, đơn vị thi công. Đây là hội nghị trực tuyến thứ 3 của Phó Thủ tướng về dự án này trong vòng 4 tháng qua.

Không thiếu vật liệu cho thi công dự án từ nay đến quý I/2022

Báo cáo về tiến độ triển khai dự án, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết công tác giải phóng mặt bằng các dự án thành phần được bắt đầu thực hiện từ tháng 6/2019, đến nay đã bàn giao 645,3km/652,86km (đạt 98,8%).

Tính từ cuộc họp lần trước (ngày 14/9/2021) đến nay, các địa phương đã bàn giao mặt bằng cho dự án thêm 2,9km, phần mặt bằng còn lại chưa bàn giao khoảng 7,6 km tại 8 tỉnh, trong đó khối lượng còn lại lớn tập trung tại 2 tỉnh (Nghệ An còn lại 5,58km, Khánh Hòa còn lại 1 km).

Về di dời hạ tầng kỹ thuật (đường điện, đường ống nước, cáp viễn thông), hiện khối lượng còn lại tập trung tại 4 tỉnh chưa hoàn thành. Về xây dựng các khu tái định cư hiện còn 3 tỉnh (Nghệ An còn 4 khu, Đồng Nai còn 1 khu và Tiền Giang còn 1 khu) chưa hoàn thành. Theo Bộ GTVT, các vướng mắc về mặt bằng nêu trên hiện tại chưa ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thi công dự án. Tuy nhiên, công tác này vẫn cần phải hoàn thành trong năm 2021 để đảm bảo tiến độ giải ngân kế hoạch vốn năm 2021 và không ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Về nguồn vật liệu đất đắp nền đường phục vụ thi công dự án, thực hiện Nghị quyết số 60/NQ-CP, các địa phương đã cấp phép mới 7 mỏ đất và chuẩn bị cấp phép khai thác mới 11 mỏ đất; nâng thêm 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác 11 mỏ đất. Tuy nhiên, hiện nay tại các dự án vẫn còn thiếu khoảng 22 triệu m3  tại 7 dự án thành phần do sau khi thử nghiệm đã loại bớt một số mỏ đất không đáp ứng yêu cầu chất lượng.

Để tháo gỡ vướng mắc, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021 điều chỉnh nội dung Nghị quyết số 60/NQ-CP cho phép địa phương được điều chỉnh nâng công suất khai thác theo nhu cầu các dự án trong phạm vi trữ lượng đã được cấp phép.

Theo báo cáo, hiện cả 3 dự án PPP đều chưa ký hợp đồng tín dụng, các nhà đầu tư BOT đang tích cực đàm phán với các ngân hàng thương mại để huy động vốn cho dự án.

Cho biết thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên nhấn mạnh vừa rồi Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết 133 giải quyết thêm được 12,7 triệu m3 đất cho các dự án. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các địa phương đều vào cuộc quyết liệt tháo gỡ vướng mắc vấn đề thiếu vật liệu đất đắp cho cao tốc. Khi có Nghị quyết 60, Chính phủ cho phép triển khai đồng loạt các thủ tục thăm dò, đánh giá tác động môi trường rút ngắn thời gian cấp phép và khi Chính phủ ban hành thêm Nghị quyết 133 cho phép nâng công suất các mỏ thì tới đây sẽ có thêm nhiều mỏ vật liệu được đưa vào khai thác.

“Theo tiến độ đang triển khai thì các dự án cao tốc Bắc-Nam sẽ có đủ vật liệu đất đắp cho đến hết quý I/2022, trong thời gian đó các địa phương tiếp tục đẩy nhanh việc phê duyệt, cấp phép hoặc nâng công suất thêm các mỏ”, ông Trần Quý Kiên nói.

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 2 dự án cao tốc là Nghi Sơn - Diễn Châu và Diễn Châu - Bãi Vọt với tổng chiều dài 87,96km, hiện nay tỉnh đã bàn giao cho Ban Quản lý dự án 6 là 84,5km, đạt 96% tổng số km cần giải phóng mặt bằng. Lãnh đạo tỉnh Nghệ An cam kết sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng cho các Ban quản lý dự án trước ngày 15/11.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết tỉnh Khánh Hòa có 2 dự án cao tốc đi qua địa bàn tỉnh là Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo với tổng chiều dài 54,1km. Hiện còn 1 km mặt bằng còn vướng mắc, tỉnh sẽ bàn giao cho dự án trong tháng 11/2021. Về vật liệu đất đắp, dự án cao tốc đoạn Nha Trang - Cam Lâm dài 49,1km còn thiếu khoảng 4,76 triệu m3/6,33 triệu m3. Trong đó, 3,66 triệu m3 chưa cấp phép khai thác và 1,1 triệu m3 không có đường vận chuyển do vướng hầm Dốc Sạn.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ đẩy nhanh các thủ tục cấp mới các mỏ vật liệu xây dựng và tận thu vật liệu đất đồi, tỉnh dự kiến có thể bổ sung thêm khoảng gần 2 triệu m3 đất đắp. Số còn lại tỉnh Khánh Hòa sẽ thực hiện theo Nghị quyết 60 và Nghị quyết 133 mà Chính phủ vừa ban hành để bổ sung đưa thêm các mỏ vào quy hoạch, đồng thời triển khai nâng công suất các mỏ đạt chất lượng.

Giải quyết kịp thời vướng mắc

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ trong thời gian vừa qua, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp thì các công trường xây dựng đường cao tốc vẫn được duy trì.

Đây là công trình trọng điểm quốc gia trong 5 năm tới, Bộ Chính trị đã chỉ đạo phải ưu tiên mọi nguồn lực cho dự án này. Đây cũng là công trình mà trong vòng 3 tháng, tập thể Chính phủ ban hành 2 nghị quyết  (Nghị quyết 60 và 133) cho thấy Chính phủ dành sự quan tâm đặc biệt cho dự án này. Mỗi tháng, lãnh đạo Chính phủ giao ban 1 lần để giải quyết kịp thời vướng mắc của địa phương, chủ đầu tư nhà thầu.

Đánh giá cao kết quả đã đạt được trong triển khai dự án thời gian qua, nhất là kể từ tháng 6/2021 (cuộc họp đầu tiên của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về dự án) đến nay, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ, những khó khăn, vướng mắc như vấn đề giá cả, mỏ vật liệu được giải quyết kịp thời. Từ chỗ thiếu hụt tới 65 triệu m3, tới nay đã khắc phục được hơn 45 triệu m3 và đã có kế hoạch giải quyết 10 triệu m3 còn thiếu nữa. Các địa phương đã phối hợp rất tốt, giúp các Ban quản lý dự án, nhà đầu tư, nhà thầu trên địa bàn trong vấn đề cấp phép mỏ vật liệu, nhất là giải phóng mặt bằng. Mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh, giá trị sản lượng hoàn thành trong tháng vừa qua đạt hơn 1.000 tỷ đồng.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của công trình cao tốc Bắc - Nam, Phó Thủ tướng nêu rõ tiếp tục tập trung giải quyết triệt để các tồn tại, hạn chế nhằm hoàn thành sớm giai đoạn 1 của dự án. Về vấn đề mỏ vật liệu xây dựng, dứt khoát phải bảo đảm có đủ mỏ vật liệu cho dự án. Các địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu theo Nghị quyết 133 mới ban hành để vừa tăng công suất mỏ hiện có cũng như rút ngắn thời gian cấp phép mỏ mới.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ liên quan (TN&MT, GTVT, Xây dựng) nghiên cứu xử lý vấn đề mỏ vật liệu xây dựng cho giai đoạn 2 của dự án.

Phó Thủ tướng ghi nhận và yêu cầu 2 tỉnh Nghệ An, Khánh Hòa giữ đúng cam kết hoàn thành giải phóng mặt bằng trong tháng 11/2021. Các bộ, địa phương cần đốc thúc các doanh nghiệp liên quan khẩn trương di dời hạ tầng kỹ thuật (đường điện, đường ống nước, cáp viễn thông).

Với việc gỡ vướng cơ bản về giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng thì tiến độ chỉ còn phụ thuộc vào năng lực của nhà thầu. Do đó, các nhà thầu phải rà soát lại, dứt khoát phải bảo đảm tiến độ; có giải pháp tăng ca, tăng thiết bị, nhân lực. Bộ GTVT thường xuyên giao ban về dự án, tháo gỡ kịp thời vướng mắc, đốc thúc tiến độ.

Với các dự án chuẩn bị triển khai, Bộ GTVT cần lựa chọn các nhà thầu tiêu biểu cho các dự án tiếp theo, tránh tình trạng Trung ương dồn toàn lực nhưng công trình không thực hiện được.

Theo baochinhphu.vn

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí đã từ trần lúc 13 giờ 38 phút, ngày 19-7-2024, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hưởng thọ 80 tuổi. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân” của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top