“Giải cứu nông sản” - Nhìn từ cây chuối

23:48 17/03/2017 - Kinh tế
Hàng chục ngàn tấn chuối của nông dân Đồng Nai, Tây Ninh không bán được có nguy cơ phải cho gia súc ăn hoặc tự chín rụng, các tổ chức đoàn thể phải tìm cách giải cứu bằng các chiến dịch "giải cứu chuối"...

Thời gian qua, sản lượng chuối của Đồng Nai, Tây Ninh dồn ứ quá nhiều bán không ai mua phải để tự chín rụng hoặc cho gia súc ăn, ảnh PV

Chiến dịch cứu chuối

Từ đầu tháng 3 năm nay, Tây Ninh và Đồng Nai rộ lên chiến dịch “giải cứu chuối” cho nông dân. Ở Tây Ninh, ngay từ 23.2.2017, chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn Nam Trạng đã vào tận rẫy của nông dân các huyện Tân Châu, Tân Biên mua chuối già Nam Mỹ về bán trong chuỗi cửa hàng của công ty và còn chở đi bán ở các KCN, khu du lịch trong tỉnh.

Nhưng sức Công ty có hạn, nhân viên cũng có hạn, mỗi ngày cố gắng cũng chỉ tiêu thụ khoảng hơn 1 tấn. Còn ngày 8/3, cán bộ, nhân viên của Công ty DaMode (TP. HCM) chuyên kinh doanh mỹ phẩm đã tập trung trước công ty và mỗi người đeo một bảng giấy trước ngực “Cứu chuối sạch Tây Ninh” và tập trung bán chuối.

Ngày đầu tiên họ bán được 4 tấn và chương trình “giải cứu” này được kết nối với Hội Doanh nghiệp trẻ Tây Ninh  thực hiện hỗ trợ nông dân  trong một tuần. Để bán với giá 7.000đ/kg,  công ty  phải bù lỗ 1.000đ/kg cho chi phí giá thành đưa chuối  về đến công ty tại TP. HCM. Hội Liên hiệp Thanh Niên (LHTN) tỉnh và Hội Doanh nghiệp trẻ (DNT) Tây Ninh đang tiếp tục phối hợp với các đầu mối trong tỉnh và tại TP. HCM để “giải cứu” chuối khi còn khoảng 7.000 tấn chuối đang và sẽ thu hoạch sắp tới mà chưa có bao tiêu đầu ra.

Tại Đồng Nai, Hội LHTN, Hội DNT tỉnh, Sở NNPTNT,  Hội Nông Dân và Liên đoàn Lao động các huyện có KCN cũng đã tổ chức đợt cứu chuối sau khi đã thấy cảnh nhiều hộ bỏ chuối tại vườn không thu hoạch vì không có ai mua, giá chỉ 1.000đ-1.500đ/kg cũng khó bán nhưng nếu bán thì tiền đó không đủ trả tiền cho công thu hoạch chuối 300.000đ/ngày/công. 

Chiến dịch giải cứu bắt đầu bằng việc vận động các đơn vị, công ty tại các KCN đưa chuối vào bữa ăn phục vụ người lao động, Hội mua chuối tại rẫy và chở về bán ở các địa điểm thích hợp với giá 7000-8000đ/kg. Trong tuần đầu tiên cũng đã có hơn 300 tấn chuối được tiêu thụ và giá tại nhà vườn cũng đã nhích lên đến 6.600đ/kg. Sở Công thương cũng được giao trách nhiệm làm Trưởng ban cho chiến dịch cứu chuối này vì sắp tới sẽ có khoảng 10.000 tấn chuối già hương cấy mô tới kỳ thu hoạch ở Trảng Bom, Thống Nhất, Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú.

Tại Trảng Bom, một số công ty mua chuối xuất khẩu sang Trung Quốc đã quay trở lại. Họ đang mua với giá tại vườn 6.600đ/kg nhưng  một buồng chuối chỉ khoảng 1/2 hoặc 2/3 số nải đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Chủ vườn Hà Văn Út với 8 sào chuối xuất khẩu tại xã Thanh Bình, Trảng Bom cho biết vừa “hút chết” vì vườn chuối của anh thu hoạch đúng dịp này được giá, dù chưa tới 50% giá so với năm ngoài nhưng rất mừng vì có lãi chứ không lỗ nặng như các vườn thu hoạch sớm từ sau Tết.

Để trồng – chặt không mãi là điệp khúc

Các hội, đoàn thể hay các doanh nghiệp khác không thể bỏ nhiệm vụ chuyên môn để cứ lo cứu nguy cho những đợt dội chợ, khủng hoảng thừa nông sản. Công việc này chỉ mang tính trợ giúp nhất thời, còn đường ra ổn định cho sản phẩm cây, con nào phải từ hoạch định của địa phương, ngành kỹ thuật, ngành kinh doanh xuất-nhập khẩu, các thông tin về dự báo thị trường sản xuất – tiêu thụ từ các nước…

Theo Sở NN&PTNT Tây Ninh, toàn tỉnh hiện có  hơn 385 hecta chuối già xuất khẩu, tập trung ở các huyện Tân Biên, Trảng Bàng, Tân Châu. Trong đó có 180 hecta có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, còn hơn 200 hecta tự phát, không ký được hợp đồng. Trong chiến dịch giải cứu này, giá chuối từ 1000-2000đ/kg đã nhích lên 4000-5000đ/kg nhưng sắp tới, khi thu hoạch rộ với dự kiến hơn 7.300 tấn, tỉnh đang lo tiêu thụ sẽ bị khó khăn.

Do vậy các ngành,  đoàn thể và doanh nghiệp cũng đang tìm đầu ra cho chuối già xuất khẩu Nam Mỹ. Ở Đồng Nai, diện tích chuối già cấy mô xuất khẩu vào khoảng 2000 hecta, lượng  thu hoạch sắp tới cũng khoảng sấp sỉ 10.000 tấn, trong đó huyện Trảng Bom gần 9.000 tấn, còn lại chia đều cho các huyện Thống Nhất,  Định Quán, Tân Phú. Các ngành, đoàn thể của tỉnh đang tập trung tìm kiếm thị trường tiêu thụ chuối già cho thời điểm chín sắp tới.

Không chỉ cây chuối, các loại cây tiêu, điều, cà phê, cao su, mì, dưa hấu… đã có năm rơi vào tình trạng đó. Một thực tế lập đi lập lại trong suốt vài chục năm qua là cứ thấy cây gì, con gì được giá là bà con tập trung phát triển ào ạt. Sau một vài  vụ giảm giá sâu thì lại chặt hay phá đàn để thay thế loại cây trồng khác, nuôi con khác.

Cứ trồng rồi chặt, chặt rồi trồng, lãng phí nhiều công sức, tiền của người nông dân. Vòng đời cây chuối chỉ một năm, mức đầu tư cho chuối cấy mô khoảng 70.000đ/ cây gồm cây giống, đào lỗ, làm cỏ, nếu bán được khoảng 120.000đ/buồng thì bà con lãi được 50.000đ/cây/năm (chưa kể công thu hoạch), năm trước giá bán chuối lên tới 15.000-16.000đ/kg nên không ai bảo ai, thi nhau trồng chuối mà chẳng có hợp đồng tiêu thụ nào trong tay nên khi thương lái mua hàng xuất đi Trung quốc ngưng mua là cùng nhau “ngắc ngoải”.

Đây là loại đầu tư ít tốn kém, là loại thực phẩm sạch nhưng cũng không thể phát triển ồ ạt để khi chín tới đồng loạt, tiêu thụ không kịp thì bỏ. Các loại cây trồng lâu năm khác thì chi phí rất cao, nếu vài vụ giá giảm, hàng không xuất khẩu được thì dội chợ, nông dân có vốn mới tích trữ, nông dân nghèo thì lỗ cũng phải bán và vụ sau thiếu vốn cho đầu tư chăm bón tái phục hồi.

Các hộ chăn nuôi heo ở miền Đông cũng đã và đang gồng mình chịu đựng đợt giảm giá heo rất sâu từ trước Tết đến nay. Một hộ chăn nuôi heo ở Trị An (Vĩnh Cửu), Đồng Nai vừa xuất chuồng 1.600 con heo lỗ hơn 1,2 tỷ đồng. Đây là chủ trại có kinh nghiệm, biết canh thời điểm để nhập heo giống và bán ra với giá tốt nhất, vậy mà cũng đành chịu lỗ bạc tỷ vì không thể cầm cự chờ giá vì đợt này giá giảm 40% so với năm trước và kéo dài đã hơn 3 tháng.

Có ý kiến cho rằng năm trước đó giá lợn hơi có lúc vọt lên 54.000 đ/kg, dù là thời gian ngắn nhưng cũng đủ kích thích các trại mới, trại cũ đầu tư phát triển đàn.

Cuối năm 2016, giá lợn hơi giảm từ từ và cận Tết là thời điểm sức mua tăng nhưng giá lợn hơi giảm chỉ còn khoảng 25.000đ/kg. Thậm chí có những nơi người chăn nuôi chỉ bán được với giá 20.000đ/kg.

Hiện nay giá lợn có nhích lên trên 30.000đ/kg nhưng nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở các tỉnh đã tuyên bố phá chuồng, bỏ nghề vì không thể theo được nghề này. Nhiều người chuyên bán lợn con nay không bán được đành phải chuyển qua nuôi lợn thịt trong trạng thái lo âu thấp thỏm.

Lỗ nặng về nuôi lợn chưa hết lại tới gà. Nhiều hộ nuôi gà chất lượng cao ở miền Đông, miền Tây đang mất ăn mất ngủ vì đàn gà tới thời kỳ xuất chuồng mà không xuất được, dù giá xuất cũng dưới giá thành chi phí hơn 10.000đ/kg.

Nông dân vẫn sẽ tiếp tục sản xuất theo quan sát tự thân, theo phong trào và việc huy động các ban ngành, đoàn thể và xã hội “giải cứu nông sản” giúp nông dân vẫn còn xảy ra nếu như không có sự thay đổi trong công tác quản lý ngành và địa bàn sản xuất theo hướng tích cực và sâu sát.  

Cần một tầm nhìn cho phát triển nông nghiệp bền vững

Hiện nay cần có một tầm nhìn trong quy hoạch ngành, một tấm lòng thật sự hướng về nông nghiệp-nông dân-nông thôn.

Có thể nói, ngay cả ở những nước tiên tiến thì sự khủng hoảng thừa vẫn có thể xảy ra do nguyên nhân khách quan và chủ quan. Tuy nhiên, để xảy ra liên tiếp, lập đi lập lại  là một sự “khủng hoảng” trong quy hoạch và quản trị ngành nông nghiệp.

Ngoài thiên tai dịch bệnh, thời tiết bất thường thì những thiệt hại do không nắm sát quy hoạch, không quản lý được quy hoạch cũng là một yếu tố chủ quan gây thiệt hại cho nông nghiệp. Bất kỳ loại cây trồng, vật nuôi nào như nhãn, vải, thanh long, dưa hấu, cam, xoài, chuối hay mía, cao su, tiêu, cà phê, điều; heo, gà, cá sấu, tắc kè, kỳ nhông, tôm, cá…đều có thể xảy ra khủng hoảng. Mỗi lần như vậy thì nông dân là người thiệt hại trước tiên.

Một nông dân ở Gia Kiệm, Thống Nhất, Đồng Nai hỏi: Chúng tôi đâu có được đi học tập kinh nghiệm hay mô hình phát triển của quốc tế, chúng tôi cũng đâu có tham gia thảo luận các chính sách, định hướng cho nông nghiệp, không ai nói chúng tôi trồng gì, nuôi gì, chỉ là tự phát với nhau. Có khi thấy hộ này nuôi con vật A có lời, dễ mua dễ bán, thế là bà con ùn ùn bắt chước, không hề tính đến quy luật cung – cầu.

Địa phương đôi khi cũng là cầu nối cho những mô hình đó phát triển bằng cách biểu dương, nhân rộng mô hình cho dân địa phương biết và làm theo. Địa phương cũng hãnh diện khi báo cáo thành tích về mô hình sản xuất giỏi, cấp trên về thăm thì đưa tới các mô hình đó để tham quan.

Cứ như một cái bẫy, tích cực có và khó khăn cũng dễ xảy ra vì hội chứng tự phát sẽ dẫn đến mất kiểm soát về định lượng dẫn tới được mùa thất giá, hàng nhiều không có đường ra! Đang lúc heo, gà trong nước dư thừa nguồn cung thì lại nhập thịt, nhập trứng làm nông dân hoang mang và chuyện tưởng khó tin nhưng lại xảy ra.

Vậy ngành nông nghiệp có thể đưa ra một khuyến cáo công khai rõ ràng là ở vùng nào nông dân nên hướng đến cây gì, con gì là chủ lực? Trên cơ sở đó ngành thương mại – dịch vụ có thể giúp dân tìm ra thị trường tiêu thụ ngay trong nội địa và quốc tế?

Hiện nay, các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý kinh tế nông nghiệp đang nói nhiều về nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn Global Gap.

Chính phủ cũng đang ban hành nhiều chính sách để tháo gỡ, thúc đẩy cho nông nghiệp phát triển theo hướng quy mô lớn, công nghiệp nông nghiệp.

Tuy nhiên, những chính sách chưa thể ngày một ngày hai đi ngay vào cuộc sống. Trong khi đó 60-70% dân cư đang sống tại địa bàn nông nghiệp và đang sản xuất ra các loại nông sản phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Do vậy một tầm nhìn trong quy hoạch ngành, một tấm lòng thật sự hướng về nông nghiệp-nông dân-nông thôn, tránh các kiểu nhóm lợi ích tranh thủ cơ hội để “hứng” trước các nguồn lợi từ cơ chế, chính sách, tín dụng của chính phủ đối với nông nghiệp thì mới mong nông nghiệp phát triển bền vững, nông dân giàu và nông thôn mạnh.

Kim Loan

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top