Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Tạo niềm tin cho người dân khi tham gia BHYT, BHXH tự nguyện

Hướng tới mục tiêu Bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) tiếp tục phát huy vai trò, huy động sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương. Đồng thời, thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ, giải quyết chế độ kịp thời, nhanh chóng; đổi mới hình thức tuyên truyền, tạo niềm tin cho người dân khi tham gia BHYT, BHXH tự nguyện.

Cán bộ BHXH huyện Đông Sơn tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT.

Xác định BHXH, BHYT góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu công bằng xã hội trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, thời gian qua BHXH huyện Đông Sơn đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp như: Tham mưu cho UBND huyện giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHYT cho các xã, thị trấn; Phối hợp với các ban, ngành tổ chức các đợt ra quân tuyên truyền bằng xe lưu động và trực tiếp đến từng địa bàn dân cư, từng hộ gia đình, vận động, thuyết phục làm cho người dân thấy được quyền lợi thiết thực khi tham gia BHYT, BHXH tự nguyện; tổ chức hội nghị tuyên truyền phát triển người tham gia BHXH tự nguyện. Đối thoại về chế độ, chính sách BHXH, BHYT cho các đối tượng tham gia; rà soát số đơn vị, doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, lập danh sách những lao động chưa tham gia BHXH bắt buộc để có kế hoạch phát triển đối tượng, đồng thời phối hợp, hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện tốt chế độ, chính sách liên quan đến BHXH cho người lao động.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cũng như nỗ lực của cán bộ, nhân viên BHXH huyện Đông Sơn, đến nay, tổng số người tham gia BHYT trên địa bàn huyện là 72.022 người, đạt tỷ lệ bao phủ 96,07% dân số toàn huyện. Số người tham gia BHXH trên địa bàn đạt 13.772 người, trong đó tham gia BHXH bắt buộc là 11.499 người, tham gia BHXH tự nguyện là 2.273 người, chiếm 30,23% số lao động của huyện. Ông Lê Tiến Long, Giám đốc BHXH huyện Đông Sơn, cho biết: Với tinh thần “Mỗi cán bộ BHXH là một tuyên truyền viên”, từng cán bộ, viên chức và người lao động BHXH huyện đã phát huy vai trò và trách nhiệm, sáng tạo trong vận động, phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT đạt hiệu quả cao. Cùng với đó, đơn vị đẩy mạnh công tác truyền thông bằng nhiều hình thức như tổ chức đối thoại trực tiếp thông qua các hội nghị tuyên truyền; trên hệ thống loa phát thanh, mạng xã hội; chia các nhóm đối tượng nhỏ, hộ kinh doanh nhỏ, người lao động tự do... để có cách thức tiếp cận, tuyên truyền phù hợp. Trong đó, tập trung tuyên truyền về giá trị nhân văn, lợi ích thiết thực khi tham gia BHXH, BHYT, làm thay đổi nhận thức của nhân dân.

Cán bộ BHXH tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT. 

BHXH huyện Đông Sơn là một trong những điểm sáng của BHXH tỉnh Thanh Hóa trong phát triển BHYT, BHXH tự nguyện. Là người tham gia BHXH tự nguyện, ông Lê Minh Tùng, thôn 2, xã Đông Minh, chia sẻ: “Được nhân viên BHXH đến tư vấn chính sách BHXH tự nguyện trực tiếp tại nhà giúp tôi hiểu được giá trị của việc tham gia BHYT, BHXH tự nguyện. Hằng năm tôi đều mua BHYT và đã đóng BHXH tự nguyện cho cả 4 thành viên trong gia đình được gần 4 năm, với số tiền bỏ ra không quá lớn, coi đó như là một hình thức tiết kiệm, trước hết là vì mình, sau này giảm bớt gánh nặng cho con cháu, có lương hưu khi về già”.

Được biết, xã Đông Minh là đơn vị tiêu biểu trong phát triển BHYT, BHXH tự nguyện. Hiện nay, tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn xã đạt 97%; tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện đạt 17,38% dân số. Bà Đỗ Thị Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Minh cho biết: “Vận động người dân tham gia BHYT, BHXH tự nguyện đã khó, nhưng để duy trì còn khó hơn nhiều. Chúng tôi thường xuyên quan tâm, theo dõi để đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Cùng với đó là nắm bắt về thời gian tham gia, thời điểm đến hạn đóng để đôn đốc, nhắc nhở người tham gia đóng đúng, đủ và tính liên tục của mỗi loại hình bảo hiểm”.

Nhận thẻ BHYT, anh Lê Thành Trung, xã Đông Tiến được cán bộ UBND xã tuyên truyền lợi ích khi tham gia BHYT, đó là giảm bớt gánh nặng tài chính cho người bệnh, nhất là những bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Anh Lê Thành Trung nói: “Ai cũng mong mình luôn khỏe mạnh, nhưng nếu không may bị bệnh phải nằm viện điều trị dài ngày thì thẻ BHYT thật sự ý nghĩa. Nó giúp gia đình nhẹ gánh về kinh tế và chăm sóc sức khỏe bản thân kịp thời vì đã có BHYT thanh toán. Vì vậy, mong tất cả mọi người hãy tham gia BHYT để phòng ngừa rủi ro cho bản thân, khi ốm đau, hoạn nạn sẽ không gặp trắc trở, không là gánh nặng cho gia đình, người thân”.

Sau những buổi đi từng nhà để tuyên truyền về quyền lợi, chính sách BHYT cho thấy phần lớn người dân đều hiểu rõ về lợi ích khi tham gia BHYT, BHXH tự nguyện để sau này không là gánh nặng cho con cháu. Bà Phạm Thị Thanh, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Đông Tiến, chia sẻ: “Để vận động người dân tham gia, không chỉ đơn thuần là tìm đến nhà vận động, gặp nhiều hay ít lần, mà quan trọng hơn cả là hiểu người dân cần gì để cung cấp thông tin, làm thay đổi nhận thức, khiến họ tin tưởng và yên tâm, tự nguyện tham gia. Đặc biệt là phải chuẩn bị nội dung tư vấn, để người dân thấy ưu Việt của chính sách BHXH tự nguyện, BHYT; giúp họ hiểu, từ đó tham gia BHXH tự nguyện là “một quyển sổ tiết kiệm an toàn nhất cho tương lai”; quỹ hưu trí là nguồn quỹ an toàn nhất vì được Nhà nước bảo hộ và không có hình thức tham gia bảo hiểm nào để được lương hưu ngoài BHXH”.

 Nam Nguyễn

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí đã từ trần lúc 13 giờ 38 phút, ngày 19-7-2024, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hưởng thọ 80 tuổi. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân” của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top