Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Đón Tết với cộng đồng người Việt ở Pháp

22:52 08/02/2017 - Văn hóa xã hội
Trong cuộc đời làm báo của tôi, những kỷ niệm làm báo dịp Tết ở Pháp luôn đọng lại với những tình tiết thú vị và xúc động.

Tháp Eiffel, biểu tượng của Paris và nước Pháp. Ảnh: TL

Có dịp chia sẻ những khoảnh khắc đón mừng năm mới với cộng đồng người Việt nơi đất khách, quê người, càng thấm thía tình quê hương, nghĩa đồng bào sâu nặng.

Rộn ràng không khí Tết ở Paris

Làm báo dịp Tết ở Paris thật vui. Trong những ngày, tháng Tết, bà con chộn rộn đón Tết ở Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và ở trụ sở UNESCO. Mấy năm gần đây, buổi đón Tết Nguyên đán tổ chức tại trụ sở tòa thị chính Paris nên càng đông đảo quan khách người Pháp và bạn bè quốc tế tới tham dự để chia vui cùng cộng đồng người Việt nơi đây.

Trong một lần đi xem bà con sắm Tết ở chợ Thanh Bình Jeune, tôi gặp ông Hùng, Chủ tịch Hội thuyền và biển cùng vợ là bà Tâm, một dược sĩ có tiếng. Ông, bà có hai người con, gái đầu trai sau. Để các con hiểu về nét đẹp văn hóa dân tộc, ông bà đến chợ Thanh Bình Jeune mua gạo nếp, đỗ xanh, lá dong. Ông bà còn cất công mượn nồi to để gói bánh.

Đúng tối giao thừa, mẻ bánh đầu tiên luộc xong được vớt ra, hơi bốc nghi ngút. Cô con gái Huyền Thư má ửng hồng khoe chiếc bánh tự tay gói rất tự hào. Vợ chồng ông Hùng không giấu nổi xúc động chứng kiến cảnh các con thích thú với công việc gói và nấu bánh chưng.

Trong mỗi dịp Tết, bên cạnh các món ăn truyền thống như bánh chưng, giò lụa, dưa hành, việc được thưởng thức các chương trình nghệ thuật đã trở thành nhu cầu không thể thiếu. Địa bàn Pháp là trung tâm ở khu vực Tây Âu, nên cộng đồng nơi đây thường xuyên được xem các nghệ sĩ như Thanh Lam, Tùng Dương, Hồ Ngọc Hà, Tấn Minh, Thu Huyền,... biểu diễn. Ở Việt Nam, có được tấm vé để xem các “sao” biểu diễn cũng là cả vấn đề. Sang Pháp, cánh báo chí chúng tôi mới có dịp phỏng vấn, chuyện trò thoải mái với những nghệ sĩ được coi là “thần tượng” của giới trẻ.

Bên cạnh các ngôi sao nhạc nhẹ, các đoàn nghệ thuật dân tộc như quan họ, cải lương, cồng chiêng sang biểu diễn cũng là dịp để bà con thưởng thức những tiết mục đậm đà hồn dân tộc. Đây cũng là những tiết mục thu hút sự quan tâm và tán thưởng nồng nhiệt nhất của công chúng Pháp và khách quốc tế, bởi với nhiều người trong số họ, đây là lần đầu họ được tận mắt chứng kiến các nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Lý thú những đợt lưu diễn

Thông thường, sau các đợt biểu diễn ở Paris, các đoàn nghệ thuật sẽ đi cùng đại diện của Đại sứ quán, Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO đi biểu diễn phục vụ đồng bào ở Marseille và Lyon, hai thành phố có đông người Việt sinh sống. Chúng tôi (phóng viên Báo Nhân Dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam thường trú tại Pháp) lại cùng rong ruổi bằng ôtô hoặc đi tàu cao tốc TGV. Nếu đi bằng ôtô tới Marseille ở miền Nam nước Pháp phải mất 7 đến 8 tiếng còn đi bằng tàu TGV gần 3 tiếng.

Buổi biểu diễn ở thành phố cảng Marseille bên bờ Địa Trung Hải tại trụ sở Chi hội người Việt Nam tại thành phố Marseille rất ấm cúng. Trong khán phòng nhỏ, các hoa văn trang trí do bà con cô bác phối hợp các sinh viên ở Marseille và thành phố Aix-en-Provence sắp đặt thật mộc mạc. Bà con quây quần hỏi thăm tình hình bên nhà.

Có nhiều người tuổi cao sức yếu, không có điều kiện về thăm quê hương chỉ hỏi chuyện rồi khóc. Rất nhiều bà con xem trích đoạn “Tuần ti đào Huế” do Nghệ sĩ ưu tú chèo Quốc Anh biểu diễn cùng nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền hay trích đoạn “Thị Mầu lên chùa” của nghệ sĩ chèo Thu Huyền đã không giấu nổi cảm xúc bởi họ đã xem các vở chèo nổi tiếng trên truyền hình, nhưng đây mới là lần đầu họ được xem các nghệ sĩ biểu diễn trực tiếp thật sống động.

Phóng viên VTV tác nghiệp tại nước ngoài. Ảnh: TL

Ở Marseille, các phóng viên Việt Nam đến công tác vào mỗi dịp Tết thường đến thăm bà Quý Bouteille. Câu chuyện tình của bà Quý, một người con gái quê Hưng Yên với ông Michel Bouteille, một viên chức Pháp từng làm việc ở Việt Nam trước năm 1945 đã trở thành cốt chuyện của một thiên tiểu thuyết về tình yêu chung thủy. Nhưng điều khiến mọi người kính trọng và yêu quý bà hơn đó là tình cảm bà gắn bó, chia sẻ với những người con xa Tổ quốc đi công tác.

Bà luôn quan tâm, chia sẻ, hỏi thăm, động viên các cán bộ Việt Nam mỗi dịp xuống công tác nơi đây. Trong câu chuyện của bà, hình ảnh quê nhà luôn hằn sâu trong ký ức. Tiếng cười luôn vang lên trong mỗi câu chuyện, để thấy tinh thần lạc quan và triết lý nhân văn sâu sắc của cụ bà đã bước qua tuổi 90 vẫn luôn khiến các thế hệ cháu con phải học tập.

Kết thúc chương trình giao lưu văn nghệ tại Marseille, đoàn đại biểu lại tiếp tục hành trình trở về Lyon, thành phố ở miền Trung nước Pháp. Hội người Việt Nam tại Lyon thường tổ chức chương trình biểu diễn văn nghệ tại nhà hát thành phố Villeurbanne. Với sự gắn bó sâu sắc, lãnh đạo thành phố Villeurbanne luôn tạo mọi điều kiện để Hội người Việt Nam tại đây tổ chức lễ đón mừng Tết Nguyên đán.

Buổi biểu diễn xong đã lâu, nhiều khán giả Pháp vẫn còn nán lại để đánh thử cây đàn bầu hay ngắm nghía chiếc nón thúng quai thao. Nhiều người còn mạnh dạn đánh thử đàn tơ rưng để cảm nhận âm thanh réo rắt như suối chảy, gió reo mang về âm hưởng sôi động của đại ngàn Tây Nguyên. Chính trong buổi lễ này, những người Pháp yêu Việt Nam có cơ hội khám phá văn hóa một cách thật tự nhiên.

Hành trình đón Tết Nguyên đán cùng cộng đồng người Việt tại Pháp có điểm đến cuối là tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp. Tọa lạc tại Quận 13 ở Thủ đô Paris, Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp là nơi thu hút đông đảo cộng đồng người Việt Nam và những người Pháp muốn tìm hiểu những nét đẹp văn hóa của Việt Nam tới tham dự những sinh hoạt văn hóa phong phú nơi đây.

Chúng tôi được chứng kiến các khán giả ngồi chật khán phòng lắng nghe các liền anh, liền chị quan họ làng Diềm Xá biểu diễn những lời ca quan họ gốc. Mỗi khi người phiên dịch dịch xong lời, khán giản lại vỗ tay nhiệt liệt. Ngồi bên tôi, Giáo sư ngôn ngữ học Nguyễn Duy Tân và vợ ông, bà Joelle Tân, một giáo sư luật gật gù tán thưởng. Với ông bà Tân, được dịp nghe những nghệ sĩ dân gian hát những bài dân ca quan họ Bắc Ninh lời cổ giữa đất Paris trong tiết trời xuân quả là món quà tặng vô giá. Chả thế mà mà bà Joelle Tân dù tiếng Việt không sõi, vẫn cứ ngân nga “Người ơi người ở đừng về”.

Chứng kiến khung cảnh đầm ấm mọi người say sưa tán thưởng văn hóa Việt Nam giữa khung cảnh Paris tuyết rơi trắng trời, trắng đất, nhóm nhà báo chúng tôi chợt quên đi cái mệt sau hành trình kéo dài mấy nghìn cây số và cảm thấy ấm lòng bởi nơi chốn xa, hồn cốt Việt Nam vẫn đậm đà, tỏa sáng./.

Huy Thắng

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.