VCCI: Doanh nghiệp nhỏ nhập ôtô vẫn vướng 'cửa ải' giấy phép
16:12 06/09/2016
- Kinh tế
Những quy định đang dự thảo để thay thế Thông tư 20 được VCCI đánh giá là tiếp tục trao cho các hãng xe ngoại một thương quyền quá lớn, trong khi lại bỏ qua quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam.
VCCI cho rằng,các quy định đang được dự thảo không khác gì so với yêu cầu mà Thông tư 20 của Bộ Công Thương đưa ra.
Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản góp ý về dự thảo Thông tư quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu do Bộ Giao thông Vận tải soạn thảo. Đây là văn bản dự kiến thay thế Thông tư 20/2011 của Bộ Công Thương vốn gây tranh cãi thời gian gần đây.
Nhiều nội dung góp ý được cơ quan đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp đưa ra, nhưng nổi bật nhất là việc kiên trì thuyết phục cơ quan soạn thảo bỏ quy định về thành phần hồ sơ đối với doanh nghiệp muốn nhập khẩu ôtô, với yêu cầu phải có Bản chính Giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất hoặc Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng.
Theo VCCI, bản chính Giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất hoặc Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng thực chất là giấy tờ do nhà sản xuất phát hành cùng với mỗi chiếc xe cụ thể nhằm chứng nhận rằng chiếc xe đó đã được nhà sản xuất kiểm tra chất lượng trước khi ra khỏi nhà máy và đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng do nhà máy đó cam kết. Trường hợp Việt Nam công nhận kết quả kiểm tra của nhà sản xuất đó, thì việc xuất trình các giấy tờ trên sẽ có tác dụng thay thế cho việc kiểm tra thực tế tại Việt Nam.
Ngoài ra, việc kiểm tra chất lượng xe nhập khẩu tại Việt Nam đang được tiến hành rất chặt chẽ, gồm nhiều phương thức kiểm tra tương ứng với từng loại phương tiện. Các nội dung kiểm tra cũng đã được quy định rất chi tiết và đầy đủ tại Thông tư 31, Thông tư 55 của Bộ Giao thông vận tải, Dự thảo Thông tư này và các quy chuẩn kỹ thuật liên quan.
“Nếu một phương tiện không có Giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất hoặc Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng, nhưng vẫn vượt qua được vòng kiểm tra nghiêm ngặt của Cơ quan Đăng kiểm Việt Nam, tức là vẫn đáp ứng các yêu cầu chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo pháp luật Việt Nam. Không có lý do gì để không cho một phương tiện như vậy được tham gia lưu thông. Hơn nữa, kể cả trong trường hợp phương tiện không có bản chính các giấy tờ trên đi kèm xe thì Cơ quan đăng kiểm của Việt Nam vẫn có thể tra cứu các thông tin này thông qua số VIN của xe”, bản góp ý của VCCI viết.
Vì thế VCCI nhấn mạnh, quy định như dự thảo đưa ra là không cần thiết, vừa phức tạp về thủ tục hành chính vừa tốn kém chi phí xã hội. “Các chi phí này cuối cùng sẽ được chuyển vào giá bán phương tiện đến tay người tiêu dùng. Trong trường hợp phương tiện được kiểm tra tại Việt Nam và không đáp ứng quy chuẩn thì pháp luật đã có yêu cầu phải tái xuất”, bản góp ý nêu quan điểm.
So sánh với quy định phải có Giấy ủy quyền chính hãng của nhà sản xuất tại Thông tư 20 của Bộ Công Thương, VCCI đánh giá, quy định tại dự thảo của Bộ Giao thông vận tải “sẽ có tác động không khác gì”. Bởi lẽ, thay vì Giấy ủy quyền của nhà sản xuất cho từng doanh nghiệp nhập khẩu xe, nay giấy tờ mới này cũng sẽ do nhà sản xuất cấp cho từng chiếc xe.
“Quy định này cũng sẽ chỉ cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu xe trực tiếp từ nhà sản xuất mà loại bỏ các doanh nghiệp nhập khẩu xe thông qua nhà phân phối”, VCCI nhận xét.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp nhập khẩu xe ôtô, chỉ có xe nhập trực tiếp từ nhà máy sản xuất mới có thể có bản chính giấy tờ này đưa về Việt Nam, còn các xe nhập khẩu qua một bên phân phối trung gian thì không thể có. Nhà phân phối buộc phải giữ lại bản chính của Giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất hoặc Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng nhằm mục đích hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa xuất khẩu.
“Việc đặt ra các quy định như trên vô tình đã trao một thương quyền quá lớn cho nhà sản xuất tại nước ngoài mà bỏ qua quyền lợi của người tiêu dùng tại Việt Nam. Thông qua đó, các hãng sản xuất hoàn toàn có thể bắt ép doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam phải mua xe từ nhà sản xuất thay vì có thể mua thông qua nhà phân phối. Đây chính là hành vi hạn chế nhập khẩu song song đã bị cấm được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ”, lãnh đạo VCCI nêu quan điểm.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 vừa diễn ra tuần trước, nêu quan điểm về điều kiện nhập khẩu xe không chính hãng - vấn đề được dư luận chú ý gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần mở ra không gian mới cho việc phát triển, tạo điều kiện kích thích kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong các ngành và lĩnh vực. Tuy nhiên, cũng cần có biện pháp quản lý tốt hơn về thị trường và xã hội, đặc biệt tạo điều kiện cho sản xuất trong nước phát triển tốt nhất nhằm đảm bảo lợi ích đất nước.
“Không thể biến đất nước thành nơi tiêu thụ ôtô của toàn thế giới. Thông tư 20 có những mặt chưa được thì khi bỏ phải có chính sách quản lý thay thế tốt hơn, phải chú ý tới khuyến khích sản xuất trong nước như thế nào”, Thủ tướng nói.
Nguồn: Vnexpress.net
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Thẻ tín dụng HDBank: Ưu đãi đa tầng, hưởng trọn niềm vui (03:19 02/12/2024)
- OCB thuộc nhóm các doanh nghiệp bền vững năm 2024 (07:07 02/12/2024)
- VPBank tài trợ cho dự án Hanoi Melody Residences, khách hàng an tâm mua nhà (03:32 27/11/2024)
- NCB hoàn thành kế hoạch tăng gấp đôi vốn điều lệ, lên gần 11.800 tỷ đồng (01:57 27/11/2024)
- PVcomBank ra mắt nền tảng số dành cho doanh nghiệp (03:26 26/11/2024)