Đề xuất chưa thông qua luật về Hội trong kỳ họp thứ 2 của Quốc hội
04:09 26/10/2016
- Quốc hội khóa XV
Ngày 25/10, đại biểu Quốc hội khoá XIV đã đưa ra những ý kiến khác nhau xung quanh dự thảo luật về Hội. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng chưa nên thông qua Luật về Hội tại kỳ họp này bởi chưa có sự đồng thuận cao.
Ông Nguyễn Khắc Định - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: Đăng Khoa
Trong phiên họp sáng 25/10, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật về Hội, sau đó các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật này.
Ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, dự thảo Luật trình Quốc hội (khóa XIII) giao Chính phủ quy định việc áp dụng Luật này đối với cá nhân, tổ chức nước ngoài tham gia hoạt động Hội tại Việt Nam, tổ chức phi chính phủ nước ngoài đăng ký và hoạt động tại Việt Nam và tổ chức phi chính phủ trong nước.
Ông Nguyễn Khắc Định cho biết thêm, về vấn đề này, hiện có hai loại ý kiến khác nhau. Theo đó, ý kiến đề nghị Luật này không nên áp dụng đối với các cá nhân, tổ chức nói trên vì Hiến pháp chỉ quy định quyền lập hội của công dân Việt Nam. Và ý kiến tán thành quy định trên của dự thảo Luật nhưng để bảo đảm rõ ràng, minh bạch thì không giao Chính phủ quy định mà phải quy định ngay trong Luật.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật trình Quốc hội (khóa XIII) quy định Luật này không áp dụng đối với 6 tổ chức, đó là: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
Tiếp tục phiên thảo luận về dự thảo Luật về hội, chiều 25/10, đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến về thẩm quyền công nhận điều lệ hội và người đứng đầu hội, thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội, đặc biệt là việc nên hay không nên thông qua dự án Luật tại kỳ họp này.
Nhiều đại biểu cho rằng đây là dự án Luật hết sức quan trọng, có tác động lớn đến xã hội, quyền con người, quyền công dân. Tuy nhiên, một số nội dung của dự thảo Luật chưa được tổng kết, báo cáo đánh giá tác động và cũng chưa lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến đối tượng bị điều chỉnh và chưa có sự đồng thuận cao.
Đồng thời các đại biểu cũng chỉ rõ đạo luật này chưa bám sát các quan điểm trong Hiến pháp, chưa giải quyết được vấn đề quan trọng là chính sách đối ngoại và hợp tác quốc tế của Đảng và Nhà nước, không phân biệt được các loại hội về quy mô, tính chất.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đề nghị ban soạn thảo phải làm rõ, báo cáo Quốc hội một cách hết sức thận trọng vấn đề này và chưa thông qua tại kỳ họp này.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Bùi Mậu Quân cảnh báo "không vì áp lực xã hội mà vội vã thông qua Luật về hội".
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết 49 ý kiến thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật là xác đáng, đúng thực tiễn, phù hợp với xu hướng chung của đất nước, nhất là trong thời kỳ thực hiện hội nhập với mong muốn mở ra điều kiện hội nhập tốt hơn để cho hội hoạt động theo khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật.
Ban soạn thảo sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến và cùng với cơ quan thẩm tra tổng hợp để báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng mà các đại biểu Quốc hội quan tâm, nhất là các vấn đề do Chính phủ quy định./.
T.H
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Quốc hội sẽ xem xét công tác nhân sự trong tuần làm việc cuối của kỳ họp (05:50 25/11/2024)
- Quốc hội thông qua nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 (08:42 13/11/2024)
- Phiên chất vấn đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, “đúng” và “trúng” (06:00 12/11/2024)
- Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8 (09:10 11/11/2024)
- Điều chỉnh chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (02:40 07/11/2024)