Đề cao trách nhiệm của người làm báo

00:11 10/01/2017 - Văn hóa xã hội
Chưa bao giờ, vấn đề đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội của nhà báo lại được dư luận đặc biệt quan tâm như lúc này. Việc xây dựng bộ Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo vừa phải có tính khái quát, vừa có tính cụ thể, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện, đó là những ý kiến phát biểu của các đại biểu tại Hội thảo Xây dựng Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức ngày 16/11/2016.
Bộ quy định đạo đức nghề nghiệp:

Hội thảo Xây dựng Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức ngày 16/11/2016, tại Hà Nội. Ảnh: PhạmCường

Vai trò của Hội Nhà báo Việt Nam

Trong thời kỳ hội nhập, báo chí có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội. Sứ mệnh cao cả của người làm báo chính là thông tin chính xác, kịp thời đến người dân về tình hình đất nước và thế giới; tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội,...

Bên cạnh đó, báo chí còn có nhiệm vụ phản ánh, định hướng dư luận xã hội, là diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Như vậy có thể thấy, báo chí là hoạt động đặc thù, ảnh hưởng rất lớn tới xã hội.

Báo chí cách mạng Việt Nam đang hướng đến trở thành nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại, trong đó đạo đức báo chí vẫn là vấn đề cốt lõi. Người làm báo phải đề cao tính trung thực, dù ở đâu vẫn đều có trách nhiệm cao nhất là góp phần phục vụ mưu cầu hạnh phúc chân chính của con người. Có những quy phạm pháp luật được Luật Báo chí quy định, nhưng một số quy phạm xã hội cần phải có những quy định đạo đức điều chỉnh, tạo ra sự ràng buộc về uy tín, đạo đức và tinh thần. Đạo đức và luật pháp không tách rời, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp là góp phần xây dựng đạo đức xã hội.

Trong những nhiệm vụ được luật quy định, Hội Nhà báo Việt Nam có trách nhiệm ban hành và tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp và nghiệp vụ báo chí cho hội viên. Có thể nói, đây chính là nhiệm vụ trọng tâm không chỉ của Thường trực Thường vụ Hội Nhà báo, mà còn là trách nhiệm của mỗi hội viên các cấp. Bên cạnh đó, Luật Báo chí còn quy định những nhà báo nào vi phạm đạo đức nghề nghiệp sẽ bị thu hồi thẻ nhà báo.

Giảm sút niềm tin của công chúng

Trong “cơn bão” thông tin của thời đại số, chưa bao giờ vấn đề đạo đức người làm báo lại được xã hội quan tâm sâu sắc như hiện nay. Quy định đạo đức người làm báo hiện hành sau 11 năm thực hiện, về cơ bản những chuẩn mực đạo đức báo chí vẫn còn giá trị. Tuy nhiên, trước sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống báo chí đã có nhiều biến đổi sâu sắc, chúng ta không thể phủ nhận một bộ phận những người làm báo đã vi phạm những chuẩn mực quy định đạo đức ở những mức độ khác nhau.

Những vi phạm do vô tình hay do non kém năng lực tác nghiệp hoặc là cố ý vi phạm đạo đức nghề nghiệp gây ra những hệ quả đáng tiếc, làm mai một hình ảnh của những người làm báo chân chính, dẫn đến công chúng mất niềm tin vào báo chí, vi phạm tính chân thực của báo chí.

Thời gian qua, có một số nhà báo, phóng viên “hai mặt” làm sai lệch bản chất, xuyên tạc bịa đặt, vu khống danh dự, nhân phẩm của các lãnh tụ và cá nhân, tập thể. Những nhà báo này đang làm lung lay những giá trị tinh thần, giá trị đạo đức xã hội. Khi viết báo thì viết thế này, còn khi tham gia mạng xã hội lại viết kiểu khác, đưa thông tin hoàn toàn trái ngược với thông tin trên báo do chính bản thân viết để câu view, comment.

Khi những ngòi bút bị bẻ cong, thông tin sai sự thật dù với mục đích nào cũng không thể biện minh trước toàn xã hội. Người cầm bút phải có quan điểm rõ ràng, có chính kiến và sự trung thực, luôn vì cái chung, đặt lợi ích của tập thể, của nhân dân lên hàng đầu. Cùng với đó, một số nhà báo vì lợi ích cá nhân chỉ nghĩ tới việc “đánh đấm” làm thế nào để có thể tư lợi, “đục nước béo cò”. Những nhà báo như vậy tâm không sáng, không phải “vì nước, vì dân”, mà đang là những hạt sạn gây mất niềm tin của công chúng vào báo chí.

Để làm tròn sứ mệnh của người cầm bút, ngoài việc rèn luyện nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, đối với nghề báo còn là vấn đề lương tâm, đạo đức nghề nghiệp. Mỗi nhà báo cần phải nâng cao đạo đức nghề nghiệp mới góp phần tạo ra nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại.

Đi tìm giải pháp

Ngày 1/1/2017, Luật Báo chí 2016 sẽ được áp dụng, việc sửa đổi, bổ sung 9 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo sao cho phù hợp với Luật Báo chí, hoàn cảnh chính trị, đời sống xã hội và phù hợp với xu hướng phát triển của báo chí hiện đại là vô cùng quan trọng không chỉ với nền báo chí cách mạng Việt Nam mà còn với toàn xã hội.

Sau hội nghị toàn quốc “Quán triệt thực hiện Luật Báo chí 2016 triển khai góp ý sửa đổi, bổ sung Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam”, được sự chỉ đạo, quan tâm sát sao, phối hợp chặt chẽ của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam cùng với các cấp hội, hội viên và những người làm báo trong cả nước đã tích cực đóng góp, đề xuất xây dựng bản dự thảo Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo.

Ban soạn thảo đã cân nhắc, chắt lọc từng câu chữ, bảo đảm tiêu chí khái quát nhưng cụ thể để đưa ra bản dự thảo quy định đạo đức người làm báo Việt Nam. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi, mục tiêu của bộ quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo có giá trị dẫn dắt lương tâm và trách nhiệm của những người cầm bút.

Bản dự thảo dựa trên sự kế thừa Bộ Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam được ban hành 2005, đồng thời có tham khảo từ bộ Quy định đạo đức báo chí của các nước trên thế giới; dựa trên cơ sở nhận thức về mối quan hệ giữa luật pháp và đạo đức, vì đây là hai phạm trù gắn bó mật thiết với nhau và mối quan hệ này chính là điểm khác biệt của bộ dự thảo; từ những thay đổi của đời sống xã hội cũng như đời sống báo chí mà bộ quy định trước đây chưa đề cập.

Với tinh thần cầu thị, Ban Soạn thảo đang tiến hành thu thập, lấy ý kiến Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa X, các nhà báo lão thành, hội viên các cấp hội để có thể ban hành bộ Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo hoàn chỉnh với sự đồng thuận của tất cả những người làm báo trong cả nước.

Bộ Quy định nghề nghiệp người làm báo xây dựng chính là bộ “quy tắc mẹ”, là nền tảng đáp ứng chuẩn mực chung của nghề báo và sát thực tế; khi đó, những nhà báo, phóng viên trong khi tác nghiệp mà vi phạm những điều trong bộ quy định đạo đức thì Hội có thể căn cứ xử lý./.

Thành Huy Long

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Trong kỷ nguyên số, chuyển đổi nội dung số các tạp chí của Việt Nam có vai trò quan trọng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước; đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phổ biến tri thức, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam trên không gian mạng. Đồng thời, góp phần “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”(1) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top