Đề án ngoại ngữ gần 9.400 tỷ sau 8 năm làm được những gì

Đi chặng đường dài tốn hàng nghìn tỷ đồng, nhưng khi phụ huynh hỏi "Con tôi học ngoại ngữ vậy có dùng được không?", nhiều cán bộ quản lý phải né tránh.

Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 (gọi tắt là Đề án) được phê duyệt năm 2008. Mục tiêu là đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong các trường, để "đến năm 2020, đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa, biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam".

Đề án có tổng kinh phí gần 9.400 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2008-2010 là 1.000 tỷ đồng, giai đoạn 2011-2015 gần 4.400 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 khoảng 4.000 tỷ đồng. Nhưng sau 8 năm thực hiện, đến nay Đề án làm được những gì?

 Nhiều địa phương còn thiếu trầm trọng giáo viên dạy tiếng Anh
chứ chưa nói đến giáo viên bản ngữ  Ảnh: 
Ngọc Thành.

Mục tiêu lớn nhưng đích đến còn xa vời

Trọng tâm của Đề án là giai đoạn 2016-2020 với nhiệm vụ triển khai chương trình ngoại ngữ 10 năm trên cả nước, từ lớp 3 đến lớp 12; tăng cường tiếng Anh trong tất cả trường nghề, cao đẳng và đại học. Đến nay, đề án tiêu tốn khoản tiền khá lớn nhưng chưa đạt được kết quả mong muốn.

Năm 2016, cả nước có khoảng 1,6 triệu học sinh lớp 3, 4, 5 trong tổng số gần 7,8 triệu học sinh được học tiếng Anh 4 tiết/tuần, chiếm khoảng 20%. Số còn lại tiếp cận với tiếng Anh với thời lượng 2 tiết/tuần. So với mục tiêu 100% học sinh lớp 3 được học chương trình tiếng Anh 10 năm thì đích đến vẫn còn xa. Đội ngũ giáo viên thiếu trầm trọng là khó khăn lớn nhất, cấp THCS hiện chỉ có hơn 33% đạt chuẩn và cấp THPT hơn 26%.

Số giáo viên đạt chuẩn của nhiều địa phương còn thấp hơn nhiều. Như Cao Bằng hiện chỉ có 86 giáo viên tiếng Anh trong khi có 275 trường. Nhiều tỉnh khác rơi vào hoàn cảnh tương tự, như Hà Giang, Bắc Kạn, Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Kon Tum, Khánh Hòa...

Đánh giá hiệu quả giai đoạn vừa qua, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng chất lượng đề án còn thấp, đặc biệt là tiếng Anh, thể hiện rõ trong kỳ thi THPT quốc gia. Giai đoạn mới cần thực hiện việc dạy và học cho chuẩn hơn. "Dạy và học ngoại ngữ mà chưa chuẩn thì thà không dạy còn hơn", ông nói.

Đội ngũ giáo viên "chuẩn mà chưa chuẩn"

Nhìn lại chặng đường 8 năm triển khai, nhiều tỉnh thành có số giáo viên "đạt chuẩn" nhưng năng lực thực tế ra sao thì lại là câu hỏi lớn. Tại hội nghị triển khai đề án giai đoạn 2016-2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 17/9, trong kế hoạch giai đoạn mới không có dòng nào đề cập đến những thành quả đạt được cũng như hạn chế của những năm 2008-2015.

Lãnh đạo nhiều sở giáo dục thẳng thắn chỉ ra bất cập trong công tác bồi dưỡng, tập huấn giáo viên để đạt chuẩn. Ông Nguyễn Minh Trí, Phó giám đốc Sở Giáo dục Quảng Ngãi cho biết, tỉnh này hiện có 80% giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn, nhưng qua khảo sát năng lực chuyên môn thì thấy còn rất yếu ở tất cả kỹ năng. Việc đạt chuẩn có phản ánh đúng thực chất hay không là câu hỏi lớn nên các cấp quản lý thường nói với nhau "Đạt chuẩn nhưng chưa chuẩn".

"Vậy nên khi phụ huynh hỏi Con tôi học ngoại ngữ vậy có dùng được không, tưởng dễ mà thật khó trả lời và rất nhiều cán bộ đào tạo phải né tránh", ông kể. 

Lãnh đạo nhiều Sở Giáo dục cho rằng điều kiện vùng miền khác nhau
nên khi triển khai đề án không thể "dàn hàng ngang mà tiến". Ảnh: Ngọc Thành

Ông Trí đánh giá, trong việc bồi dưỡng giáo viên các đơn vị chưa thật sự chủ động vào cuộc. Đa số giáo viên, đơn vị trường phổ thông và cả phòng giáo dục đều có tâm lý ỷ lại, trông chờ vào lớp bồi dưỡng do Sở và Bộ tổ chức. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025 toàn bộ giáo viên đạt chuẩn có phù hợp với thực tế và khoa học hay không là vấn đề phải bàn kỹ.

TS Đỗ Tuấn Minh, Hiệu trưởng Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng việc bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ được ưu tiên số 1, nhưng phải quanh năm, không thể chỉ diễn ra vào dịp hè và mang tính chất thời vụ. Hiện nay, việc bồi dưỡng còn ngắn, chỉ được tổ chức một lần cho đến khi giáo viên đạt chuẩn là kết thúc. Đôi khi, các cơ sở chỉ làm cho xong mà thiếu đi những hoạt động sau bồi dưỡng để giáo viên áp dụng.

Giám đốc Sở Giáo dục Hải Phòng Vũ Văn Trà đánh giá, việc học tiếng Anh hiện nay vẫn loay hoay ở hai kỹ năng là đọc, viết và chủ yếu phục vụ cho mục đích thi chứ chưa thực sự ứng dụng cao trong thực tiễn. Nhiều người bằng nọ, chứng chỉ kia nhưng đi dự hội thảo, tiếp xúc với người nước ngoài không dám nói. Việc đánh giá năng lực học sinh cũng mới dừng lại ở kỳ thi THPT quốc gia. Theo ông Trà, dạy tiếng Anh phải theo phương châm "Dạy đến đâu, dùng được đến đấy".

Hiện, chưa có khảo sát cụ thể về năng lực người học, song thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phượng, Phó trưởng khoa Ngoại ngữ, Đại học Tây Nguyên cho biết, ngoài lớp học thì môi trường thực hành ngoại ngữ của sinh viên ở đây hầu như không có. Trong số sinh viên còn nợ học phần tốt nghiệp thì tới 79% không đạt chuẩn đầu ra về ngoại ngữ. "Con số trên nói được rất nhiều về năng lực người học ở cấp học hiện tại", bà nói.

Theo bà Phượng, hiện khu vực Tây Nguyên rất thiếu giáo viên chuyên ngữ, chuyên ngành. Gần 40 năm qua, trường mới có một giảng viên ngoại ngữ là tình nguyện viên nước ngoài và mới kết thúc chương trình làm việc 9 tháng tại trường. Chưa kể, chương trình đào tạo giáo viên phổ thông đều chưa được xây dựng và triển khai. Tiếng Anh vẫn là môn tự chọn trong thi tốt nghiệp dẫn đến tỷ lệ học sinh chọn thi rất thấp.

Đề án giai đoạn 2016-2020 đưa lộ trình đạt chuẩn đối với giáo viên tiếng Anh các cấp học phổ thông quy định theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Năm 2016 là 45% giáo viên tiểu học, 55% giáo viên trung học cơ sở, 65% giáo viên THPT. Từ năm 2017-2019, tỷ lệ đạt chuẩn mỗi năm tăng thêm 10% đối với giáo viên các bậc học. Mục tiêu năm 2020 đạt chuẩn 100% giáo viên các bậc học. Đối với giảng viên đại học, cao đẳng, đề án đưa ra lộ trình năm 2018 phải đạt chuẩn 100%.

Đặc biệt, trong lộ trình triển khai dạy và học ngoại ngữ mới trong các cơ sở giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục đưa ra mục tiêu thí điểm dạy tiếng Nga, tiếng Trung, tiếng Nhật như ngoại ngữ 1 và tiếng Pháp, tiếng Hàn, tiếng Đức như ngoại ngữ 2. Nhiều ý kiến băn khoăn "Dạy tiếng Anh còn chưa tốt thì đưa thêm các ngoại ngữ khác vào chương trình liệu có ổn?".

Lãnh đạo địa phương cho rằng, điều kiện mỗi vùng miền khác nhau, nếu cứ "dàn hàng ngang mà tiến" như trước thì đề án sẽ gặp khó khăn và đề xuất Bộ nên định hướng dạy và học ngoại ngữ phù hợp với điều kiện vùng miền, mở rộng khung, chuẩn quy định để tăng sự lựa chọn cho các tỉnh thành.

6 nhiệm vụ của Đề án dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2016-2020:

- Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ theo chương trình 7 năm hiện hành (từ lớp 6 đến hết lớp 12); triển khai chương trình tiếng Anh mới của giáo dục phổ thông, đến năm học 2020-2021, 100% học sinh lớp 3 tiểu học, 70% học sinh 6 THCS và 60% học sinh lớp 10 THPT được học chương trình mới (10 năm). Đến năm 2025, phổ cập tiếng Anh trong trường phổ thông các cấp.

- Tăng cường môn ngoại ngữ đối với giáo dục nghề nghiệp. Đến năm 2020, 60% học sinh trường trung cấp, 100% sinh viên trường cao đẳng và tới năm 2025 có 90% học sinh trường trung cấp đạt trình độ bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam và có thể sử dụng tiếng Anh trong việc làm.

- Nâng cao ngoại ngữ trường chuyên và không chuyên. Đến năm 2018-2019, 100% các đại học triển khai đào tạo chương trình tiếng Anh tăng cường; 100% sinh viên chuyên ngữ tốt nghiệp đạt chuẩn (bậc 5 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam). Đến năm 2020 70% sinh viên không chuyên ngữ và đến năm 2025, 100% sinh viên không chuyên ngữ đạt chuẩn đầu ra khi tốt nghiệp (bậc 3).

- Đổi mới dạy, học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục thường xuyên, đến năm 2020, 50% người học đạt chuẩn đầu ra; đến năm 2025, 100% người học đạt chuẩn đầu ra theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. 

- Nâng cao ngoại ngữ cho nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ, viên chức trong các cơ quan nhà nước. Phấn đấu vào năm 2020: 40% cán bộ, công chức, viên chức nói chung có trình độ ngoại ngữ bậc 2 và 20% có trình độ bậc 3. Đến năm 2025, đạt tỷ lệ tương ứng là 60% và 40% . - Tiếp tục dạy và học các ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh như ngoại ngữ 1 và triển khai thí điểm việc dạy và học ngoại ngữ 2 trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Nguồn:VnExpress

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top