Đẩy mạnh bảo vệ quyền trẻ em và phụ nữ trong đào tạo thực hành sinh viên ngành báo chí truyền thông
21:35 14/11/2022
- Báo chí & Công chúng
Không chỉ đào tạo về lý luận nghiệp vụ báo chí nói chung, Viện Báo chí còn luôn chú trọng nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng khoa học và bản lĩnh chuyên môn, tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, nỗ lực phấn đấu giữ vững thương hiệu là đơn vị có uy tín hàng đầu về đào tạo, nghiên cứu báo chí - truyền thông trong và ngoài nước. Đặc biệt thúc đẩy, thực thi và giám sát quyền trẻ em và quyền phụ nữ luôn chú trọng được lồng ghép trong hoạt động giảng dạy, học tập, truyền thông của Viện Báo chí trong thời gian qua.
Viện Báo chí – Học viện Báo chí và Tuyên truyền:
Hiện nay, Viện Báo chí đào tạo 3 ngành cử nhân chính. Trong thời gian qua Viện đã gắn chặt giữa các lý luận nền tảng với thực hành nghề nghiệp và công nghệ đa phương tiện, với mục tiêu tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đòi hỏi thực tiễn ở cả 3 yếu tố phẩm chất đạo đức, kiến thức, kỹ năng một cách toàn diện. Các sản phẩm đào tạo thực hành, hoạt động ngoại khoá đã hỗ trợ tích cực cho sinh viên nâng cao kỹ năng nghiệp vụ. Trong đó, vấn đề thúc đẩy, thực thi và giám sát quyền trẻ em và quyền phụ nữ được lồng ghép trong hoạt động giảng dạy, học tập, truyền thông của Viện Báo chí, các cán bộ giảng viên, sinh viên. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ tổng hợp và đánh giá từ một vài góc độ tiêu biểu, có thể phân tích ở một số điểm như sau:
1. Một số sản phẩm tiêu biểu của sinh viên
Tin, bài, ảnh trên báo chí và các kênh truyền thông khác
Hoạt động thực tế, thực hành, thực tập nghiệp vụ, thực tập tốt nghiệp đã thúc đẩy sinh viên có rất nhiều tin, bài, ảnh trên báo chí về chủ đề này. Nhiều sinh viên cộng tác sớm với cơ quan báo chí, được tòa soạn đánh giá cao và trở thành nhà báo giỏi nghề, có tâm. Bên cạnh đó, các kênh truyền thông khác như đặc san Báo chí Trẻ, trang tin Truyền thông Trẻ, mạng xã hội… cũng được sinh viên tích cực truyền thông về sự kiện, nhân vật, vấn đề có liên quan. Ví dụ, trang tin Truyền thông Trẻ có một loạt bài viết về các hoạt động, dự án, giải thưởng sinh viên Viện Báo chí đã đoạt được về bình đẳng giới, bảo vệ quyền trẻ em và quyền phụ nữ như: “Em không sợ”: Cho đi một nghĩa cử - Nhận về cả hành trình hân hoan, 20-04-2020; “Stand Up!” - Hùng biện vì sự an toàn của phụ nữ và trẻ em gái, 03-05-2020; Dự án VACI: niềm tự hào của sinh viên báo chí, 12-05-2020; 4 trong 8 giải thưởng của cuộc thi “Sinh con gái - Hái niềm vui” thuộc về sinh viên Viện Báo chí, 06-10-2020; Sinh viên Viện Báo chí giành giải nhất cuộc thi về giới, 28-10-2020;… Hầu hết các trường hợp nghiên cứu trong bài viết này được lấy dữ liệu thông tin và hình ảnh từ trang tin Truyền thông Trẻ.
Truyền thông các sản phẩm dự thi trên fanpage Thắp Sáng 2022.
Trên các mạng xã hội, các thông tin, ảnh, podcast, video, infographic… được cá nhân, nhóm hoặc câu lạc bộ sinh viên truyền thông rất hiệu quả, bắt theo trend của giới trẻ tốt.
Dự án báo chí – truyền thông
Sinh viên có nhiều ý tưởng thú vị và triển khai dự án khá chuyên nghiệp trong các môn học như Dự án báo chí – truyền thông, Công chúng báo chí – truyền thông, Nhập môn truyền thông đại chúng… Liên quan vấn đề thúc đẩy, thực thi và giám sát quyền trẻ em và quyền phụ nữ, điển hình như Dự án “Em không sợ” - dự án đồng hành với các bệnh nhi ung thư được thực hiện bởi một nhóm sinh viên lớp Báo In K36A1 năm 2019. Dự án ra đời với sứ mệnh gây quỹ từ thiện, ủng hộ bệnh nhi ung thư gặp hoàn cảnh khó khăn tại Bệnh viện K Tân Triều (Hà Đông).
Bên cạnh hoạt động gây quỹ để giúp đỡ các bệnh nhi, dự án mang đến những thông điệp tích cực, lan tỏa mạnh mẽ thông điệp đó nhằm tiếp thêm hy vọng cho những chiến binh nhí đang chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác. Dự án có sự đồng hành của rất nhiều tổ chức, đơn vị bảo trợ truyền thông như: Vietnam Journey, CLB STV, phối hợp với sự tham gia của Bảo tàng Hà Nội… “Em không sợ” bắt đầu từ giữa tháng 9/2019 và kết thúc vào đầu tháng 12/2019. Chỉ trong hơn 2 tháng, dự án đã thực hiện được một chuỗi các hoạt động và sự kiện vô cùng ý nghĩa như: Đêm nhạc “Cất tiếng hát, át nỗi đau”, triển lãm “Em không sợ”, sản xuất phim ngắn cùng tên, gây quỹ, phát quà cho các bệnh nhi ung thư…
BTC dự án là nhóm sinh viên lớp Báo In K36A1. Ảnh: Fanpage Em không sợ.
Tổ chức các cuộc thi, triển lãm ảnh…
Điển hình như Cuộc thi hùng biện Stand Up được tổ chức thường niên từ năm 2019, do Câu lạc bộ Báo chí - Truyền thông CJC (thuộc Viện Báo chí quản lý) và Trung tâm Đồng hành cùng sinh viên AJC phối hợp tổ chức. Cuộc thi nhận được tài trợ từ Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng về Giới - Gia đình - Phụ nữ và vị thành niên CSAGA Vietnam và Tổ chức Bánh mỳ cho thế giới Brot - Fyr die welt (BfdW). Cuộc thi với chủ đề: Phòng chống quấy rối tình dục với phụ nữ và trẻ em gái là cơ hội để người tham gia bày tỏ quan điểm của mình và góp phần hành động, đẩy lùi nạn quấy rối tình dục với phụ nữ và trẻ em gái.
Đây là cuộc thi mang tính chất hùng biện dành cho các thí sinh dự thi với tư cách cá nhân (1 người) hoặc tư cách nhóm (không quá 3 người), là học sinh, sinh viên đang học tập và làm việc trên địa bàn Hà Nội. Chỉ sau vài ngày ra mắt, cuộc thi hùng đã thu hút được sự tham gia của đông đảo thí sinh đến từ nhiều trường đại học lớn trên địa bàn Hà Nội. Với phần thể hiện hết sức thuyết phục, đội thi Trustworthy đến từ Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã xuất sắc mang về giải nhất.
Vòng Chung kết cuộc thi diễn ra thành công tốt đẹp. Ảnh: Fanpage Cuộc thi hùng biện Stand Up
2. Sinh viên đoạt nhiều giải thưởng giá trị
Giải thưởng báo chí
Các thế hệ sinh viên đoạt nhiều giải thưởng khác nhau như giải Báo chí Quốc gia, Giải Báo chí về trẻ em.... Theo số liệu của nhà báo Trần Bá Dung, với cương vị từng làm Trưởng Ban Thư ký tổng hợp Giải BCQG, Phó Chủ tịch Hội đồng sơ khảo, thành viên thường trực Hội đồng chung khảo từ năm 2010 đến 2021, có thể khái quát sự đóng góp của cựu học viên, sinh viên Khoa Báo chí/Viện Báo chí qua góc nhìn là tác giả, tác phẩm đoạt Giải BCQG: “Tất cả 16 kỳ trao Giải BCQG (từ giải lần thứ nhất năm 2006 đến giải lần thứ 16 năm 2021, trao 21/6/2022), các giải hạng cao nhất (Giải A, B) đều có tác giả/nhóm tác giả là cựu học viên, sinh viên của Khoa”. Trong đó, có một số tác phẩm về quyền trẻ em và phụ nữ.
Giải thưởng truyền thông
Điển hình như một số giải sau: Cuộc thi “Tôi lên tiếng – Tôi hành động” năm 2020: sinh viên Viện Báo chí góp mặt ba giải thưởng ở các hạng mục khác nhau: Nhóm Le Aiga, sinh viên lớp Truyền thông đại chúng K39A1, Giải Chùm tác phẩm xuất sắc nhất; Nhóm F5, sinh viên lớp Truyền thông đại chúng K39A2 - Giải Ba thể loại Ảnh; Nhóm F4, sinh viên lớp Truyền thông đại chúng K39A1 - Giải có lượt tương tác cao nhất thể loại Video. Cuộc thi nhằm tìm kiếm các sản phẩm truyền thông truyền tải các thông điệp về ngăn ngừa và chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới (BLG) đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam, đồng thời kêu gọi sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là các bạn trẻ. Cuộc thi do Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) phối hợp với Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức.
Nhóm Le Aiga nhận giải thưởng. Ảnh: truyenthongtre.vn
Trong số các tác phẩm được trao giải của sinh viên Viện Báo chí tại cuộc thi “Tôi lên tiếng - Tôi hành động”, chùm sản phẩm của nhóm Le Aiga trải dài ở cả 3 hạng mục đã để lại nhiều cung bậc cảm xúc trong lòng công chúng. Giải Nhì hạng mục Emoji/Emoticon của cuộc thi "Tôi lên tiếng - Tôi hành động" được trao cho nhóm Le Aiga là một giải thưởng không có trong thể lệ ban đầu của cuộc thi nhưng được Ban Giám khảo nhất trí trao cho nhóm sản phẩm truyền thông tốt nhất. Những tác phẩm của Le Aiga có chất lượng tốt, đều thể hiện thông điệp tích cực về phòng chống bạo lực với phụ nữ.
Cuộc thi sản xuất clip ngắn với chủ đề “Sinh con gái - Hái niềm vui” năm 2020. Trong số 8 giải thưởng được trao, sinh viên Viện Báo chí nhận được 4 giải thưởng, bao gồm 2 giải ba và 2 giải khuyến khích. Cụ thể, nhóm sinh viên lớp Truyền thông đại chúng K38 do Hoàng Thu Hường làm trưởng nhóm đoạt giải ba; sinh viên lớp Truyền thông đại chúng K39A1 do Nguyễn Bá Khải làm trưởng nhóm đạt giải ba; nhóm sinh viên lớp Truyền thông đại chúng K38 do Đỗ Thanh Trúc làm trưởng nhóm đạt giải khuyến khích; nhóm sinh viên lớp Truyền thông đại chúng K39A1 do Đỗ Duy Anh làm trưởng nhóm đạt giải khuyến khích.
Các thí Sinh viên trong cuộc thi. Ảnh: truyenthongtre.vn
Cuộc thi "Sinh con gái - Hái niềm vui" nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của vấn đề lựa chọn giới tính thai nhi trên cơ sở định kiến giới ở Việt Nam. Cuộc thi do Trung tâm Nghiên cứu và Khoa học Ứng dụng về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) phối hợp với TikTok tổ chức, với sự hỗ trợ của Chính phủ Na Uy, Đại sứ quán Hà Lan và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam. Cuộc thi này khuyến khích các cá nhân và các nhóm thanh niên Việt Nam xây dựng các video clip ngắn để đăng tải trên nền tảng TikTok với hashtag #SinhcongaiHainiemvui (GirlsDeserveToShine). Các video clip dự thi chia sẻ những câu chuyện và truyền tải những thông điệp về vai trò quan trọng của phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội, thách thức định kiến giới đối với phụ nữ và phân biệt đối xử trên cơ sở giới, thúc đẩy các thực hành tốt về tôn trọng phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời chia sẻ các giải pháp để thay đổi các thực hành có hại của việc lựa chọn giới tính do tâm lý ưa thích con trai và hạ thấp giá trị của trẻ em gái ở Việt Nam.
Giải Báo chí - Truyền thông Thắp sáng được tổ chức bắt đầu từ 2021 dành cho các bạn trẻ là học sinh, sinh viên có niềm đam mê trong lĩnh vực báo chí - truyền thông. Nhiều sinh viên của Viện Báo chí đã đoạt các giải thưởng có giá trị tại cuộc thi này năm 2021 và 2022. Điển hình như Dự án “Woman care” của nhóm sinh viên Truyền thông đại chúng K39 đoạt Giải A giải Báo chí Truyền thông Thắp sáng 2021 – 2022.
3. Mô hình đào tạo lấy người học làm trung tâm
Khoa Báo chí trước đây và Viện Báo chí hiện nay đều đào tạo theo mô hình lấy người học làm trung tâm, với nhiều phương thức đào tạo thực hành tiêu biểu như:
Các sản phẩm thực hành nghiệp vụ
Đặc san Báo chí Trẻ: Năm 2004, Viện Báo chí (trước là Khoa Báo chí) chính thức xuất bản ấn phẩm “Báo chí Trẻ”. Sau một số năm ngừng phát hành, 6/2017, Đặc san Báo chí Trẻ chính thức xuất bản trở lại, phát hành định kỳ hàng tháng. Đặc san Báo chí Trẻ vừa cung cấp thông tin vừa là môi trường thực hành đào tạo nghiệp vụ báo chí – truyền thông chuyên nghiệp dành cho sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Nhiều thành viên của Đặc san Báo chí Trẻ khi ra trường đã trở thành những nhà báo nổi tiếng.
Trang thông tin điện tử “Báo chí với trẻ em”: Trong khuôn khổ Dự án "Nâng cao năng lực tác nghiệp của nhà báo về đề tài trẻ em" phối hợp với tổ chức Cứu trợ trẻ em Thuỵ Điển (Save the Children Sweden - SCS), năm 2005 Viện Báo chí (trước là Khoa Báo chí) đã phát triển trang thông tin điện tử “Báo chí với trẻ em” (cmvn.org.vn). Năm 2008, trang thông tin điện tử này từ năm 2006 đã lọt top 300.000 website được ưa chuộng nhất trên toàn cầu theo xếp hạng của Alaxa. Viện đã tập huấn cho hơn 1000 nhà báo, nhà truyền thông làm việc với trẻ em.
Trang thông tin điện tử Truyền thông trẻ (www.truyenthongtre.vn) là địa chỉ kết nối, xây dựng mạng lưới các thành viên là chuyên gia, cơ sở đào tạo và nghiên cứu về báo chí – truyền thông được phụ trách bởi Viện Báo chí – Học Viện Báo chí và Tuyên truyền. Trang thông tin có quy trình xuất bản và quản lí thông tin được kiểm soát chặt chẽ, chuyên nghiệp, bao gồm nhiều bước. Mọi người trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là báo chí – truyền thông có thể tìm tới trang tin điện tử Truyền thông trẻ (ioj.vn) để trao đổi học thuật, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí – truyền thông.
Fanpage Viện Báo chí, Học viện Báo chí và tuyên truyền (https://www.facebook.com/vienbaochi/) là diễn đàn thông tin – truyền thông của các thế hệ thầy trò Viện Báo chí, và là nơi trao đổi thông tin và kết nối giữa các lớp thế hệ sinh viên và thầy trò, với hơn 9.000 lượt thích và nhận được hơn 10.000 lượt theo dõi. Fanpage thường xuyên đăng tải những thông tin chính thống với góc nhìn đa chiều, giúp sinh viên tiếp cận với các nguồn tin, nhằm nâng cao trình độ hiểu biết, tiếp cận với nghề nghiệp sớm, học hỏi các thế hệ đi trước.
Dự án, triển lãm Ảnh báo chí: Viện Báo chí thường xuyên tổ chức triển lãm ảnh báo chí, nghệ thuật theo các chủ đề khác nhau.
Liên kết với các cơ quan báo chí – truyền thông: Ngoài ra, Viện Báo chí còn thường xuyên phối hợp với nhiều cơ quan báo chí, truyền thông xuất bản các chuyên trang, chuyên mục, chương trình phát thanh truyền hình hoặc ấn phẩm báo chí, truyền thông. Viện Báo chí luôn chú trọng nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng khoa học và bản lĩnh chuyên môn, tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, nỗ lực phấn đấu giữ vững thương hiệu là đơn vị có uy tín hàng đầu về đào tạo, nghiên cứu báo chí - truyền thông trong và ngoài nước.
Các câu lạc bộ
Viện Báo chí rất coi trọng phát triển các câu lạc bộ chuyên môn, nghiệp vụ báo chí như: Câu lạc bộ Báo chí truyền thông; Câu lạc bộ Báo chí điều tra, Câu lạc bộ Ảnh báo chí; Câu lạc bộ Báo chí điều tra; Câu lạc bộ Đọc báo Quân đội nhân dân…
Ngoài giờ học chính khóa và tham gia các câu lạc bộ nghiệp vụ, sinh viên Viện Báo chí còn thường xuyên tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao như: Press Beauty (Tài sắc nữ sinh báo chí), thi đấu bóng đá nam, nữ, dã ngoại, triển lãm ảnh báo chí hằng năm…
Điển hình như Câu lạc bộ Báo chí Truyền thông CJC có tiền thân là câu lạc bộ Báo chí điều tra. Năm 2013, Khoa Báo chí - Học viện Báo chí Tuyên truyền đề xuất dự án xây dựng và vận hành câu lạc bộ Báo chí Truyền thông - CJC như một sáng kiến hướng đến việc đào tạo sinh viên báo chí, đáp ứng thực tế ngành học, đồng thời tạo môi trường hoạt động báo chí lành mạnh cho sinh viên Khoa Báo chí, nay là Viện Báo chí, trực thuộc Học viện Báo chí Tuyên truyền. Ngày 29/3/2014, câu lạc bộ Báo chí Truyền thông - CJC chính thức được thành lập bởi PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng - Viện trưởng Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Câu lạc bộ vận hành dưới giúp đỡ, quan tâm từ các giảng viên hàng đầu trong và ngoài Viện báo chí. Bên cạnh việc tham gia, tổ chức các chương trình truyền thông, CJC cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động rèn luyện, đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ báo chí - truyền thông cho các thành viên trong câu lạc bộ nhằm tạo điều kiện học hỏi, trải nghiệm cho các thành viên. Hiện nay CLB Báo chí Truyền thông - CJC đang vận hành và phát triển nhiều kênh truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội khác nhau. Fanpage của CJC trên Facebook tính đến nay đã đạt gần 15 nghìn lượt theo dõi, các nền tảng khác như Instagram, Tiktok, Soundcloud tuy chỉ vừa mới ra đời song cũng nhận được sự quan tâm lớn.
TS Lê Thu Hà, Phó Viện trưởng Viện Báo chí
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Hoa hậu Môi trường thế giới năm 2023 Nguyễn Thanh Hà: Môi trường chỉ có thể tốt hơn nếu lối sống của chúng ta thay đổi (08:18 09/11/2024)
- Hội đồng nữ doanh nhân Việt Nam - ASEAN báo công dâng Bác (03:43 22/10/2024)
- Báo chí kiến tạo, phát triển để hội nhập với nền báo chí hiện đại trên thế giới (02:21 27/08/2024)
- Ngành Thông tin và Truyền thông quyết liệt thực hiện chuyển đổi số quốc gia (03:02 30/07/2024)
- Thành phố Hồ Chí Minh: Trao giải và triển lãm ảnh “Khoảnh khắc tươi đẹp quanh ta” (09:18 29/06/2024)