Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Công tác quản lý thông tin đối ngoại trên báo chí truyền thông

Ngày 8/01, tại Hà Nội, Tạp chí Người Làm Báo (Hội Nhà báo Việt Nam) phối hợp với Khoa Quan hệ Quốc tế (Học viện Báo chí & Tuyên truyền) và Truyền hình HITV/Truyền hình Cáp Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học trực tuyến "Công tác quản lý thông tin đối ngoại trên báo chí truyền thông".

Các đại biểu dự Hội thảo khoa học trực tuyến

Dự Hội thảo khoa học có Đại sứ Nguyễn Phú Bình - Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài; Đại sứ, TS. Nguyễn Thanh Sơn - Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; TS. Nguyễn Ngọc Trường - Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu chiến lược và phát triển quan hệ quốc tế. Ngoài ra, còn có các nhà khoa học, các chuyên gia về thông tin đối ngoại, các nhà báo, nhà ngoại giao; cùng các giảng viên khoa Ngoại giao, khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Ngoại giao, Học viện Báo chí & Tuyên truyền, Lãnh đạo các cơ quan thông tấn báo chí, phóng viên các cơ quan báo chí và cơ quan thường trú nước ngoài và các phóng viên trong nước.....

Ban chủ trì Hội thảo khoa học trực tuyến

Chủ trì Hội thảo khoa học là PGS.TS. Dương Văn Quảng - Nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao; PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh – Trưởng Khoa Quan hệ Quốc tế - Học viện Báo chí & Tuyên truyền; PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm Báo; Nhà báo Vũ Duy Hưng - Phó Giám đốc Trung tâm Truyền hình Nhân Dân – Báo Nhân Dân.

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Nhà báo Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Thông tin đối ngoại nói chung và thông tin đối ngoại trên báo chí nói riêng luôn được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm. Trong suốt quá trình phát triển của đất nước, trong những giai đoạn đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và đấu tranh bảo vệ nền độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và hội nhập quốc tế, thông tin báo chí đối ngoại luôn đóng vai trò quan trọng. 

Theo nhà báo Nguyễn Đức Lợi, cùng với cuộc đấu tranh quân sự và hoạt động ngoại giao, thông tin báo chí đối ngoại đã góp phần quan trọng trong việc nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam; xây dựng hình ảnh đất nước Việt Nam hòa bình, thịnh vượng và phát triển.

Với xu thế hội nhập quốc tế ngày càng được mở rộng trong tất cả các lĩnh vực, nhu cầu cung cấp thông tin từ Việt Nam ra thế giới và đưa thế giới đến gần hơn với Việt Nam ngày càng trở nên cấp thiết. Đảng, Nhà nước luôn có chủ trương phát triển công tác thông tin đối ngoại, trong đó coi trọng việc xây dựng hệ thống báo chí đối ngoại trên trường quốc tế.

Năm 2021 là một năm đầy khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19 trên phạm vi toàn cầu, công tác thông tin đối ngoại nói riêng và truyền thông nói chung có một năm đầy khó khăn vất vả, nhưng với sự nỗ lực vượt khó, ngành thông tin đối ngoại và báo chí truyền thông hoàn thành nhiệm vụ cao cả của mình.

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi hoan nghênh sáng kiến của Tạp chí Người Làm Báo đã phối hợp với Khoa Quan hệ Quốc tế - Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Hội thảo khoa học bằng hình thức trực tuyến với chủ đề: “Công tác quản lý thông tin đối ngoại trên báo chí truyền thông” vào những ngày đầu năm 2022. Đây là chương trình hết sức có ý nghĩa trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta đang đang triển khai thực hiện Chỉ thị số 01-CT/TW, ngày 09/3/2021 của Bộ Chính trị về nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đặc biệt trong thời điểm Hội Nhà báo Việt Nam vừa tổ chức thành công Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam với phương châm "Đoàn kết – Kỷ cương – Đổi mới – Sáng tạo – Phát triển". Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, ông mong rằng, các cấp Hội và các cơ quan báo chí truyền thông tiếp tục thực hiện thật tốt công tác tuyên truyền nói chung và công tác thông tin đối ngoại nói riêng, góp phần xây dựng đất nước  hùng cường, thịnh vượng và phát triển.

Đại sứ Nguyễn Phú Bình – Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài phát biểu

Ở phiên thứ nhất của Hội thảo, về công tác quản lý thông tin đối ngoại ở Việt Nam và thế giới, Đại sứ. Nguyễn Phú Bình – Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài đánh giá: Công tác đối ngoại đã góp phần tiếp tục duy trì, củng cố môi trường hòa bình ổn định, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ ở Việt Nam... Theo Đại sứ Nguyễn Phú Bình, qua báo chí truyền thông, những hình ảnh biển đảo và chiến sĩ hải quân Việt Nam đã được các kiều bào nước ngoài biết đến để từ đó hiểu rõ hơn về tình hình chủ quyền Việt Nam...

Đại sứ Nguyễn Phú Bình cho rằng, phương châm của đối ngoại Việt Nam là nói sự thật, để bạn bè quốc tế hiểu đúng, hiểu chính xác về Việt Nam.

Ông cũng đánh giá cao vai trò của truyền thông đại chúng trong việc tăng cường công tác thông tin đối ngoại ra bên ngoài, đóng góp lớn vào việc phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ chủ quyền đất nước.

Đại sứ, TS Nguyễn Thanh Sơn - Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phát biểu

Tiếp đó, Đại sứ, TS Nguyễn Thanh Sơn - Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài nêu chủ đề về báo chí truyền thông (đặc biệt là thông tin đối ngoại) đóng vai trò quan trọng vào sự nghiệp phát triển của mỗi quốc gia...

Ông cho rằng, các "binh chủng" làm công tác thông tin đối ngoại của báo chí Việt Nam cần có sự phối hợp và phân vai để nâng cao hiệu quả thông tin.

Theo TS Nguyễn Thanh Sơn, những hoạt động thông tin đối ngoại của người Việt Nam tại nước ngoài cũng rất quan trọng. Chúng ta có 5 triệu kiều bào tại nước ngoài, do đó thông tin đối ngoại cần quan tâm đến lực lượng kiều bào này.

TS Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh, làm tốt công tác thông tin đối ngoại sẽ giúp kinh tế xã hội đất nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Ông dẫn chứng về công tác phòng chống đại dịch Covid-19 của Việt Nam, qua "ngoại giao vắc xin", chúng ta đã phủ phần lớn dân số Việt Nam, giảm thiểu các ca nặng Covid-19, giúp phục hồi nhanh hơn kinh tế xã hội Việt Nam. Ông đánh giá, chính sự ủng hộ của các quốc gia trên thế giới, chúng ta đã đẩy nhanh tiến độ 

Ông mong rằng, trong thời gian tới, các cơ quan báo chí cần chuyển đổi số mạnh mẽ hơn để thông tin đối ngoại của chúng ta càng nhanh bao nhiêu thì bạn bè thế giới càng hiểu rõ hơn về đất nước con người Việt Nam...

PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh – Trưởng Khoa Quan hệ Quốc tế - Học viện Báo chí & Tuyên truyền phát biểu

PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh – Trưởng Khoa Quan hệ Quốc tế - Học viện Báo chí & Tuyên truyền rất tâm đắc với những phát biểu của Đại sứ Nguyễn Phú Bình và Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn. Với vai trò của một nhà giáo, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Oanh luôn hướng dẫn sinh viên khoa Quan hệ Quốc tế của mình học hỏi những tấm gương ngoại giao của đất nước và tích cực trau dồi kiến thức về thông tin đối ngoại.

 PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm Báo

PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm Báo tiếp tục nhấn mạnh vai trò của thông tin đối ngoại trong tình hình hiện nay. Ông cũng đề xuất công tác quản lý thông tin đối ngoại hiện nay cần chuyên nghiệp hơn, mạnh mẽ hơn, các cơ quan báo chí cần tích cực chuyển đổi số để công tác thông tin đối ngoại đạt hiệu quả hơn nữa.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường - Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu chiến lược và phát triển quan hệ quốc tế phát biểu

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường - Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu chiến lược và phát triển quan hệ quốc tế tán thành việc phải làm thế nào để tuyên truyền cho được những thành quả bảo vệ chuyển quyền biển đảo hiện nay. Theo ông, hiện nay, Việt Nam đang ở trong vị thế rất đặc biệt và có địa chiến lược. Do đó, các cơ quan ngoại giao và đối ngoại cần luôn chủ động trong công tác quản lý thông tin đối ngoại...

TS Nguyễn Ngọc Trường đề xuất, cần tăng nguồn lực cho các cơ quan đối ngoại để làm tốt hơn nữa công tác thông tin...

Nhà báo Diễm Hạnh – Quyền Phó Tổng biên tập, Trưởng Ban Thư ký tòa soạn Báo Thế giới và Việt Nam phát biểu

Nhà báo Diễm Hạnh – Quyền Phó Tổng biên tập, Trưởng Ban Thư ký tòa soạn Báo Thế giới và Việt Nam chia sẻ những kinh nghiệm của Ấn Độ trong công tác thông tin và quản lý thông tin đối ngoại thông qua dẫn chứng về công tác phòng chống Covid-19 của Ấn Độ.

Nhà báo Diễm Hạnh đã nêu thành công của Bộ Ngoại giao Ấn Độ trong công tác thông tin đối ngoại thông qua việc tương tác trên các trang mạng xã hội, thu hút hàng chục triệu người theo dõi. Bên cạnh đó, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Ấn Độ cũng có lượng tương tác rất tốt trên đó...

Nhà báo Diễm Hạnh tiếp tục nêu thành công của báo chí truyền thông Ấn Độ trong công tác thông tin Đài Phát thanh toàn Ấn Độ với việc phát sóng 22/24h/ngày, với 22 thứ tiếng. 

Ấn Độ có hằng trăm tổ chức và hàng ngàn học giả nghiên cứu về Ấn Độ đang sinh sống và làm việc ở nhiều quốc gia trên thế giới. Những học giả đó đã góp phần quảng bá Ấn Độ ra thế giới...

PGS.TS. Dương Văn Quảng - Nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao phát biểu

PGS.TS. Dương Văn Quảng - Nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao tổng kết phiên thứ nhất, ông nêu lại công tác thông tin đối ngoại và quản lý thông tin đối ngoại tại Việt Nam hiện nay. Đồng thời ông cũng đánh giá lại những kinh nghiệm của nước ngoài trong công tác thông tin đối ngoại để Việt Nam có thể học hỏi.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong – Nguyên Phó ban tuyên truyền lý luận báo Nhân Dân phát biểu

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong – Nguyên Phó ban tuyên truyền lý luận báo Nhân Dân đã nghiên cứu rất sâu về truyền thông đại chúng ở Việt Nam và truyền thông quốc tế. Theo ông, một trong những khó khăn hiện nay là cơ sở dữ liệu và quyền tiếp cận cơ sở dữ liệu của công tác đối ngoại. Nhu cầu tiếp cận thông tin, cơ sở dữ liệu là cần thiết nên có cần có đầu mối xây dựng. 

Theo TS Minh Phong, trong việc xây dựng CSDL, cần có một đội đặc nhiệm, chuyên gia những nhà báo kì cựu xây dựng cơ sở dữ liệu theo hiểu biết để cập nhật toàn diện thông tin, do đó, cần đặt hàng trả tiền cho những thông tin này.

TS Minh Phong nhấn mạnh, cần sự phối hợp để tìm đa dạng bổ sung thông tin báo chí giữa báo in báo điện tử,... đảm bảo tính dài hạn. Cần có sự phân quyền, đảm bảo tính định hướng, chủ động các thông tin báo chí đối ngoại. Ngoài ra, TS Minh Phong đề xuất cần có những chế tài xử phạt vi phạm an ninh mạng,... để răn đe, xử lý những thông tin sai sự thật về thông tin đối ngoại...

Bà Phạm Thu Hằng – Phó Vụ trưởng Vụ thông tin báo chí Bộ Ngoại giao phát biểu

Bà Phạm Thu Hằng – Phó Vụ trưởng Vụ thông tin báo chí Bộ Ngoại giao nêu chủ đề: Vai trò của Báo chí truyền thông quốc tế trong định hướng dư luận xã hội và giới thiệu quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam….

Bà Thu Hằng nhấn mạnh, trong lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại nên coi lực lượng phóng viên nước ngoài là lực lượng quan trọng. Trước đây khi chưa có Covid, hằng năm 2000 - 4000 phóng viên nước ngoài vào Việt Nam tham dự các hội nghị quốc tế. Trong các sự kiện, Việt Nam đã tranh thủ quảng bá về đất nước con người Việt Nam. 

Hiện nay do Covid 19, phóng viên nước ngoài bị hạn chế đến Việt Nam, bà Thu Hằng đề xuất sáng kiến đưa thông tin trực tuyến trong các sự kiện lớn của đất nước và các chuyến đi festour đi đến các tỉnh thành Việt Nam. Theo bà Thu Hằng, đây là một kênh thông tin vô cùng quan trọng, vì nếu chỉ mình ta nói thì chưa đủ nếu có các phóng viên nước ngoài nói một cách công bằng, chính xác sẽ tăng cường thông tin đối ngoại  Việt Nam hơn.

Nhà báo Bảo Lê – Quyền Trưởng phòng chuyên đề 1 Truyền hình Đài tiếng nói Việt Nam phát biểu

Nhà báo Bảo Lê - Quyền Trưởng phòng chuyên đề 1 Truyền hình Đài tiếng nói Việt Nam chia sẻ về hoạt động nghiệp vụ trong quá trình sản xuất các chương trình thông tin đối ngoại... Nhà báo Bảo Lê đã chia sẻ những kinh nghiệm của Nhật Bản trong công tác thông tin đối ngoại, qua việc trao đổi và mời phóng viên các quốc gia đến sinh sống và tác nghiệp tại Nhật Bản trong 1 năm.

Nhà báo Bảo Lê chia sẻ những xúc động khi tác nghiệp tại biển đảo, cho khán giả là những kiều bào, đồng bào nhìn thấy hình ảnh những chiến sĩ, những người dân đang kiên cường bám biển, bám đảo, bảo vệ chủ quyền đất nước...

Tổng kết phiên thứ 2, PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh – Trưởng Khoa Quan hệ Quốc tế - Học viện Báo chí & Tuyên truyền tiếp tục đánh giá vai trò quan trọng của các phóng viên, nhà báo nước ngoài trong công tác thông tin đối ngoại hiện nay.

TS Nguyễn Thị Thương Huyền - Giảng viên Khoa Quan hệ Quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu

TS Nguyễn Thị Thương Huyền - Giảng viên Khoa Quan hệ Quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nêu chủ đề về Quy trình sản xuất của báo chí đối ngoại ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm báo chí. Theo TS Huyền, vai trò của báo chí đối với công tác TTĐN hiện nay càng được khẳng định và để đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới thì các hình thức TTĐN đang trở nên phong phú, đa dạng gắn liền với sự phát triển của báo chí Việt Nam. Các loại hình như báo in, phát thanh, truyền hình và báo mạng điện tử ở Việt Nam đã không ngừng phát triển góp phần tích cực vào kết quả của TTĐN trong thời gian qua. Nếu như trước đây, báo chí đối ngoại được hiểu là những cơ quan báo chí chuyên trách thực hiện nhiệm vụ thông tin đối ngoại thì hiện nay trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và mạng Internet thì các cơ quan báo chí và đặc biệt là báo điện tử đang thực hiện nhiệm vụ thông tin đối ngoại và để có được sản phẩm báo chí hay, sản phẩm truyền thông tốt thì khâu tổ chức sản xuất đóng vai trò rất quan trọng.

Thực tế nghiên cứu và khảo sát, TS Huyền nhận thấy rằng là ngôn ngữ là một trong những yếu tố quyết định đến sự thành thành công trong việc tiếp cận đối tượng công chúng và các sản phẩm đối ngoại. Tôi xin đưa ra một vài ví dụ cho câu chuyện này:

Ở Ban phát thanh đối ngoại VOV5 - Đài Tiếng Nói Việt Nam mô hình tổ chức nghiệp vụ của VOV5 gồm các thành phần như sau: Phòng Thư ký biên tập họ sẽ có nhiệm vụ sản xuất nội dung tin bài, tiếng động ảnh cho các chương trình phát thanh và trang web, 12 phòng tiếng có nhiệm vụ biên dịch, thu dựng các chương trình phát thanh và tổ chức trang web bằng 12 thứ tiếng theo cách tổ chức này 90% nội dung tuyên truyền đối ngoại của VOV5 sẽ do phòng thư ký biên tập sản xuất, kế hoạch sản xuất sẽ được lên hàng tuần, hàng tháng hoặc trước mỗi đợt cao điểm về tuyên truyền chi tiết đến từng tin, tiếng động, từng sự kiện, từng góc tiếp cận với mỗi chủ đề đối ngoại. Sau đó kế hoạch này sẽ được lãnh đạo phê duyệt được cung cấp cho các phòng biên dịch sớm từ 2h cho đến 6h/ngày trước giờ thu dựng phát sóng tùy mức độ nóng của tin bài. Và các phòng biên dịch sẽ dịch các sản phẩm này hiệu đính qua chuyên gia nước ngoài, lãnh đạo hệ duyệt và sẽ được thu dựng phát sóng. Và chúng ta có thể thấy rằng chỉ có 10% nội dung tuyên truyền đối tượng là các phòng biên dịch họ sẽ chịu trách nhiệm sản xuất và quá trình này, quy trình này có ưu điểm là lãnh đạo ban dễ dàng quản lý  tổ chức và mọi sản phẩm của VOV5 sẽ được kiểm soát chặt chẽ về nội dung ngay từ khâu đầu vào đến khâu đầu ra. Các lãnh đạo phòng biên dịch, họ sẽ là người chịu trách nhiệm về ngôn ngữ về dịch thuật vì thực tế chúng ta thấy không có lãnh đạo ban nào có thể biết được 12 thứ tiếng nước ngoài để có thể kiểm soát được 12 chương trình phát thanh và trang web.

Ở Việt Nam News, đây là tờ báo tiếng Anh hàng ngày có lượng người đọc rất cao và đây là một trong những ấn phẩm tiếng Anh có người nước ngoài tiếp cận và đọc nhiều nhất và để có được thành công đó thì Việt Nam News cũng đã có những cải tiến và nỗ lực đáng kể. Khi mà sáng tạo tác phẩm xong sẽ biên dịch, phiên dịch và gửi cho ekip người Mỹ ở Malaysia để hiệu đính cho chuẩn văn phong người nước ngoài, 30 phút sau sẽ gửi lại cho ban biên tập duyệt trước khi đưa bài lên mạng. Đây là một việc làm rất hiệu quả nâng cao tính chuyên nghiệp của tác phẩm. Qua nghiên cứu, tôi nhận thấy chính bước biên phiên dịch là một trong những vấn đề rất lớn. Các kênh báo chí đối ngoại ở nước ngoài sẽ thường do phóng viên, biên tập viên họ sử dụng ngôn ngữ như tiếng mẹ đẻ để tổ chức sản xuất. Ví dụ như các tác phẩm tiếng Anh viết cho đối tượng là người Mỹ thì sẽ do người Mỹ sáng tạo hoặc một tác phẩm tiếng Hàn sẽ do người Hàn Quốc viết và ngoài kĩ năng nghiệp vụ báo chí thì họ phải sử dụng ngôn ngữ một cách thành thạo. Tuy nhiên hầu hết cơ quan báo chí đối ngoại ở Việt Nam thì tin bài sẽ sản xuất bằng tiếng Việt sau đó sẽ qua khâu dịch thuật đây là một khâu trung gian có thể làm “tam sao thất bản” ngữ nghĩa của tin bài. Và theo tôi hiện nay, công chúng đã có nhiều sự thay đổi, yêu cầu của họ về nội dung, về hình thức cũng đã cao hơn chúng ta cũng cần có những sự thay đổi thích hợp để đáp ứng và để tốt hơn trong khâu sản xuất các sản phẩm bằng cách chúng ta có thể tổ chức sản xuất các sản phẩm này trực tiếp bằng tiếng nước ngoài  với cách trình bày hiện đại và phù hợp với thói quen tiếp nhận các sản phẩm truyền thông của công công chúng. Và để ý đến phản hồi của công chúng cũng là một trong những yếu tố đáng chú ý. Việc thường xuyên khảo sát ý kiến thông qua fanpage, email, qua các con số thống kê sẽ đo đếm được hiệu quả và rút ra được kinh nghiệm để hoàn thiện sản phẩm của mình. Và hướng đến đáp ứng một cách tối đa nhất những yêu cầu và mong muốn của công chúng.

TS Lưu Thuý Hồng - Phó Trưởng khoa Khoa quan hệ Quốc tế, Học viện Báo chí và Truyên truyền phát biểu

TS Lưu Thuý Hồng - Phó Trưởng khoa Khoa Quan hệ Quốc tế, Học viện Báo chí và Truyên truyền nêu chủ đề về các vấn đề toàn cầu trong quan hệ quốc tế và thông tin đối ngoại ở Việt Nam hiện nay.

Nhà báo TS Bích Yến - Phóng viên thường trú tại Áo

Nhà báo TS Bích Yến - phóng viên thường trú tại Áo nêu chủ đề: Hiệu quả công tác Truyền thông quốc tế trong việc quảng bá hình ảnh đất nước con người ở quốc gia này với quốc gia khác, kinh nghiệm truyền thông ở Áo.

Nhà báo Vũ Duy Hưng - Phó Giám đốc Trung tâm Truyền hình Nhân Dân – Báo Nhân Dân tổng kết phiên thứ 3

Nhà báo Vũ Duy Hưng - Phó Giám đốc Trung tâm Truyền hình Nhân Dân – Báo Nhân Dân tổng kết phiên thứ 3. Ông điểm lại những kinh nghiệm quản lý thông tin đối ngoại từ nước ngoài như Áo, Nhật Bản, Ấn Độ... và những bài học kinh nghiệm cho công tác quản lý thông tin đối ngoại của Việt Nam.

Tổng kết hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm Báo đánh giá thông tin đối ngoại trong thời gian qua góp phần thực hiện những nhiệm vụ chính trị, đối ngoại, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng theo chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước. Báo chí đối ngoại là một bộ phận của công tác thông tin đối ngoại giúp người dân trong nước hiểu về tình hình thế giới, đồng thời giúp cộng đồng quốc tế hiểu về Việt Nam….

Nhóm PV

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.