Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Công tác chỉ đạo, định hướng hoạt động báo chí và một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2017

Năm 2016, hoạt động báo chí nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và toàn diện, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ tuyên truyền đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cung cấp thông tin, phổ biến kiến thức, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần ngày càng cao của nhân dân; là cầu nối quan trọng giữa doanh nghiệp và nhà quản lý, hoạch định chính sách, giúp Nhà nước điều chỉnh những chủ trương, đường lối cho phù hợp với thực tiễn, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động...

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác Hội năm 2016. Ảnh:TL

Công tác chỉ đạo, quản lý báo chí có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, tích cực

Có được những ưu điểm, thành tích nêu trên, bên cạnh sự nỗ lực, vươn lên khắc phục khó khăn của các cơ quan báo chí và ý thức trách nhiệm xã hội của mỗi nhà báo, còn có vai trò quan trọng của công tác chỉ đạo, định hướng báo chí. Có thể khẳng định, năm 2016 là năm mà công tác chỉ đạo, quản lý báo chí đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, tích cực với một số kết quả nổi bật:

Thứ nhất, đẩy mạnh thực hiện một số văn bản chỉ đạo quan trọng như: Quy định 75, 155, 157 của Ban Bí thư (Khóa IX) về công tác báo chí, Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa XI) về phát triển và tăng cường quản lý báo chí điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên Internet. Việc đẩy mạnh thực hiện các quy định nêu trên đã góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về tư tưởng, chính trị, tổ chức cũng như tăng cường, nâng cao chất lượng quản lý của Nhà nước đối với các cơ quan báo chí, đặc biệt là đã phân định phạm vi, quyền hạn, cơ chế phối hợp giữa cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý Nhà nước, Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Cán sự Đảng, Đảng đoàn, cấp ủy địa phương, các cơ quan chủ quản; nâng cao vai trò cơ quan chủ quản; tăng cường công tác cán bộ gắn với xây dựng Đảng; thực hiện tốt hơn việc khen thưởng, kỷ luật, xử lý sai phạm...

Thứ hai, tăng cường cung cấp thông tin, chủ động phối hợp chỉ đạo, định hướng nội dung chính trị tư tưởng cho báo chí, giúp các cơ quan báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu thông tin, tri thức của xã hội. Các cơ quan chỉ đạo, quản lý đã kịp thời chỉ đạo, định hướng hoạt động báo chí; triển khai có hiệu quả việc thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ trước mắt, các tình huống đột xuất cũng như nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài. Đồng thời với quá trình triển khai nhiệm vụ tham mưu phục vụ công tác chỉ đạo, lãnh đạo, các đơn vị tham mưu và đội ngũ cán bộ tham mưu có bước trưởng thành hơn về tư duy chỉ đạo, trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị thể hiện rõ qua sự nhạy bén, linh hoạt hơn trong chỉ đạo, định hướng, xử lý các tình huống, sự việc, góp phần tích cực vào hoạt động thông tin, tuyên truyền của báo chí.

Thứ ba, tích cực triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm sai phạm trong nội dung báo chí. Phát huy kết quả công tác năm 2015, năm 2016, các cơ quan chỉ đạo, quản lý đã phối hợp triển khai thực hiện quyết liệt thanh tra, kiểm tra hoạt động báo chí, nhất là kiểm tra việc thực hiện nội dung chính trị, tư tưởng của cơ quan báo chí, nhất là các báo điện tử, trang và bản tin điện tử trên Internet, các phụ san, phụ trương, chuyên đề để sắp xếp, điều chỉnh phù hợp với tinh thần phát triển phải đi đôi với lãnh đạo và quản lý tốt báo chí. Đặc biệt, trong khen thưởng, kỷ luật, các cơ quan chỉ đạo, quản lý đã tăng cường phối hợp, xử lý nghiêm các báo, tạp chí vi phạm chủ trương, đường lối của Đảng, luật pháp chính sách của Nhà nước. Nhờ đó, hoạt động báo chí ngày càng đi vào nề nếp, các vi phạm nội dung chính trị tư tưởng giảm, chất lượng một số tờ báo, chương trình phát thanh, truyền hình, nhất là các báo, chương trình có đông độc giả, khán thính giả theo dõi được nâng lên một bước.

Một số mặt yếu kém, bất cập

Một là, công tác xây dựng, tham mưu xây dựng hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trên một số nội dung còn chậm; nhất là việc cụ thể hóa một số nội dung liên quan đến chỉ đạo, định hướng thông tin về các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm. Mặc dù Ban Bí thư đã ban hành các quyết định quan trọng nhằm chỉ đạo, định hướng chính trị, tư tưởng đối với các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm trong nội dung báo chí, nhưng trước thực tiễn phong phú của hoạt động báo chí, xuất bản, nhiều vấn đề mới phát sinh, đòi hỏi Đảng tiếp tục ban hành các văn bản cụ thể hóa hơn nữa những vấn đề này, qua đó tăng cường chủ động cho các cơ quan báo chí, xuất bản.

Hai là, công tác tham mưu định hướng chính trị tư tưởng trong nội dung báo chí còn một số mặt hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác chỉ đạo trong tình hình mới. Nổi bật là, vẫn còn tình trạng các đơn vị tham mưu và đội ngũ cán bộ tham mưu chưa nhạy bén, chủ động tham mưu; chưa xây dựng cơ chế nắm bắt thông tin dẫn đến tham mưu không kịp. Hệ lụy là, các cơ quan chỉ đạo, định hướng thông tin báo chí gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, đặc biệt trong việc nắm bắt, dự báo tình hình, dẫn đến tình trạng khi thì can thiệp quá sâu, khi lúng túng, bị động trong theo dõi, tham mưu, phối hợp giải quyết xử lý.

Ba là, còn xảy ra tình trạng phối hợp thiếu chặt chẽ trong công tác chỉ đạo, định hướng hoạt động báo chí. Nhận thức một số vấn đề cơ bản trong hoạt động báo chí chưa thống nhất. Sự phân công, phối hợp giữa cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí và cơ quan chủ quản chưa chặt chẽ, rõ ràng. Việc phát hiện, xử lý sai phạm ấn phẩm báo chí trong một số trường hợp còn chậm. Yêu cầu chủ động cung cấp thông tin, cách tốt nhất, hiệu quả nhất để định hướng thông tin cho báo chí lại chưa được nhiều cấp ủy, đảng, chính quyền địa phương coi trọng, quan tâm thỏa đáng.

Những công việc trọng tâm năm 2017

Năm 2017 là năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Cùng với cả hệ thống chính trị, các cơ quan báo chí đang đứng trước nhiệm vụ, trách nhiệm nặng nề, đặc biệt là yêu cầu tuyên truyền, đưa Nghị quyết Đại hội XII và các nghị quyết Hội nghị Trung ương vào cuộc sống. Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ trên, các cơ quan chỉ đạo, định hướng hoạt động báo chí cần tập trung làm tốt 8 công việc sau:

Tiếp tục đổi mới tư duy chỉ đạo, quản lý báo chí theo phương châm: chủ động, kịp thời, thuyết phục, hiệu quả; khắc phục cơ bản tình trạng thiếu thống nhất trong chỉ đạo, định hướng thông tin giữa các cơ quan chỉ đạo, quản lý; giữa cơ quan chỉ đạo, quản lý với cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí; giữa lãnh đạo báo chí với phóng viên, biên tập viên, nhất là đối với các nội dung quan trọng, phức tạp, nhạy cảm.

Tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm việc thực hiện các quyết định của Ban Bí thư, Bộ Chính trị về chỉ đạo công tác báo chí; xây dựng đề án trình Ban Bí thư xem xét, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Đảng trong chỉ đạo công tác báo chí.

Đổi mới, nâng cao chất lượng giao ban báo chí, khắc phục cơ bản sự chồng lấn giữa các đơn vị, tăng cường đối thoại, tạo sự đồng thuận, tự giác trong thực hiện định hướng thông tin; xây dựng cơ chế phối hợp chỉ đạo nhằm bảo đảm tính tập trung, thống nhất, linh hoạt, lấy hiệu quả làm căn cứ đánh giá chất lượng chỉ đạo, quản lý.

Thực hiện nghiêm quy định chỉ đạo, định hướng thông tin theo tinh thần của Quyết định 157-QĐ/TW ngày 29 tháng 4 năm 2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Quy định về chỉ đạo, định hướng chính trị, tư tưởng, nhất là đối với các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm trong nội dung thông tin báo chí. Ban Tuyên giáo Trung ương phải là cơ quan đầu mối trực tiếp chỉ đạo, định hướng thông tin, nhất là thông tin quan trọng, phức tạp, nhạy cảm về đối nội, đối ngoại trên báo chí. Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan phối hợp thường xuyên với Ban Tuyên giáo Trung ương trong việc thực hiện quy định này.

Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, xây dựng và thực hiện nghiêm quy chế phát ngôn của bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị mình; chủ động thống nhất ý kiến với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan để tăng cường cung cấp thông tin cho báo chí, nhất là các thông tin quan trọng, phức tạp, nhạy cảm trên tinh thần thông tin trung thực, khách quan, đúng với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, bảo đảm lợi ích quốc gia, tôn trọng lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân, phục vụ kịp thời công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của cơ quan có trách nhiệm và nhu cầu thông tin của nhân dân.

Tuyên truyền sâu rộng và đưa Luật Báo chí vào thực hiện; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quy hoạch phát triển báo chí giai đoạn 2025- 2030. Trước mắt, tập trung thanh tra, kiểm tra việc thực hiện tôn chỉ, mục đích, giấy phép hoạt động một số cơ quan báo chí có nhiều ấn phẩm phụ, chuyên trang, chuyên đề, trang thông tin điện tử; các đơn vị liên kết hoạt động báo chí có nhiều sai phạm.

Lãnh đạo các cơ quan chủ quản báo chí và các cơ quan báo chí tiếp nhận, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo, định hướng thông tin của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, nhất là đối với những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm; giữ vững kỷ luật thông tin; xử lý nghiêm, kịp thời các sai phạm của cơ quan báo chí và các cá nhân liên quan; nghiên cứu xây dựng đường dây nóng giữa cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, để khi các cơ quan phát hiện các sự việc đột xuất, nhạy cảm có thể xin ý kiến chỉ đạo nhanh chóng, kịp thời.

Các cơ quan quản lý báo chí phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ quản, triển khai công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết đối với đội ngũ lãnh đạo; tăng cường rà soát, đánh giá đội ngũ phóng viên, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ; xây dựng hoàn thiện quy hoạch cán bộ của đơn vị./.

PGS, TS Phạm Văn Linh

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.