Chụp ảnh báo chí: tưởng dễ mà khó!

17:44 24/11/2016 - Tác nghiệp
Khi chiếc máy ảnh kỹ thuật số ngày càng tốt và rẻ, thậm chí điện thoại di động cũng có thể chụp ảnh đẹp, nhiều người đã tưởng rằng công việc chụp ảnh báo chí cũng đang ngày càng dễ dàng. Thế nhưng chất lượng ảnh báo chí ở Việt Nam vẫn là nỗi trăn trở, thậm chí “tiếc nuối” của không ít người làm báo, các chuyên gia cũng như các tòa soạn.

Ảnh minh họa

Tiến bộ, nhưng chưa đủ

Công bằng mà nói, ảnh báo chí Việt Nam đã có rất nhiều tiến bộ trong khoảng 10 năm qua. Đã không còn tình trạng bài viết về mại dâm lại minh họa bằng ảnh hoa hậu hoặc ảnh một đằng, chú thích một nẻo, vốn là những câu chuyện bi hài và được nói rất nhiều ở các diễn đàn nghiệp vụ của giới báo chí.

Với việc dàn trang trên máy tính, in trên máy tốt, giấy tốt, ảnh báo chí trên báo in ngày càng sạch sẽ, dễ xem. Còn trên các báo điện tử, ngày càng xuất hiện nhiều bức ảnh, bộ ảnh đẹp. Tuy nhiên, nhiều người vẫn đánh giá ảnh báo chí Việt Nam còn đang tụt hậu nếu so với các thể loại báo chí khác như báo viết, báo nói, truyền hình đang phát triển mạnh mẽ.

Theo nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam (nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Thông tấn, Thông tấn xã Việt Nam), ảnh báo chí Việt Nam nói chung có tiến bộ, nhưng chưa đáp ứng nhu cầu của người xem. Sau nhiều năm làm giám khảo mảng ảnh báo chí tại các cuộc thi tác phẩm báo chí của Hội Nhà báo Việt Nam, ông Khánh cho rằng ảnh báo chí Việt Nam vẫn còn ít thông tin, hoặc thông tin được chuyển tải chưa đầy đủ, chưa sâu sắc, vấn đề được chuyển tải trong từng bức ảnh còn cũ, theo lối mòn. Theo đó, các bức ảnh chỉ mang tính minh họa, rất ít ảnh là một tác phẩm báo chí hoàn chỉnh.

Còn theo nhà báo Hoàng Hà, Trưởng ban Ảnh - Video Báo điện tử Zing.vn, ảnh của nhiều tờ báo điện tử còn dễ dãi, nhiều tấm ảnh chưa bảo đảm chất lượng kỹ thuật cũng được đăng báo trong khi các bộ ảnh thường không có đầu cuối, hình ảnh xấu, thậm chí lỗi kỹ thuật, trùng lặp và không nói được câu chuyện cần nói.

Bên cạnh một số phóng viên ảnh khá tinh thông về kỹ thuật, thiết bị và chụp được ảnh tốt thì do áp lực về biên chế và xu hướng làm báo đa phương tiện, nhiều phóng viên viết bài dù ít kỹ năng nhưng đã có máy ảnh, họ cũng chụp ảnh và được đăng. Kết quả là bạn đọc phải xem những bức ảnh chưa đẹp của các nhà báo lão luyện trong nghề viết nhưng vẫn là những người chụp ảnh nghiệp dư.

Có thể nói, ảnh của các báo, tạp chí được “bao cấp” thường kém hơn ảnh của các báo, tạp chí bán trên sạp. Tuy nhiên, điểm yếu chung của ảnh báo chí Việt Nam hiện tại là chưa ấn tượng, ít thông tin, ít sử dụng thủ pháp kỹ thuật cũng như mỹ thuật và cũ kỹ, lặp lại về góc chụp, cách chụp.

“Lỗi” tại ai và “xử lý” thế nào?

Chia sẻ với nhiều nhà báo, nhiều phóng viên ảnh và cả lãnh đạo một số tờ báo, chúng tôi ghi nhận nhiều ý kiến khá thú vị. Trong khi một số phóng viên ảnh thường “chê” các biên tập viên chọn ảnh không đúng ý và hay đặt ra các yêu cầu “vô lối” và “chẳng hiểu gì” về nhiếp ảnh, các tòa soạn trả nhuận bút thấp thì ngược lại, nhiều biên tập viên chê phóng viên ảnh lười biếng và chụp ảnh không đẹp.

Một số lãnh đạo tòa soạn cho rằng, chất lượng đào tạo của các trường dạy nhiếp ảnh báo chí còn kém nên không tuyển được người, người được tuyển tay nghề cũng không cao, trong khi một số giảng viên của chính các trường nói rằng trong nghề ảnh, điều cốt tử là người học phải đam mê, trong khi đại đa số học trò của các thầy chỉ đi học (ảnh báo chí) cho có cái gọi là đã học đại học.

Có nhiều căn nguyên dẫn đến ảnh báo chí Việt Nam chưa được “bằng chị bằng em”. Sâu xa nhất và liên quan đến số đông, đó là nhận thức chung về nhiếp ảnh tại Việt Nam còn có nhiều sai lệch. Đó là tình trạng nhầm lẫn giữa ảnh nghệ thuật với ảnh báo chí, sự ngộ nhận trước các giải thưởng nhiếp ảnh, không nắm rõ các khái niệm cơ bản, thậm chí sơ đẳng về nhiếp ảnh, dẫn đến lẫn lộn giữa định nghĩa thế nào là “đẹp”, thế nào là “tốt” khi đánh giá một tác phẩm ảnh...

Ngược lại, nhiều biên tập viên, thậm chí một số lãnh đạo các cơ quan báo chí dù rất giỏi trong nghề viết báo và quản lý cơ quan báo chí, nhưng do cũng chưa được đào tạo về nhiếp ảnh nên khó chỉ đạo được việc chụp ảnh và sử dụng hình ảnh sao cho tốt nhất.

Trao đổi với nhiều nhà báo, phóng viên ảnh và giảng viên nhiếp ảnh như Hoài Linh (Trưởng phòng ảnh Báo Tuổi Trẻ TP.Hồ Chí Minh), Hoàng Hà (Trưởng ban ảnh và video, Báo điện tử Zing.vn), Dương Quốc Bình (James Dương - giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền)..., chúng tôi ghi nhận các ý kiến tâm huyết về nguyên nhân khiến ảnh báo chí Việt Nam chậm phát triển, cũng như một số cách cải tiến, tháo gỡ.

Theo đó, hạn chế là một vòng khép kín, gồm quá trình đào tạo - tự đào tạo đối với người chụp ảnh; công tác sử dụng - đãi ngộ phóng viên ảnh; xây dựng quy trình - triển khai việc chụp ảnh và sử dụng hình ảnh./.

Lưu Quang Phổ

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top