Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Hợp tác với Việt Nam là tiếp cận với thị trường có 1,3 tỷ dân

21:55 06/09/2021 - Quốc hội khóa XV
Đó là chia sẻ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các doanh nghiệp Áo về việc hợp tác với Việt Nam tại diễn ra Diễn đàn doanh nghiệp Việt - Áo do Sứ quán Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Phòng thương mại kinh tế Liên bang Áo đồng tổ chức.

Theo chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ,  Hợp tác với Việt Nam là tiếp cận với 650 triệu dân ở khu vực ASEAN và một thị trường lớn hơn nữa với 800 triệu dân của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các thành viên Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã tham dự Diễn đàn, cùng với hơn 30 lãnh đạo là đại diện cho hơn 20 tập đoàn, công ty của Áo và đại diện một số doanh nghiệp Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các thành viên Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam  tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt - Áo 

Các doanh nghiệp của Áo tới dự Diễn đàn đang hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, y tế, tư vấn, giao thông, ô tô, thiết bị an ninh, phòng cháy, xử lý rác thải y tế, xử lý bền mặt kim loại, thương mại, luật, dịch vụ hàng không và năng lượng. Trong đó có nhiều đối tác đã và đang thực hiện các dự án ở Việt Nam như xây dựng cáp treo ở Đà Nẵng, Lào Cai, sản xuất phụ tùng ô tô, các công ty đa quốc gia đặt trụ sở đại diện của khu vực Đông Nam Á tại Việt Nam.

Ông Richard Schenz, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Áo cho biết, Phòng Thương mại kinh tế của Áo mong muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư mới ở Việt Nam để tránh những đổ vỡ trong chuỗi cung ứng hàng hoá đang có nguy cơ xả ra trên phạm vi toàn cầu hiện nay. Ông này hy vọng, qua Diễn đàn, hai bên sẽ hợp tác và đưa ra những sáng kiến để định vị ý tưởng về kinh doanh, đầu tư; đồng thời cùng tận dụng các lợi thế đầu tư và các cơ hội mới mang lại, đặc biệt là khu vực  châu Á, trong đó Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng.

“Chúng tôi nhận thấy là trọng tâm của các hoạt động kinh tế quốc tế hiện nay cũng như các hoạt động kinh tế khác tập trung rất là nhiều và châu Á và nhất là ở khu vực của Việt Nam. Gần đây chúng tôi đã thiết lập một văn phòng đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh tham gia vào các cơ hội hợp tác về công nghệ thành phố thông minh, phát triển cơ sở hạ tầng rồi lĩnh vực phát triển năng lượng sạch năng lượng, tái tạo và giao thông vận tải rồi có những tiềm năng về phát triển công nghệ để xử lý môi trường, xử lý rác thải, các giải pháp về phát triển sạch”, ông Richard Schenz cho biết.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt - Áo 

Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, năm 2020, nền kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 2,91%, thuộc nhóm tăng trưởng kinh tế cao nhất trên thế giới. Trong 8 tháng đầu năm 2021, nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt được những kết quả tích cực: GDP 6 tháng đầu năm tăng trưởng 5,64%; kim ngạch thương mại đạt gần 429 tỷ USD (tăng 27,2% so với cùng kỳ 2020), các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế nâng triển vọng lên tích cực, các chỉ số kinh tế vĩ mô ổn định... Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 ASEAN với quy mô GDP trên 350 tỷ USD, với kết quả thu hút FDI tích cực, Việt Nam lần đầu tiên được Hội nghị của Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) đưa vào danh sách 20 quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6,5% trong năm 2021, cao hơn mức tăng trưởng 6% của toàn thế giới. 

Bước vào năm 2021, năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam, là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Việt Nam đã đưa ra quan điểm phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới, đó là phát triển nhanh và bền vững, dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh đoàn kết; xây dựng nền kinh tế tự chủ trên cơ sở làm chủ công nghệ; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, phát huy nội lực là yếu tố quyết định gắn với ngoại lực và sức mạnh thời đại; và gắn kết phát triển kinh tế với xã hội, môi trường và với quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

“Về đầu tư nước ngoài, Việt Nam chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Đồng thời, ưu tiên thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; có sự lan tỏa kết nối hợp tác, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; thúc đẩy kinh tế số và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế xã hội của Việt Nam”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam  tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt - Áo 

Về quan hệ đầu tư, Áo hiện có 37 dự án với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 150 triệu USD, tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo và khoa học công nghệ. Về quan hệ thương mại, Áo luôn là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam và hiện đang nằm trong nhóm 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong khối EU. Kim ngạch thương mại song phương năm 2020 đạt 3,2 tỷ USD, con số ấn tượng trong bối cảnh dịch Covid-19, gấp 13 lần so với thời điểm năm 2010.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, kết quả này là khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Áo.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, để tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Áo trong thời gian tới, hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập Quan hệ ngoại giao Việt Nam – Áo, hai bên cần đẩy mạnh trao đổi thông tin sâu rộng về chính sách liên quan tới đầu tư của mỗi nước, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên hợp tác như năng lượng sạch, hạ tầng, viễn thông, kinh tế số, ứng dụng công nghệ sinh học; nâng cao vai trò của Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Áo về hợp tác kinh tế thương mại, đồng thời phối hợp triển khai các chương trình hợp tác xúc tiến đầu tư, thương mại dưới nhiều hình thức để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hai bên hiểu biết hơn về môi trường, cơ hội đầu tư của mỗi nước; các cơ quan hữu quan hai nước cần khuyến khích và thúc đẩy dòng đầu tư và thương mại hai chiều, trên cơ sở cùng có lợi; tăng cường trao đổi các đoàn doanh nghiệp đi khảo sát tìm hiểu thị trường cơ hội đầu tư và kết nối kinh doanh.

“Hiệp định thương mại EVFTA đã được Việt Nam và Liên minh châu Âu thực hiện được hơn 1 năm. Còn với Hiệp định bảo hộ đầu tư EVIPA, Quốc hội Việt Nam và Nghị viện châu Âu đã thông qua, nhưng theo quy định EVIPA phải được từng nghị viện thành viên của các nước EU phê chuẩn. Hiện nay, mới chỉ có 6/27 quốc gia đã chính thức phê chuẩn EVIPA, trong đó có cả Áo. Do đó, chúng tôi muốn Phòng Thương mại và Công nghiệp Áo và doanh nghiệp Áo ủng hộ Việt Nam, có tiếng nói để thúc đẩy Quốc hội và Chính phủ Áo hoàn tất các thủ tục phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư EVIPA sớm nhất. Chúng tôi ví EVFTA và EVIPA như là hai cánh của một con chim, nếu chỉ có Hiệp định thương mại mà không có Hiệp định bảo hộ đầu tư thì quyền lợi của các nhà đầu tư Việt Nam, cũng như của châu Âu sẽ không được bảo đảm. Khi hoàn tất phê chuẩn các Hiệp định này ở Nghị viện, lúc đó chúng ta mới có thể coi 2 Hiệp định này như là một Cao tốc, Đại lộ kinh tế 2 chiều để kết nối châu Âu với Việt Nam”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh với các doanh nghiệp của Áo.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng mong muốn, doanh nghiệp Áo ủng hộ để Chính phủ Áo hỗ trợ cung cấp vắc-xin, các trang thiết bị y tế, giúp Việt Nam phòng chống dịch bệnh.

Việc hai bên kết hợp với nhau sẽ có nhiều lợi ích, được Chủ tịch Quốc hội đặt ra là Áo có thể trở thành cầu nối giúp Việt Nam tiếp cận thị trường EU, đồng thời, Việt Nam sẽ trở thành cầu nối giúp Áo tiếp cận thị trường ASEAN rộng lớn với hơn 650 triệu dân và một thị trường lớn hơn nữa với 800 triệu dân khi Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), mà Việt Nam là thành viên, đã có hiệu lực.

Việt Nam cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất hướng đến các chuẩn mực của OECD, đó là, giữ vững ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô; tháo gỡ những điểm nghẽn của nền kinh tế về thể chế pháp luật, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực; phát triển các chuỗi cung ứng, giảm chi phí giao dịch, đặc biệt là chi phí về logistics và chi phí hành chính; xây dựng môi trường - chính sách ổn định, có tính dự báo cao, thực thi minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Tại diễn đàn, lãnh đạo các bộ ngành chức năng của Việt Nam đã trả lời những câu hỏi của các doanh nghiệp, đồng thời đưa ra các cam kết mạnh mẽ. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn  Lê Minh Hoan khẳng định Việt Nam sẽ chuyển từ nền nông nghiệp truyền thống, sử dụng nhiều hoá chất, chú trọng vào sản lượng sang nền nông nghiệp hữu cơ, tăng trưởng xanh, thích ứng và góp phần giảm thiểu tác động của biển đổi khí hậu.

“Chúng tôi trình Chính phủ Việt Nam có cơ chế chính sách để tạo điều kiện thu hút nhiều hơn nữa các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp phát triển nông thôn. Nhân cơ hội này, chúng tôi cũng cam kết, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ đồng hành ngay từ lúc mà tất cả các doanh nghiệp nước ngoài có ý tưởng đầu tư có giải pháp, có những sáng kiến, chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trình Chính phủ Việt Nam để có những tiếp cận, hợp tác tốt nhất trong thời gian tới nhanh nhất”, ông Lê Minh Hoan nói.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, những lĩnh vực quan tâm của doanh nghiệp Áo đều đã được đề cập trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030 và kế hoạch 5 năm 2021- 2025 của Việt Nam. Việt Nam hướng đến phát triển nhanh và bền vững, dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nhưng bảo đảm sự cân bằng, hài hòa và phát huy được hết khả năng, tiềm năng của Việt Nam để phát triển bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tri thức.

Lan Chi

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top