Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam qua các thời kỳ
23:57 31/12/2021
- Vấn đề sự kiện
71 năm đồng hành cùng lịch sử dân tộc, Hội Nhà báo Việt Nam đã trải qua 10 kỳ đại hội. Cùng với sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong đời sống báo chí nói riêng và xã hội nói chung.
Góp phần vào sự phát triển của hội không thể không nhắc đến vai trò lãnh đạo của lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam qua các thời kỳ. Nhân dịp diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt lần thứ XI, Báo Quân đội nhân dân Điện tử trân trọng giới thiệu các đồng chí Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam qua các thời kỳ.
Đồng chí Xuân Thủy giữ chức Hội trưởng Hội những người viết báo Việt Nam (Đại hội lần thứ nhất)
Ðại hội lần thứ nhất (Ðại hội thành lập) Hội những người viết báo Việt Nam họp vào tháng 5-1950, tại chiến khu Việt Bắc. Ðại hội đại diện 185 hội viên cả nước đã thống nhất thông qua Ðiều lệ, bầu Ban chấp hành Hội gồm 10 nhà báo, do đồng chí Xuân Thủy làm Hội trưởng; các đồng chí: Hoàng Tùng, Ðỗ Ðức Dục làm Phó hội trưởng.
Đồng chí Xuân Thủy (1912-1985) tên thật là Nguyễn Trọng Nhâm. Ông sinh ra tại làng Canh, xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội trong một gia đình có truyền thống yêu nước.
Đồng chí Xuân Thủy. Ảnh tư liệu.
Đồng chí Xuân Thủy cũng từng giữ các chức vụ quan trọng: Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris (1968-1973).
Nhà báo Xuân Thủy là một nhà tổ chức có tài trong báo giới. Trong kháng chiến chống Pháp, ông đã quy tụ được nhiều nhà văn, nhà thơ, họa sĩ tên tuổi như Văn Cao, Như Phong, Đỗ Phồn, Chế Lan Viên, Tú Mỡ, Tô Hoài, Trần Đình Thọ… làm biên tập viên, cộng tác viên của tờ Cứu Quốc Trung ương và báo Cứu Quốc Khu, Liên Khu...
Đồng chí Xuân Thủy giữ chức Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam (Đại hội lần thứ II)
Ðại hội lần thứ II Hội những người viết báo Việt Nam họp trong 2 ngày 16 và 17-4-1959 tại Hà Nội.
Ðại hội đã nhất trí đổi tên Hội thành Hội Nhà báo Việt Nam, thông qua điều lệ mới, bầu Ban chấp hành mới gồm 25 nhà báo do đồng chí Xuân Thủy làm Chủ tịch; các đồng chí Hoàng Tùng, Huỳnh Văn Tiểng và Phùng Bảo Thạch làm Phó chủ tịch; đồng chí Nguyễn Thành Lê làm Tổng thư ký.
Đồng chí Hoàng Tùng giữ chức Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam (Đại hội lần thứ III)
Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam họp từ ngày 7 đến 8-9-1962 tại Hà Nội.
Tại Đại hội, đồng chí Hoàng Tùng được bầu làm Chủ tịch. Các đồng chí Huỳnh Văn Tiểng, Phùng Bảo Thạch làm Phó chủ tịch. Đồng chí Lưu Quý Kỳ làm Tổng Thư ký.
Đồng chí Hoàng Tùng. Ảnh: Tuyengiao.vn.
Đồng chí Hoàng Tùng (1920-2010) tên thật là Trần Khánh Thọ, ông sinh tại huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.
Tại Hội thảo khoa học “Nhà báo Hoàng Tùng với quê hương Hà Nam và đất nước” tổ chức năm 2017, các đại biểu nhận định, Hoàng Tùng là cây đại thụ như cách gọi của nhiều nhà báo tên tuổi. Con người và sự nghiệp của Hoàng Tùng là sự kết hợp giữa nhà cách mạng lão thành, nhà tuyên huấn nổi tiếng và nhà báo ở tầm cao, người con ưu tú có nhiều đóng góp và ảnh hưởng sâu sắc tới sự phát triển của quê hương Hà Nam.
Đồng chí Hoàng Tùng giữ chức Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam (Đại hội lần thứ IV)
Từ tháng 1-1987 đồng chí Hồng Chương giữ chức Chủ tịch Hội
Từ ngày 8 đến 10-12-1983, Ðại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ IV đã được tổ chức tại Hà Nội.
Ðại hội đã bầu ra Ban chấp hành gồm 53 nhà báo, do đồng chí Hoàng Tùng làm Chủ tịch và 6 Phó chủ tịch: Hồng Chương, Hồng Hà, Trần Lâm, Trần Công Mân, Thanh Nho, Ðào Tùng. Đại hội bầu Ban Thư ký do ông Ðào Tùng làm Tổng Thư ký.
Từ tháng 1-1987, đồng chí Hoàng Tùng xin thôi làm Chủ tịch Hội vì lý do bận công tác Trung ương, Hội nghị Ban chấp hành đã bầu đồng chí Hồng Chương làm Chủ tịch Hội.
Đồng chí Hồng Chương. Ảnh: Hội Nhà báo Thái Nguyên.
Nhà báo Hồng Chương tên thật là Trần Hồng Chương, bút danh Trần Quốc Tú, sinh năm 1921, tại huyện Triệu Hải, tỉnh Quảng Trị. Ông yêu thơ văn và tham gia hoạt động cách mạng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường trung học.
Tại tọa đàm với chủ đề “Nhà báo Hồng Chương với báo chí cách mạng Việt Nam” tổ chức năm 2016, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi nhấn mạnh, nhà báo Hồng Chương thực sự là một tấm gương điển hình cần tuyên truyền, học tập, nhằm góp phần đẩy mạnh hơn nữa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách làm báo Hồ Chí Minh.
Mặc dù đảm nhận cương vị Chủ tịch Hội Nhà báo trong một thời gian không dài (1987-1989), nhưng nhà báo Hồng Chương đã có nhiều đóng góp to lớn, hiệu quả trên cương vị người đứng đầu tổ chức Hội.
Đồng chí Phan Quang giữ chức Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam (Đại hội lần thứ V)
Từ ngày 16 đến 18-10-1989, tại Hà Nội đã diễn ra Ðại hội lần thứ V Hội Nhà báo Việt Nam.
Đại hội thông qua nghị quyết Đại hội “Đổi mới báo chí vì sự nghiệp đổi mới đất nước”, thông qua điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam sửa đổi. Theo Điều lệ mới sửa đổi, Ban chấp hành Hội không có chức danh Chủ tịch mà chỉ có chức danh Tổng thư ký.
Đồng chí Phan Quang. Ảnh: TTXVN.
Ðại hội V đã bầu Ban Chấp hành gồm 39 người do đồng chí Phan Quang làm Tổng thư ký; các đồng chí: Trần Công Mân, Hồ Xuân Sơn làm Phó tổng Thư ký.
Tại tọa đàm với chủ đề “Nhà báo Phan Quang với báo chí cách mạng Việt Nam” tổ chức năm 2020, nhà báo Thuận Hữu đã khẳng định những đóng góp to lớn của nhà báo Phan Quang đối với sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam nói chung, cũng như đối với Hội Nhà báo Việt Nam nói riêng; là một trong những nhà báo tiêu biểu hàng đầu trong lịch sử 70 năm xây dựng và phát triển của Hội Nhà báo Việt Nam.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu nhà báo tại Đại hội VI Hội Nhà báo Việt Nam. Ảnh: Hoinhabaohatinh.
Đồng chí Phan Quang giữ chức Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam (Đại hội lần thứ VI)
Từ ngày 8 đến 9-3-1995, Ðại hội lần thứ VI Hội Nhà báo Việt Nam diễn ra tại Hà Nội.
Ðại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 35 Ủy viên, do đồng chí Phan Quang làm Chủ tịch; đồng chí Trần Mai Hạnh làm Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký và đồng chí Nguyễn Long Khởi làm Phó chủ tịch phụ trách phía Nam (Điều lệ mới của Hội khôi phục lại chức danh Chủ tịch và Phó chủ tịch).
Đồng chí Hồng Vinh giữ chức Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam (Đại hội lần thứ thứ VII)
Ðại hội lần thứ VII Hội Nhà báo Việt Nam họp trong 2 ngày 24 và 25-3-2000 tại Hà Nội.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành do đồng chí Hồng Vinh làm Chủ tịch, đồng chí Trần Mai Hạnh làm Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, đồng chí Ðinh Phong làm Phó chủ tịch phụ trách phía Nam.
Đồng chí Hồng Vinh tên thật Nguyễn Duy Lự, còn gọi Nguyễn Hồng Vinh (sinh 25 tháng 6 năm 1945), quê huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.
Đồng chí Hồng Vinh. Ảnh: Baonamdinh.com.vn.
Đồng chí đã từng đảm nhận nhiều chức vụ của Đảng, Nhà nước: Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Tổng Biên tập Báo Nhân Dân; Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học, nghệ thuật Trung ương; đại biểu Quốc hội các khóa X, XI. Ở cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, nhân dân, đồng nghiệp ghi nhận, đánh giá cao.
Đồng chí Đinh Thế Huynh giữ chức Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam (Đại hội lần thứ VIII)
Ðại hội lần thứ VIII Hội Nhà báo Việt Nam diễn ra từ ngày 11 đến 13-8-2005 tại Hà Nội.
Đồng chí Đinh Thế Huynh. Ảnh: TTXVN.
Ðại hội đã bầu ra Ban Chấp hành gồm 43 Ủy viên. Ban Chấp hành đã bầu Ban Thường vụ gồm 9 Ủy viên.
Đồng chí Ðinh Thế Huynh, được bầu làm Chủ tịch; đồng chí Lê Quốc Trung làm Phó chủ tịch Thường trực; đồng chí Phạm Quốc Toàn làm Phó chủ tịch phụ trách phía Nam.
Đồng chí Đinh Thế Huynh sinh ngày 15-5-1953 tại xã Xuân Kiên, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.
Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo và cán bộ nhân viên Hội Nhà báo Việt Nam chụp ảnh lưu niệm đầu năm 2020. Ảnh: Hội Nhà báo Việt Nam.
Đồng chí Đinh Thế Huynh giữ chức Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam (Đại hội lần thứ IX)
Tháng 3-2012, đồng chí Thuận Hữu giữ chức Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam
Ðại hội lần thứ IX Hội Nhà báo Việt Nam diễn ra từ ngày 10 đến 12-8-2010 tại Hà Nội. Đại hội tiếp tục bầu đồng chí Ðinh Thế Huynh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, giữ chức Chủ tịch Hội.
Đồng chí Thuận Hữu. Ảnh: TTXVN.
Do yêu cầu công tác, Hội nghị toàn thể lần thứ 3 Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa IX (nhiệm kỳ 2010-2015) ngày 27-3-2012, đã nhất trí để đồng chí Đinh Thế Huynh thôi giữ chức Chủ tịch, và bầu đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân tiếp quản chức Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Đồng chí Trần Gia Thái, Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội là Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam
Đồng chí Thuận Hữu, tên thật là Nguyễn Hữu Thuận, sinh ngày 12 tháng 9 năm 1958. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập báo Nhân Dân.
Đồng chí Thuận Hữu giữ chức Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam (Đại hội lần thứ X)
Từ ngày 7 đến 9-8-2015, Đại hội lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam đã diễn ra tại Hà Nội.
Tại Đại hội, đồng chí Thuận Hữu tiếp tục được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa X. Các đồng chí Hồ Quang Lợi, Mai Đức Lộc, Nguyễn Bé làm Phó chủ tịch.
Đồng chí Lê Quốc Minh. Ảnh: TTXVN.
Mới đây, ngày 26-10-2021, Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam đã họp bỏ phiếu bầu nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập Báo Nhân Dân làm Ủy viên Ban chấp hành, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, với 100% số phiếu tán thành.
TH
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Quốc hội thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) (05:36 26/11/2024)
- Tăng cường hợp tác giữa Hội Nhà báo Việt Nam với truyền thông Thái Lan (06:49 26/11/2024)
- Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (11:09 25/11/2024)
- Quốc hội sẽ xem xét công tác nhân sự trong tuần làm việc cuối của kỳ họp (05:50 25/11/2024)
- Giải Vô địch Bóng bàn Hội Nhà báo Việt Nam sẽ diễn ra trong tháng 12/2024 (04:01 18/11/2024)